Thứ bảy, 20/04/2024 12:57 (GMT+7)

Bộ Công Thương nói gì về việc bùng nổ điện mặt trời?

MTĐT -  Thứ hai, 08/07/2019 16:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến cuối tháng 6/2019, cả nước có 89 nhà máy điện gió và điện mặt trời với tổng công suất đặt 4.543,8 MW.

Riêng hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đã có 38 nhà máy điện gió, điện mặt trời với tổng công suất đặt 2.027 MW. Dự kiến, đến tháng 12/2020, công suất điện gió và điện mặt trời ở 2 tỉnh này sẽ tăng lên 4.240 MW.

Sự phát triển nhanh chóng của điện mặt trời và điện gió đã khiến lưới điện tại hai địa phương trên bị quá tải. Các đường dây quá tải có thể kể đến như: đường dây 110 kV Tháp Chàm-Hậu Sanh-Tuy Phong-Phan Rí mức mang tải lên tới 260-360%; đường dây 110 kV Phan Rí-Sông Bình-Đại Ninh mang tải 140%; đường dây 110 kV Đa Nhim-Đơn Dương mang tải 123%; trạm biến áp 550 kV Di Linh mang tải 140%; trạm biến áp 220 kV Đức Trọng-Di Linh mang tải 110 %...

Mức mang tải này được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Việc lưới truyền tải bị quá tải đã buộc cơ quan điều độ hệ thống điện phải cắt giảm công suất phát điện của các nhà máy điện gió và mặt trời để đảm bảo an toàn lưới. Tuy nhiên điều này lại gây nên phản ứng của các nhà đầu tư.

Bùng nổ điện mặt trời tại Ninh Thuận và Bình Thuận. Ảnh: Internet.

Trả lời về vấn đề này tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, trong đó, có cơ chế ưu đãi về giá điện với giá 9,35 cent/kWh có thời hạn đến tháng 6/2019, các địa phương có tiềm năng về năng lượng mặt trời đã có thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, đặc biệt là Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đắk Lắk. Cùng với đó, nhiều tỉnh cũng bổ sung quy hoạch điện gió.

Theo ông Hùng, Chính phủ đã có Quyết định 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, với giá bán lẻ 8,5 cent/kWh đối với khu vực trên bờ; 9,8 cent/kWh đối với khu vực ngoài khơi. Tuy nhiên, vẫn tiếp tục bổ sung Quy hoạch phát triển điện gió vào trong Quy hoạch phát triển địa phương cũng như Quy hoạch phát triển quốc gia.

Phó Cục trưởng Cục điện lực và Năng lượng tái tạo cũng cho biết, đấu lưới một số dự án điện mặt trời Ninh Thuận, Bình Thuận và một số dự án đến thời hạn 30/6/2019 sẽ đi vào phát điện và vận hành. Mặc dù vậy, một số dự án ở Bình Thuận đã quá tải, dẫn đến lưới điện không tải hết các công suất này.

Theo phân tích của lãnh đạo Bộ Công Thương, đầu tư lưới điện truyền tải với đường dây 500kV phải mất 3 năm, đường dây 220kV mất 2 năm. Trong khi đó, để đầu tư dự án điện mặt trời với công suất 50 - 100MW chỉ mất khoảng 6 tháng. Do vậy, việc phát triển lưới điện truyền tải không theo kịp tiến độ đầu tư các dự án điện mặt trời.

“Ngay từ khi bổ sung các quy hoạch điện tỉnh, quy hoạch quốc gia, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có những giải pháp giải quyết vướng mắc này”, ông Hùng cho biết.

Quyết định 11/2017 của Thủ tướng về tăng giá điện mặt trời lên 9,35 cent đã mở ra nhiều cơ chế khuyến khích cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển năng lượng này.

Tuy nhiên, quyết định này chỉ có hiệu lực đến 30/6/2019. Do đó, kể từ đây hình thành một cuộc đua rầm rộ đầu tư cho điện mặt trời, các doanh nghiệp thi nhau công bố dự án để kịp hưởng chính sách ưu đãi giá điện cao.

Gỡ khó cho điện mặt trời, EVN đã có cuộc họp khẩn với các nhà đầu tư dự án năng lượng tái tạo khu vực Bình Thuận, Ninh Thuận. Đại diện tập đoàn này cho rằng, việc phát triển nhanh các dự án với quy mô tập trung ở một số địa phương, chủ yếu là miền Trung, nơi có cường độ bức xạ lớn trong khi nhu cầu tiêu thụ ít đã gây ra khó khăn cho hệ thống lưới điện truyền tải. Riêng các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Lâm Đồng... trong 2 năm qua đã có cả trăm dự án đóng điện, nên lưới điện truyền tải không thể truyền tải được hết lên hệ thống.

"Dự án đường dây 220-500KV cần 3-5 năm mới hoàn thành dự án. Trong khi các nhà đầu tư điện mặt trời 6-12 tháng đã làm xong một nhà máy. Có dự án cách đây 2 tháng là bãi đất trống, mà giờ đã đóng điện", lãnh đạo EVN cho hay.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Bộ Công Thương nói gì về việc bùng nổ điện mặt trời?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