Thứ sáu, 26/04/2024 05:16 (GMT+7)

 Cơ chế, chính sách quản lý chất thải sinh hoạt đô thị hiện nay

MTĐT -  Thứ bảy, 09/11/2019 09:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các quy chuẩn, tiêu chuẩn cho phương tiện, thiết bị, dây chuyền công nghệ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn còn thiếu, chưa đồng bộ

I. Tình hình ban hành chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đô thị
1. Tình hình chung về ban hành văn bản pháp luật
1.1. Về chính sách, pháp luật thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp môi trường và các công nghệ xử lý chất thải sinh hoạt đô thị do Bộ Xây dựng quản lý
- Thông tư số 08/2017/TT-BXD ngày 16/5/2017 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định quản lý chất thải rắn xây dựng.
- Thông tư số 13/2017/TT-BXD ngày 08/12/2017 quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng.
1.2. Về định mức kinh tế - kỹ thuật, suất vốn đầu tư, phương pháp lập, quản lý chi phí; phương pháp định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH
- Thông tư số 07/2017/TT-BXD ngày 15/5/2017 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
- Thông tư số 14/2017/TT-BXD ngày 28/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định và quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị.
- Quyết định số 1354/QĐ-BXD ngày 28/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng công bố suất vốn đầu tư xây dựng và mức chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
- Quyết định số 592/QĐ-BXD ngày 30/5/2014 công bố định mức dự toán thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đô thị.
1.3. Về cơ chế hỗ trợ trong xử lý
- Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019.
- Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg ngày 05/5/2014 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam.
1.4. Quy hoạch, chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án về quản lý chất thải sinh hoạt đô thị
- Công tác quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ và các địa phương quan tâm, tổ chức lập và phê duyệt theo thẩm quyền, làm cơ sở để kêu gọi đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn,tăng cường thực hiện tốt hơn công tác quản lý chất thải rắn. Cụ thể: quy hoạch xây dựng các khu xử lý chất thải rắn 04 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam; Vùng đồng bằng sông Cửu Long và 03 lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ - Đáy, sông Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; 59/63 tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn.
- Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.
2. Khó khăn, hạn chế
Mặc dù đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên vẫn còn nhưng hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong các chính sách, pháp luật về quản lý chất thải sinh hoạt đô thị. Những rào cản chính làm hạn chế hiệu quả quản lý CTR sinh hoạt đô thị, cụ thể:
- Nguồn lực thực hiện chủ yếu là từ ngân sách nhà nước, từ đầu tư đến chi phí xử lý và hỗ trợ một phần hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt nên việc xây dựng các chính sách quản lý còn gặp khó khăn.
- Các cơ chế về ưu đãi cho các hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải, tận thu năng lượng từ quá trình xử lý chất thải rắn còn thiếu cụ thể và chưa đồng bộ như Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg ngày 05/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam (có các quy định hỗ trợ về giá mua điện nhưng các dự án xử lý chất thải phải theo quy hoạch ngành điện; nhiều dự án gặp khó khăn do chờ quy hoạch này của ngành điện).
- Quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch, môi trường còn chưa sát với điều kiện thực tế về tự nhiên, kinh tế – xã hội, trình độ phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn và ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Các quy chuẩn, tiêu chuẩn cho phương tiện, thiết bị, dây chuyền công nghệ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn còn thiếu, chưa đồng bộ; nhiều tiêu chuẩn về nguyên liệu, sản phẩm từ tái chế chất thải cũng chưa được xây dựng, ban hành dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện.
- Chính sách ưu đãi đối với sản phẩm tái chế từ chất thải rắn chưa được hướng dẫn cụ thể, thực hiện trong thực tế còn khó khăn.
3. Nguyên nhân
- Nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực quản lý chất thải rắn còn chưa nhiều, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách nhà nước nên thường thiếu và phải phù hợp các quy định về đầu tư công, quản lý vốn nhà nước, đấu thầu, đầu tư...
- Chất lượng công tác quy hoạch chưa cao, kế hoạch thực hiện quy hoạch chưa được phê duyệt (phụ thuộc vào nguồn vốn). Phương pháp tuyên truyền, vận động và lấy ý kiến cộng đồng còn chưa đổi mới và thiết thực, chưa tạo được sự đồng thuận của người dân.
- Thủ tục đầu tư phức tạp, kéo dài, gây lãng phí nguồn lực đầu tư (đối với chất thải rắn sinh hoạt, là loại hình đầu tư PPP, thủ tục đầu tư cần thiết lựa chọn nhà đầu tư kéo dài; thẩm định thiết kế, thẩm duyệt PCCC, báo cáo đánh giá tác động môi trường, các thủ tục hoàn thành công trình bảo vệ môi trường,…).
- Công nghệ xử lý chất thải rắn chưa được xác định rõ và phù hợp với đặc thù, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.

