Thứ sáu, 29/03/2024 00:17 (GMT+7)

Ngưỡng ô nhiễm không khí ở Hà Nội cao chưa từng thấy

MTĐT -  Thứ sáu, 15/11/2019 11:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Như vậy Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đã trải qua một tuần ô nhiễm không khí cực kỳ nghiêm trọng với xu hướng ô nhiễm tăng dần lên, từ ngưỡng đỏ, qua ngưỡng tím rồi lên ngưỡng nguy hại.

Theo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ ngày 5 – 12/11/2019, chất lượng không khí Hà Nội diễn biến theo chiều hướng xấu. Đặc biệt, hôm qua ghi nhận chỉ số chất lượng không khí AQI giờ vượt ngưỡng 300 (mức nguy hại), ngưỡng toàn bộ dân số có thể bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng, cần cảnh báo khẩn cấp.

Nồng độ PM2.5 tăng cao vào khoảng thời gian từ nửa đêm đến sáng sớm. Đặc biệt từ 1-7h sáng, chỉ số AQI giwof tại các trạm quan trắc đặt tại phố Phạm Văn Đồng, số 556 đường Nguyễn Văn Cừ, phố Minh Khai và Chi cục BVMT Hà Nội đều vượt ngưỡng giá trị 300 (mức nguy hại). Giá trị AQI giờ cao nhất ghi nhận được là 364 (mức nguy hại) tại trạm 556 Nguyễn Văn Cừ lúc 5 giờ sáng.

Ngày 12/11, chỉ số chất lượng không khí buổi sáng ở Hà Nội lên ngưỡng nguy hại, ngưỡng ô nhiễm nghiêm trọng nhất, gây nguy hiểm đến sức khỏe tất cả mọi người. Đây là đợt ô nhiễm không khí nặng nề nhất từ đầu mùa thu đến nay.

Ô nhiễm không dừng ở Hà Nội mà lan ra toàn miền Bắc và các tỉnh Bắc Trung bộ bao gồm cả điểm đo các tỉnh miền núi phía Bắc như: Việt Trì, Tuyên Quang, Thái Nguyên, các địa phương ở đồng bằng sông Hồng như Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình hầu hết ở ngưỡng đỏ, xấp xỉ ngưỡng tím.

Như vậy Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đã trải qua một tuần ô nhiễm không khí cực kỳ nghiêm trọng với xu hướng ô nhiễm tăng dần lên, từ ngưỡng đỏ, qua ngưỡng tím rồi lên ngưỡng nguy hại.

Theo nhận định sơ bộ Tổng cục Môi trường, nguyên nhân của hiện tượng này là từ 4-12/11, miền Bắc không có mưa, độ ẩm không khí thấp, trời nắng, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao dẫn đến hiện tượng nghịch nhiệt, các chất ô nhiễm trong không khí không thể phát tán lên cao và đi xa. Tổng cục Môi trường khuyến cáo, để bảo vệ sức khỏe, người dân nên hạn chế tập thể dục ngoài trời vào buổi sáng, hạn chế mở cửa sổ và nên sử dụng khẩu trang chống bụi, đeo kính khi ra đường.

Hà Nội trong tình đạng báo động đỏ về không khí. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bụi phủ khắp các tuyến đường

Những ngày qua thời tiết hanh khô, không có mưa khiến khói bụi tiếp tục gia tăng làm các chỉ số không khí tại Hà Nội tiếp tục xấu đi. Ngoài các chỉ số đo đạc, bằng cảm nhận trực quan, không quá khó để cảm nhận sự bức bí, ô nhiễm của môi trường Thủ đô những ngày này.

17h30 chiều 11/11, bến xe bus cổng Học viện Ngân hàng, đường Chùa Bộc (quận Đống Đa) mù mịt bụi do một công trường xây dựng đổ vật liệu ra đường. Trong khi đó, vỉa hè bị đào lên để lắp cáp điện, viễn thông. Những người đi qua đây phải lấy tay bịt mũi. 9h30 sáng 12/11, nút giao thông Ngã Tư Sở hướng Ngã Tư Vọng có mật độ giao thông đông đúc, các phương tiện nhíc từng mét một. Tuyến đường gần 3km không phải giờ cao điểm nhưng lúc nào cũng trong tình trạng ùn tắc, bụi bay khắp nơi.

