Thứ sáu, 19/04/2024 07:19 (GMT+7)

Nhà báo vào vai cửu vạn và cuộc rượt đuổi trong đêm khuya

MTĐT -  Thứ năm, 28/11/2019 15:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Để thực hiện loạt bài viết: “Xâm nhập đường dây đánh hàng lậu miền biên viễn Lạng Sơn”, nhà báo Cao Tuân (Báo Gia đình & Xã hội) đã “nằm vùng” ở khu vực biên giới nhiều tháng trời.

Nhằm hiểu rõ “luật ngầm” của đường dây “tuồn” hàng lậu về nội địa Việt Nam tiêu thụ với số lượng lớn, anh đã trải qua một hành trình không chỉ hao tổn sức lực theo đúng nghĩa mà còn phải đối diện với nhiều hiểm nguy…

Từ khóa học dạy “đánh hàng lậu”

Hàng hóa không có hóa đơn, không rõ ràng nguồn gốc xuất xứ cũng như những nghi ngại về chất lượng đang ngày càng len lỏi vào khắp thị trường Việt Nam. Việc này phổ biến đến mức, ngay tại Thủ đô xuất hiện nhiều khóa học dạy cách mua hàng hóa giá rẻ không hóa đơn, giấy tờ từ Trung Quốc đem về Việt Nam buôn bán với lợi nhuận “1 vốn 4 lời”.

Nhà báo Cao Tuân (bên phải) làm việc với ông Nguyễn Công Trưởng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn về kết quả xử lý vi phạm sau thông tin báo đăng.

Nhà báo Cao Tuân kể: “Trong vài lần đi thực tế ở những chợ đầu mối tại Hà Nội, tôi vô tình nghe kể chuyện một khóa học dạy “đánh hàng” từ Trung Quốc về với giá rẻ mà không mất một khoản thuế nào. Lần theo những thông tin có được, tôi đăng ký tham gia khóa học với khoản phí 5 triệu đồng. Tại một căn hộ ở tòa nhà nằm trên đường Tam Trinh (quận Hoàng Mai), các “huấn luyện viên” giới thiệu: Học viên chỉ cần cài đặt ứng dụng mua hàng của Trung Quốc, chọn những loại mặt hàng cần mua, thực hiện thanh toán từ xa qua tài khoản thẻ của ngân hàng Trung Quốc. Hàng hóa sau đó sẽ được vận chuyển từ nội địa Trung Quốc tập kết về một địa điểm ở gần biên giới, sau đó sẽ có một đơn vị nhận vận chuyển về Việt Nam qua đường tiểu ngạch mà không mất một khoản phí, thuế nào”.

Tận mắt chứng kiến một học viên đang là chủ một cửa hàng thời trang ở quận Nam Từ Liêm thao tác trong vòng có 1 tuần, hàng hóa đã được đưa đến tận shop khiến nhà báo Cao Tuân đặt ra câu hỏi: “Vì sao những lô hàng giá rẻ, không hóa đơn lại được “tuồn” về Việt Nam một cách đơn giản như vậy?”. Với ý nghĩ phải đi đến tận cùng sự thật, anh đã thâm nhập đường dây “đánh hàng” này.

Cửu vạn ngang nhiên “cõng” hàng lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Đêm biên giới, vào vai cửu vạn

Một trong những việc khó nhất lúc này là phải tiếp cận được hoạt động của những đối tượng trong “cỗ máy buôn lậu” cũng như mục sở thị đường đi của hàng hóa. Cả 3 lần đến điểm tập kết hàng lậu phía sau chùa Tân Thanh (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn), nhà báo Cao Tuân đều bị nhóm người cản trở và “áp giải” ra tận trục đường chính. Không bỏ cuộc, anh trở lại “điểm nóng”, lân la những quán ăn nhằm tiếp cận những cửu vạn. Phải mất 2 ngày, anh mới làm quen được một cửu vạn tên Minh “trâu” – người có thâm niên 6 năm “cõng” hàng thuê. Sau nhiều lần “trình bày hoàn cảnh”, Minh “trâu” mới đồng ý đưa anh gặp một “cai cửu” để xin việc. Do là “lính” mới, nên ngoài việc xem chứng minh nhân dân, kiểm tra sức khỏe, Cao Tuân còn phải đặt cọc một khoản tiền để tránh việc làm thất lạc hàng khi vận chuyển. Theo thỏa thuận, mỗi bao hàng vác từ điểm tập kết trên đồi núi khu vực Cửa khẩu Việt – Trung xuống điểm tập kết phía dưới gần Cửa khẩu Tân Thanh, cửu vạn sẽ được chủ trả 2.700 đồng/kg. Thường thì 1 bao hàng nặng 30 đến 120kg, tùy loại. Sau khi thủ tục “nhập môn” hoàn tất, anh đi mua “đồ nghề” gồm dây thừng, tấm đệm mút (dụng cụ để buộc hàng và đeo vào vai) rồi theo nhóm cửu vạn về một lán tạm nghỉ ngơi chờ báo lệnh sẽ lên núi “cõng” hàng về.