 Chất thải rắn sinh hoạt ngày càng nhiều và gây ô nhiễm. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

II. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý CTRSH đô thị
1. Công tác tổ chức, chỉ đạo, điều hành
- Thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đã hướng dẫn, đôn đốc các địa phương khẩn trương tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn theo quy định. Tính đến tháng 3/2019, đã có 59/63 tỉnh/thành phố phê duyệt quy hoạch này .
- Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức đánh giá hiệu quả của một số công nghệ xử lý chất thải rắn đang áp dụng tại Việt Nam .
- Tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, làm việc và hướng dẫn về thực hiện quy hoạch và quản lý chất thải rắn tại các địa phương.
- Tổ chức các khoá đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về công tác quy hoạch, quản lý tài chính, phát triển cơ sở xử lý chất thải rắn, thu thập số liệu về chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương.
2. Tình hình thực hiện quản lý chất thải rắn sinh hoạt
2.1. Về phòng ngừa, phân loại
- Công tác phòng ngừa và giảm thiểu phát sinh chất thải rắn đã được thực hiện tại nhiều địa phương, một số ngành sản xuất nhưng mới chỉ thực hiện theo tính chất phong trào, chưa liên tục và đồng bộ.
- Công tác phân loại chất thải tại nguồn đã được một số địa phương quan tâm triển khai như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Đồng Nai ... Tuy nhiên, tại hầu hết các địa phương thực hiện chưa được liên tục, đồng bộ do thiếu nguồn lực thực hiện đồng bộ (từ thu gom, vận chuyển bằng phương tiện phù hợp và xử lý theo từng loại chất thải đã phân loại).
2.2. Về quản lý đầu tư, chi phí thực hiện
- Nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường (trong đó có các nội dung chi cho công tác quản lý chất thải rắn) tăng dần hàng năm, ở cả Trung ương và địa phương, cụ thể: năm 2010 là 6.230 tỷ đồng, năm 2011 là 7.250 tỷ đồng (trong đó Trung ương: 1.100 tỷ, địa phương: 6.150 tỷ; tăng 16,37% so với năm 2010), năm 2015 là 11.400 tỷ đồng (trong đó Trung ương: 1.700 tỷ, địa phương: 9.700 tỷ; tăng 14,2% so với năm 2014) .
- Nguồn kinh phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt đô thị hiện nay do Nhà nước bù đắp một phần từ nguồn thu phí vệ sinh trên địa bàn. Tuy nhiên mức thu còn thấp và chỉ đủ bù đắp một phần công tác thu gom, vận chuyển CTR mà chưa tính đến chi phí xử lý CTR . Trên thực tế, nguồn kinh phí thu được từ phí vệ sinh môi trường chỉ đủ bù đắp khoảng 20% - 25% chi phí thu gom và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đô thị .
- Kinh phí cho hoạt động xử lý CTRSH là nguồn ngân sách Nhà nước và mỗi địa phương có mức chi trả cho công tác xử lý CTR sinh hoạt đô thị khác nhau .
2.3. Về công nghệ xử lý chất thải sinh hoạt đô thị
- Hầu hết công nghệ xử lý chất thải rắn nhập khẩu chưa phù hợp với thực tế chất thải rắn tại Việt Nam chưa được phân loại tại nguồn, nhiệt trị của chất thải rắn sinh hoạt thấp, độ ẩm cao…Thiết bị, công nghệ xử lý chất thải rắn chế tạo trong nước chưa đồng bộ, chưa hoàn thiện, nên chưa thể phổ biến và nhân rộng.
- Hoạt động tái chế chất thải rắn còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, chưa phát triển thành quy mô, thiếu sự quản lý và kiểm soát của các cơ quan hữu quan có thẩm quyền về bảo vệ môi trường ở địa phương. Phần lớn các cơ sở tái chế có quy mô nhỏ, mức độ đầu tư công nghệ không cao, đa số công nghệ đều lạc hậu, máy móc thiết bị cũ, gây ô nhiễm môi trường thứ cấp.
- Nhà nước chưa có định hướng về sử dụng công nghệ rõ ràng, chưa có tiêu chí cụ thể đối với lựa chọn thiết bị, công nghệ phù hợp.
- Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đã được nghiên cứu phát triển, ứng dụng nhưng chưa xác định được công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp với điều kiện của Việt Nam (rác không được phân loại tại nguồn, nhiệt trị thấp, độ ẩm cao,...) 
3. Về định mức, đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn
3.1. Về cơ chế quản lý:
- Trước năm 2017, thực hiện phân cấp quản lý như sau:
+ Đối với Bộ Xây dựng:
.) Hướng dẫn phương pháp lập và quản lý chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đô thị (Thông tư số 06/2008/TT-BXD ngày 20/3/2008 hướng dẫn quản lý chi phí dịch vụ công ích);
.) Công bố định mức thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đô thị (tại Văn bản số 2272/BXD-VP ngày 10/11/2008).
+ Đối với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW:
.) Tổ chức xây dựng định mức để công bố hoặc ban hành cho các công tác dịch vụ công ích đô thị tại địa phương chưa có trong hệ thống định mức dự toán dịch vụ công ích đô thị do Bộ Xây dựng công bố hoặc đã có trong hệ thống định mức dự toán dịch vụ công ích đô thị được công bố nhưng chưa phù hợp với quy trình kỹ thuật, điều kiện cụ thể của địa phương.
.) Hướng dẫn và quy định áp dụng định mức, đơn giá, lập và phê duyệt giá dự toán chi phí dịch vụ công ích đô thị tại địa phương;
- Từ năm 2017 trở đi, thực hiện phân cấp quản lý như sau:
+ Đối với Bộ Xây dựng:
.) Hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt (tại Thông tư số 07/2017/TT-BXD ngày 15/5/2017).
.) Hướng dẫn xác định và quản lý chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải đô thị (tại Thông tư số 14/2018/TT-BXD ngày 28/12/2017).

