Thứ sáu, 29/03/2024 19:10 (GMT+7)

Hành lang bảo vệ nguồn nước mặt đảm bảo cấp nước sinh hoạt an toàn

MTĐT -  Thứ ba, 19/11/2019 10:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nước cấp cho nhu cầu ăn uống và sinh hoạt của con người được lấy từ các thủy vực tự nhiên (nước mặt và nước ngầm) sau đó được xử lý để đảm bảo các quy chuẩn yêu cầu.

1.GIỚI THIỆU CHUNG

Nước cần thiết cho sự sống và bảo đảm nguồn cấp nước cho sinh hoạt là một nhiệm vụ của một bất kỳ một quốc gia, một xã hội nào. Nước sạch sinh hoạt có ý nghĩa sống còn đối với cuộc sống con người, là nhu cầu sử dụng thiết yếu hàng ngày, hàng giờ đối với bất cứ ai nên an ninh, an toàn nguồn nước nếu không được đảm bảo thì hệ quả trực tiếp là tính mạng, sức khỏe và cuộc sống của người dân bị đe dọa. Tài nguyên nước (TNN) là thành phần chủ yếu của môi trường sống, là yếu tố đặc biệt quan trọng bảo đảm thực hiện thành công các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia [7].

Nước cấp cho nhu cầu ăn uống và sinh hoạt của con người được lấy từ các thủy vực tự nhiên (nước mặt và nước ngầm) sau đó được xử lý để đảm bảo các quy chuẩn yêu cầu.  Đô thị hóa, nông nghiệp, công nghiệp và biến đổi khí hậu đang gây sức ép lên cả chất lượng và số lượng nước nguồn tự nhiên. Sự cạn kiệt nguồn nước, sự gia tăng về nhu cầu nước sạch, sự suy giảm về chất lượng nguồn nước đang là những thách thức mà nhân loại phải đối mặt. Vì vậy mỗi quốc gia phải có một chính sách riêng về an ninh nguồn nước và chiến lược đảm bảo cấp nước an toàn cho đô thị và khu dân cư. Bảo đảm cấp nước an toàn là những hoạt động nhằm giảm thiểu, loại bỏ, phòng ngừa các nguy cơ, rủi ro gây mất an toàn cấp nước từ nguồn nước qua các công đoạn thu nước, xử lý, dự trữ và phân phối đến khách hàng sử dụng nước [9].

Đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước là vấn đề lớn của các đô thị, bởi tình trạng ô nhiễm ngày càng phức tạp, khó kiểm soát. Sự cố nguồn nước sông Đà ô nhiễm dẫn đến nước cấp  của Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà bị nhiễm bẩn trong tháng 10 năm 2019  đã bộc lộ nhiều bất cập từ việc bảo vệ nguồn nước đầu nguồn, mối quan hệ giữa các tỉnh, các vùng,… cũng như kiểm soát như thế nào để giảm bớt thiệt hại, bởi khi nguồn nước không đảm bảo vệ sinh thì nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cả hệ thống cấp nước đô thị. Lập hành lang bảo vệ nguồn nước là khâu quan trọng nhất và phải thực hiện đầu tiên trong chiến lược cấp nước an toàn cho đô thị và khu dân cư.

Bài báo này sẽ trình bày các cơ sở khoa học và pháp lý về lập hành lang bảo vệ nguồn nước mặt, kiểm soát ô nhiễm để  bảo vệ nguồn nước để cấp nước tập trung cho sinh hoạt và vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng trong đảm bảo an toàn nguồn nước.

2. CÁC YÊU CẦU KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG NƯỚC MẶT VÀ LẬP HÀNH LANG BẢO VỆ NGUỒN NƯỚC CẤP CHO ĐÔ THỊ VÀ KHU DÂN CƯ TẬP TRUNG.

Nước thô từ các thủy vực tự nhiên để xử lý được theo các công nghệ có thể nhất (Best Available Technology – BAT) trong điều kiện kinh tế xã hội của các đô thị Việt Nam phải đảm bảo yêu cầu tối thiểu về chất lượng nêu trong TCXD 233:1999 - Các chỉ tiêu lựa chọn nguồn nước mặt, nước ngầm phục vụ hệ thống cấp nước sinh hoạt [20]. Trong đó, một số thông số cơ bản chất lượng nước mặt được nêu trong Bảng 1 sau đây.

