Thứ sáu, 19/04/2024 17:49 (GMT+7)

Nghệ An: Giá nước sạch cao nhất cả nước, thiếu nước trầm trọng

MTĐT -  Thứ năm, 05/09/2019 16:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong thời gian gần một tháng (từ ngày 8/8 đến ngày 02/9/2019) cuộc sống người dân và hoạt động của các tổ chức trên địa bàn thành phố Vinh và vùng phụ cận bị xáo trộn bởi thiếu nước sạch để sử dụng.

Trước đây, vào mùa nắng hạn cao điểm vẫn có đôi lúc xảy ra thiếu nước sạch. Tuy nhiên, thiếu nước sạch trầm trọng như thời gian vừa qua là tình trạng chưa bao giờ xảy ra. Chúng tôi đã tìm hiểu vấn đề thì được biết:

Trụ sở Công ty CP cấp nước Nghệ An

Nguyên nhân của vấn đề này là do công văn chỉ đạo thiếu căn cứ pháp lý của UBND tỉnh Nghệ An (Công văn số 5540/UBND-CN ngày 09/8/2019). Nội dung công văn yêu cầu Công ty Cổ phần Cấp nước Nghệ An (Công ty Cấp nước Nghệ An) dừng mua nước thô sông Đào để mua nước thô của Công ty TNHH MTV cấp nước Sông Lam (Công ty Sông Lam) - sự can thiệp quá sâu của UBND tỉnh Nghệ An vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong khi Công ty cấp nước Nghệ An đang đủ điều kiện về mặt pháp lý để sử dụng nước sông Đào thì lại phải ngừng để mua nước thô từ Công ty Sông Lam - doanh nghiệp được bán nước thô với giá tự doanh nghiệp đặt ra và cao một cách bất thường (gấp hơn 50 lần so với các tỉnh có cùng đặc điểm về điều kiện tự nhiên). Từ chỉ đạo của UBND tỉnh đến tình trạng thiếu nước sạch như hiện nay, nhiều câu hỏi vì sao được đặt ra.

Vì sao giá nước thô cao bất thường?

Địa bàn thành phố Vinh và vùng phụ cận sử dụng nước sạch do Công ty Cấp nước Nghệ An cung cấp với nguồn nước thô mua của Công ty Sông Lam theo nội dung của “Thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước thô” được ký ngày 28/01/2015 giữa Công ty Sông Lam và UBND tỉnh Nghệ An. Giá nước thô ban đầu được xác định là 1.950 đồng/m3, lộ trình tăng giá nước là 2 năm/lần, mỗi lần tăng 12%.

Nhận thấy nhiều dấu hiệu bất thường, nhiều cơ quan báo chí đã điều tra, phản ánh và kiến nghị đến UBND tỉnh Nghệ An xem xét nội dung văn bản Thỏa thuận. Lý do kiến nghị: Văn bản thỏa thuận đó sai về căn cứ, không có cơ sở tính toán để xác định giá nước thô là 1.950 đồng/m3, lộ trình điều chỉnh giá trái quy định… Đến ngày 09/01/2019, UBND tỉnh Nghệ An có văn bản thông báo hủy bỏ Thỏa thuận dịch vụ cung cấp nước thô ký ngày 28/01/2015 với nội dung: kể từ ngày 02/01/2019 các nội dung đã ký kết tại Thỏa thuận dịch vụ cung cấp nước thô không còn hiệu lực thi hành.

Như vậy, UBND tỉnh Nghệ An đã nhận thấy sai phạm ở văn bản Thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước thô và cũng đã có văn bản hủy bỏ Thỏa thuận này. Tuy nhiên, đến nay, UBND tỉnh vẫn bỏ lửng và chưa có văn bản chỉ đạo đến cùng để giải quyết những hậu quả do “Thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước thô” để lại. Công ty Sông Lam vẫn tiếp tục thu tiền mua nước thô của Công ty Cấp nước Nghệ An là 1.950 đồng/m3, dẫn đến người dân vẫn tiếp tục gánh chịu chi phí nước thô cơ cấu vào giá tiêu thụ nước sạch cao nhất cả nước (gần 3.000 đồng/m3 nước sạch).