.) Công bố định mức dự toán thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đô thị (tại Quyết định số 592/QĐ-BXD ngày 30/5/2014).
.) Công bố suất vốn đầu tư xây dựng và mức chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt (theo Quyết định số 1354/QĐ-BXD ngày 29/12/2017).
.) Có ý kiến thống nhất với UBND cấp tỉnh về các định mức sửa đổi, điều chỉnh, hoặc định mức xây dựng mới.
+ Đối với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW:
.) Tổ chức việc điều chỉnh định mức dự toán nếu điều kiện thực tế thực hiện của các địa phương có sự khác biệt so với điều kiện thực tế thực hiện của địa phương có sự khác biệt so với điều kiện quy định trong hệ thống định mức dự toán do Bộ Xây dựng công bố; tổ chức xây dựng định mức đối với các công tác dịch vụ công ích đô thị tại địa phương chưa có trong hệ thống định mức dự toán dịch vụ công ích đô thị do Bộ Xây dựng công bố hoặc đã có trong hệ thống định mức dự toán dịch vụ công ích đô thị được công bố và thống nhất với Bộ Xây dựng trước khi quyết định áp dụng.
.) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức xây dựng đơn giá, xác định dự toán chi phí dịch vụ công ích đô thị, dự toán các chi phí giám sát,…; tổ chức thẩm định, phê duyệt hoặc ủy quyền phê duyệt đơn giá và dự toán các chi phí trên.
.) Phê duyệt giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quản lý.
- Tùy theo yêu cầu của thực tiễn mà cơ chế quản lý được quy định để đáp ứng tình hình thực tế theo từng giai đoạn.
Theo đánh giá của các địa phương, của các chủ thể, cơ chế quản lý theo quy định như vậy về cơ bản đã tạo quyền, sự chủ động cho các địa phương trong việc sắp xếp lại tổ chức, tinh giản bộ máy quản lý, tổ chức thực hiện tốt việc đấu thầu, giao kế hoạch, mở rộng loại hình đầu tư, cung cấp dịch vụ, quyết định giá… phù hợp với điều kiện thực tế và ngân sách địa phương.
3.2. Về định mức:
* Đối với định mức do Bộ Xây dựng công bố, ban hành:
Kể từ thời điểm công bố, định mức dự toán thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đô thị là căn cứ hữu hiệu để lập dự toán chi phí dịch vụ, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đô thị, góp phần tích cực nâng cao hiệu quả quản lý nguồn chi ngân sách.
Định mức dự toán thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đô thị tại Quyết định số 592/QĐ-BXD gồm 5 chương với 38 mức cơ bản có hướng dẫn cụ thể về thành phần công việc, điều kiện áp dụng và hệ số chuyển đổi loại đô thị, điều kiện vận chuyển.
Các danh mục định mức đã ban hành nhìn chung đã bao phủ gần hết các công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đô thị phổ biến tại các địa phương. Hao phí các định mức theo quy định về cơ bản phù hợp với hao phí cần thiết để thực hiện công việc. Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy, định mức dự toán được ban hành còn một số bất cập sau:
+ Danh mục các công việc được ban hành chưa được đa dạng, chưa bao phủ các công nghệ xử lý CTR đã và đang được ứng dụng phổ biến.
+ Quy chuẩn quốc gia về môi trường, lò đốt chất thải đã thay đổi (QCVN 08-MT:2015/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt; QCVN 09-MT:2015/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước dưới đất; QCVN 05:2013/BTNMT: Quy chuẩn về chất lượng môi trường không khí xung quanh; QCVN 61-MT:2016/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải sinh hoạt và một số tiêu chuẩn môi trường khác có liên quan).
+ Tiêu chuẩn về các công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đô thị chưa cụ thể.
* Đối với định mức do Bộ Xây dựng thỏa thuận, có ý kiến:
Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã cho ý kiến và thỏa thuận định mức về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đô thị cho nhiều tỉnh, thành phố như Cà Mau (01 mức), Bình Dương (02 mức), Quảng Ngãi (06 mức), Tây Ninh (08 mức). Các định mức này hầu hết là những định mức được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương như:
. Công tác duy trì vệ sinh đường phố ban ngày bằng thủ công;
. Công tác quét, gom rác đường phố bằng thủ công;
. Công tác duy trì dải phân cách bằng thủ công;
. Công tác duy trì vệ sinh xóm ngõ bằng thủ công;
. Công tác thu gom rác sinh hoạt từ các xe thô sơ (xe đẩy tay) tại các điểm tập kết rác lên xe ép rác, vận chuyển đến địa điểm đổ rác với cự ly bình quân 20 km.
. Công tác thu gom rác sinh hoạt từ thùng vận chuyển đến địa điểm đổ rác với cự ly bình quân 20 km.
Hoặc các định mức xây dựng mới theo điều kiện thực tế triển khai, như:
. Phân loại rác;
. Ủ giảm ẩm;
. Đốt rác;
. Ủ lên men làm phân vi sinh (đối với nhà máy Lý Sơn) và Xử lý nước rỉ rác (đối với nhà máy Bình Nguyên);
. Vận chuyển, chôn lấp tro, rác thải sau khi phân loại mà không đốt được;
. Định mức xử lý rác bằng công nghệ đốt và ủ phân vi sinh (đối với nhà máy Lý Sơn); Định mức xử lý rác bằng công nghệ đốt (đối với nhà máy Bình Nguyên).
. Công tác xúc rác sinh hoạt, vật dụng gia đình tại điểm tập kết rác tập trung lên xe ô tô bằng thủ công.
. Công tác quản lý, vận hành trạm ép rác kín;
. Công tác thu gom rác sinh hoạt từ thùng rác nơi công cộng vận chuyển đổ vào xe rác;
Trên cơ sở định mức đã được Bộ Xây dựng công bố các địa phương đã tổ chức thực hiện và về cơ bản đáp ứng được yêu cầu công tác duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn các tỉnh thành trong cả nước, góp phần ổn định và nâng cao chất lượng môi trường ngày càng sạch, đẹp và việc quản lý ngân sách tại các địa phương có hiệu quả hơn.