Ngoài các thông số trên, trong  TCXD 233:1999 còn quy định giá trị các thông số: Cyanua, Phenol, As, Cd, Cr,Se, Hg, Cu, Pb, Zn, E.coli, hóa chất bảo vệ thực vật, hoạt độ phóng xạ α, β theo các cột A, B và C. Theo Bảng 1, cột A là nguồn nước có chất lượng tốt, chỉ xử lý đơn giản trước khi cấp cho ăn uống, sinh hoạt; cột B là nguồn nước có chất lượng bình thường, có thể khai thác, xử lý để cấp cho ăn uống và sinh hoạt;  và  cột C là nguồn nước có chất lượng xấu, nếu sử dụng vào mục đích cấp nước ăn uống và sinh hoạt thì cần được xử lý bằng các công nghệ đặc biệt, phải được giám sát nghiêm ngặt và thường xuyên về chất lượng nước. Nếu thông số, nồng độ các chất thành phần có giá trị lớn hơn hoặc nằm ngoài giới hạn quy định ở cột C thì không được sử dụng để cấp nước cho ăn uống và sinh hoạt [20].

Cấp nước an toàn là sẽ tạo ra các rào chắn an toàn từ nguồn tới các nơi tiêu thụ và mỗi khi qua các rào chắn này thì nguy cơ nguy hại sẽ giảm dần đi cho tới khi người dân sử dụng là an toàn nhất. Sông suối hồ là vừa là thủy vực phổ biến dễ khai thác sử dụng làm nguồn nước thô cho hệ thống cấp nước tập trung nhưng lại là nguồn tiếp nhận nước thải nên dễ bị rủi ro ô nhiễm. Sơ đồ kiểm soát ô nhiễm nguồn nước bao gồm nguồn thải, vùng nguồn nước bị tác động của nguồn thải và  vùng bảo hộ vệ sinh nguồn nước được nêu trên Hình 1 [21].

Sơ đồ Hình 1 làm rõ quá trình kiểm soát chất lượng để đảm bảo cấp nước sinh hoạt an toàn cho đô thị và khu dân cư theo các quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật  ngay từ các đối tượng đấu nối nước thải (theo TCVN 7957:2008), sau xử lý nước thải tập trung (QCVN 40:2011/BTNMT), tại ranh giới hành lang bảo vệ nguồn nước (QCVN 08-MT:2015/BTNMT), tại vị trí công trình thu nước (TCXD 233:1999), trong công trình xử lý nước cấp (TCXDVN 33:2006) và tại các đối tượng sử dụng nước sinh hoạt (QCVN 01:2018/BYT). Khoảng cách từ điểm kiểm soát chất lượng nước theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT đến điểm lấy nước thô của nhà máy nước là khoảng cách ly vệ sinh, tạo nên vùng bảo hộ vệ sinh có chiều dài LBV với đới bảo vệ gồm vùng nước và vùng đất liên quan. Đây chính là hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông, suối, kênh, rạch mà công trình đó khai thác và vùng thượng lưu, hạ lưu tính từ vị trí khai thác nước của công trình.

Vùng bảo vệ vệ sinh nguồn nước được chia làm ba khu vực: khu vực nghiêm cấm, khu vực hạn chế và khu vực theo dõi [22].

Trong khu vực nghiêm cấm (khu vực I) không được xây dựng bất kỳ một công trình kiến trúc hoặc nhà ở nào, cấm xả nước thải, tắm giặt, nuôi cá, chăn thả gia súc, cấm sử dụng hoá chất độc và các loại phân bón. Trong phạm vi khu vực nghiêm cấm có hàng rào bảo vệ, mặt bằng phải được san phẳng và có rãnh thoát nước bề mặt ra ngoài phạm vi khu vực. Phạm vi của khu vực nghiêm cấm được quy định phụ thuộc vào loại nguồn nước. Công trình thu nước nằm trong khu vực này. Các nhà ở, công trình hiện có ở gần phạm vi khu vực phải có biện pháp chống ô nhiễm nguồn nước. Mặt khác, cán bộ công nhân quản lý công trình thu nước cần phải thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện các nguy cơ gây ô nhiễm.

