Thứ sáu, 29/03/2024 06:24 (GMT+7)

Chống lại ô nhiễm không khí - thông điệp từ ngày Môi trường thế giới

MTĐT -  Thứ ba, 04/06/2019 15:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tăng trưởng kinh tế. Nhiều chất gây ô nhiễm gây ra sự nóng lên toàn cầu.

HƯỞNG ỨNG NGÀY MÔI TRƯỜNG THẾ GIỚI 2019:

Đô thị hóa ngày càng tăng nhanh thì dân đô thị ngày càng chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số dân ở mỗi nước. Theo tài liệu của Ngân hàng thế giới (WB) tại Hội thảo quốc tế về “Tái sử dụng chất thải phục vụ nông nghiệp” ở Washington ngày 23 và 24/9/1996 thì đến năm 2020 sẽ có khoảng 60% dân số thế giới sống ở đô thị, trong đó ở các nước đang phát triển là khoảng 50% dân số sống ở đô thị và ở các nước phát triển là khoảng 75%.

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tăng trưởng kinh tế. Nhiều chất gây ô nhiễm gây ra sự nóng lên toàn cầu. Động cơ diesel, đốt rác và bếp lò bẩn sản sinh ra khí carbon đen. Carbon đen gây chết người và là một chất gây ô nhiễm khí hậu. Nếu chúng ta giảm lượng khí thải các chất ô nhiễm như vậy, chúng ta có thể làm chậm sự nóng lên toàn cầu tới 0,5°C trong vài thập kỷ tới.

Khí mêtan, phần lớn đến từ nông nghiệp, là một thủ phạm khác. Khí thải mêtan góp phần dày lên tầng ozone, gây ra hen suyễn và các bệnh về đường hô hấp khác. Khí mêtan cũng là một loại khí gây nóng lên toàn cầu mạnh hơn so với carbon dioxide. Theo Ủy ban quốc tế về biến đổi khí hậu, tác động của khí mêtan tăng 34 lần trong khoảng thời gian 100 năm.

Hiện nay nước ta có 63 tỉnh, thành, khoảng 600 đô thị lớn nhỏ. Trong đó riêng 2 thành phố loại I là thành phố Hồ Chí Minh (7 triệu dân) và Hà Nội (6,5 triệu dân); 6 thành phố Hải Phòng và Đà Nẵng (khoảng 50 vạn dân đô thị), Cần Thơ, Biên Hòa, Vinh, Huế (35 - 50 vạn dân đô thị); 19 thành phố loại 3 có 10 - 35 vạn dân đô thị là Nam Định, Việt Trì, Hạ Long, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nha Trang, Mỹ Tho, Đà Lạt, Vũng Tàu, Quy Nhơn, Buôn Mê Thuột, Yên Bái, Hải Dương, Phan Thiết, Pleiku, Long Xuyên và Cà Mau.
34 đô thị loại 4 có 3 - 10 vạn dân đô thị, còn lại là các đô thị loại nhỏ - loại 5 có dưới 3 vạn dân đô thị.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Càng ngày càng thấy rõ ràng là sự ô nhiễm môi trường không khí do chất thải công nghiệp và giao thông vận tải gây ra đã làm thiệt rất lớn về vật chất đối với nền kinh tế quốc dân và làm tăng bệnh tật đối với nhân dân. Điều này đã được khẳng định ở hội nghị của Liên hợp quốc về “Con người và môi trường xung quanh” đã được tiến hành ở Stockholm tháng 6/1972, vì vậy ngày nay người ta lấy ngày 5 tháng 6 hàng năm làm ngày Môi trường thế giới.

Dưới tác dụng của ô nhiễm môi trường không khí nhiều quần thể cây xanh đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Các nhà làm khoa học khẳng định rằng: do ô nhiễm môi trường không khí mà ở Châu Âu diện tích cây xanh đã bị thu hẹp 40%.

Ô nhiễm môi trường không khí ở nước ta thường xảy ra:
- Các nhà máy nhiệt điện thường dùng nhiên liệu là than, dầu mazut, khí đốt… Các chất độc hại trong khói thải gồm CO2, NOx, CO, SO2 và bụi tro. Chất ô nhiễm có thể phát sinh trên đường vận chuyển hay trong quá trình xử lý nhiên liệu.
- Ngành vật liệu xây dựng như sản xuất xi măng, gạch, ngói, nung vôi, sành sứ cũng đốt rất nhiều nhiên liệu hóa thạch và thải nhiều khói bụi. Các nhà máy thủy tinh thải ra một lượng lớn khí HF, SO2. Các nhà máy gạch, lò nung vôi thải ra một lượng đáng kể bụi, các khí CO, CO2¬ và NOx, đặc biệt các lò thủ công có ống khói thấp và công nghệ thô sơ.
- Ngành hóa chất và phân bón thải vào khí quyển rất nhiều khí độc hại khác nhau. Các chất thải khí của công nghiệp hóa chất lại mang tính đẳng nhiệt với nhiệt độ thấp hơn môi trường cho nên sau khi ra ngoài thì khó phát tán loãng ra. Các thiết bị công nghiệp hóa chất thường đặt ngoài trời cho nên việc rò rỉ ra khí quyển khó kiểm soát.
- Công nghiệp luyện kim, cơ khí thải ra nhiều lại bụi khói kim loại, khói thải do dùng nhiên liệu hóa thạch, hóa chất độc hại trong quá trình luyện thép, gang, nhiệt luyện kim loại. Khí thải của các nhà máy luyện kim thường có nhiệt độ cao 300 - 400oC nên nếu kết hợp được với ống khói cao thì thuận lợi phát tán loãng ra.
- Nguồn ô nhiễm không khí do giao thông vận tải chủ yếu xảy ra trên các tuyến đường giao thông. Các khí độc hại phát sinh trong quá trình đốt cháy nhiên liệu của động cơ đốt trong như CO, CO2, hơi chì, NOx làm ô nhiễm hai bên hành lang giao thông. Một phần không nhỏ là bụi cuốn theo chuyển động của phương tiện giao thông. Ô nhiễm tiếng ồn dọc trục giao thông thường rất cao. Giao thông vận tải hàng không, nhất là các máy bay siêu âm ở độ cao lớn thải nhiều khí NOx có hại cho tầng ozôn của khí quyển.

