Thứ sáu, 29/03/2024 07:40 (GMT+7)

Nhìn lại sóng gió một mùa giải thưởng

MTĐT -  Thứ hai, 22/05/2017 10:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chủ tịch nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước cho 113 tác giả sáng 20/5. Sự kiện trang trọng khép lại bằng nụ cười, cái bắt tay của những người được tôn vinh.

Xúc động giải thưởng mang tên Bác

Giới nhạc năm nay “được mùa” Giải thưởng Hồ Chí Minh với sáu trên 18 tác giả. Ngoài Doãn Nho, Trọng Bằng còn có Chu Minh, Hoàng Hà, Thuận Yến, Đinh Ngọc Liên.

Nhạc sỹ, đại tá Doãn Nho có thể xem là người khỏe mạnh và minh mẫn bậc nhất ở độ tuổi 85 lên nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông chia sẻ vớiTiền Phongsự xúc động và “cảm thấy vinh dự, muốn cố gắng hơn nữa để xứng đáng với giải thưởng”. GS.NSND Trọng Bằng thì từng bị bốn nhạc sỹ (trong đó có Doãn Nho) kiến nghị không xét Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2006, sau đó Trọng Bằng cũng tự rút. Tác phẩmChào mừngbị nghi ngờ có liên quan đến Giao hưởng số 5 của Shostakovich hồi ấy không có tên trong danh sách tác phẩm xét tặng đợt này của Trọng Bằng. Ông nay chân chậm mắt mờ, lên sân khấu phải có người dìu, không đủ sức đứng chụp ảnh cùng các tác giả. Sau lễ trao giải, gia đình đưa ông ra hành lang để chụp ảnh và giao lưu với thân bằng cố hữu nhưng tuyệt nhiên không phát ngôn với giới truyền thông.

Dù số lượng tác giả nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm nay nhiều hơn lần 4 năm 2012, tuy nhiên một nửa tác giả đã khuất núi. Trong đó lĩnh vực văn học đông đảo nhất: Xuân Quỳnh, Thu Bồn, Nguyễn Xuân Thiều, Trần Hữu Mai. Sân khấu có hai tác giả cả đời cống hiến cho nghệ thuật chèo- NSND Trần Bảng và nhà viết kịch Trần Đình Ngôn. Tên tuổi Trần Bảng gắn vớiQuan Âm Thị KínhSúy Vân, tuy nhiên ông cũng nằm trong danh sách nâng lên đặt xuống đợt này. NSND Chu Thúy Quỳnh là nghệ sỹ múa duy nhất nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, lĩnh vực này còn có Lê Ngọc Canh với các công trình sách về múa. “Tôi là người may mắn, cả đời theo nghề và nghề cho tôi cuộc sống vinh quang”, Chu Thúy Quỳnh nói. Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo là người hiếm hoi của mỹ thuật được vinh danh. Nhiếp ảnh duy nhất có cố tác giả Lương Nghĩa Dũng.

Băn khoăn

Không ít tác giả đợt xét tặng này nằm trong danh sách “tạm hoãn” vì một số vướng mắc khi áp dụng nghị định mới về xét tặng giải thưởng. Trong đó Xuân Quỳnh, Thu Bồn khiến nhiều người trong giới phải lên tiếng. PGS.TS Lưu Khánh Thơ (đại diện gia đình Xuân Quỳnh) cho rằng kết quả lần này mang tính tương đối. “Tôi thấy trong quá trình xét giải có sự thiếu thống nhất, chưa có quy chuẩn cả ở phía đề ra quy định lẫn cá nhân đăng ký xét giải. Bên cạnh quy định nên có sự linh hoạt bởi giá trị của tác phẩm văn học nghệ thuật không thể đo cơ học. Giá trị tinh thần này cần thước đo là sự đánh giá của dư luận xã hội, đồng nghiệp và lan truyền qua nhiều thế hệ”, bà Lưu Khánh Thơ nói.

Sự khắt khe trong quá trình xét giải là đương nhiên, tuy vậy không ít tác giả được cho là xứng đáng vẫn không trúng giải. “Tôi rất muốn đề nghị một số bạn bè mà chúng tôi nắm chắc là rất xứng đáng, tuy nhiên có thể vì lí do này lí do khác đến nay chưa được xét. Đó là nhạc sỹ Huy Thục, hay miền Nam có anh Phạm Minh Tuấn. Tôi đã có ý kiến rồi, sẽ tiếp tục đề nghị với Bộ VHTTDL. Tôi nay 85 tuổi, tác giả xứng đáng cũng U80 cả rồi nên được ghi nhận sớm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu”, nhạc sỹ Doãn Nho nói. Phạm Minh Tuấn và Vũ Văn Ký ban đầu có tên trong danh sách xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt này do Bộ VHTTDL trình lên, đều qua ba vòng hội đồng với số phiếu trên 90%. Tuy nhiên cuối cùng hai nhạc sỹ vẫn chưa có tên trong đợt xét tặng này.

Nhiều văn nghệ sỹ đánh giá Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật là sự ghi nhận, tiếp thêm động lực sáng tạo cho nghệ sỹ. Ở lĩnh vực chèo đến nay có ba tác giả được giải này là Tào Mạt, Trần Bảng và Trần Đình Ngôn. “Đó là sự khích lệ của Nhà nước đối với nghệ thuật sân khấu và đặc biệt là nghệ thuật truyền thống”, TS Trần Đình Ngôn nói. NSND Trần Bảng ở tuổi gần đất xa trời đơn giản nói rằng vui và cả đời chỉ biết làm chèo do tự mày mò nghiên cứu sáng tạo từ nền tảng cha ông. Nhạc sỹ Trần Mạnh Hùng 44 tuổi có lẽ là một trong số người trẻ nhất nhận Giải thưởng Nhà nước.

“Tôi thấy phấn khích vô cùng và có thêm động lực. Con đường viết nhạc giao hưởng thính phòng và nhạc không lời rất vất vả. Giải thưởng này khiến chúng tôi tự tin và hưng phấn hơn rất nhiều”, Trần Mạnh Hùng nói. Anh thừa nhận ở một số lĩnh vực như khí nhạc và giao hưởng, các tác giả thiệt thòi vì không tự quảng bá tác phẩm dễ dàng như sáng tác ca khúc. “Tôi nghĩ mọi người nên nhìn âm nhạc rộng hơn, không chỉ có ca khúc”, anh nói. 

PGS. TS Trần Trí Trắc được Giải thưởng Nhà nước cho công trình lý luận phê bình về chèo cổ. Ông cho rằng hiện nay các nhà lý luận bị thiệt thòi nhất định bởi tác phẩm lý luận khó được ghi nhận giải A để làm tiêu chí xét tặng. Trong khi các tác giả sân khấu dễ dàng có tác phẩm công diễn được giải Vàng (lại do công sức tập thể sáng tạo), cho nên một số tác giả được xét giải nhưng chưa thật xứng đáng. 

Theo Tiền Phong
Bạn đang đọc bài viết Nhìn lại sóng gió một mùa giải thưởng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.