Khu vực hạn chế (Khu vực II) là khu vực kế tiếp khu vực nghiêm cấm đã nêu ở trên. Trong khu vực này, Các nhà máy, xí nghiệp, khu dân cư nằm trong khu vực hạn chế phải được xây dựng hoàn thiện hệ thống thoát nước thải và thoát nước mưa tránh gây ô nhiễm đất và nguồn nước. Cấm thải phân, rác, rác thải công nghiệp, hoá chất độc hại trong khu vực này. Nước thải sinh hoạt, sản xuất trước khi xả vào nguồn phải được xử lý phù hợp với các quy định về bảo vệ vệ sinh môi trường và  đảm bảo mức A của QCVN 14:2008/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt hoặc QCVN 40:2011/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp. Ngoài ra, cần hạn chế đến mức tối thiểu việc xây dựng các công trình có thể gây ô nhiễm nguồn nước và phá hoại tầng chứa nước.


Khu vực theo dõi (Khu vực III) là vành đai bảo vệ ngoài cùng của nguồn cung cấp nước. Trong khu vực này cần theo dõi để phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi có thể gây ô nhiễm nguồn nước. Với các sông lớn là khu vực này bao gồm toàn bộ thượng lưu và  với các sông nhỏ là khu vực theo dõi bao gồm toàn bộ thượng lưu và các nhánh bổ cập.
Theo QCVN 01:2008/BXD – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng [12],  xung quanh điểm lấy nước nguồn cấp cho đô thị phải có khu vực bảo vệ nguồn nước quy định như trong Bảng 2.

Bảng 2. Các quy định chính ranh giới khu vực bảo vệ nguồn nước  mặt cấp cho đô thị [12]

Việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoat được xác định trên nguyên tắc: đảm bảo ngăn ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực đến chất lượng nguồn nước của công trình khai thác nước để cấp cho sinh hoạt và các chức năng khác của nguồn nước; phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất, địa chất thuỷ văn, chế độ dòng chảy, đặc điểm nguồn nước, quy mô khai thác, sơ đồ bố trí công trình và các đặc điểm khác liên quan đến việc bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt; phù hợp với hiện trạng sử dụng đất và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của khu vực có công trình khai thác nước cấp cho sinh hoạt.

3. CƠ SỞ PHÁP LUẬT VỀ LẬP HÀNH LANG BẢO VỆ VÀ KIỂM SOÁT Ô NHIỄM NGUỒN NƯỚC NHẰM ĐẢM BẢO CẤP NƯỚC AN TOÀN CHO ĐÔ THỊ VÀ KHU DÂN CƯ


Các nội dung liên quan đến kiểm soát để bảo vệ nguồn cung cấp nước thô cho các hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung được quy định trong các văn bản pháp luật của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đó là các luật: Luật TNN Số:17/2012/QH13  ngày 21/6 /2012 [1], Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) Số: 55 /2014/QH13 ngày 23/6/2014 [2], Luật Thủy lợi Số: 08/2017/QH14, ngày 19 tháng 6 năm 2017 [3], Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân Số: 21/LCT/HĐNN8 năm 1989 [4] và các nghị định, thông tư,… liên quan khác.

3.1. Lập hành lang bảo vệ nguồn nước

Luật TNN quy định về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng TNN và Nghị định Số: 43/2015/NĐ-CP, ngày 06 tháng 05 năm 2015 của Chính phủ quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước [6]. Trong Điều 4 của Nghị Định, chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước được nêu rõ là: bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước; phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước;  bảo vệ, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái thủy sinh, các loài động, thực vật tự nhiên ven nguồn nước; và  tạo không gian cho các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, bảo tồn và phát triển các giá trị về lịch sử, văn hóa, du lịch, tín ngưỡng liên quan đến nguồn nước. Chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước được thể hiện trong Danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước và là căn cứ để xác định phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định của Nghị định.