Người dân bức xúc vì thành phố không có giải pháp ngăn chặn bụi mịn, chỉ trông vào trời mưa. Ông Lê Hữu Cầu, trú tại phường Khương Trung, quận Thanh Xuân nói: “Việc ô nhiễm này không thể xem nhẹ, lãnh đạo thành phố Hà Nội nên có kế hoạch và giải pháp cụ thể. Nếu chúng ta không quản lý được các xe chở vật liệu đất đá từ công trường thì chưa thể giải quyết dứt điểm vấn đề. Chính các phương tiện đó xả đất đá ra đường làm cho lượng bụi tăng lên”.

Các khu vực có mật độ dân số, xe cộ ít hơn nhưng cũng không tránh khỏi hiện tượng bụi phát tán. Đường Sa Đôi đi qua phường Phú Đô )quận Nam Từ Liêm) đang được gấp rút hoàn thiện, vật liệu xây dựng ngổn ngang. Mỗi khi có ô tô cỡ lớn đi qua, người dân phải đóng kín cửa để hạn chế bụi. Đường Nguyễn Trãi, Mễ Trì, Lương Thế Vinh, Vũ Hữu, Tố Hữu… nhiều đoạn cũng đang được đào lên để lắp cáp điện, rải thảm khiến khu vực này luôn trong tình trạng bức bối.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hương, công tác tại Trung tâm Hô hấp (BV Bạch Mai, Hà Nội) cho biết, trung bình mỗi người cần 10.000 lít không khí để thở mỗi ngày. Do đó, chất lượng không khí không bảo đảm có thể gây hàng loạt bệnh tật về đường hô hấp, tim, ung thư. Người bệnh thấy khó thở, ho nhiều hơn, kèm theo tức ngực và các dấu hiệu của một đợt bệnh cấp tính.

Theo bác sĩ Hương, bụi mịn sẽ thấm nhiễm vào trong máu, các cơ quan trong cơ thể, gây bệnh lâu dài. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng sức khỏe con người, tác động tiêu cực tới quá trình điều trị của bệnh nhân, khiến bệnh tình nặng hơn, kéo dài thời gian điều trị. “Người già, trẻ nhỏ thường có sức đề kháng kém nên việc hít phải các chất bụi, hoặc khói trong không khí sẽ dễ bị tổn thương niêm mạc và mắc các bệnh viêm nhiễm ở đường hô hấp”

Mong thành phố tưới nước rửa đường

Năm 2016, UBND TP Hà Nội yêu cầu Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) tạm dừng việc phun rửa đường tại một số tuyến phố để thí điểm bằng phương tiện quét rác, hút bụi tự động. Một năm sau, xe quét rác kiêm hút bụi tự động được triển khai rộng rãi tại nhiều quận.

Hệ thống xe hút bụi, hút rác không mang đến hiệu quả mong đợi được xem là một phần nguyên nhân khiến không khí Thủ đô ô nhiễm nặng nề. Một công nhân môi trường cho hay, để xe hút quét phát huy tác dụng tối đa, cần phun nước dập bụi trong suốt quá trình vận hành. “Đường phố nhỏ, vỉa hè người dân để xe máy nhiều thì rất khó dùng máy quét, nếu dùng máy không đúng cách thì chỉ thổi bụi bay tứ tung và nguy hiểm hơn”, anh này nói.

Bà Trần Thị Thanh có cửa hàng trên đường Nguyễn Chí Thanh đề nghị: “Từ lâu tôi không còn thấy xe rửa đường mà chỉ còn hút bụi, việc chỉ hút mà không rửa như quét nhà nhưng không lau. Mỗi lần xe hút rác đi qua cửa hàng nhà mình là bụi bay mù mịt, tất cả đều phải đóng cửa, chờ 5 đến 10 phút mới tiếp tục buôn bán.

