Thứ năm, 25/04/2024 00:55 (GMT+7)

Tranh cãi việc lát gỗ lim ở đường đi bộ TP. Huế

MTĐT -  Thứ sáu, 02/03/2018 19:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nguồn gốc gỗ là nhập khẩu chính ngạch, hợp pháp từ Nam Phi, hoàn toàn không ảnh hưởng đến rừng và chủ trương của Chính phủ Việt Nam.

Liên quan đến vụ đường lát gỗ lim gây dư luận trái chiều ở Huế, hôm nay (2.3), Ban quản lý dự án KOICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc) đã có văn bản gửi đến các cơ quan liên quan để cung cấp một số thông tin về dự án.

Theo văn bản do ông Nguyễn Việt Bằng - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án KOICA ký, dự án “Xây dựng Mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía Nam sông Hương, TP.Huế” là dự án thí điểm của dự án “Quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương và dự án thí điểm”, do KOICA tài trợ không hoàn lại.

Đơn vị thi công tiến hành đóng cọc, thi công xây dựng đường bộ bờ Nam sông Hương. Ảnh: Lê Chung

Theo đó, trong quy mô tóm tắt dự án “Mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía Nam sông Hương, TP. Huế” có cầu đi bộ, bến thuyền, sân khấu biểu diễn ngoài trời, chỉnh trang công viên Lý Tự Trọng, hệ thống giao thông (đường dạo nội bộ), hệ thống chiếu sáng và các hạng mục khác.

Riêng cầu đi bộ có kết cấu bê tông cốt thép, rộng 4m, sàn lát gỗ lim, hệ thống thoát nước sàn gỗ của cầu. Diện tích cầu là 2.443m2. Tổng kinh phí được Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc thống nhất là 52,9 tỷ đồng, trong đó kinh phí đối với hạng mục gỗ lim theo hồ sơ dự toán là 6,91 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tuyến đường đi bộ này khiến cho dư luận cũng như các chuyên gia lo ngại về sự bền vững khi con đường được lát bằng gỗ lim.

Trước đó, trong hồ sơ về dự án được cung cấp cho báo chí, Ban quản lý dự án KOICA khái toán kinh phí đầu tư xây dựng như sau: Tổng kinh phí thực hiện dự án là hơn 63,9 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là hơn 53,2 tỷ đồng, hơn 10,6 tỷ đồng còn lại là kinh phí dự phòng. Riêng chi phí thi công sàn theo hồ sơ này là hơn 42,2 tỷ đồng.

Trong 20 ngày tổ chức công bố, lấy ý kiến thì có rất nhiều người dân đến xem xét nêu ra ý kiến về dự án, tuyến đi bộ, nhưng chỉ có một số người nêu ý kiến về việc chọn vật liệu. Theo đó, có phiếu 29/32 phiếu đồng ý về việc chọn vật liệu là gỗ lim, chiếm tỷ lệ 90, 62%.

Trên cơ sở tư vấn đã có sự phân tích, so sánh đối với 4 loại vật liệu có thể dùng để lát sàn. Kết quả của việc phân tích, so sánh, tư vấn đã đề xuất chọn gỗ lim, là vật liệu để lát sàn với một số lý do: Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ nằm trong nhóm tứ thiết (đinh, lim, sến, táu); ưu điểm nổi bật là loại gỗ rất cứng, chắc, bền, không bị mối mọt, co ngót, biến dạng hay cong vênh theo thời tiết, bền vững theo thời gian đặc biệt ở vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm.

Gỗ lim thường dùng trong kiến trúc (làm cột, kèo, xà và các bộ phận cấu trúc trong các công trình), xây dựng công trình thủy lợi, cầu cống, đóng tàu thuyền, làm ván sàn, tà vẹt; màu sắc hài hòa, thân thiện môi trường, cảnh quan.

Sử dụng gỗ lim luôn duy trì được cảm giác thoải mái trong quá trình sử dụng và tạo nét mỹ quan về lâu dài và tạo nét đặc trưng và truyền thống của Huế. Đồng thời bộ phận kết cấu chính và mang tính vĩnh cửu là hệ thống là hệ thống cột, sàn chính là bê tông cốt thép mác cao.

T/H (theo báo điện tử Tổ quốc, báo dân việt, báo lao động, infonet)

Bạn đang đọc bài viết Tranh cãi việc lát gỗ lim ở đường đi bộ TP. Huế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành