Thứ năm, 28/03/2024 22:11 (GMT+7)

Công nghệ xử lý nước thải rửa lọc Nam An

MTĐT -  Thứ sáu, 25/05/2018 11:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Công nghệ này xử lý hiệu quả nước thải rửa lọc, vận hành đơn giản, tốn ít diện tích, tiết kiện đến 50% chi phí đầu tư so với công nghệ xử lý nước thải rửa lọc thông thường.

Rất nhiều trạm cấp nước hiện nay đang hàng ngày xả thải nước rửa lọc ra môi trường. Nước rửa lọc có hàm lượng bùn cặn (SS) lớn hơn nhiều lần so với tiêu chuần cho phép theo QCVN 24: 2009/BTNMT, trong đó chú ý là hàm lượng bùn cặn (chất rắn không hòa tan) phải nhỏ hơn 50 mg/l (TSS < 50 mg/l).

Nước thải rửa lọc có những đặc điểm sau:

1. Nước xả ra từ đáy các bể lắng có hàm lượng cặn khoảng 300 mg/l ÷ 600 mg/l

  • Hàm lượng cặn trung bình của nước rửa lọc bể lọc khoảng 150 mg/l ÷ 300 mg/l
  • Tính chất nước thải rửa lọc ổn định, thành phần chủ yếu là cặn kết tủa có keo tụ.
  • Thời gian xả nước thải ngắn khoảng 1 giờ ( tùy theo vào thời gian rửa lọc)
  • Tần suất xả rửa lọc: 1 lần hoặc 2 lần trong một gày.
  •  Lưu lượng xả lớn chiếm khoảng 5% công suất của trạm cấp nước.
  • Cặn của nước rửa lọc là các bông cặn có kích thước tương đối lớn ~ 30 nanomet và có tốc độ lắng cao Uo ~ 1,0 mm/s. Giá trị Uo này dễ dàng xác định bằng thực nghiệm tại chỗ sử dụng ống nghiệm đo tốc độ lắng cặn. Thành phần cần xử lý trong nước thải rửa lọc là chất rắn không hòa tan, còn các thành phần khác đều đáp ứng tiêu chuẩn xả thải.Công nghệ xử lý nước thải rửa lọc truyền thống:

Hầu hết các công trình xử lý nước thải rửa lọc hiện có gồm các hạng mục sau:

1. Hệ thống thu gom nước thải xả rửa lọc.

2. Bể tập trung và điều hòa lưu lượng có thể tích đủ lớn để có thể chứa toàn bộ lượng nước xả rửa lọc thải ra trong 1 lần rửa lọc.

3. Cụm bơm nước thải từ bể thu gom vào bể tách bùn.

4. Bể tách bùn (hay con gọi là nén bùn) thường là bể lắng đứng, đáy dốc 45º ÷ 60º. Giữa bể có cột phản ứng trung tâm hình trụ đứng để tạo phản ứng kết bông nhờ chất trợ lắng Polyme. Các bông cặn nhỏ nhờ có polyme sẽ kết dính với nhau tạo ra các bông cặn có kích thước lớn, tốc độ lắng cao. Cặn bùn được lắng và tập trung xuống đáy côn của bể, nước sau lắng sẽ đi lên, được dẫn vào máng thu. Nước trong máng thu có độ đục rất thấp (Độ đục < 10NTU) sẽ được thu hồi dẫn trở lại bể lắng, lọc hoặc xả ra môi trường. Bùn lắng được nén trong đáy chóp của bể tách bùn và được xả vào sân phơi bùn. Tại đây bùn được phơi khô và được bốc đi chôn lấp. Nếu sử dụng máy ép bùn băng tải thì bùn sẽ được máy ép để trở thành bùn khô, có thể đóng bao hoặc xúc đổ vào xe, chở đi chôn lấp.

5. Sân phơi bùn thường được chia làm nhiều ngăn (từ 3 ngăn trở lên), mỗi ngăn có diện tích đủ rộng để có thể tiếp nhận liên tục bùn đặc từ bể tách bùn trong khoảng thời gian nhất định (khoảng 1 đến 2 tuần). Khi 1 ngăn làm việc (tiếp nhận bùn) thì các ngăn còn lại phơi bùn trong đó có 1 ngăn chờ (đã được bốc sạch bùn khô). Hình ảnh sau là bể thu gom và bể tách bùn truyền thống:

Sơ đồ công nghệ tóm tắt như sau:

Nước thải → Bể tập trung → Bơm → Châm trộn polyme → Bể tách bùn → Bùn đặc → Sân phơi bùn (hoặc máy ép bùn)

Mô hình công nghệ thường dùng:

Giải trình công nghệ:

Nước xả rửa lọc từ các bể lắng, lọc được rãnh nước riêng dẫn về bể thu gom tập trung. Cụm bơm chìm tại bể tập trung có công suất Q lựa chọn sao cho bơm hết lượng nước này trong khoảng thời gian 1 chu kỳ rửa lọc.

Nước thải từ bể thu gom được cấp trộn polyme và bơm vào cột phản ứng trung tâm đặt ở tâm bể lắng đứng. Bể này gọi là bể tách bùn do toàn bộ bùn có polyme kết dính được lắng hoàn toàn xuống đáy bể có chóp với độ dốc từ 45º đến 60º.