 Điều 52 của Luật BVMT quy định chung về BVMT nước sông: 1). BVMT nước sông là một trong những nội dung cơ bản của quy hoạch, kế hoạch khai thác, sử dụng nước sông; 2). Nguồn thải vào lưu vực sông phải được quản lý phù hợp với sức chịu tải của sông; 3). Chất lượng nước sông, trầm tích phải được theo dõi, đánh giá; 4). BVMT lưu vực sông phải gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học, khai thác và sử dụng nguồn nước sông; và  5). Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý chất thải trước khi xả thải vào lưu vực sông theo quy định của pháp luật [2].

Quyết định Số: 1566/QĐ-TTg ngày ngày 09 tháng 08 năm 2016 của Thủ Tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016 – 2025 [8]. Nội dung về bảo vệ nguồn nước nêu trong Quyết định này là: Lập hành lang bảo vệ nguồn nước, xây dựng các phương án bảo vệ, cải tạo chất lượng nguồn nước khai thác đáp ứng các yêu cầu về bảo đảm cấp nước an toàn; Rà soát, bổ sung các quy định về hệ thống quan trắc giám sát chất lượng nguồn nước sinh hoạt; kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm ảnh hưởng đến nguồn nước; xây dựng hệ thống cảnh báo sớm chất lượng nguồn nước và xử lý nghiêm các vi phạm về xả thải, gây ô nhiễm nguồn nước, khai thác, sử dụng nguồn nước trái phép.

3.2. Bảo vệ nguồn nước cấp cho sinh hoạt

Về bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt, Điều 32 của Luật TNN nêu rõ: tổ chức, cá nhân không được xả nước thải, đưa các chất thải vào vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt. Đối với tổ chức, cá nhân khai thác nước để cấp nước cho sinh hoạt phải thực hiện các biện pháp: a) Thường xuyên quan trắc, theo dõi chất lượng nguồn nước sinh hoạt và bảo đảm chất lượng đối với nguồn nước do mình khai thác; b) Có phương án khai thác nguồn nước khác để thay thế trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt đang khai thác. Người phát hiện hành vi gây hủy hoại, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt có trách nhiệm ngăn chặn và kịp thời báo ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý.

Điều 7 Luật BVMT nêu rõ sự nghiêm cấm  phá hoại, khai thác trái phép nguồn tài nguyên thiên nhiên;  thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước và không khí; và đưa vào nguồn nước hóa chất độc hại, chất thải, vi sinh vật chưa được kiểm định và tác nhân độc hại khác đối với con người và sinh vật [2]. Điều 8 của Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân quy định các cơ quan, xí nghiệp cấp nước phải bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh nước dùng trong sinh hoạt của nhân dân; và nghiêm cấm các tổ chức Nhà nước, tập thể, tư nhân và mọi công dân làm ô nhiễm các nguồn nước dùng trong sinh hoạt của nhân dân [4]. Điều 8 của Luật Thủy lợi nêu rõ các  hành vi : đổ chất thải, rác thải trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; xả nước thải trái quy định của pháp luật vào công trình thủy lợi; làm ô nhiễm nguồn nước trong công trình thủy lợi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy lợi [3]. Điều 6  Nghị định 43/2015/NĐ-CP nêu rõ, trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước các hành vi bị cấm được là:  hành vi gây đe dọa, làm suy giảm chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước; gây sạt, lở bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng, uy hiếp đến sự ổn định, an toàn của sông, suối, kênh rạch, hồ chứa;  lấn chiếm, sử dụng trái phép đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước; sử dụng đất không đúng mục đích đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;  và  xây dựng mới hoặc mở rộng quy mô bệnh viện, cơ sở y tế điều trị bệnh truyền nhiễm, nghĩa trang, bãi chôn lấp chất thải, cơ sở sản xuất hóa chất độc hại, cơ sở sản xuất, chế biến có nước thải nguy hại [6]

3.3. Quan trắc chất lượng nước mặt

Quan trắc theo chu kỳ chất lượng nước nguồn là kế hoạch không thể thiếu đối với nguồn nước cấp. Quan trắc chất lượng nước, đo đạc thủy văn nguồn nước được thực hiện theo Thông tư số: 47/2017/TT-BTNMT ngày 07 tháng 11 năm 2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường  quy định về giám sát khai thác, sử dụng TNN [11]. Số lượng chỉ tiêu quan trắc cần đủ để đánh giá tổng thể chất lượng nước nguồn. Quy trình kỹ thuật nêu trong Thông tư số: 29/2011/TT-BTNMT ngày 01/8/2011 quy định quy trình kỹ thuật quan trắc môi trường nước mặt lục địa của Bộ Tài nguyên và Môi trường [10]. Các thông số cần phân tích  để đánh giá diễn biến chất lượng nước là: độ pH, độ cứng, hàm lượng BOD5, hàm lượng DO, hàm lượng tổng chất rắn lơ lửng (TSS), hàm lượng tổng chất rắn hoà tan (TDS), hàm lượng PO43, hàm lượng H2S, hàm lượng SO42, hàm lượng Pb, hàm lượng Cd, hàm lượng Cl-, hàm lượng Mn, hàm lượng Fe, hàm lượng NH3, hàm lượng NO3, hàm lượng NO2, hàm lượng CN-, số lượng Coliform, hàm lượng thuốc trừ sâu Photpho hữu cơ, hàm lượng thuốc trừ sâu Clo hữu cơ, hàm lượng As,  hàm lượng thuỷ ngân,  hàm lượng dầu mỡ khoáng,…[10].

Chương trình quan trắc cần chỉ rõ tần suất lấy mẫu và phương pháp xác định các chỉ tiêu để tạo ra cơ sở dữ liệu nhằm chỉ ra xu hướng diễn biến chất lượng nguồn nước về ngắn hạn và dài hạn. Quan trắc liên tục là biện pháp hữu hiệu, linh hoạt nhằm cảnh báo nguy cơ xấu xảy ra đối với nguồn nước. Tần suất quan trắc với mỗi vị trí lấy mẫu trong hành lang bảo vệ nguồn nước phải đảm bảo đánh giá được bản chất những thay đổi của các yếu tố chất lượng nước theo thời gian và không gian. Những vị trí lấy mẫu đặc biệt như tại vị trí giám sát chất lượng nước cung cấp cho sinh hoạt tập trung hoặc vị trí gần nguồn phát thải, tùy theo quy luật lấy nước hay phát thải có thể tăng tần suất lấy mẫu theo yêu cầu của thực tế.

Số liệu quan trắc có thể được sử dụng để phát hiện các sự cố có thể xảy ra ở vào giai đoạn sớm. Ngoài những cảnh báo cần thiết, quan trắc tại chỗ cho phép điều chỉnh, áp dụng các giải pháp khắc phục các sự cố thông qua vận hành hệ thống xử lý nước, ví dụ gây ra bởi nhiều nguyên nhân: hóa chất, chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt, hoạt động của sinh vật. Số liệu quan trắc cho phép xác định nguồn thải để từ đó có giải pháp khắc phục.

3.4. Vai trò và sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị  và cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn nước mặt của hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung.

Để tổ chức thực hiện các quy định về BVMT nước sông, Luật BVMT 2014 giao rõ trách nhiệm cho các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, trong đó, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức BVMT nước lưu vực sông nội tỉnh, Bộ TNMT chịu trách nhiệm tổ chức BVMT nước lưu vực sông liên tỉnh và sông xuyên biên giới [2].

Quyết định Số:1566/QĐ-TTg ngày ngày 09 tháng 08 năm 2016 của Thủ Tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016 – 2025 [8] nêu rõ: thực hiện cấp nước an toàn là trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, đơn vị cấp nước và toàn thể cộng đồng. Trong Chương trình này, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm quản lý và bảo vệ TNN, cụ thể là: theo dõi, quản lý việc khai thác sử dụng nguồn nước; hướng dẫn, kiểm tra việc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; giám sát các nguồn gây ô nhiễm nguồn nước;  xây dựng, quản lý hệ thống quan trắc, giám sát TNN, khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước; xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn nước và chế độ chia sẻ thông tin kịp thời giúp đơn vị cấp nước chủ động khắc phục các rủi ro về nguồn nước;  và chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý các vi phạm về hành lang bảo vệ nguồn nước, xả thải gây ô nhiễm nguồn nước cấp nước sinh hoạt và ăn uống.