Ông Bùi Mạnh Cường, trú tại phường Dịch Vọng (Cầu Giấy) cho rằng khí hậu tại Hà Nội không giống như các thành phố khác, nhân sự, công tác vận hành máy hút bụi cũng không được bài bản như tại Đức. Hơn nữa, vào mùa khô lượng bụi rất lớn, cắt bỏ rưa đường khiến lượng bụi gia tăng: “Có thể thành phố tiết kiệm được một khoản ngân sách nhưng thực tế lại khiến sức khỏe nhân dân bị ảnh hưởng, kéo theo nhiều hệ lụy, gánh nặng cho xã hội”.

Bắc Kinh thành công nhờ tuyên chiến với ô nhiễm

Năm 2014, Bắc Kinh bị đánh giá là nơi con người “gần như không thể thở nổi”. Thủ đô của Trung Quốc khi đó đang trải qua đợt ô nhiễm tồi tệ nhất trong lịch sử. Với mức ô nhiễm cao gấp 45 lần giới hạn khuyến cáo, Bắc Kinh xếp thứ 40 thế giới về nồng độ bụi mịn PM2.5.
Ngày 3/4/2014, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố trước 3000 đại biểu Quốc hội và hàng triệu người đang theo dõi qua truyền hình: “Chúng ta sẽ kiên quyết tuyên chiến với ô nhiễm như từng tuyên chiến với đói nghèo”. Tuyên bố này đánh dấu sự thay đổi về chính sách. Trong một thời gian dài, Trung Quốc luôn ưu tiên tăng trưởng kinh tế hơn môi trường, vì thế nhiều người hoài nghi liệu nước này có thực sự giải quyết được tình trạng ô nhiễm.
Bốn năm sau tuyên bố đó, số liệu cho thấy Trung Quốc chiến thắng với tốc độ kỷ lục. Các thành phố giảm được trung bình 32% nồng độ bụi mịn trong không khí chỉ trong vòng 4 năm. Trung Quốc làm thế nào để có kết quả đó.
Trong vài tháng trước khi ông Lý đưa ra tuyên bố trên, nước này công bố một chương trình hành động cuốc gia về cải cách chất lượng không khí, trong đó có yêu cầu tất cả các khu vực đô thị phải giảm ít nhất 10% nồng độ bui mịn, một số thành phố khác phải cắt giảm nhiều hơn. Thủ đo Bắc Kinh phải giảm 25%,và thành phố này quyết định dành nguồn kinh phí 120 tỷ USD để thực hiện mục tiêu đó.
Để triển khai kế hoạch, Trung Quốc cấm xây thêm nhà máy nhiện điện chạy bằng than ở các khu vực ô nhiễm nhất cả nước, trong đó có thủ đô. Các nhà máy đang hoạt động phải giảm lượng khí phát thải. Nếu không, than sẽ thay bằng khí tự nhiên. Những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu,…hạn chế lượng lượng ô tô chạy trên đường,. Trung Quốc cắt giảm năng lượng sản xuất của các nhà máy thép và đóng cửa nhiều mỏ than.
Một số hành động không chỉ quyết liệt mà còn khác thường. Ví dụ, năm 2017 Bộ Bảo vệ môi trường đưa ra “ kế hoạch chiến đấu” dài 143 trang, trong đó yêu cầu xóa sổ lò đốt than mà nhiều gia đình và doanh nghiệp sử dụng và sưởi ấm trong mùa đông. Lệnh cấm này được áp dụng dù lựa chọn thay thế không phải chỗ nào được có. Lệnh cấm khiến một số gia đình, sinh viên và doanh nghiệp trải qua mùa đông không có gì sưởi ấm.

Thành công của Trung Quốc trong công cuộc chống ô nhiễm không khí là bài học cho thấy sự giận dữ của người dân và nỗi xấu hổ trước cộng đồng quốc tế có thể khiến chính quyền phải hành động.

Được trong năm 2014 Delhi phản đối kết luận của tổ chức Y tế thế giới (WHO) rằng không khí ở thành phố này bẩn hơn ở Bắc Kinh. Đến nay, Bắc Kinh đã thoát khỏi danh sách 200 thành phố ô nhiễm nhất không khí, còn Delhi đang ở phái ngược lại.

Khi miền bắc Ấn Độ và một số khu vực của Pakistan đang trải qua một đợt ô nhiễm không khí lên đến ngưỡng nguy hiểm, trò đổ lỗi nổ ra giữa các chính trị gia ở hai phía của biên giới. Các bộ trưởng của Pakitan cho rằng chất lượng không khí tồi tệ ở một số thành phố của họ như Lahore là do tình trạng đốt rơm rạ bên phía Ấn Độ.

Ở bên kia biên giới một chính trị gia Ấn Độ nói rằng, không khí độc hại đang bao trùm thủ đô New Delhi có thể đén từ Pakitan hoặc Trung Quốc. Ông vineet Agarwal Sharda, lãnh đạo đảng BJP xầm quyền nói rằng “khí độc” có thể do một trong hai nước láng giềng xả ra và gây ô nhiễm cho thủ đô của Ấn Độ, BBC đưa tin.

Ban bố tình trạng ô nhiễm

Tổng cục Môi trường cho biết, theo dự báo thời tiết, miền bắc sắp đón đợt không khí lạnh kèm theo mưa, tình trạng ô nhiễm không khí sẽ giảm, chất lượng không khí sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, theo các chuyên gia môi trường, mùa đông là mùa ô nhiễm không khí nghiêm trọng khi hiện tượng nghịch nhiệt thường xuyên xẩy ra, “Từ nay đến mùa xuân sang năm sẽ còn nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng hơn nữa” chuyên gia môi trường Đào Nhật Đình nhận định.

Chỉ tính riêng từ cuối tháng 8 đến nay, Hà Nội đã trải qua 4 đợt ô nhiễm không khí đặc biệt nghiêm trọng với xu hướng đợt sau lâu hơn, nghiêm trọng hơn đợt trước. Tuy nhiên chưa thấy cơ quan chính quyền ban bố tình trạng khẩn cấp với giải pháp cấp bách.

Tại hội thảo “Tham vấn ý kiến đại biểu Quốc hội về một số định hướng lớn cần sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật bảo vệ môi trường và luật đất đai” diễn ra chiều ngày 11/11, Bộ tài nguyên và môi trường cho biết, Việt Nam còn thiếu hành lang pháp lý để quản lý chất lượng môi trường không khí, thực hiện các biện pháp ứng phó tình trạng ô nhiễm không khí nặng tại các đô thị.

Dự án luật bảo vệ môi trường sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định về quan trắc, thông tin chất lượng không khí, xác lập các khu vực có nguy cơ hoặc dấu hiệu ô nhiễm không khí, kế hoạch quản lý chất lượng không khí đối với các vùng có nguy cơ hoặc dấu hiệu bị ô nhiễm, áp dụng các biện pháp khẩn cấp đối với trường hợp ô nhiễm không khí ở mức nguy hại đối với sức khỏe cộng đồng.

Dự kiến dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được trình Quốc hội vào quý I/2020 và thông qua quý IV/2020.

Triển khai các giải pháp ô nhiễm

Giải thích về nguyên nhân ô nhiễm không khí tăng cao, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, vào ban ngày nền nhiệt tăng khá cao (nhiệt độ cao nhất 28oC); buổi tối, nhiệt độ lại giảm sâu (thấp nhất 19oC) gây ra hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ. Đồng thời, những ngày này tốc độ gió luôn ở mức thấp, các nguồn thải hàng ngày không phát tán lên cao mà bị giữ lại lơ lửng ở lớp khí quyển sát mặt đất.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ chiều 13/11, miền Bắc đón đợt không khí lạnh kèm theo mưa. Mưa sẽ rửa trôi các chất ô nhiễm trong không khí và gió giúp không khí lưu thông tốt hơn, tình trạng ô nhiễm sẽ giảm, chất lượng không khí được cải thiện hơn.

