Thứ năm, 28/03/2024 19:08 (GMT+7)

“Tác phẩm được làm từ nguyên liệu tái chế có thể kết nối cộng đồng”

Cẩm Anh -  Thứ bảy, 09/05/2020 08:25 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nắp chai đã qua sử dụng được họa sĩ trẻ Hoài Giang biến hóa thành các viên gạch, tạo nên tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, góp phần biến bãi rác Phúc Tân thành điểm đến nghệ thuật.

Nghệ thuật có thể kết nối cộng đồng

Từ một “vùng đất bị bỏ rơi”, vốn ngập tràn rác bên bờ sông Hồng, 16 nghệ sĩ tham gia dự án “Nghệ thuật công cộng bãi Phúc Tân” với các tác phẩm được sắp đặt theo địa hình đã biến bãi rác Phúc Tân trở thành điểm đến hấp dẫn giới trẻ và du khách tò mò với lịch sử và văn hóa của Thăng Long Kẻ Chợ.

Điều đáng chú ý là các tác phẩm đều được làm từ nguyên vật liệu tái chế, thân thiện với môi trường nhưng không kém phần tinh tế, long lanh.

Chân dung họa sĩ trẻ Hoài Giang. 

Với mong muốn được kết nối với cộng đồng và sự yêu thích đặc biệt với chất liệu nhựa, họa sĩ trẻ Nguyễn Thị Hoài Giang, cựu sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã liên hệ với Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn (Phụ trách dự án Nghệ thuật công cộng bãi Phúc Tân) để được tham gia dự án.

Hoài Giang chia sẻ: “Tôi mong muốn thông qua tác phẩm, người dân nơi đây có trải nghiệm họ chính là một phẩn của tác phẩm, họ được tham gia tạo sự gắn kết giữa con người với con người, đồng thời xây dựng ý thức bảo vệ tác phẩm sau khi hoàn thiện”.

Từ mục tiêu đó, Hoài Giang phát động chiến dịch tập hợp các nắp chai nhựa đã qua sử dụng tại nhà văn hóa phường Phúc Tân và ngõ nhà Hoài Giang đang ở trong khoảng thời gian từ 7-10 ngày, làm nguyên liệu chủ yếu cho tác phẩm của mình.

Để tạo nên những viên gạch có màu sắc, Hoài Giang đã tự tìm hiểu, nghiên cứu khá kỹ về công nghệ tái chế nhựa hiệu quả nhất hiện nay.

Hoài Giang thu thập nắp chai nhựa đã qua sử dụng để tạo nên những viên gạch. 

Theo Hoài Giang, tác phẩm sử dụng nguyên liệu chính là nhựa, tuy nhiên, thay vì sử dụng nhựa mới thì tác giả sử dụng nhựa có sẵn đã qua sử dụng. Khó khăn nhất là ở khâu pha chế tỉ lệ chất kết dính. Tỉ lệ quyết định việc lên màu tốt, quá trình sử dụng ngoài trời không bị nứt vỡ và dễ dàng trong việc bảo trì, thay thế.

Tuy nhiên, mô hình trên có tính khả thi cao, bất kể ai nếu được hướng dẫn đều có thể thực hiện. Chi phí cho nguyên vật liệu không nhiều nhưng người làm sẽ mất nhiều thời gian và công sức.

Hoài Giang cho rằng nghệ thuật hoàn toàn có thể kết nối cộng đồng. 

Từ nguyên vật liệu thu nhận được, Hoài Giang và nhóm 2 người bạn khác đã cùng nhau tạo nên các viên gạch nhiều sắc màu, người dân tại khu vực bãi Phúc Tân hỗ trợ trong việc tạo hình tác phẩm. Đồng thời, mỗi người dân nơi đây đều có khả năng thuyết trình, giới thiệu về sản phẩm. Việc này giúp các tác phẩm được bảo vệ, giữ gìn qua năm tháng.

Giảm thiểu sử dụng nhựa phụ thuộc vào sự thay đổi từ hành vi

Đã từng tham gia các dự án liên quan đến nhựa tái chế, cộng thêm sự tìm hiểu của bản thân, Hoài Giang mong muốn sử dụng nhựa như một chất liệu trong các tác phẩm nghệ thuật của mình.

Thay vì sử dụng nhựa mới, Hoài Giang hướng đến việc sử dụng nhựa tái chế góp phần bảo vệ môi trường. Tận dụng vai trò thần kỳ của nhựa là một trong những giải pháp hữu hiệu. Tuy nhiên, Hoài Giang cho rằng, giảm thiểu nhựa phải đến từ hành vi.

Tôi đã từng tham gia dự án Loài Plastic, giáo dục cho người sử dụng biết những thứ đang được sử dụng hàng ngày được làm từ loại nhựa gì, phân hủy trong bao nhiêu năm, xuất hiện ở đâu?...

Khi biết rõ những điều đó, tự bản thân mỗi người sẽ có những thay đổi trong nhận thức dẫn đến thay đổi về hành vi, dùng nhựa ít hơn, tái chế nhựa nhiều hơn, dùng nhựa đã sử dụng để tạo nên các tác phẩm nghệ thuật chỉ là một trong các giải pháp tình thế, để giảm thiểu được rác thải nhựa phải đến từ hành vi của mỗi người ”, Hoài Giang chia sẻ.

Bên cạnh đó, với vai trò là một họa sĩ tự do, trước xu thế ứng dụng chất liệu nhựa trong các tác phẩm nghệ thuật hội họa của giới họa sĩ, Hoài Giang mong muốn được làm quen, thử sức và biến nhựa trở thành nguyên liệu trong các tác phẩm của mình trong thời gian tới.

Bạn đang đọc bài viết “Tác phẩm được làm từ nguyên liệu tái chế có thể kết nối cộng đồng”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.