Điều 32 của Luật TNN nêu rõ  Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm: xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trong phạm vi địa phương theo quy định của Bộ TNMT; và tổ chức công bố thông tin chất lượng nguồn nước sinh hoạt, cảnh báo hiện tượng bất thường về chất lượng của nguồn nước sinh hoạt đối với các nguồn nước trên địa bàn [1]. Nghị định số: 117/2007/NĐ-CP ngày  11  tháng 7  năm 2007 của Chính Phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch nêu rõ: các Bộ, ngành có liên quan tiến hành điều tra, khảo sát, lập và quản lý bộ dữ liệu đầy đủ về nguồn nước phục vụ cho cấp nước [5]. Cơ quan quản lý TNN có trách nhiệm xây dựng quy hoạch khai thác, sử dụng TNN và cung cấp các thông tin cần thiết phục vụ cấp nước. Đơn vị khai thác nguồn nước để cấp nước có trách nhiệm xây dựng đới phòng hộ vệ sinh khu vực khai thác nước để trình cơ quan có thẩm quyền quyết định, bảo vệ nguồn nước và môi trường tại khu vực khai thác và cung cấp đầy đủ thông tin, số liệu về việc sử dụng nước theo quy định của pháp luật. Để phối hợp bảo vệ hệ thống cấp nước, Điều 57 của Nghị định Số: 117/2007/NĐ-CP nêu rõ: Chính quyền các cấp, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối hợp với đơn vị cấp nước bảo vệ an toàn hệ thống cấp nước trên địa bàn và đơn vị cấp nước có nhiệm vụ tổ chức lực lượng bảo vệ an toàn hệ thống cấp nước do mình quản lý [5]

Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là: chỉ đạo, tổ chức xây dựng và phê duyệt danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn [6]; thành lập hoặc hoàn thiện tổ chức hoạt động Ban Chỉ đạo cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch cấp tỉnh, đó là: nghiên cứu, xây dựng các quy định và hướng dẫn cụ thể về thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn phù hợp với địa phương theo thẩm quyền;  tổ chức, phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền bảo vệ nguồn nước, hướng dẫn người dân về việc lưu trữ, sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh;  xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 32 Luật TNN; chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ, phòng ngừa các nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, khu vực bảo vệ nguồn nước, xử lý kịp thời các sự cố, vi phạm gây ô nhiễm nguồn nước và mất an toàn hệ thống cấp nước.;…[ 8].

Trách nhiệm của đơn vị cấp nước là: lập và triển khai thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn các hệ thống cấp nước do đơn vị quản lý theo lộ trình được phê duyệt; tổ chức giám sát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện cấp nước an toàn;  bảo vệ an toàn hệ thống cấp nước; phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát, đánh giá các tác động ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước; nghiên cứu, đề xuất biện pháp quản lý các nguồn gây ô nhiễm; lựa chọn nguồn nước khai thác lâu dài, dự phòng; thông báo kịp thời tình hình chất lượng nước cấp trên các phương tiện thông tin đại chúng;  đầu tư, cải tạo công trình cấp nước; nâng cấp trang thiết bị giám sát, điều khiển hệ thống cấp nước; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ xử lý nước trong điều kiện suy thoái chất lượng nguồn nước và xâm nhập mặn; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành hệ thống cấp nước; xây dựng quy trình quản lý, ứng phó, khắc phục rủi ro; bố trí nguồn nhân lực, trang thiết bị kịp thời trong trường hợp xảy ra sự cố nhằm giảm thời gian ngừng cấp nước và đáp ứng yêu cầu cung cấp nước ổn định; tổ chức tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước sạch tiết kiệm và an toàn;… [8].

Hội Cấp thoát nước Việt Nam, hiệp hội nghề nghiệp và khoa học của hàng trăm hội viên hoạt động trong lĩnh vực cấp thoát nước có nhiệm vụ:  tham gia, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan trong công tác đào tạo, phổ biến, tuyên truyền; tổ chức hội thảo, hội nghị chia sẻ kinh nghiệm, về cấp nước an toàn cho các đơn vị cấp nước; phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, xây dựng bộ chỉ số kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện cấp nước an toàn [8].

Cộng đồng dân cư, hộ gia đình, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước, bảo vệ hệ thống cấp nước, BVMT, sử dụng nước tiết kiệm; giám sát, kiểm tra chất lượng nước; phát hiện và thông báo, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm nhằm đảm bảo thực hiện cấp nước an toàn.

