Thứ tư, 24/04/2024 12:42 (GMT+7)

Phú Thọ: Chính quyền có “bao che” cho bến bãi vi phạm hoạt động?

Lâm Phong - Trần Duy -  Thứ sáu, 12/10/2018 08:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dù chưa hoàn thiện đầy đủ các loại giấy tờ theo quy định, nhiều lần bị cơ quan chức năng xử phạt và đình chỉ hoạt động, nhưng bến bãi này vẫn bất chấp pháp luật?

Thời gian qua, người dân huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ đã liên tục phản ánh với cơ quan báo chí về 2 bến bãi tập kết cát sỏi trên sông Hồng (thuộc địa bàn xã Chuế Lưu và xã Vĩnh Chân) gây ô nhiễm môi trường, khai thác cát gần bờ sông gây sạt lở đất đai.

Bến bãi ngang nhiên vi phạm pháp luật ở xã Chuế Lưu, huyện Hạ Hòa.

Những bến bãi này ngang nhiên tập kết hàng vạn m3 cát khi chưa hoàn thiện đầy đủ các thủ tục pháp lý theo quy định. Điều đáng nói, các đơn vị quản lý nhà nước lại “lờ” đi trước sự tồn tại của bến bãi trái phép này.

Theo tìm hiểu của PV Môi trường & Đô thị Việt Nam điện tử, trên địa bàn xã Vĩnh Chân (huyện Hạ Hòa) tồn tại một bến bãi có quy mô lớn, hoạt động không có giấy phép đã nhiều năm nay.

Người dân sinh sống ở đây cho biết, bãi cát này đã tồn tại khá lâu rồi. Bãi không đơn thuần chỉ là điểm tập kết của mỏ cát đã được cấp phép mà còn là nơi tập kết cát vàng từ Đoan Hùng chuyển về. Được biết, đây là bến bãi của Công ty Đại Minh có địa chỉ tại xã Vĩnh Chân. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn chúng tôi ghi nhận được số lượng xe tải vào “ăn hàng” khá nhộn nhịp. Đáng lo ngại nhất là vị trí lập bến bãi nằm sát chân đê, không tuân thủ theo quy định về đảm bảo hành lang an toàn đê.

Đơn vị khai thác đổ cát tràn lên cả mặt đường ảnh hưởng đến an toàn giao thông, gây bụi bẩn và sạt lở bờ sông khiến người dân rất bức xúc.

Trao đổi với PV, ông Hoa Đình Trường – Chủ tịch UBND  xã Vĩnh Chân cho biết: “Công ty Đại Minh chỉ lập bãi trên đất xã chúng tôi, còn mỏ thì nằm trên đất xã Vụ Cầu (huyện Hạ Hòa). Họ chỉ được cấp mỏ, còn lại chưa có bất cứ loại giấy tờ nào liên quan đến tập kết bến bãi. Chúng tôi cũng đã phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xử lý yêu cầu dừng hoạt động hai lần rồi.”

Bãi cát lớn không giấy phép ở xã Vĩnh Chân, huyện Hạ Hòa.

Theo đó, ông Trường cung cấp cho PV công văn số 1642 vừa nhận được của Phòng Kinh tế hạ tầng về việc tăng cường quản lý bến thủy nội địa. Ông Trường cho biết, chúng tôi cũng chuẩn bị lập đoàn kiểm tra qua bãi cát làm việc.

Câu hỏi đặt ra là các đơn vị chức năng ở đâu mà không hề hay biết các bến bãi vẫn ngang nhiên hoạt động cho dù đã bị yêu cầu đình chỉ? Tình trạng lấn chiếm hành lang đê điều sẽ dẫn tới nguy cơ mất an toàn mùa mưa lũ, cùng với đó những cỗ xe “lặc lè” cát đang hàng ngày, hàng giờ leo lên, leo xuống khiến con đê xung yếu phải oằn mình chịu trận

Ông Nguyễn Văn H., người dân sống gần bãi cát cho biết: “Chúng tôi là người sinh sống gần bãi đã quá khổ rồi, ngày nắng chịu bụi, ngày mưa chịu bẩn cát theo vào tận trong nhà, cứ buông lỏng thế này nguy cơ mất nhà ở chỉ là chuyện một sớm một chiều chứ đừng nói giữ bờ bãi”

Cũng trên địa bàn huyện Hạ Hòa, bến bãi không đầy đủ giấy phép ngang nhiên hoạt động là của Công ty Thái Hưng Anh (thuộc xã Chuế Lưu). Công ty Thái Hưng Anh có địa chỉ văn phòng tại khu 8 thị trấn Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ.

Theo quan sát của PV, bến bãi này tập kết cát với độ cao vượt quá quy định cùng với xe trọng tải lớn ra vào làm ảnh hưởng đến kết cấu nền hành lang an toàn của đê, gây tình trạng bụi bẩn và cản trở giao thông tại khu vực.

Theo chia sẻ của bà H., người dân gần bãi cát cho biết: “Tôi nghe các ông xã nói bãi cát phải cách chân đê khoảng hơn hai chục mét, vậy mà họ vẫn đổ tràn ra cả đường . Các chú có biết đây là vị trí xung yếu đã từng xảy ra tình trạng nước sông tràn qua đê bao gần chục năm trước gây nên úng ngập trên một diện tích rộng lớn, gây khó khăn, thiệt hại không nhỏ đến cuộc sống của chúng tôi. Tôi thấy nhiều người nói, bãi này là của người nhà lãnh đạo to nên không ai dám đụng đến”

Để tìm hiểu cụ thể về việc hoạt động của bến bãi này, chúng tôi đã liên hệ làm việc với UBND xã Chuế Lưu.

Ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Công ty người ta đã có đủ các loại giấy tờ, chiều dài mỏ khai thác là 500m tính từ bãi cho đến chân cầu Hạ Hòa”.

Khi chúng tôi xin được xem giấy phép hoạt động của doanh nghiệp thì ông Hùng nói xã không có, các anh sang Phòng Tài nguyên môi trường mà lấy.

Không giấy phép họat động bến thủy nội địa; không có quyết định xây dựng các hạng mục công trình bến; không có kế hoạch bảo vệ môi trường; vi phạm hành lang an toàn đê; không có quyết định giao đất hoặc hợp đồng thuê đất... Tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn công khai làm bến tập kết hàng chung chuyển vật liệu xây dựng rầm rộ. Trước thông tin của người dân cho rằng các đơn vị này ngang nhiên thách thức dư luận bởi đứng đằng sau họ có “thế lực ngầm” chống lưng.

Để làm rõ việc hoạt động của bến bãi, chúng tôi đặt lịch làm việc với Văn phòng UBND huyện Hạ Hòa nhưng đã nhiều ngày nay, PV vẫn chưa nhận được lịch hẹn với lý do “phòng chuyện môn nhiều việc nên chưa xếp được lịch”?

Theo báo cáo từ Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Thọ phối hợp với các ngành liên quan thì trong phạm vi cả tỉnh hiện nay có 109 bến đang hoạt động, phát hiện 52 bến không phép, 28 bến giấy phép hoạt động đã hết hạn. Đoàn liên ngành đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 71 bến với số tiền xử phạt 585 triệu đồng.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.  

Bạn đang đọc bài viết Phú Thọ: Chính quyền có “bao che” cho bến bãi vi phạm hoạt động?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.