Thứ sáu, 29/03/2024 16:41 (GMT+7)

Gia Lai: Cần giải pháp thiết thực để cứu người dân trồng tiêu

A LỰC -  Thứ tư, 12/06/2019 16:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có hơn 5.500 ha tiêu bị chết khiến người trồng rơi vào cảnh nợ nần. Các cơ quan chức năng đã cùng bàn giải pháp giúp người dân vượt qua giai đoạn khó khăn.

Nông dân bị cuốn vào vòng xoáy nợ nần

Năm 2018, do thời tiết mưa nhiều kéo dài 4 tháng liền, cây tiêu bị nhiễm bệnh và chết hàng loạt, nhiều diện tích gần như mất trắng. Nhiều hộ nông dân tại Gia Lai vay vốn ngân hàng không có khả năng trả đứng trước nguy cơ ngân hàng thu hồi đất để giải quyết nợ. Theo số liệu từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai), diện tích trồng tiêu trên địa bàn tỉnh vào thời điểm cuối năm 2010 có hơn 5.800 ha hồ tiêu đến cuối năm 2016, diện tích đã tăng lên tới 16.400 ha. Năm 2018, tổng diện tích hồ tiêu của tỉnh giảm còn 16.300 ha. Trong khi đó, theo quy hoạch tầm nhìn đến năm 2020, tổng diện tích hồ tiêu của toàn tỉnh là 6.000 ha. Nghĩa là, diện tích hồ tiêu của tỉnh đã tăng gần gấp 3 lần so với quy hoạch.

Nhiều người dân làm đơn cầu cứu gửi đến các cơ quan chức năng.

Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, ông Nguyễn Văn Bắc (trú xã Ia Pia, huyện Chư Prông, Gia Lai) cho biết: Vào những năm 2013 – 2014, hạt tiêu được giá nên gia đình ông đã đầu tư trồng 10 ha tiêu với gần 11.000 trụ tiêu và dự kiến năm thứ 5 thì bắt đầu thu hoạch, nhưng đến nay đã bị chết gần 7.000 trụ tiêu. Gia đình ông Bắc đã bỏ ra gần 10 tỷ đồng để đầu tư 10 ha tiêu này, trong đó tiền vay ngân hàng là gần 4,5 tỷ đồng, còn lại gia đình huy động. Thế nhưng, diện tích tiêu chết tính đến nay đã hơn quá nửa số tiêu được trồng nên gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Nhiều hộ gia đình trồng tiêu ở đây vì tiêu bị chết và không có tiền trả lãi ngân hàng nên đã bỏ vào TP Hồ Chí Minh để làm thuê kiếm sống.

Ông Nguyễn Văn Bắc trồng 10 ha tiêu với gần 11.000 trụ tiêu nhưng đến nay đã bị chết gần 7.000 trụ.

Tiền tích góp từ ngày xưa đến giờ coi như mất trắng, với số tiền vay ngân hàng gần 4,5 tỷ đồng thì tiền lãi tôi phải đóng hằng tháng gần cả trăm triệu đồng. Hằng đêm nằm không ngủ được vì nghĩ đến số tiền lãi phải trả hằng tháng mà không biết phải xoay sở đâu ra để trả và chi tiêu cho gia đình có 3 đứa con đang ăn học. Thậm chí, để phục vụ tưới tiêu hằng ngày, tôi đào giếng sâu gần 100m tốn vài chục triệu đồng mà giờ không có tiền để kéo dây điện từ ngoài đường vào trong rẫy để vận hành máy bơm nên đành phải dùng tạm thùng phuy sắt che chắn. Gia đình tôi mong muốn ngân hàng giãn nợ, khoanh nợ để chúng tôi tiếp tục sản xuất trả dần cho ngân hàng”, ông Bắc nghẹn ngào tâm sự.

Tiêu chết hàng loạt của một hộ gia đình tại xã Ia Pếch, huyện Ia Grai.

Cùng chung mong muốn ngân hàng cho giãn nợ, khoanh nợ, ông Phạm Văn Đức là người dân sống tại xã Ia Boòng, huyện Chư Prông, cho biết: Khi thấy tiêu được giá vào những năm 2013 thì gia đình có vay ngân hàng gần 2,5 tỷ đồng cộng với tiền của bản thân và mượn thêm một số người thân để đầu tư trồng gần 6.000 trụ tiêu. Sau khi kết thúc mùa mưa năm ngoái tiêu bắt đầu chết dần và từ sau Tết nguyên đán tiêu bắt đầu chết hàng loạt. Hằng tháng phải trả gần 50 triệu tiền lãi cho ngân hàng, mấy tháng nay gia đình không có gì bán để trả lãi cho ngân hàng nên phía ngân hàng đã gửi đơn lên tòa án để giải quyết.

“Bao nhiêu tiền tích góp từ ngày xưa đến giờ coi như mất trắng. Hiện nay tiền lãi ngân hàng tôi không đủ khả năng trả, vợ tôi đã bỏ nhà đi vào TP Hồ Chí Minh để làm thuê phụ trả nợ, còn tôi ở nhà nuôi 3 đứa con nhỏ đứa lớn nhất chỉ mới 8 tuổi. Tôi mong Nhà nước và ngân hàng có chính sách hỗ trợ cho gia đình tôi được khoanh nợ, giãn nợ để tôi có đất tiếp tục sản xuất trả nợ cho ngân hàng và có điều kiện để nuôi 3 đứa con nhỏ”, ông Đức chia sẻ.

Giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn?

Làm việc với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, ông Hà Ngọc Uyển – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai), cho biết: Theo thống kê của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến hết năm 2018, diện tích hồ tiêu khu vực Tây Nguyên có hơn 89.000 ha, thấp hơn năm 2017 khoảng 3.000 ha (gần 92.000 ha). Trong đó hồ tiêu tập trung chủ yếu ở các tỉnh bao gồm Gia Lai gần 16.300 ha, Đắk Nông hơn 34.000 ha và Đắk Lắk hơn 36.600 ha. Song, tính đến hết tháng 12/2018, khu vực Tây Nguyên đã có gần 10.200 ha hồ tiêu bị chết. Riêng Gia Lai là tỉnh có diện tích hồ tiêu chết nhiều nhất toàn vùng Tây Nguyên với diện tích là 5.547 ha, trong đó diện tích tiêu chết do thời tiết mưa nhiều là 4.532 ha.

Việc tiêu chết hàng loạt do thời tiết, UBND tỉnh Gia Lai có báo cáo lên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính để xem xét hỗ trợ theo quy định của Chính phủ. Bộ Tài chính cũng có văn bản yêu cầu tỉnh Gia Lai chỉ đạo cho các địa phương tập hợp thống kê diện tích tiêu bị chết theo đúng quy trình thủ tục để được các cơ quan chức năng hỗ trợ kịp thời. Sau khi có văn bản chỉ đạo của các cơ quan chức năng, Sở NT&PTNT có tham mưu cho UBND tỉnh về việc lập hồ sơ, danh sách tiêu chết để tiến hành khoanh nợ, hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên tính đến thời điểm này, chỉ có một huyện trên địa bàn tỉnh là Chư Prông đã tình đầy đủ hồ sơ, còn các địa phương khác thì hồ sơ chưa đầy đủ nên Sở NN&PTNT đang tập hợp đầy đủ hồ sơ để báo cáo lên UBND tỉnh trong thời gian tới. Ông Uyển cho biết: “Cây tiêu rất mẫn cảm với thời tiết khí hậu đặc biệt là lượng mưa, mưa nhiều ngày, mưa liên tục thì bộ rễ của tiêu dễ bị úng. Những nơi đất hợp thủy, đất sét nhiều, đất cát, sình nước khi mưa xuống không thoát nước được nên rễ tiêu dễ bị chết”.

Ông Bắc đầu tư vài chục triệu để đào giếng tưới nước cho tiêu nhưng không có tiền kéo dây điện vào rẫy nên đành phải lấy thùng phuy sắt để che chắn.

Ông Uyển cũng cho biết Sở NN&PTNT với chức trách là cơ quan chuyên môn sau khi kết thúc vụ sản xuất 2018 trước tình hình tiêu chết nhiều hơn so với các năm trước đây, Sở đã có nhiều văn bản tham mưu cho UBND tỉnh về việc hỗ trợ, giúp đỡ người nông dân trồng tiêu. Đồng thời, Sở cũng chỉ đạo cho các địa phương giữ diện tích tiêu còn sống, tập trung chăm sóc cây tiêu theo hướng phát triển bền vững. Ngoài ra, tất cả những diện tích tiêu bị chết hoặc trồng trên đất không phù hợp, Sở NN&PTNT đã cử cán bộ kĩ thuật xuống tận nơi để hướng dẫn người dân xử lý số tiêu bị chết đúng kĩ thuật. Ngoài ra, cán bộ kĩ thuật còn xử lý đất không phù hợp bằng cách luân canh các loại cây trồng, rau màu, cây ngắn ngày để thay đổi môi trường đất, thay đổi ký chủ gây hại. Trong điều kiện cây tiêu chết hàng loạt mà giá tiêu thì đang rất thấp nên Sở NN&PTNT khuyến cáo người dân tăng cường luân canh trồng cây ngắn ngày vừa có sản phẩm để cho người dân kiếm thêm thu nhập mà vừa cải tạo đất.

Gần 6.000 trụ tiêu của ông Phan Văn Đức bị chết hàng loạt do thời tiết mưa nhiều.

Ông Uyển cho biết thêm, ngoài nguyên nhân trực tiếp là do mưa nhiều, thời gian mưa kéo dài nhiều tháng, độ ẩm quá cao thì còn một số nguyên nhân gián tiếp nữa như người dân trồng tiêu ở mật độ quá dày, không đảm bảo, không áp dụng đúng quy trình kĩ thuật. Cây tiêu có 2 loại bệnh nguy hiểm phổ biến là bệnh vàng lá chết chậm và bệnh chết nhanh, nhưng tác nhân gây hại phần lớn từ dưới đất cho nên việc kiểm soát của người dân gặp nhiều khó khăn vì không nhìn thấy được bệnh.

Tiếp đến PV nhiều lần liên hệ và để lại nội dung làm việc với Ngân hàng nhà nước tỉnh Gia Lai để tìm hiểu rõ hơn sự việc. Tuy nhiên, nhân viên Ngân hàng này cho biết lãnh đạo bận họp và sẽ đi công tác nhiều ngày nên không thể thu xếp thời gian để trả lời. Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Tiêu chết hàng loạt của một hộ gia đình tại xã Ia Pếch, huyện Ia Grai:

Bạn đang đọc bài viết Gia Lai: Cần giải pháp thiết thực để cứu người dân trồng tiêu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.