4. KẾT LUẬN


An toàn nguồn nước để cấp nước sinh hoạt tập trung cho đô thị và khu dân cư cần thiết phải được đảm bảo.  Giải pháp quan trọng nhất đảm bảo an toàn nguồn nước là lập hành lang bảo hộ vệ sinh và bảo vệ nguồn cung cấp nước này. Hành lang bảo hộ vệ sinh nguồn nước của hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung được thiết lập trên các cơ sở khoa học với các quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp cùng hệ thống văn bản pháp lý chặt chẽ.

Tuy nhiên hiện nay việc chấp hành và thực hiện các quy định về bảo vệ nguồn nước thô của hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung còn nhiều bất cập,  hành lang bảo vệ nguồn nước còn bị xâm phạm nhiều, … tạo nên những sự báo động rủi ro về an ninh nguồn nước và không đảm bảo cho cấp nước an toàn.

Như vậy, đối với hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung, cần thiết phải tập trung nguồn lực, thiết lập lại thể chế về bảo vệ nguồn nước, trước mắt là xây dựng được hành lang bảo vệ nguồn nước để đảm bảo cấp nước an toàn.

GS.TS Trần Đức Hạ (1), Trần Thúy Anh(2).

(1)Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường; (2)Trường Đại học Xây dựng

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Luật Tài nguyên nước Số:17/2012/QH13 ngày 21/6 /2012
  2. Luật Bảo vệ môi trường Số: 55 /2014/QH13 ngày 23/6/2014
  3. Luật Thủy lợi Số: 08/2017/QH14, ngày 19 tháng 6 năm 2017
  4. Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989 , Số: 21/LCT/HĐNN8
  5. Nghị định số: 117/2007/NĐ-CP ngày 11  tháng 7  năm 2007 của Chính Phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch.
  6. Nghị định Số: 43/2015/NĐ-CP, ngày 06 tháng 05 năm 2015 của Chính phủ quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.
  7. Quyết định Số: 81/2006/QĐ-TTg ngày  ngày 14 tháng 4 năm 2006  của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020
  8. Quyết định Số: 1566/QĐ-TTg ngày ngày 09 tháng 08 năm 2016 của Thủ Tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016 – 2025
  9. Thông tư Số: 08/2012/TT-BXD ngày 21 tháng 11 năm 2012 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn
  10. Thông tư số: 29/2011/TT-BTNMT ngày 01/8/2011 quy định quy trình kỹ thuật quan trắc môi trường nước mặt lục địa
  11. Thông tư số: 47/2017/TT-BTNMT ngày 07 tháng 11 năm 2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước
  12. QCVN 01:2008/BXD – Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về quy hoạch xây dựng
  13. QCVN 07:2016/BXD – Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về công trình hạ tầng kỹ thuật
  14. QCVN 08-MT:20015/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước mặt.
  15. QCVN 14:2008/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt.
  16. QCVN 40:2011/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp
  17. QCVN 01-1:2018/BYT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt
  18. TCVN 7957:2008-Thoát nước: Mạng lưới và công trình bên ngoài – Tiêu chuẩn thiết kế.
  19. TCXDVN 33:2006-Cấp nước: Mạng lưới và công trình bên ngoài – Tiêu chuẩn thiết kế.
  20. TCXD 233:1999- Các chỉ tiêu lựa chọn nguồn nước mặt và nước ngầm phục vụ hệ thống cấp nước sinh hoạt.
  21. Trần Đức Hạ. Bảo vệ và quản lý tài nguyên nước. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, 2016.
  22. Trần Đức Hạ. Hồ chứa nước: Quản lý kỹ thuật cấp nước an toàn cho đô thị và khu dân cư. Nhà Xuất bản Xây dựng, 2019.

Bạn đang đọc bài viết Hành lang bảo vệ nguồn nước mặt đảm bảo cấp nước sinh hoạt an toàn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thái Nguyên: Tận dụng phế phẩm để chăn nuôi
Tận dụng nguồn thức ăn thừa tại các bếp ăn tập thể, hội viên Hội Chăn nuôi - Thú y tỉnh Thái Nguyên đã xử lý, chế biến để làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản.
Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.

Tin mới