Môi trường không khí trong nhà - nơi mà con người trực tiếp tiếp xúc, tiếp nhận và hô nhấp với thời gian nhiều nhất. Môi trường ở trong nhà lại thường bị ô nhiễm nhiều hơn môi trường ngoài nhà. Các nguồn ô nhiễm trong nhà như là ô nhiễm do đun than, đun dầu, tẩy rửa, v.v… thường thải ra ô nhiễm bụi và các khí CO, CO2, NO2, SO2, ngoài ra còn gây ô nhiễm nhiệt và mùi. Trong các phòng đặt máy photocopy khi máy hoạt động còn thải ra khí ozon. Trong nhà còn có các chất ô nhiễm khác thuộc dạng andehyt do kết cấu bao che của nhà thải ra như: ván ép, cót ép, gỗ dán, các đệm mút, bọt xốp, thảm nhựa, các loại keo dán và các loại vật liệu xây dựng khác, nhất là các cấu kiện xây dựng được sản xuất bằng phibro ximang. Ngoài ra trong nhà còn có các chất hữu cơ bay hơi từ các sản phẩm tẩy rửa dân dụng, một số chất ô nhiễm khác như khói thuốc lá, khí radon,… Nếu như các khí ô nhiễm này thải ra ở môi trường ngoài nhà thoáng đãng thì không thành vấn đề, nhưng chúng thải ra ở trong phòng chật hẹp thì sẽ gây ô nhiễm không khí trong phòng, nhiều khi vượt quá giới hạn cho phép và gây tác hại đối với sức khỏe con người.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 7 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí, trong đó khu vực Châu Á -Thái Bình Dương có gần 4 triệu người. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tăng trưởng kinh tế với khoảng 92% người dân trên toàn thế giới không được hít thở không khí sạch, gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 5 nghìn tỷ đô la mỗi năm. Ô nhiễm ôzôn trên mặt đất dự kiến sẽ làm giảm 26% năng suất cây trồng chủ lực vào năm 2030. Ô nhiễm không khí đã và đang là một thách thức lớn đối với cộng đồng và toàn xã hội.

Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nếu không có đầu tư kiểm soát ô nhiễm một cách tương xứng thì sau này sẽ phải chi phí rất lớn cho việc chữa chạy cho môi trường (cost of environmental remediation). Vì vậy, theo tính toán của Ngân hàng thế giới thì hiện nay các nước đang phát triển ở Châu Á cần phải chi phí lớn nhất cho vấn đề này. Ví dụ như nước Lào, Ngân hàng thế giới dự báo rằng: hàng năm cần phải chi khoảng 7,43% tổng thu nhập quốc dân mới bảo vệ được môi trường, tỷ lệ chi phí đó đối với nước ta (Việt Nam) là 7,2%; Campuchia: 5,5%; Nepan: 5,2%; Trung Quốc : 4,7%; Ấn Độ, Pakistan, Sri-Lanka, Niu Ghinee Fiji, Bawngladet: 2-3%; Inđônêxia, Philippin, Malaixia, Myanma: 1-2%; Thái Lan: 0,8%; Hàn Quốc: 0,33% và Singapo: 0,24%. Cũng theo tài liệu của Ngân hàng thế giới thống kê ở 6 nước phát triển thì chi phí cho bảo vệ môi trường hiện nay của họ chỉ chiếm tỉ lệ 1,3 - 2,0% tổng thu nhập quốc dân, như: Hà Lan: 1,93%; Thụy Điển: 1,92%; Mỹ: 1,87%; Oxtraylia: 1,77%; Anh: 1,44%; Pháp: 1,3%.

Các chất thải của đô thị sẽ gây ra ô nhiễm môi trường nước, môi trường không khí, môi trường đất, ô nhiễm nhiệt, ô nhiễm tiếng ồn.v.v… Chúng sẽ tác động xấu đối với sức khỏe cộng đồng, sản xuất nông nghiệp và các hệ sinh thái, đặc biệt là đối với vùng nông thôn ở xung quanh đô thị.

