Thứ sáu, 29/03/2024 17:08 (GMT+7)

Phát triển ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao

MTĐT -  Thứ năm, 01/08/2019 15:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ðây là một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng thành phố trở thành trung tâm giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản và là động lực thúc đẩy ứng dụng NNCNC cho cả khu vực phía nam.

Ðây là một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng thành phố trở thành trung tâm giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản và là động lực thúc đẩy ứng dụng NNCNC cho cả khu vực phía nam.

Trưởng ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (AHTP) Ðinh Minh Thiện cho biết: Ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất nông nghiệp đang được nhiều nhà khoa học và các nhà sản xuất, doanh nghiệp rất quan tâm. Hiệu quả từ các mô hình ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất nông nghiệp từ các quốc gia I-xra-en, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp, trong đó có Việt Nam. Trước xu thế này, đòi hỏi TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung phải có cách tiếp cận mới về công nghệ quản lý cũng như tổ chức sản xuất, các mô hình hiệu quả để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC…

Toàn thành phố hiện có diện tích đất nông nghiệp gần 114 nghìn ha, trong đó, đất sản xuất nông nghiệp khoảng 66.000 ha; đất lâm nghiệp 35.684 ha; đất nuôi trồng thủy sản 10.798 ha. Hơn 25 nghìn hộ đang sản xuất nông nghiệp với trình độ lao động ngày càng được nâng cao, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo là hơn 70%... đã góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng nông - lâm - ngư nghiệp của thành phố lên mức khá cao. Năm 2018, giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố đạt 9.610 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong nội bộ ngành nông nghiệp, trồng trọt chiếm tỷ trọng 25,1%, chăn nuôi 36,6%, dịch vụ 7,9%, thủy sản 29,7%.

Mô hình trình diễn sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ thông minh tại công viên phần mềm Quang Trung, TP Hồ Chí Minh.

Mặc dù sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC của thành phố đang có xu hướng tăng dần nhưng nhìn chung vẫn còn thấp. Năm 2010, tỷ lệ sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đạt khoảng 10%, năm 2016 là 35,8% và năm 2018 là 38,2%. Do vậy, tăng cường hợp tác với các nước tiên tiến trong lĩnh vực NNCNC là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển NNCNC không chỉ cho riêng thành phố mà còn cho cả khu vực phía nam. Trong đó, chú trọng hợp tác với Nhật Bản là một sự lựa chọn của thành phố.

Theo AHTP, Nhật Bản là một trong những quốc gia đứng đầu trong ứng dụng công nghệ sản xuất nông nghiệp ở một số lĩnh vực quan trọng như tự động hóa sản xuất, công nghệ sinh học, nông nghiệp thông minh, tạo giống mới cây trồng, vật nuôi… Thời gian qua, AHTP và Nhật Bản đã hợp tác thực hiện một số dự án, như: Ðào tạo nghề NNCNC theo tiêu chuẩn Nhật Bản và cung ứng nguồn nhân lực cho Nhật Bản; nghiên cứu và sản xuất các giống hoa, rau… AHTP và Nhật Bản còn có nhiều tiềm năng hợp tác trong một số lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, bảo quản xử lý sau thu hoạch, ứng dụng công nghệ thông minh trong nông nghiệp... Hai bên có thể hợp tác thử nghiệm các giống rau, quả mới, nấm ăn, nấm dược liệu; ứng dụng công nghệ na-nô trong xử lý môi trường nuôi, lọc sinh học, sản xuất vi tảo; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo quản, xử lý sau thu hoạch; xây dựng hệ thống thông tin thị trường nông sản, hệ thống quản lý đất canh tác…

Giáo sư, tiến sĩ K.Goa-ta-na-bê, Trung tâm Nghiên cứu đổi mới và Khoa Khoa học đời sống - Môi trường, Ðại học Tsukuba Nhật Bản cho rằng, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố của Việt Nam cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ và nguồn gien để thúc đẩy sản xuất ở thực vật và động vật nhằm tạo ra các giống mới phù hợp điều kiện khí hậu tự nhiên, tăng năng suất và chất lượng trong sản xuất nông nghiệp. Ðây là bước đột phá mà Nhật Bản đã thành công trong phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, trong vòng 5 năm gần đây, công nghệ đóng góp khoảng 35% trong giá trị tăng trưởng của nông nghiệp ở nước ta. Hội nhập kinh tế khu vực và thế giới ngày càng sâu rộng, bên cạnh những yếu tố thuận lợi cũng sẽ có nhiều hơn những thách thức. Nếu sản xuất nông nghiệp của TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung thiếu bước chuyển mình thật sự thì sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng khu NNCNC theo mô hình đa chức năng, gắn nghiên cứu, trình diễn, chuyển giao công nghệ cho nông dân không chỉ ở thành phố mà cho cả khu vực phía nam. Tuy nhiên, việc ứng dụng NNCNC trong thực tế vẫn còn nhiều trở ngại, nhất là khó khăn về nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ thông minh, lai tạo các giống mới có chất lượng cao. Việc hợp tác với các nước tiên tiến về ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp, trong đó có Nhật Bản, sẽ giúp TP Hồ Chí Minh nhanh chóng khắc phục những hạn chế, thúc đẩy sản xuất NNCNC của thành phố và các địa phương phía nam phát triển nhanh hơn.

Theo báo Nhân dân

Bạn đang đọc bài viết Phát triển ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Cần Giờ phấn đấu đạt Net zero vào năm 2035
Huyện Cần Giờ, TPHCM vừa ban hành Kế hoạch phối hợp xây dựng Chương trình hành động Vì một Cần Giờ Xanh, đề xuất trồng rừng gắn với tín chỉ carbon, nhằm đạt được mục tiêu "net zero" vào năm 2035, trước 15 năm so với cam kết của Việt Nam.
Giải bài toán rác thải ở Bắc Ninh
Theo kế hoạch từ 2024, Bắc Ninh cơ bản sẽ xử lý triệt để rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày bằng các nhà máy đốt rác phát điện công nghệ hiện đại của thế giới.

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.