Hàng hóa sau khi đóng bao tại Lũng Vài (Trung Quốc) sẽ được vận chuyển đến khu vực ráp danh biên giới rồi “tuồn” sang Việt Nam bằng các đường mòn, lối mở. Ảnh Cao Tuân.

Để bài báo có được chứng cứ thuyết phục, nhà báo Cao Tuân đã bí mật thu thập tất cả những chứng cứ bằng các cách ghi âm, ghi hình trong suốt thời gian thâm nhập. “Đó thực sự là một công việc khó khăn và nguy hiểm. Nan giải nhất trong quá trình nhập vai làm cửu vạn là phải đi qua Mốc 1089 sang hàng rào biên giới sang điểm tập kết bên Trung Quốc đưa hàng về Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc tôi vượt biên trái phép”, nhà báo Cao Tuân vẫn còn nguyên cảm giác hồi hộp khi kể chuyện với chúng tôi.

Do vậy sau khi tính toán kỹ, anh đã trao đổi với Minh “trâu” - cửu vạn đi cùng rằng do mới đi làm còn run sợ nên chỉ đứng ở phía bên Việt Nam. Sau khi Minh “trâu” sang Trung Quốc (cách cột mốc biên giới vài trăm mét) đưa các bao hàng về địa phận của Việt Nam, anh sẽ vác hộ xuống điểm tập kết theo chỉ định của chủ. “Tôi phải thuyết phục rất lâu và nói rằng đang tập làm cho quen nên sẽ không đòi chia tiền công nên Minh “trâu” mới đồng ý”, nhà báo Cao Tuân kể lại.

Do những đường mòn giữa đồi keo rất nhỏ, lại trơn trượt sau mưa cộng với bao hàng hơn 60kg sau lưng nên mỗi lần đến đoạn triền dốc, những cửu vạn mới vào nghề như Cao Tuân lại bị ngã sõng xoài xuống bùn đất. Đặc biệt là buổi đêm, trời lạnh, sương muối dày đặc nhưng anh vẫn phải cởi trần vác hàng. Anh lấy chiếc áo mỏng quấn quanh tay trái để kẹp dụng cụ quay hình một cách kín đáo, tay phải cầm đèn pin dò đường. “Khoảng thời gian đó suốt ba tháng liền tôi không cắt tóc, cạo râu để nhìn cho giống cửu vạn, tránh bị chim lợn nghi ngờ”, anh tâm sự.

Kể cả lúc nửa đêm, chỉ cần có hàng là “đầu nậu” phát lệnh cho cửu vạn vác hàng qua biên giới về Việt Nam.

Sau khoảng 1 tuần nhập vai thì bất ngờ nhà báo Cao Tuân bị lộ trong lúc chụp ảnh khi đi bộ ở phía rìa đồi keo. Lúc này trời về đêm, tối đen như mực, 1 người đàn ông rọi thẳng đèn pin và mặt Cao Tuân rồi hô lớn: “Có biến. Có đứa đang chụp ảnh”. Ngay lập tức, một nhóm người làm nhiệm vụ cảnh giới hùng hổ lao đến khu vực nơi anh đứng.

“Lúc ấy tôi chỉ biết cắm mặt chạy, mỗi lần trượt ngã lại đứng dậy chạy tiếp vì nếu bị nhóm người này bắt giữ giữa khu vực biên giới sẽ không biết thế nào. Họ đuổi theo rất lâu mãi đến khi tôi rẽ vào một lối mới rồi núp vào bụi rậm sát bờ vực, nhóm người này bị mất dấu và truy lùng ở điểm khác. Lần theo đường mòn về chùa Tân Thanh, tôi gột rửa vết bẩn của quần áo, băng bó vết máu chảy ở tay rồi đi bộ ra đường lớn đón xe khách về Hà Nội”, nhà báo Cao Tuân nhớ lại.