Để từng bước giải quyết vấn đề này, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc đã đưa ra Chủ đề hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (05/6) năm 2019 là “Ô nhiễm không khí” nhằm kêu gọi tất cả các quốc gia, cộng đồng và xã hội cùng hành động để cải thiện chất lượng môi trường không khí ở tất cả các thành phố và khu vực trên toàn thế giới.

Có rất nhiều cách có thể làm – từ việc đạp xe hoặc đi bộ đi làm, đến tái chế rác không hữu cơ, kêu gọi chính quyền địa phương cải thiện không gian xanh trong thành phố

Sau đây là một số ý tưởng khác:
- Tắt đèn và thiết bị điện tử không sử dụng.
- Kiểm tra hiệu quả cho hệ thống sưởi ấm gia đình và bếp nấu để sử dụng các mô hình tiết kiệm tiền và bảo vệ sức khỏe.
- Không bao giờ đốt rác lò thường, vì điều này góp phần trực tiếp gây ô nhiễm không khí.
- Quản lý và kiểm soát chất lượng môi trường không khí bằng các luật lệ, chỉ thị, tiêu chuẩn chất lượng môi trường không khí.
- Quy hoạch xây dựng đô thị và khu công nghiệp trên quan điểm hạn chế sự ô nhiễm không khí khu dân cư. Các quy hoạch phải được thực thi theo pháp lệnh.
- Xây dựng công viên, hàng rào cây xanh, cây trồng hai bên đường để hạn chế bụi, tiếng ồn, cải thiện chất lượng không khí thông qua sự hấp thụ CO2 trong quang hợp.
- Áp dụng các biện pháp công nghệ, lắp đặt các thiết bị thu lọc bụi và xử lý khí độc hại trước khi thải ra không khí. Phát triển các công nghệ “không khói”.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt mục tiêu, “từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn 2025 sẽ kiểm soát các ngồn khí thải, hạn chế sử dụng túi ni-lon để bảo vệ môi trường, tập trung vào khí thải công nghiệp và giao thông, đảm bảo 80 - 90% các cơ sở sản xuất thép, hóa chất và phân bón hóa học phải được xử lý bụi và khí thải nguy hại như SO2, NOX, CO đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường”.
Giữ cho không khí trong lành là chỉ số quan trọng xác định chất lượng sống của con người tại các thành phố lớn, nơi chịu áp lực cao về đô thị hóa.

Trước mắt phải quy định, kiểm soát nghiêm ngặt tại công trình xây dựng: phương tiện chở vật liệu và phế thải ra vào công trình phải được rửa sạch, che đậy kín hạn chế phân tán bụi bẩn. Các chủ đầu tư và phương tiện vi phạm phải bị xử lý nghiêm, phạt nặng.
Hà Nội cần phát triển giao thông công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Yêu cầu các cơ sở phải có hệ thống xử lý khói bụi. Đồng thời vận động các doanh nghiệp và người dân tích cực trồng nhiều cây xanh, hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch và tăng cường sử dụng các năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Hà Nội cần phải phát triển công trình xanh, chính là phát triển ngành xây dựng thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như cam kết thực hiện phát triển bền vững có hiệu quả nhất. Đồng thời phải tăng cường giáo dục đào tạo, đưa giáo dục môi trường và các cấp học. Nâng cao nhận thức môi trường cho mọi người dân, đặc biệt cho lãnh đạo các cấp, để tránh họ khỏi phạm sai lầm khi ra các quyết định cuối cùng mà toàn xã hội phải gánh chịu các hậu quả của quyết định đó.

Về lâu dài, Hà Nội phấn đấu trở thành thành phố sinh thái theo đúng 10 tiêu chuẩn đã được quy định.
- Ứng dụng nguyên lý sinh thái học để quy hoạch thành phố, làm cho kết cấu thành phố hợp lý, chức năng hài hòa.
- Bảo vệ và khai thác tất cả các tài nguyên thiên nhiên với hiệu quả cao, kết cấu nhà máy hợp lý, thực hiện sản xuất sạch, những nhà máy, xí nghiệp tiêu hao năng lượng cao và gây nhiều chất ô nhiễm sẽ không cho phép tồn tại trong thành phố.
- Sử dụng mô hình có thể tiếp tục tiêu phí và phát triển, thực hiện tiêu phí văn minh, hiệu suất tuần hoàn cao, hiệu suất tiêu phí càng cao. Lúc đó, rác thải sinh hoạt của nhân dân sẽ được phân loại xử lý. Có loại được biến thành nguồn nguyên liệu ngay tại chỗ, những túi nilon đều thuộc loại nhựa tự phân hủy. “Ô nhiễm trắng” hoàn toàn bị xóa bỏ./.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển
Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Chống lại ô nhiễm không khí - thông điệp từ ngày Môi trường thế giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.
Khắc phục ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi
Những năm qua, ngành chăn nuôi phát triển khá ổn định, song chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao, chất thải từ chuồng trại của nhiều nông hộ, gia trại, trang trại gây ô nhiễm môi trường.

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.