Vậy tại sao UBND tỉnh Nghệ An không kiên quyết chỉ đạo các ngành liên quan và Công ty Sông Lam tính toán lại giá nước thô mà để cho Công ty Sông Lam tiếp tục thu tiền của người dân (theo đúng nội dung đã hủy bỏ) trái với quy định của Nhà nước? Phải chăng ở đó đang có sự “bắt tay hợp tác” để thực hiện thêm nhiều kế hoạch “bí ẩn”?

Vì sao việc thiếu nước sạch xảy ra cả ở các Bệnh viện nhưng không được quan tâm?

Trong 2 đợt thiếu nước sạch gần đây, nhiều bệnh viện, trường học, khu vực tập trung đông người đã bức xúc suy diễn vấn đề theo nhiều hướng tiêu cực. Thiếu nước sạch là một cực hình đối với người dân và đặc biệt nguy hiểm đối với những người đang điều trị chạy thận nhân tạo ở các bệnh viện. Trong đợt thiếu nước sạch từ ngày 07 đến ngày 11/8/2019, nhiều bệnh viện đã gọi điện và gửi công văn yêu cầu Công ty Cấp nước Nghệ An cung cấp đủ nước sạch để phục vụ điều trị bệnh nhân (bao gồm Bệnh viên nhi Nghệ An, Bệnh viện Quân Y 4, Bệnh viện giao thông Vinh …).

Sau nhiều kiến nghị của Công ty cấp nước Nghệ An cũng như phản ứng của nhân dân, ngày 10/8/2019, UBND tỉnh thành lập Tổ kiểm tra và thống nhất phương án xử lý trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định và ngày 12/8/2019 hoạt động cấp nước đã trở lại bình thường. Sau vụ việc trên, người dân hy vọng vấn đề sẽ được khắc phục triệt để, nhưng đến ngày 02/9/2019 tình trạng thiếu nước lại tiếp tục lặp lại. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là sự can thiệp trái quy định của UBND tỉnh Nghệ An khi xử lý vấn đề nguồn nước thô do Công ty Sông Lam cung cấp không đủ điều kiện để sản xuất nước sạch.

Được biết, theo đề nghị của Công ty cấp nước Nghệ An, sáng ngày 03/9 UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp với số lượng thành phần tham gian hết sức “hùng hậu” để tìm nguyên nhân và phương án giải quyết. Kết quả, chiều ngày 03/9 Tổ công tác (do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng) đã ký văn bản số 2699/SXD-HTKT với nội dung “cho phép Công ty Cổ phần Cấp nước Nghệ An sử dụng nước sông Đào để sản xuất nước sạch” - một việc làm trái quy định và hết sức vô nghĩa, bởi vì ở thời điểm hiện tại Công ty Cổ phần Cấp nước Nghệ An đương nhiên được quyền sử dụng nước sông Đào (Giấy phép sử dụng nước sông Đào của doanh nghiệp này đang còn hiệu lực; doanh nghiệp không vi phạm các quy định trong quá trình sử dụng nước sông Đào).

CV của UBND tỉnh Nghệ An.

Trong mỗi đợt thiếu nước, đối tượng bị ảnh hưởng lớn nhất là người dân và các tổ chức sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, việc xử lý vừa qua quá chậm, cứng nhắc và không triệt để; không giải quyết được nguyên nhân sâu xa của vấn đề, nên khả năng lặp lại sự cố thiếu nước sạch rất dễ xảy ra trong thời gian tới.

Hình như ở đây “người ta” đang có những tính toán vì lợi ích cá nhân, nên tính nguy hiểm vì thiếu nước ở các bệnh viện chưa được quan tâm; đời sống sinh hoạt và các hoạt động sản xuất kinh doanh của hàng vạn hộ dân, cơ quan, tổ chức bị ảnh hưởng do thiếu nước sạch không làm “người ta” bận tâm?

Để không tiếp diễn tình trạng thiếu nước sạch do công tác quản lý, tỉnh Nghệ An cần xác định đúng thẩm quyền Nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp; cần tạo điều kiện để sớm có thêm nhiều doanh nghiệp kinh doanh cấp nước, cạnh tranh bình đẳng.

Xã hội ngày càng dân chủ, những hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý. Hy vọng Tỉnh ủy và chính quyền tỉnh Nghệ An sớm giải quyết tốt vấn đề cấp nước, không để các cơ quan điều tra và kiểm tra Trung ương phải vào cuộc xử lý.

Theo kinh doanh và pháp luật

Bạn đang đọc bài viết Nghệ An: Giá nước sạch cao nhất cả nước, thiếu nước trầm trọng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...