Thứ bảy, 20/04/2024 17:42 (GMT+7)

Hạ tầng đô thị –Thực trạng và giải pháp

MTĐT -  Thứ tư, 23/05/2018 10:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc xây dựng nhà cao tầng tại các trung tâm đô thị hiện đại kéo theo nhiều hệ lụy mà trước hết tác động trực tiếp lên hạ tầng kỹ thuật.

Nhà cao tầng là một thành phần không thể thiếu được trong các thành phố hiện đại. Đối với thành phố mới, khu đô thị mới việc xây dựng nhà cao tầng tỏ ra dễ dàng hơn nhiều so với xây dựng tại các khu đô thị cũ, khu phố cổ, khu vực nội đô lịch sử. Việc xây dựng nhà cao tầng tại các khu đô thị này kéo theo nhiều hệ lụy mà trước hết tác động lên hạ tầng kỹ thuật đặc biệt là giao thông. Vì vậy phải có nghiên cứu, đánh giá toàn diện về vấn đề này trước khi quyết định phát triển nhà cao tầng. Bài viết khái quát những bất cập và đề xuất một vài giải pháp liên quan đến hạ tầng kỹ thuật.

I. Khái quát về đặc điểm các khu nội đô, khu vực nội đô lịch sử

Các khu vực nội đô, nội đô lịch sử phần lớn là các lô phố nhỏ với kiến trúc công trình nhỏ, nhà ở gắn liền với phương thức kinh doanh theo kiểu phố chợ (khu phố cổ Hà Nội) hoặc nhà ở theo kiểu biệt thự, nhà liền kề, nhà công sở hành chính, bệnh viện, không gian công cộng, nhà ga, … (như khu phố Pháp – Hà Nội). Do đây là trung tâm đô thị tuy mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất thấp nhưng mật độ dân số cao, giao lưu buôn bán, hoạt động đô thị sôi động, giá trị kinh doanh cao nên thu hút đầu tư lớn.

Cùng với thu hút đầu tư cho các hoạt động kinh tế, việc xây dựng và cải tạo các khu vực trung tâm nôi đô đã được đẩy mạnh. Nhiều khu vực trung tâm đường phố trở nên phồn vinh và đẹp hơn nhưng vẫn giữ được bản sắc vốn có như khu vực quanh Hồ Gươm, phố Tràng Tiền hay khu phố cổ Hà Nội; Đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi (TP. Hồ Chí Minh); hai bên bờ sông Hương (TP.Huế); hai bên bờ sông Hàn (TP. Đà Nẵng)…Mặt khác song song với hiện đại hóa các công trình kiến trúc đô thị thì việc nâng cấp các công trình hạ tầng kỹ thuật đặc biệt là giao thông cũng đã góp phần không nhỏ vào việc tạo điều kiện hoạt động kinh doanh và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

II Phát triển nhà cao tầng trong các khu nội đô là tất yếu khách quan nhưng phải tuân thủ quy hoạch xây dựng.

Trong thời gian vừa qua nhiều nhà cao tầng được xây dựng đã đóng góp vào việc làm thay đổi bộ mặt đô thị, tạo nên sắc thái mới của sự phát triển và nhiều nhà cao tầng vẫn tập trung vào khu vực đô thị hiện hữu bởi vì đây là khu vực có giá trị kinh doanh cao và khá thuận lợi về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Việc xây dựng xen cấy các nhà cao tầng tại các khu vực này cũng đã mang lại những kết quả bước đầu góp phần tận dụng giá trị sử dụng đất, tăng giá trị đầu tư, từng bước chỉnh trang bộ mặt đô thị, tạo động lực phát triển khu vực lân cận.

Tại TP. Hà Nội, TP. Hồ chí Minh trong những năm qua đã xây dựng hàng trăm nhà cao tầng. Trong các dự án nhà cao tầng trong các khu đô thị ngoài dự án có quy mô lớn xây dựng trên cả ô phố phần lớn đều ở dạng xen cấy trên một phần ô phố..