Câu chuyện chưa dừng lại ở đó bởi sáng sớm, Minh “trâu” gọi cho Cao Tuân hỏi về việc vì sao tự dưng vội vàng bỏ về. Cửu vạn này còn bảo rằng có một nhóm người đến lán ở của cửu vạn gửi lại 2 viên đạn của loại súng AK-47...

Nhiều bao hàng lớn bị mắc kẹt qua cánh cửa hàng rào biên giới, phải rất khó khăn nhóm cửu vạn mới đưa qua được.

Những góc khuất dần lộ sáng

Tuy có chút lo lắng nhưng với mong muốn phơi bày sự thật ra ánh sáng, phóng viên của Báo Gia đình & xã hội vẫn kiên trì thực hiện tuyến bài. Nhà báo Cao Tuân kể lại một chi tiết đáng ngờ mà anh ghi lại được: “Trong chặng đường nhập vai đi theo nhóm cửu vạn mang hàng từ bãi tập kết qua đường mòn xuyên đồi keo xuống bãi gần Cửa khẩu Tân Thanh, tôi còn phải đi qua một lán, căng bạt xanh mà theo lời cửu vạn đó là chốt của Bộ đội Biên phòng. Là người mới nên lần nào đi qua, tôi cũng bị hai người đàn ông mặc thường phục từ trong lán đi ra hỏi đi làm lâu chưa, mang hàng cho nhà nào?. Nhờ những lời căn dặn từ trước nên sau khi “khớp lệnh”, tôi mới được cho mang hàng qua…”. Từ chi tiết này, anh quyết tâm làm sáng tỏ thêm vai trò của “chốt Bộ đội Biên phòng” đấy. Sau nhiều tháng tiếp tục thu thập các thông tin, anh phát hiện ra được rằng, ngoài sự liều lĩnh của nhóm “đầu nậu” vì đồng tiền bất chấp luật pháp còn có dấu hiệu tiêu cực của những cán bộ đang thực thi nhiệm vụ phòng chống buôn lậu.

Xe máy chở hàng lậu từ điểm tập kết phía sau chùa Tân Thanh ra khu vực xe tải chờ sẵn.

Sau khi loạt bài viết được đăng tải trên Báo Gia đình & Xã hội đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của dư luận. Rất nhiều cơ quan đã vào cuộc, trong đó có Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia); Tổng cục Hải quan; Cục Chính trị - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và các ban ngành của tỉnh Lạng Sơn. Kết quả kiểm tra, xác minh cho thấy tình trạng cửu vạn mang vác hàng lậu qua một số đường mòn trên địa bàn huyện Văn Lãng như Báo Gia đình & Xã hội phản ánh là có thật. Là đơn vị liên quan trực tiếp, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã họp kỷ luật, điều chuyển Trạm trưởng, Phó Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Tân Thanh và một số cán bộ, chiến sỹ phụ trách địa bàn. Với sự chỉ đạo sát sao từ Trung ương, Đồn Biên phòng Tân Thanh và Chi cục Hải quan Tân Thanh đã phối hợp triển khai lực lượng dựng lán chốt chặn 24/24 giờ tại vị trí các đường mòn khu vực Mốc 1089 đến Mốc 1090 để ngăn chặn hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép và buôn lậu.

Có thể thấy rằng, bằng sự dũng cảm, dấn thân và trách nhiệm, phóng viên của Báo Gia đình & Xã hội đã kiên trì đeo đuổi đến tận cùng vụ việc, giúp cơ quan chức năng kịp thời có biện pháp ngăn chặn tình trạng “tuồn” hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng về Việt Nam tiêu thụ, nhất là đang dịp cao điểm cuối năm.

Theo báo Công lý

Bạn đang đọc bài viết Nhà báo vào vai cửu vạn và cuộc rượt đuổi trong đêm khuya. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Phòng: Bí thư Thành ủy thăm, tặng quà người có công
Chiều 17/4, Ông Lê Tiến Châu- Bí thư Thành ủy Hải Phòng đi thăm, tặng quà thân nhân liệt sĩ, Chiến sĩ Điện Biên, Thanh niên xung phong, Dân công hỏa tuyến tại quận Hải An. Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 07/5/2024).

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.