Mục tiêu đến 2025, 100% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, làng nghề phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet


III. Đề xuất, kiến nghị
1. Đối với Quốc hội
- Đưa vấn đề quản lý chất thải nói chung, chất thải sinh hoạt đô thị nói riêng vào Chương trình giám sát của Quốc hội trong kế hoạch giám sát hàng năm.
- Chỉ đạo sửa đổi, bổ sung và thông qua các nội dung mới, phù hợp với thực tiễn quản lý trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi (trong thời gian tới).
2. Đối với Chính phủ
- Chỉ đạo rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật, các quy trình, thủ tục còn vướng mắc giữa các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng trong lĩnh vực quản lý chất thải sinh hoạt đô thị (pháp luật về PPP, các quy định phát triển dự án điện chất thải rắn, công tác quy hoạch,...), cụ thể hóa chính sách ưu đãi đầu tư.
- Chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo đồng bộ, hiệu quả.
3. Đối với địa phương
- Tổ chức triển khai thực hiện công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn; lập và phê duyệt kế hoạch thực hiện, quy hoạch, Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn trên địa bàn phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh/thành phố.
- Xây dựng và ban hành các quy định, chính sách ưu đãi, hỗ trợ và phân cấp quản lý chất thải sinh hoạt theo thẩm quyền.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện quản lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn theo thẩm quyền.
4. Đối với các tổ chức, cá nhân
- Chủ động, tích cực tham gia nghiên cứu phát triển công nghệ, đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTR hiện đại, đồng bộ. Nâng cao năng lực trong hoạt động thu gom, vận chuyển, quản lý vận hành cơ sở xử lý CTR.
- Các tổ chức, cá nhân chủ động, tích cực tham gia công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường, thực hiện phân loại CTR tại nguồn theo hướng dẫn của địa phương (khi triển khai); chủ động giảm thiểu sử dụng túi ni lông không thân thiện với môi trường.

PGS.TS Mai Liên Hương
Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng

Bạn đang đọc bài viết  Cơ chế, chính sách quản lý chất thải sinh hoạt đô thị hiện nay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Quản lý rác thải điện tử - Bài học từ thế giới
Rác thải điện tử khó tái chế, xử lý với chi phí cao nên việc xử lý ở Việt Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả. Tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia có thể là bài học hữu ích cho cơ quan quản lý môi trường Việt Nam trong xử lý loại chất thải này.
Ngành chiếu sáng Việt Nam trên lộ trình chuyển đổi số
Khai thác, sử dụng những thành tựu, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến của ngành kỹ thuật số vào ngành chiếu sáng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng tại các đô thị và tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, ...

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.