Mặc dù vậy, Chi cục Bảo vệ môi trường khuyến cáo người dân nên sử dụng khẩu trang đạt chuẩn để chống bụi, đoe kính khi ra đường… Hiện nay, thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp để cải thiện môi trường như: Tăng cường thanh tra, kiểm tra các công trình xây dựng, phương tiện giao thông gây bụi, phân làn giao thông nhằm hạn chế ùn tắc… Cùng với đó là tiếp tục thúc đẩy việc trồng thêm cây xanh, thay thế bếp than tổ ong…

Trước tình trạng trên, trao đổi với phóng viên Báo Hà Nội Mới, bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: Thời tiết giao mùa, hanh khô, kèm theo chất lượng không khí kém ảnh hưởng tới những bệnh nhân có sẵn bệnh lý về hô hấp. Người bệnh sẽ thấy khó thở nhiều hơn, ho nhiều hơn, kèm theo tức nặng ngực và các dấu hiệu của đợt cấp sẽ xuất hiện. Do vậy, những người đã mắc bệnh về hô hấp không nên ra ngoài khi không có việc thật sự cần thiết. Riêng với bệnh nhân hen và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cần phải tuân thủ và duy trì thuốc hằng ngày theo chỉ định của bác sĩ.

Còn theo PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc bệnh viện Tai – Mũi – Họng Trung ương, để phòng bệnh liên quan đến tai, mũi, họng người dân cần đeo khẩu trang chất lượng tốt khi ra đường. Ngoài ra, hằng ngày cần vệ sinh mũi, họng bằng dung dịch nước muối sinh lý hoặc nước sát khuẩn mũi họng theo hướng dẫn của bác sĩ, nên bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là với trẻ có sức đề kháng yếu.

Nên hạn chế ra đường

Hà Nội khuyến cáo, với chất lượng không khí như hiện tại, tất cả người dân ở Thủ đô nên hạn chế ra ngoài. Nếu phải ra ngoài, nên đeo khẩu trang chống bụi PM2.5 đạt chuẩn. Đặc biệt, học sinh không tham gia hoạt động vui chơi ngoài trời.

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 12/11, đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) xác nhận, sáng cùng ngày, nhiều điểm quan trắc ở Thủ đô ghi nhận chất lượng không khí chạm ngưỡng “Rất xấu” trong nhiều giờ liên tục, được thể hiện bằng màu tím (cảnh báo ảnh hưởng sức khỏe đến tất cả mọi người). Thời điểm có chất lượng không khí mức xấu nhất là 6 – 7h. Đến 10h, nồng độ bụi có xu hướng giảm, với tốc độ chậm.

Theo vị này, nguyên nhân ô nhiễm phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó các nguồn thải nhân tạo như hoạt động giao thông, dân sinh, xây dựng, công nghiệp… diễn ra thường xuyên nên lượng phát thải này có thể không biến động nhiều. Tuy nhiên, tùy từng thời điểm, chất lượng không khí có sự biến động theo ảnh hưởng của điều kiện khí tượng.

Đây là thời điểm đầu Đông nên bức xạ mặt trời yếu hơn mùa Hè, tuy nhiên, vào ban ngày, mặt đất bê tông hóa vẫn bị đốt nóng khiến nền nhiệt tăng khá cao (nhiệt độ cao nhất 28oC). Buổi tối, nhiệt độ lại giảm sâu (thấp nhất 19oC), mặt đất nhanh chóng lạnh đi khiến nhiệt độ ở tầng khí quyển sát mặt đất cũng giảm và thấp hơn khối không khí bên trên, gây ra hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ vào giữa đêm và sáng sớm.

Đồng thời, những ngày này không có gió mùa Đông Bắc tăng cường nên tốc độ gió luôn ở mức thấp. Tĩnh gió kết hợp nghịch nhiệt làm cho nguồn thải hằng ngày không phát tán lên cao được mà bị giữ lại lơ lửng ở lớp khí quyển sát mặt đất, khiến nồng độ chất thải rất cao.

Ngoài ra, những ngày gần đây, khu vực ngoại thành vẫn còn tồn tại việc đốt phụ phẩm nông nghiệp, đốt rác tự phát, thải ra một lượng khói bụi lớn. Đây có thể là một trong những nguyên nhân đóng góp vào ô nhiễm không khí những ngày qua./.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển
Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Ngưỡng ô nhiễm không khí ở Hà Nội cao chưa từng thấy. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.
Khắc phục ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi
Những năm qua, ngành chăn nuôi phát triển khá ổn định, song chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao, chất thải từ chuồng trại của nhiều nông hộ, gia trại, trang trại gây ô nhiễm môi trường.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.