Thứ ba, 23/04/2024 21:57 (GMT+7)

Dùng sạc dự phòng như thế nào không gây cháy, nổ?

MTĐT -  Thứ ba, 03/04/2018 16:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vụ cháy tại chung cư ParcSpring (Q.2, TP. HCM) xảy ra chiều tối 1/4 nguyên nhân được cho là cục sạc dự phòng cắm lâu ngày phát nổ đang khiến nhiều người hoang mang.

Cục sạc dự phòng này được cắm sạc nhiều ngày nên quá nóng, dẫn đến phát hỏa. Ngọn lửa bùng lên bén vào chồng sách, máy tính, tấm nệm rồi lan rộng, tạo ra đám lửa khiến nhiều tài sản bị thiêu rụi.

Đây không phải là lần đầu tiên một vụ cháy bắt nguồn từ pin sạc dự phòng nhưng vụ việc này là một lời cảnh báo nghiêm trọng về thực trạng sử dụng pin sạc dự phòng dỏm tràn lan hiện nay.

Chung cư ParcSpring phát cháy là bắt nguồn từ sạc dự phòng. 

Tại sao sạc dự phòng dễ “phát hỏa”?

Liên quan đến vấn đề này, một kỹ sư chuyên ngành điện tử cho biết, sạc dự phòng dễ gây ra cháy nổ là do, việc cắm sạc pin dự phòng lâu ngày, điện sạc vào liên tục nhưng pin lại không có cơ chế tự ngắt mạch điện đã gây ra hiện tượng chập, cháy, nổ, dẫn đến vụ hỏa hoạn.

Theo vị kỹ sư này, có khả năng đầu cắm sạc (bao gồm một biến thế mini) đã không chuyển hoàn toàn nguồn điện 220V thông thường sang dòng DC (một chiều) cho vào pin, dẫn đến hiện tượng rò rỉ dòng điện AC (xoay chiều), làm đầu cắm sạc nóng lên và khi để lâu sẽ gây ra cháy, nổ; hoặc do cắm lâu ngày nên pin bị sạc nhồi liên tục, nhưng bo mạch trên pin lại không có cơ chế tự ngắt mạch khi đầy, dẫn đến nóng pin, gây ra cháy, nổ.

Nói về chất lượng pin sạc dự phòng dỏm, ông Trần Ngọc Nguyên - cố vấn giải pháp công nghệ thông tin (CNTT) cấp cao của Công ty Schneider Electric IT Việt Nam - chia sẻ: “Trong một cuộc khảo sát thị trường mà chúng tôi thực hiện, người dùng rất dễ dàng tìm mua cho mình sạc dự phòng dung lượng cao 5.000 mAh - 20.000 mAh với giá rẻ, không nhãn mác bày bán công khai tại nhiều cửa hàng hoặc ngay trên nhiều con đường.

Các pin dự phòng này hầu hết sử dụng các cell pin không rõ nguồn gốc, không có thông tin đơn vị sản xuất cũng như chất lượng vi mạch, các mối hàn liên kết kém, dễ dẫn đến chập mạch, cháy nổ”.

Ông Nguyên cũng cho biết, pin sử dụng trong sản xuất pin sạc dự phòng thường gặp là pin Nickel Cadmium, Lithium Ion (LI-Ion) hay cao cấp nhất là Lithium Ion Polymer (Li-Po).

Pin Nickel Cadmium là loại pin đã được sử dụng từ rất lâu, thuộc loại phổ thông, giá thành sản xuất rẻ nên thường được nhiều nhà sản xuất sử dụng để hạ giá thành sản phẩm. Hiện tại loại pin này đã bị cấm tại một số quốc gia vì chất lượng kém và mức độ ảnh hưởng độc hại của kim loại nặng trong quá trình sử dụng.

Đừng mua đồ dỏm, kẻo rước họa vào người

Đa phần các vụ cháy nổ cục sạc dự phòng đều đến từ việc sử dụng không đúng cách. Để thiết bị ở mội trường có nhiệt độ hoặc độ ẩm cao cũng làm tăng rủi ro cháy nổ.

Theo các chuyên gia, để đảm bảo an toàn khi sử dụng sạc dự phòng, người dùng cần lựa chọn sản phẩm thương hiệu có uy tín và nhà phân phối uy tín. Ở những cửa hàng, siêu thị có tên tuổi, trên bao bì sản phẩm có dán tem bảo hành, tem chính hãng, đặc biệt phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ. Trước khi mua, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm mình định mua, cách sạc, cách sử dụng thiết bị số của mình để đảm bảo an toàn cho bản thân và thiết bị dùng.

Nên sử dụng sản phẩm chính hãng. 

Bên cạnh việc chọn sản phẩm chính hãng an toàn, người dùng cũng cần lưu ý cách dùng tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc. Theo các chuyên gia, khi dùng sạc dự phòng cần chú ý đến một số vấn đề sau:

Tuyệt đối không để sạc qua đêm. Sạc dự phòng không có chế độ tự ngắt pin. Để sạc tiếp xúc với nguồn điện quá lâu dài sẽ khiến dòng điện truyền tải liên tục, nếu chưa tính đến tác hại về chất lượng pin thì ít nhất nó cũng sẽ khiến nhiệt năng tích lũy tăng dần. Nguy cơ gây cháy nổ cao.

Tuyệt đối không sạc ở nơi ẩm ướt, hoặc để nước ngấm vào sạc. Hầu hết các nguồn pin dự phòng, hay như pin của smartphone đều được cấu tạo từ chất liệu Lithium-ion. Ưu điểm của pin Lithium-ion là rất nhỏ gọn và chứa được nhiều điện tích, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc chúng không khác gì một quả bom tí hon cả.

Bởi vậy, khi nhiệt đó quá nóng sẽ tăng nguy cơ cháy nổ, hoặc quá ẩm ướt sẽ khiến hơi ẩm len lỏi vào mạch điện bên trong gây chập mạch, hỏng hóc.

Tuyệt đối không sạc ở những nơi có nguồn nhiệt (bếp, cửa sổ hứng nắng...).

Sạc ở nơi thoáng, tránh xa vật dụng dễ bắt lửa như sách báo, rèm cửa...

P.V (tổng hợp theo Zing, TTO)

Bạn đang đọc bài viết Dùng sạc dự phòng như thế nào không gây cháy, nổ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ngành chiếu sáng Việt Nam trên lộ trình chuyển đổi số
Khai thác, sử dụng những thành tựu, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến của ngành kỹ thuật số vào ngành chiếu sáng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng tại các đô thị và tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, ...

Tin mới