Thứ sáu, 29/03/2024 00:14 (GMT+7)

Chàng tiến sĩ tâm huyết với việc xử lý nước bẩn ở nông thôn

MTĐT -  Thứ tư, 08/01/2020 15:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

35 tuổi, TS. Trần Nguyễn Hải (Trường ĐH Duy Tân) hiện là thành viên ban biên tập của 12 tạp chí khoa học quốc tế uy tín.

Cùng việc sở hữu rất nhiều bài báo khoa học công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín với chỉ số trích dẫn cao đã giúp anh trở thành 1 trong 10 gương mặt tài năng trẻ trong lĩnh vực Khoa học Công nghệ trên cả nước được lựa chọn để trao giải thưởng Quả cầu vàng 2019.

Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý Đất đai tại Trường ĐH Cần Thơ năm 2003, Trần Nguyễn Hải tiếp tục theo học thạc sĩ chuyên ngành Khoa học Đất.

TS. Trần Nguyễn Hải (quê Sóc Trăng, hiện đang công tác tại Viện Nghiên cứu Khoa học Cơ bản và Ứng dụng tại TP. HCM của Trường ĐH Duy Tân)

Anh nhận bằng tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Môi trường tại Trường ĐH Trung Nguyên (Chung Yuan Christian University), Đài Loan vào năm 2017 theo chương trình học bổng toàn phần dành cho sinh viên quốc tế xuất sắc do trường này cấp.

Hiện, anh công tác tại Viện Nghiên cứu Khoa học Cơ bản và Ứng dụng tại TP. HCM, Trường ĐH Duy Tân, Đà Nẵng.

Từ năm 2015 đến nay, anh có 50 công trình khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc Web of Science, trong đó 29 bài thuộc danh mục Q1, 9 bài thuộc danh mục Q2, 10 bài thuộc danh mục Q3 và ESCI là 2.

Ngoài ra, anh còn là tác giả chính của 1 báo cáo khoa học được nhận giải thưởng báo cáo xuất sắc. Đây là một con số cực ấn tượng với một tiến sĩ sinh năm 1985.

Nhiều công trình của TS Hải được ứng dụng vào việc xử lý nước nhiễm bẩn.

TS Hải kiểm tra hệ thống lọc asen tại Trường Mầm non Hoàng Tây, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Anh là thành viên chủ chốt của các dự án “Nghiên cứu và ứng dụng hệ thống xử lý asen phân cấp mới cho nguồn nước uống vùng nông thôn Việt Nam” do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia và Google tài trợ.

Công trình này đã được công bố trên tạp chí ISI rất có uy tín trong lĩnh vực môi trường (Science of The Total Environment).

TS Hải cho biết, theo thống kê của Bộ Y tế, ở Việt Nam có 17 triệu người sử dụng nước ngầm bị nhiễm bẩn asen. Việc sử dụng và tiếp xúc thường xuyên với nguồn nước chứa độc chất asen dẫn đến nhiều nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn, đặc biệt là bệnh ung thư. Do đó, mục tiêu chính của dự án là phát triển công nghệ xử lý độc chất asen trong nước ngầm quy mô phân tán, phù hợp với hộ gia đình và các công trình công cộng địa phương như trường học, trạm y tế…

Từ hơn 30 vật liệu lọc được lựa chọn thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã phát triển hệ thống lọc mới phù hợp với vật liệu sẵn có ở địa phương. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về chất lượng nước sau khi qua hệ lọc điều đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Anh cũng là chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu tổng hợp vật liệu tiên tiến (cacbon hình cầu/hydroxide cấu trúc lớp kép) ứng dụng trong xử lý nước ô nhiễm” do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tài trợ.

Biên tập viên của 12 tạp chí khoa học quốc tế

Đặc biệt, tiến sĩ trẻ này hiện là thành viên Ban biên tập (BBT) của 12 tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục ISI và Scopus như: Science of the Total Environment; Current Pollution Reports; Environment, Development and Sustainability; Bulletin of Environmental Contamination and Toxicology; Water Science and Technology;…

Ngoài ra, anh cũng là thành viên BBT khách mời của 2 tạp chí thuộc danh mục ISI và Scopus khác.

TS Hải là thành viên ban biên tập của 12 tạp chí khoa học quốc tế.

Cả 12 tạp chí, anh đều tự ứng tuyển bằng chính thực lực của mình khi viết thư tới các tổng biên tập kèm theo CV và rồi tất cả đều đủ điều kiện.

Để được vào BBT, theo anh Hải, ứng viên phải có những bài dạng “kinh điển” trong chuyên ngành. “Khi còn là nghiên cứu sinh, tôi đã viết bài tìm ra những lỗi quan trọng trong mảng nghiên cứu của mình về phương pháp xử lý nước bằng công nghệ hấp phụ. Bài tổng hợp này lọt vào top trích dẫn nhiều nhất của tạp chí và được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao”, TS Hải nói.

