Thứ sáu, 29/03/2024 12:59 (GMT+7)

Bảo vệ tài nguyên nước: Bắt đầu từ đổi mới công nghệ

MTĐT -  Thứ năm, 24/05/2018 08:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đổi mới công nghệ để sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả là giải pháp quyết liệt của Việt Nam để bảo vệ nguồn tài nguyên nước.

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ TN - MT Nguyễn Thị Phương Hoa tại hội thảo “Đổi mới công nghệ gắn với sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả”. Theo bà Hoa, tại Việt Nam việc cạn kiệt nguồn nước đang có chiều hướng gia tăng. Hơn thế, việc khai thác nguồn nước chưa được kiểm soát chặt chẽ, tình trạng ô nhiễm, suy thoái nguồn nước cũng đang tăng cả về mức độ nghiêm trọng và phạm vi ảnh hưởng. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết Việt Nam cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhằm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Phát triển công nghệ thay vì tìm nguồn nước sạch mới

Ông Ngô Văn Mơ - Phó Cục trưởng Cục ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, Việt Nam có hệ thống sông ngòi dày đặc, diện tích lưu vực sông lớn. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Tài nguyên nước Quốc tế (IWRA), các quốc gia bị xếp vào nhóm quốc gia thiếu nước khi tổng lượng nước mặt bình quân theo đầu người nằm ngưỡng dưới 4.000 m3/năm, trong khi khi lượng nước mặt bình quân theo đầu người của Việt Nam năm 2015 chỉ có 3.850 m3. Vì thế, trong thời gian tới đòi hỏi chúng ta phải tìm kiếm giải pháp công nghệ nhằm mục tiêu tiết kiệm và tái sử dụng nước.

Ông Mơ còn cho biết, hiện nay, các quốc gia tiên tiến trên thế giới đều đang phát triển các công nghệ duy trì và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước ngọt hiện có và tạo nguồn nước ngọt mới từ nước biển như: Công nghệ xử lý nước thải; công nghệ oxy hóa nâng cao; công nghệ màng; công nghệ hấp thụ; công nghệ trao đổi ion; công nghệ xử lý điện hóa; công nghệ sinh học; công nghệ xử lý nước uống; công nghệ lọc nước biển; công nghệ thủy lợi thông minh; công nghệ tưới tiết kiệm nước; công nghệ vi tưới...

Đơn cử, tại các tỉnh Tây Nguyên, để tưới nước cho 01 ha cà phê thì phải tốn khoảng 5 triệu đồng/ năm, gây nhiều áp lực lên giá thành sản phẩm. Trong khi đó, chúng ta hoàn toàn có thể giảm khối lượng nước tưới bằng việc áp dụng công nghệ vi tưới đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng, mà hiệu quả vẫn đạt được như phương pháp thông thường.

Công nghệ vi tưới đã giúp người dân Tây Nguyên tiết kiệm đáng kể lượng nước phải sử dụng.

Ở góc độ DN, ông Đàm Quang Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần quốc tế Sơn Hà cũng cho biết, hiện nay doanh nghiệp đã tập trung vào nghiên cứu, ứng dụng sản xuất những sản phẩm công nghệ cao trong chuỗi chu trình nước khép kín. Hiện tại, những sản phẩm của Sơn Hà phần nào đã góp phần giúp người tiêu dùng sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả hơn.

Trước thực trạng tại Việt Nam, ông Ichiro Adachi - Chuyên gia Chính sách và Quản lý Môi trường, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã chia sẻ những kinh nghiệm từ việc quản lý nước sông tại Nhật Bản, trong đó ông đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng về sự tham gia của cộng đồng.

Nước Nhật đã thành công trong việc biến con kênh Yanagawa trong tình trạng ô nhiễm nặng do nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp trở thành dòng sông sạch và là một điểm du lịch hấp dẫn. Ông Ichiro Adachi nói: “Một trong các lý do thành công là nhờ sự ủng hộ của cộng đồng. Cộng đồng sẽ đảm bảo được “sự sống” cho nguồn nước”.

Tăng cường chính sách hỗ trợ

Ông Mơ cho biết, Bộ KH&CN đang chủ trì triển khai Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 với nhiều hợp phần liên quan đến sử dụng tài nguyên nước hợp lý. Đồng thời, Bộ cũng đang phối hợp với Bộ TN&MT lập danh mục các sản phẩm được miễn, giảm thuế nhập khẩu cho sản thiết bị công nghệ tiên tiến.

Ông Nguyễn Hữu Thuần - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN - MT) cho biết, Luật Tài nguyên nước năm 2012 là chính sách bảo vệ nguồn nước gắn liền với mục tiêu thúc đẩy sử dụng nước đa mục tiêu và tăng hiệu quả sử dụng nước, duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông (đặc biệt dòng chảy phía hạ lưu các công trình thủy điện) và bảo vệ nguồn nước thông qua kiểm soát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước.

Bên cạnh đó, Luật Tài nguyên nước đã đưa nguyên tắc “người dùng nước phải trả tiền”. Theo đó, nước đã được coi là sản phẩm hàng hóa; các hoạt động bảo vệ, phát triển tài nguyên nước được thực hiện theo hướng xã hội hóa; có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển các dịch vụ về nước và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Đặc biệt, bà Hoa cho biết: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 54/2015/NĐ-CP ngày 08/6/2015 về ưu đãi đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Trong đó, khuyến khích bằng việc ưu đãi về vốn vay, miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ, đầu tư công trình khai thác, sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả; hỗ trợ vốn để nghiên cứu và xây dựng công trình bảo vệ nguồn nước… Bên cạnh đó, những sản phẩm thiết bị công nghệ tiên tiến tiết kiệm nước mà trong nước chưa sản xuất được đáp ứng tiêu chí tiết kiệm nước do cơ quan thẩm quyền ban hành cũng sẽ được miễn, giảm thuế nhập khẩu.

Theo Diễn đàn DN

Bạn đang đọc bài viết Bảo vệ tài nguyên nước: Bắt đầu từ đổi mới công nghệ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Cần Giờ phấn đấu đạt Net zero vào năm 2035
Huyện Cần Giờ, TPHCM vừa ban hành Kế hoạch phối hợp xây dựng Chương trình hành động Vì một Cần Giờ Xanh, đề xuất trồng rừng gắn với tín chỉ carbon, nhằm đạt được mục tiêu "net zero" vào năm 2035, trước 15 năm so với cam kết của Việt Nam.
Giải bài toán rác thải ở Bắc Ninh
Theo kế hoạch từ 2024, Bắc Ninh cơ bản sẽ xử lý triệt để rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày bằng các nhà máy đốt rác phát điện công nghệ hiện đại của thế giới.
Thú quý trở về và thông điệp xanh
Thời gian gần đây, ở các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và một số địa phương khác, người dân liên tiếp phát hiện nhiều loài động vật quý hiếm như voọc Hà Tĩnh, lửng lợn Đông Dương, mang Trường Sơn, gà lôi trắng, khỉ mốc, rùa sa nhân...

Tin mới