 Hình ảnh nhà cao tầng tại trung tâm đô thị

Mặc dù là tất yếu trong quá trình phát triển song cũng có một số vấn đề đặt ra đó là: Việc xen cấy tạo ra sự thiếu đồng bộ về cảnh quan kiến trúc, việc xen cấy vào các ô phố , tuyến phố hiện hữu tạo nên sự chênh lệch về không gian và hình thức kiến trúc. Mặt bằng thi công chật hẹp, sự cố phát sinh trong quá trình thi công, khả năng lún sụt, nguy cơ sập công trình lân cận nếu không có các giải pháp bảo đảm an toàn…

III. Phát triển nhà cao tầng thách thức tới hạ tầng kỹ thuật

Trong các khu vực nội đô, hạ tầng kỹ thuật về cơ bản vốn là ổn định, đa số chỉ đáp ứng vừa đủ cho quy mô hiện hữu, khả năng nâng cấp là rất hạn chế và tốn kém. Việc xây dựng nhà cao tầng xen cấy vào một khu vực trên cơ sở hệ thống hạ tầng hiện hữu với diện tích sàn tăng lên, số người tập trung cao hơn…..sẽ trở thành một gánh nặng thật sự gây quá tải đến các lĩnh vực của hạ tầng kỹ thuật:

- Sự gia tăng do nhu cầu đi lại, gia tăng phương tiện giao thông, thiếu bãi đõ xe, đường phố nhỏ, chật hẹp cùng với việc lấn chiếm hè phố, lòng đường với nhiều mục đích khác nhau dẫn đến tình trạng ùn tắc, tắc nghẽn giao thông tại khu vực này.

- Năng lực của hệ thống cung cấp nước thấp do được xây dựng lâu đời, tình trạng nước cấp không đủ áp lực, lượng cấp nước không đáp ứng nhu cầu, chất lượng nước không đảm bảo, tỷ lệ thất thoát tăng và quá tải so với ban đầu.

- Hệ thống thoát nước hoạt động kém hiệu quả, kết nối mạng lưới thoát nước giữa khu mới và khu cũ không đồng bộ, gây ngập úng cục bộ.
- Lượng rác thải gia tăng đáng kế, khó khăn trong việc xác định vị trí tập kết rác thải…., việc thu gom, vận chuyển rác gặp khó khăn, nguy cơ mất vệ sinh ảnh hưởng đến môi trường.

- Nguy cơ mất an toàn trong phòng chống cháy, nổ

 Hình ảnh đường giao thông và cảnh ùn tắc giao thông

Chính vì vậy việc phát triển nhà cao tầng trong khu đô thị hiện hữu phải tuân thủ quy hoạch và thiết kế đô thị, trong trường hợp quy hoạch hoặc thiết kế đô thị chưa được lập hoặc chưa phê duyệt thì cần phải trả lời các câu hỏi sau: (1) Xây dựng nhà cao tầng sẽ ảnh hưởng như thế nào tới kiến trúc cảnh quan, bảo tồn của khu vực, khu vực xung quanh và toàn thành phố…(2) Xây dựng nhà cao tầng ảnh hưởng hoặc tăng sức ép lên kết cấu hạ tầng kỹ thuật của khu vực như thế nào đặc biệt lên hệ thống giao thông?

IV Một số giải pháp

1. Rà soát các quy hoạch chi tiết các khu vực nội đô lịch sử, khu đô thị cũ trong đó phân tích, đánh giá và làm rõ hệ số sử dụng đất, mật độ cư trú, quỹ nhà ở… tương ứng với cung cấp dịch vụ hạ tầng đô thị

2. Nâng cao chất lượng quy hoạch và thiết kế đô thị, lập, thẩm định và ban hành quy chế quản lý kiến trúc theo từng ô phố, tuyến đường (trong đó bao gồm cả các quy định cụ thể vị trí, quy mô, chiều cao, khoảng lùi, hệ số sử dụng đất…. các công trình cao tầng có thể xây dựng được bảo đảm hài hòa không gian kiến trúc cảnh quan khu vực) để làm cơ sở cho việc cấp phép xây dựng các nhà cao tầng tại các ô phố hay tuyến đường này.

3. Rà soát, sửa đổi bổ sung và sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quy hoạch xây dựng trong quy định cụ thể về cải tạo các khu đô thị cũ, đô thị trung tâm.

4. Việc phát triển nhà cao tầng trong các khu vực đô thị hiện hữu phải thực hiện nghiêm túc theo quy hoạch và thiết kế đô thị được phê duyệt mặt khác phải tiến hành đồng bộ với việc cải tạo đô thị theo từng ô phố, tuyến phố. Song song với việc xây mới các công trình nhà cao tầng việc đầu tư xây dựng và cải tạo các công trình hạ tầng kỹ thuật phải được đặc biệt quan tâm.

5. Việc phát triển nhà cao tầng tại các khu vực đô thị cũ phải đánh giá sức chịu tải lên hạ tầng kỹ thuật đặc biệt là tác động đến hệ thống giao thông.