Trước khi được vào hàng ngũ BBT cùng với các GS lớn các nước, TS. Hải đã từng tham gia với vai trò là nhà bình duyệt cho rất nhiều tạp chí chuyên ngành môi trường và nhận được sự công nhận về chất lượng phản biện.

TS.Hải tham gia vai trò Nhà bình duyệt cho các tạp chí quốc tế trong quá trình học Nghiên cứu sinh tại Đài Loan từ năm thứ 2. Đến nay, anh tham gia phản biện cho 51 tạp chí quốc tế trên 16 nhà xuất bản lớn của thế giới như: Nature Research, Elsevier; Francis; Wiley; RCS; Springer; IWA; SAGE; Mary Ann Liebert,...

Anh còn được NXB Elsevier (Hà Lan) vinh danh là “Người có đóng góp xuất sắc trong bình duyệt khoa học” cho 5 tạp chí của họ.

“Để được đứng vào hàng ngũ BBT của các tạp chí quốc tế uy tín, chuyên gia này phải được cộng đồng khoa học trong cùng lĩnh vực công nhận. Một yếu tố khác là ứng viên phải có kinh nghiệm làm Nhà bình duyệt cho nhiều tạp chí quốc tế uy tín”.

TS Hải kể, công việc của một thành viên trong BBT là giúp tổng biên tập thẩm định ban đầu chất lượng bản thảo để duy trì danh tiếng của tạp chí.

"Nếu bản thảo có thể đáp ứng các yêu cầu ban đầu, mình sẽ tìm và mời các chuyên gia bình duyệt (thường mỗi lần mời ít nhất 6 chuyên gia). Sau khi nhận được bản báo cáo của ít nhất 2 chuyên gia, mình sẽ quyết định tác giả được cơ hội chỉnh sửa hay từ chối đăng bài”.

Anh nói vui rằng công việc “không công” này cũng lấy đi của mình rất nhiều thời gian.

“Mình phải đọc qua và đánh giá trên nhiều tiêu chí để xem các bản thảo có khả năng được phản biện không. Như vậy, phải đọc rất nhiều, tthậm chí có những ngày cao điểm phải đọc 4 - 5 bản thảo”.

Tuy nhiên, đổi lại anh có thêm kinh nghiệm, kiến thức và những mối quan hệ tốt với các nhà khoa học, đặc biệt là các giáo sư có uy tín cao.

TS.Hải chia sẻ các kinh nghiệm viết bài và công bố lên các tạp chí khoa học quốc tế tại Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải.

Đầu tư hàm lượng khoa học trong từng bài báo, nên dù tuổi đời còn trẻ, nhưng chỉ số trích dẫn các công trình đã đăng của TS Hải theo dữ liệu Google Scholar là trên 1.300 lần và trên 1.000 lần theo dữ liệu Scopus.

Anh có 6 bài báo khoa học đã đăng thuộc danh mục ISI và Scopus lọt vào top trích dẫn nhiều nhất của tạp chí trong giai đoạn 3 năm sau khi công bố. Thậm chí một số bài báo đã đăng của anh được BBT của tạp chí bình chọn là một trong những công trình xuất sắc nhất. Đây là những chỉ số mà rất ít nhà nghiên cứu trẻ đạt được trong thời gian 5 năm sau công bố.

Song song với nghiên cứu, anh cũng muốn đào tạo, hỗ trợ cộng đồng những nhà khoa học trẻ. Anh tham gia giảng dạy chính khóa học “Hướng dẫn viết và Công bố bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế”, do Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ trực thuộc Thành Đoàn TP.HCM tổ chức tại TP. HCM, Hà Nội, và Đà Nẵng.

TS Hải trong vai trò giảng viên chính khóa học “Hướng dẫn viết và Công bố bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế”.

Qua khóa tập huấn này, các học viên được giới thiệu các kỹ năng để có thể tự tin công bố các công trình trên các tạp chí quốc tế uy tín, hiểu rõ chuẩn mực đạo đức trong công bố quốc tế.

“Tôi mong giúp được nhiều bạn trẻ đam mê nghiên cứu khoa học có thêm kỹ năng cần thiết để khẳng định bản thân trong môi trường quốc tế. Hy vọng ngày càng có nhiều công trình chất lượng của người trẻ Việt trên thế giới”, TS Hải tâm sự.

Theo VietnamNet

Bạn đang đọc bài viết Chàng tiến sĩ tâm huyết với việc xử lý nước bẩn ở nông thôn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.
Khắc phục ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi
Những năm qua, ngành chăn nuôi phát triển khá ổn định, song chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao, chất thải từ chuồng trại của nhiều nông hộ, gia trại, trang trại gây ô nhiễm môi trường.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.