Thứ sáu, 26/04/2024 14:59 (GMT+7)

Hướng nghiên cứu phục vụ phòng chống dịch Covid-19 giai đoạn mới

Hà Anh -  Thứ tư, 18/03/2020 14:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việt Nam đã chủ động trong việc sản xuất kit phát hiện SARS-CoV-2, khoanh vùng dịch. Tuy nhiên, để phòng các kịch bản xấu hơn, cần sớm có giải pháp hỗ trợ điều trị và hướng nghiên cứu phục vụ lâu dài.

Quang cảnh buổi họp (Nguồn: DDangcongssan.vn)

Ngày 17/3/2020, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc đã chủ trì cuộc họp tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về các hướng nghiên cứu tiếp theo để phục vụ tốt hơn công tác phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn mới.

Cuộc họp nhằm cụ thể hóa một trong những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được nêu tại Chỉ thị số 13/CT-TTg, ban hành ngày 11/3/2020, trong đó giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tiếp tục tập trung chỉ đạo nghiên cứu phương thức phòng, chống, phác đồ điều trị, vắc-xin phòng dịch Covid-19, sớm đưa kit thử vào sử dụng.

Tại cuộc họp, ông Phạm Công Tạc chia sẻ, ngay khi dịch bùng phát tại Trung Quốc, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt 4 đề tài nghiên cứu nhằm phục vụ phòng chống dịch Covid-19. Trong đó có nhiệm vụ “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm (còn gọi là bộ kít) real-time RT-PCR và RT-PCR phát hiện virus corona chủng mới (SARS-CoV-2)” do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á thực hiện.

Sau một tháng, hai đơn vị đã hoàn thiện quy trình công nghệ chế tạo được bộ kít real-time RT-PCR one step phát hiện SARS-CoV-2. Bộ Y tế sau đó có quyết định về việc ban hành danh mục 2 sinh phẩm chẩn đoán in vitro xét nghiệm virus được cấp số đăng ký do Học viện Quân y và Công ty Cổ phần Việt Á sản xuất để phục vụ kịp thời công tác phòng chống dịch Covid-19.

Theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc, sau khi Việt Nam sản xuất thành công bộ kít, Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ Khoa học và Công nghệ đã thông báo đến Bộ Khoa học và Công nghệ các nước ASEAN. Tính đến nay, theo báo cáo của đơn vị sản xuất, nhiều quốc gia, doanh nghiệp đã đặt vấn đề mua bộ kít do Việt Nam sản xuất.

Tại cuộc họp, các nhà khoa học, trong đó có các chuyên gia Bệnh viện nhiệt đới trung ương, Ban chủ nhiệm Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Học viện Quân y, Bộ Y tế và một số đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc xin đã đề xuất nhiều ý kiến tâm huyết.

Các nhà khoa học cho rằng, Việt Nam đã chủ động trong việc sản xuất kit phát hiện SARS-CoV-2 và khoanh vùng dịch. Tuy nhiên, để phòng các kịch bản xấu hơn, cần sớm có các giải pháp hỗ trợ điều trị và hướng nghiên cứu phục vụ lâu dài.

GS.TS. Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đề xuất, trong giai đoạn hiện nay và chuẩn bị cho tình huống lâu dài nếu dịch bùng phát, Việt Nam nên nghiên cứu robot hỗ trợ trong môi trường lây nhiễm nguy hiểm, như hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân cách ly, lau chùi, khử khuẩn phòng cách ly… Ngoài ra, chủ động sản xuất kháng thể đơn dòng và về lâu dài phải nghiên cứu sản xuất vắc-xin.

GS.TS. Lê Bách Quang, Ban Chủ nhiệm Chương trình KC.10/16-20 cũng đồng tình với GS.TS. Nguyễn Văn Kính, cần gấp rút nghiên cứu và chế tạo robot và nghiên cứu sản xuất kháng thể phục vụ cho điều trị Covid-19. Ngoài ra cần chủ động máy thở, mở rộng số phòng thí nghiệm được xét nghiệm Covid-19.

TS. Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế nhấn mạnh, cần ưu tiên phát triển robot dọn dẹp, robot đưa cơm, chăm sóc bệnh nhân và tập trung sản xuất kháng thể đơn dòng phục vụ cho điều trị.

Tại cuộc họp, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh dịch bùng phát như hiện nay, bên cạnh bộ kít phát hiện tại các phòng thí nghiệm, giúp chẩn đoán chính xác bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, cần sản xuất các loại kít phát hiện nhanh để tiến hành sàng lọc nhanh tại các khu vực như sân bay, nhà ga, khu vực cách ly.

Ngoài ra cần có các biện pháp đánh giá về môi trường như chỉ số bề mặt, chỉ số tiếp xúc, nghiên cứu chế tạo hệ thống khử khuẩn toàn thân dùng cho các cơ quan, trường học, bệnh viện, sân bay..., nghiên cứu sự biến đổi gen và lưu hành của SARS-CoV-2 ở động vật, nhất là động vật gần gũi với con người… Đây là những giải pháp rất cần thiết trong bối cảnh nguy cơ dịch có thể bùng phát và phải kiểm soát diện rộng.

Từ các đề xuất trên, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, với những trường hợp cấp bách Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan sớm xem xét giải quyết./.

Bạn đang đọc bài viết Hướng nghiên cứu phục vụ phòng chống dịch Covid-19 giai đoạn mới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Quản lý rác thải điện tử - Bài học từ thế giới
Rác thải điện tử khó tái chế, xử lý với chi phí cao nên việc xử lý ở Việt Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả. Tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia có thể là bài học hữu ích cho cơ quan quản lý môi trường Việt Nam trong xử lý loại chất thải này.
Ngành chiếu sáng Việt Nam trên lộ trình chuyển đổi số
Khai thác, sử dụng những thành tựu, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến của ngành kỹ thuật số vào ngành chiếu sáng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng tại các đô thị và tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, ...

Tin mới