Thứ sáu, 29/03/2024 06:37 (GMT+7)

Không thể xác định được quyết định ra quân không số là giả hay thật?

Duy Minh - Bùi Hạnh -  Thứ hai, 15/07/2019 16:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau bài viết “Không khai chuyện đào ngũ, Chủ tịch xã vẫn tại vị làm Phó bí thư Đảng ủy xã” đăng trên MT&ĐT điện tử, BBT nhận được nhiều phản hồi của độc giả đề nghị làm rõ các vấn đề liên quan?

Theo đó, ông Tăng Hữu Ngự, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hùng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng là nhân vật bị tố trong bài viết, được xác định là bộ đội đào ngũ trong quá khứ, nhưng ông Ngự đã không khai nhận điều này khi vào Đảng, có dấu hiệu gian dối tổ chức. Đặc biệt, ông Ngự bị tố không minh bạch khi xuất trình quyết định xuất ngũ về địa phương, nhưng tờ quyết định này không có số quyết định, không có số hiệu quân nhân.

Theo báo cáo kết quả xác minh vụ việc do Trung tá Tạ Phúc Sơn, Phó Chỉ huy trưởng - Ban chỉ huy quân sự huyện Vĩnh Bảo đã ký xác nhận, ông Tăng Hữu Ngự được xác định là có đảo ngũ. Sau khi về địa phương, ông Ngự bị triệu tập cải tạo lao động tại huyện Vĩnh Bảo từ tháng 5/1983 đến tháng 3/1984.

Quyết định xuất ngũ của ông Tăng Hữu Ngự

Căn cứ vào sổ đăng ký quân nhân dự bị hạng một lưu trữ tại Ban CHQS xã Hùng Tiến (nơi ông Ngự làm Chủ tịch xã), Ban CHQS huyện Vĩnh Bảo đã xác định ông Tăng Hữu Ngự đã nhập ngũ lần hai vào tháng 4/1984 và xuất ngũ vào tháng 3/1987.

Ban CHQS huyện Vĩnh Bảo đã ghi nhận ý kiến xác nhận về việc ông Tăng Hữu Ngự có thời gian nhập ngũ, xuất ngũ như trên của 5 người làm chứng nguyên là cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 666, Đoàn 330, Cục Kinh tế Quân khu 3. Các nhân chứng đều khẳng định về thời gian nhập ngũ, xuất ngũ của ông Ngự là đúng sự thật.

 Khi phóng viên đặt câu hỏi, trong số 5 nhân chứng được cho là đồng đội cũ của ông Ngự, có tìm được tờ quyết định nào của họ để có sự so sánh, đối chiếu hay không? Đại diện Ban CHQS cho biết, quá trình xác minh không tìm được bất cứ quyết định nào của những nhân chứng này để đối chiếu.

Quyết định xuất ngũ của ông Tăng Hữu Ngự do thiếu tá Nguyễn Tiến Đên, Chỉ huy trưởng Trung đoàn 666 ký ngày 10/3/1987 nhưng văn bản này không có số quyết định, phần ghi số hiệu quân nhân cũng để trống. Những dấu hiệu bất thường của tờ quyết định này khiến dư luận địa phương nghi ngờ về tính xác thực của văn bản.

Thượng úy Phạm Bá Sỹ (Công tác tại Ban CHQS huyện Vĩnh Bảo, người được phân công nhiệm vụ đi xác minh vụ việc) cho biết: “Tôi đã lên tận phòng quân lực quân khu 3, gặp đồng chí trưởng phòng và đồng chí này đã chỉ đạo xuống cho toàn đơn vị để hỗ trợ xác minh trường hợp này”. Tuy nhiên, theo Thượng úy Sỹ, tại nơi lưu giữ tài liệu của quân khu 3 cũng không tìm thấy tài liệu nào có thể khẳng định quyết định không số hiện tại ông Ngự đang lưu giữ là giả hay thật.

Ban CHQS huyện Vĩnh Bảo cho rằng, việc xác minh tuổi quân của ông Tăng Hữu Ngự là hoàn toàn đúng quy định, căn cứ vào công văn 1359/TM ngày 25/10/2003 của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam.

Theo đó, trường hợp quân nhân xuất ngũ về địa phương nay không còn giữ được các giấy tờ liên quan đến thời gian tại ngũ thì hồ sơ xác nhận tuổi quân gồm: Bản khai quá trình công tác trong quân đội có xác nhận của UBND xã về thời gian nhập ngũ, xuất ngũ. Giấy xác nhận của hai người làm chứng cùng đơn vị từ cấp Tiểu đoàn và tương đương trở xuống.

Ở đây, ông Tăng Hữu Ngự không thuộc trường hợp quân nhân xuất ngũ về địa phương không còn giữ được các giấy tờ liên quan đến thời gian tại ngũ. Bởi lẽ, ông Ngự đã trình tờ quyết định xuất ngũ mang tên ông, tức là có giấy tờ liên quan. Tuy nhiên, tờ quyết định do ông Ngự trình ra không có số quyết định, không có số hiệu quân nhân khiến dư luận nghi ngờ về tính minh bạch của văn bản.

Ông Tăng Hữu Ngự thuộc trường hợp có giấy tờ ra quân, nhưng Ban CHQS huyện Vĩnh Bảo lại xác minh vụ việc theo hướng quân nhân không còn giữ được giấy tờ liên quan. Vậy, việc tìm ra 5 nhân chứng được cho là cùng đơn vị với ông Ngự và coi ý kiến của họ là căn cứ chứng minh cho quá trình tại ngũ của ông Ngự có đảm bảo yếu tố khách quan?. Bản chất vụ việc này cần làm rõ, tờ quyết định ra quân của ông Ngự là thật hay giả thì chưa được Ban CHQS huyện Vĩnh Bảo giải đáp.

Hơn nữa, căn cứ theo tờ quyết định do ông Ngự lưu giữ và ngày tháng nhập ngũ như Ban CHQS đã xác minh thì thời điểm nhập ngũ lần đầu tiên, ông Ngự đang ở độ tuổi hơn 16 tuổi, điều này có phù hợp với các quy định thời điểm đó hay là không?

Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết Không thể xác định được quyết định ra quân không số là giả hay thật?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.