Nước ra khỏi cột phản ứng trung tâm sẽ đi ngược từ dưới lên trên và được thu vào máng thu bố trí xung quang thành bể lắng. Nước sau lắng có độ đục thấp, thường nhỏ hơn 10 NTU do đó có thể xả thải ra môi trường hoặc được thu hồi, dẫn về bể lắng hoặc dẫn thẳng vào bể lọc cát để xử lý thành nước sạch.

Bùn lắng dưới đáy bể tách bùn là bùn đặc khoảng 0,1% được định kỳ xả vào sân phơi bùn hoặc bơm vào máy ép bùn.

Công nghệ xử lý nước thải rửa lọc truyền thống này đã được ứng dụng phổ biến tại tại hầu hết các nhà máy cấp nước được xây dựng theo các dự án ODA, JBIC, ADB... Chi phí đầu tư xây dựng cho công trình xử lý nước thải rửa lọc rất lớn. Bể tách bùn thường xây dựng bằng bê tông cốt thép với chiều cao lớn (5m đến 6m) so với cốt mặt đất tự nhiên, để nước từ máng thu có thể tự chảy trở lại bể lắng, lọc khi thu hồi.

Đề xuất công nghệ xử lý nước thải rửa lọc Nam An:

Nhằm giảm chi phí đầu tư xây dựng và tiết kiệm mặt bằng đất đai xây dựng công trình, công ty TNHH Môi trường công nghệ cao Nam An đề xuất giải pháp xử lý nước thải rửa lọc với nội dung sau:

- Cấp polyme vào nước xả rửa lọc ngay trước khi nước rửa lọc chảy vào bể thu gom.

- Hạ đáy bể của bể thu gom xuống dưới tạo ra các chóp có thành vát 45º để tập trung và cô đặc bùn lắng.

- Tại đáy mỗi chóp lắng đặt bơm chìm để bơm bùn đặc và bơm nước trong.

- Giải pháp này cho phép không cần xây dựng bể tách bùn.

Mô hình công nghệ Nam An như sau:

Giải trình công nghệ:

Xây dựng bể thu gom tập trung nước thải theo thiết kế truyền thống tuy nhiên có sự khác biệt về cấu trúc đáy bể để thu gom. Đáy phẳng của bể thu gom truyền thống được thay bằng đáy chóp với độ dốc các mặt cạnh đáy khoảng 50 độ. Dưới đáy chóp đặt các bơm chìm công suất nhỏ đủ bơm hết nước trong bể thu gom trong khoảng thười gian một chu kỳ rửa lọc.

Vận hành bể xử lý nước thải xả rửa lọc như sau:

- Nước xả rửa lọc từ các bể lắng, bể lọc cát được dẫn về bể thu gom tập trung. Trước khi chảy vào bể thu gom, nước thải được cấp và trộn dung dịch trợ lắng polyme.

- Nước chảy vào đầy bể trong thời gian ngắn bằng đúng thời gian rửa lọc.

- Sau khi dừng rửa lọc khoảng 30 phút thì toàn bộ cặn bùn trong nước rửa lọc sẽ được lắng hoàn toàn xuống đáy các chóp bể có độ dốc từ 45º đến 60º.

- Mỗi đáy chóp bể có bố trí bơm chìm với công suất nhỏ sao cho tổng công suất các bơm đủ để hút cạn toàn bộ nước bể trong khoảng thời gian bằng chu kỳ rửa lọc.

- Trong 10 phút đầu các bơm sẽ bơm hết bùn đặc nằm trong chóp bể lắng. Bùn chảy qua van vào sân phơi bùn hoặc vào máy ép bùn băng tải.

- Khi bơm hết bùn thì van được đóng lại, nước có độ đục rất thấp sẽ được đẩy về bể lắng, bể lọc hoặc dẫn thẳng vào bể lọc cát để xử lý thành nước sạch.

Hình ảnh sau là bể xử lý nước thải rửa lọc Nam An và sân phơi bùn:

Công nghệ xử lý nước thải rửa lọc Nam An đã được triển khai ứng dụng tại nhiều công trình xử lý nước tại Hà Nội và Bắc Ninh. Một số nhà máy nước có diện tích hạn hẹp đã sử dụng hiệu quả công nghệ này khi tận dụng phần không gian trên bể thu gom để xây sân phơi bùn. Hình ảnh sau:

Công nghệ này xử lý hiệu quả nước thải rửa lọc, vận hành đơn giản, tốn ít diện tích, tiết kiện đến 50% chi phí đầu tư so với công nghệ xử lý nước thải rửa lọc thông thường. Ứng dụng công nghệ này có thể thu hồi hoàn toàn nước thải rửa lọc để tái xử lý thành nước sạch.


Nguyễn Thanh Hùng
Giám đốc Công ty TNHH Môi trường Công nghệ cao Nam An

Bạn đang đọc bài viết Công nghệ xử lý nước thải rửa lọc Nam An. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giải bài toán rác thải ở Bắc Ninh
Theo kế hoạch từ 2024, Bắc Ninh cơ bản sẽ xử lý triệt để rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày bằng các nhà máy đốt rác phát điện công nghệ hiện đại của thế giới.
Thú quý trở về và thông điệp xanh
Thời gian gần đây, ở các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và một số địa phương khác, người dân liên tiếp phát hiện nhiều loài động vật quý hiếm như voọc Hà Tĩnh, lửng lợn Đông Dương, mang Trường Sơn, gà lôi trắng, khỉ mốc, rùa sa nhân...

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.