V. Một số nội dung có liên quan đến đánh giá tác động đến giao thông khi triển khai một số dự án xây dựng công trình (trong đó các các nhà cao tầng) tại các khu vực đô thị cũ, nội đô, trung tâm đô thị…

Tổ chức đánh giá tác động của giao thông khi triển khai quy hoạch, xây dựng các dự án đầu tư xây dựng công trình có quy mô lớn, tập trung đông người, không để phát sinh ùn tắc giao thông trong nội đô và dọc các tuyến đường trục chính ….nhằm điều chỉnh phương án giao thông kết nối hoặc xem xét, điều chỉnh chức năng hoạt động của các cơ sở này cho phù hợp hoặc cho không cho phép xây dựng các công trình này khi không đảm bảo cho các hoạt động của giao thông.

Quy mô dự án phải đánh giá tác động giao thông: Dự án thương mại có diện tích sàn >10.000m2; Dự án Văn phòng làm việc >20.000m2; Dự án khác như nhà ở, khách sạn… , dự án phức hợp có quy mô phát sinh lượng giao thông tương đương dự án thương mại hoặc văn phòng làm việc..

Nội dung đánh giá tác động giao thông có thể bao gồm:
- Phân tích nhu cầu giao thông thể hiện: khi chưa có dự án; ngay khi dự án kết thúc; tương lai ứng với quy mô dự án.
- Phân tích tác động giao thông: Ảnh hưởng đến giao thông công cộng; tác động đến bãi đỗ xe; tác động đến khách bộ hành; tác động do xe chở hành hóa và dịch vụ; tác động do công trường xây dựng; tác động đến an toàn giao thông
- Các biện pháp giảm thiểu tác động.

Đánh giá sức chịu tải là cần thiết đặc biệt là tác động đến giao thông tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa được các cơ quan quản lý quan tâm, hướng dẫn. Để việc xây dựng các nhà cao tầng có hiệu quả các cơ quan quản lý cần có văn bản hướng dẫn về quy định này.

Như vậy, nhà cao tầng là một thành phần không thể thiếu được trong các thành phố hiện đại. Việc xây dựng nhà cao tầng tại các trung tâm đô thị này kéo theo nhiều hệ lụy mà trước hết tác động trực tiếp lên hạ tầng kỹ thuật .Nâng cao chất lương các đồ án quy hoạch, thiết kế đô thị đồng thời quản lý chặt chẽ việc xây dựng các nhà cao tầng theo các quy hoạch được phê duyệt. Mặt khác trong quá trình triển khai thực hiện cần có các giải pháp mang tính khả thi để giải quyết các vấn đề phát sinh nhằm giảm thiểu các hậu quả đáng tiếc là việc làm cần thiết.

 PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến
Ng.Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lã Kim Ngân, Một số giải pháp quy hoạch cải tạo chỉnh trang khu đô thị cũ của thành phố Hà Nội – Kỷ yếu hội thảo Xây dựng chính sách cải tạo các khu đô thị cũ – Tổng hội Xây dựng Việt nam 10/2011
2. Trần Chí Dũng, Xây dựng nhà cao tầng xen cấy vào các khu phố, đường phố tại TP. Hồ chí Minh thực trạng và giải pháp. Kỷ yếu hội thảo Xây dựng chính sách cải tạo các khu đô thị cũ – Tổng hội Xây dựng Việt nam 10/2011
3. Nguyễn Hồng Tiến, Hạ tầng kỹ thuật tại các khu đô thị cũ thực trạng và giải pháp. Kỷ yếu hội thảo Xây dựng chính sách cải tạo các khu đô thị cũ – Tổng Hội Xây dựng Việt nam 10/2011
4. Sở Giao thông vận tải TP. Thành phố Hồ Chí Minh, Xây dựng Quy trình đánh giá tác động giao thông đối với các công trình kết nối vào hạ tầng giao thông công cộng 5/2017.

Bạn đang đọc bài viết Hạ tầng đô thị –Thực trạng và giải pháp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chuyên gia hiến kế giảm ô nhiễm không khí Hà Nội
Tình trạng ô nhiễm không khí đang là một trong những vấn đề cấp bách của Hà Nội. Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã cùng nhau “hiến kế” nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí cho Thủ đô.
Truyền thông trong dự án xây dựng sử dụng công nghệ BIM
Các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, công nghệ BIM đóng vai trò quan trọng như một công cụ có giá trị để tăng cường sự hợp tác và truyền thông giữa các bên liên quan nhờ vào sự tham gia chặt chẽ của họ trong các giai đoạn từ thiết kế đến xây dựng.

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất