Thứ sáu, 29/03/2024 19:10 (GMT+7)

Đại tuyệt chủng lần thứ 6 diễn ra rất nhanh, con người là thủ phạm

MTĐT -  Thứ tư, 03/06/2020 10:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo một nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học ở Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ, tốc độ tuyệt chủng trên Trái đất hoá ra nhanh hơn nhiều so với mọi dự báo, nhất là trong vài thập niên gần đây.

Hành tinh bước vào giai đoạn "tuyệt chủng hàng loạt"

Theo nghiên cứu mới nhất đăng tải trên tạp chí khoa học Proceedings của Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ (PNAS), tốc độ tuyệt chủng trên Trái đất hoá ra nhanh hơn nhiều so với mọi dự báo, nhất là trong vài thập niên gần đây.

Theo báo Tuổi trẻ, Giáo sư Gerardo Ceballos González (Mexico), một trong các tác giả của nghiên cứu, cho biết khoảng 173 chũng loài đã biến mất trong giai đoạn ngắn từ năm 2001 - 2014.

"173 chủng loài tức là tốc độ tuyệt chủng nhanh hơn 25 lần so với điều kiện tiến hoá bình thường của tự nhiên. Còn nếu tính trong 100 năm qua, hơn 400 loài động vật có xương sống đã biến mất (do con người),trong khi bình thường thì quá trình này phải mất 10.000 năm", giáo sư Gerardo nói.

Đại tuyệt chủng lần thứ 6 đang diễn ra với tốc độ nhanh gấp nhiều lần so với dự báo. Ảnh minh họa: Internet.

"Đây hoàn toàn là lỗi của chúng ta", giáo sư Gerardo nhấn mạnh.

Theo ước tính của các nhà khoa học, 1 triệu trong tổng số 8 triệu loài động thực vật trên thế giới đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài giờ đây đang cao hơn ít nhất hàng chục lần so với mức trung bình của 10 triệu năm.

Trong một báo cáo công bố mới đây, Liên Hợp Quốc đã đưa ra thống kê về diện tích rừng tự nhiên đang giảm với tốc độ đáng báo động, hệ thống sinh thái thay đổi dẫn tới biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí ngày càng tăng.

Họ cũng cảnh báo có tới 1 triệu loài trong số khoảng 8 triệu loài sinh vật trên thế giới đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng trong vòng vài thập kỷ tới.

Nhiều nhà khoa học kết luận rằng hành tinh của chúng ta thực sự đã bước vào giai đoạn gọi là "tuyệt chủng hàng loạt".

"Trái Đất đang lâm vào kỳ giữa của kỳ đại tuyệt chủng thứ 6", Sir David Attenborough, nhà tự nhiên học nổi tiếng người Anh cảnh báo.

Một số nhà môi trường khẳng định Trái Đất đang phải trải qua quá trình hủy diệt sinh học khi hàng tỷ quần thể động vật bị mất đi trong những thập kỷ gần đây. Điều này đồng nghĩa với việc kỳ tuyệt chủng lần thứ 6 đang diễn ra và nghiêm trọng hơn 5 lần trước đó.

Con người là thủ phạm chính

Theo Frédérik Saltré, nhà nghiên cứu về Sinh thái học tại Trung tâm nghiên cứu về đa dạng sinh học và di sản của Australia, trái ngược với 5 kỳ đại tuyệt chủng trước, các hoạt động trực tiếp và gián tiếp của con người như phá hủy môi trường sống, đánh bắt và săn bắt vô tội vạ, ô nhiễm hóa học, các loài xâm lấn và hiện tượng nóng lên toàn cầu là tác nhân dẫn tới sự tuyệt chủng của nhiều sinh vật trên Trái đất.

"Cảnh báo của chúng tôi cần được chú ý vì nền văn minh nhân loại phụ thuộc hoàn toàn và thực vật, động vật và vi sinh vật trên Trái Đất", Paul Ehrlich, Giáo sư tới từ Đại học Stanford (Mỹ) khẳng định.

Buôn bán động vật hoang dã, phá hoại môi trường... là những gì con người đã làm và gây ra hậu quả này. Các nhà khoa học cảnh báo, việc một loài biến mất sẽ làm xói mòn hệ sinh thái và gây nguy cơ làm các loài khác tuyệt chủng, và phải mất hàng triệu năm mới khôi phục được số lượng các loài vật.

Buồn bán động vật, phá hoại môi trường... là những gì con người đã làm để lại hậu quả này. Ảnh: Internet. 

Trong lịch sử, Trái đất từng trải qua 5 sự kiện tuyệt chủng hàng loạt, tiêu diệt khoảng 70 - 95% chủng loài thực vật, động vật và vi sinh vật từng tồn tại. Đợt tuyệt chủng gần nhất xảy ra cách đây 66 triệu năm, là lúc khủng long biến mất.

Năm lần đại tuyệt chủng trước đều do các thảm họa tự nhiên như: núi lửa phun, thiên thạch đâm vào Trái đất. Riêng đối với lần thứ 6 đang diễn ra, thủ phạm lại là con người.

Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học liên tục cảnh báo chúng ta đang ở giai đoạn giữa của cuộc đại tuyệt chủng lầm thứ 6 của hành tinh và lần đầu tiên nguyên nhân gây ra là con người.

Nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài giờ đây đang cao hơn ít nhất hàng chục lần so với mức trung bình của 10 triệu năm.

Con người đã thay đổi tới 75% đất đai của Trái Đất và 66% hệ sinh thái biển dưới nhiều hình thức, từ việc đổ chất thải vào đại dương hay tạo ra các loài xâm lấn. Chúng ta cũng là tác nhân phá hủy hệ sinh thái tự nhiên khi góp phần xóa sổ 600 loài thực vật trong 250 năm qua. Do tác động của con người, tốc độ tuyệt chủng của một loài thực vật nhanh hơn tới 500 lần.

Với dân số ngày càng tăng, chúng ta sẽ có nhiều miệng ăn hơn, làm gia tăng nguy cơ cạn kiệt tài nguyên hơn. Nhưng sự bùng nổ sẽ không kết thúc sớm. Bản dự thảo của Công ước Liên hợp quốc về Đa dạng sinh học công bố hôm 14/1 cảnh báo dân số thế giới dự kiến sẽ chạm mốc 8,6 tỷ người vào năm 2030 và 9,8 tỷ vào năm 2050. Con số này sẽ đặt ra vấn đề nan giải về nhu cầu tài nguyên, bao gồm thực phẩm, cơ sở hạ tầng và sử dụng đất.

Minh Tuệ(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Đại tuyệt chủng lần thứ 6 diễn ra rất nhanh, con người là thủ phạm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thái Nguyên: Tận dụng phế phẩm để chăn nuôi
Tận dụng nguồn thức ăn thừa tại các bếp ăn tập thể, hội viên Hội Chăn nuôi - Thú y tỉnh Thái Nguyên đã xử lý, chế biến để làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản.
Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.

Tin mới