Thứ sáu, 29/03/2024 20:02 (GMT+7)

“Gia đình tôi 3 đời làm nghề quét rác”

MTĐT -  Thứ ba, 25/06/2019 14:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tuổi thơ gắn liền với rác, 3 thế hệ trong gia đình và 20 người họ hàng nội ngoại đều là công nhân rác…

Bởi vậy, hơn ai hết anh Đinh Duy Đức (phường ô chợ Dừa, quận đống đa,TP Hà Nội) hiểu rõ trăm nỗi đắng cay của nghề này. Ban đầu chỉ vì kế mưu sinh nhưng rồi nhiều công nhân môi trường đã gắn bó với nghề, bởi họ hiểu được giá trị công việc của họ mang lại cho cuộc sống.

Cuộc sống mưu sinh từ những đống rác

Gặp gỡ anh Đức (SN 1984) vào một buổi chiều tháng 6 oi ả, khi dòng người còn đang vội vã trở về nhà sau một ngày bận rộn thì với anh Đức công việc lúc này mới thực sự bắt đầu. Lắng nghe câu chuyện của anh Đức chúng tôi không khỏi bất ngờ về gia đình cũng như mối nhân duyên khiến anh gắn bó cuộc đời với công việc của một công nhân môi trường.

Anh Nguyễn Tuy Đức đã gắn bó với công việc thu gom rác suốt 17 năm qua.

Thu dọn nốt chút rác còn lại, đỡ khát bằng cốc trà đá vỉa hè, anh Đức tranh thủ chút giờ nghỉ hiếm hoi tâm sự với chúng tôi về 17 năm gắn bó với công việc gom rác. Anh kể, gia đình anh có 3 đời làm công nhân môi trường. Bắt đầu là ông bà nội và bà ngoại, sau đó lần lượt bố mẹ rồi tới bản thân vợ chồng anh Đức cũng trở thành công nhân môi trường.

Hiện nay, họ hàng nội ngoại của anh Đức có tới gần 20 người cùng công tác trong Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, cũng như nhiều gia đình khác ở Hà Nội, cuộc sống của anh Đức cùng bố mẹ cũng không thoát khỏi cảnh đói nghèo. Thời điểm đó chỉ có bố anh là công nhân gom rác và là lao động chính trong gia đình. Mẹ anh từ năm 1984 sau khi sinh anh Đức đã mắc phải căn bệnh khớp không thể đi lại nhiều, lưng không thể đứng thẳng.

Nhưng vì cuộc sống mưu sinh, mẹ anh vẫn phải đi nhặt rác tại B10 Kim Liên. Khi đó, mẹ anh còn kiêm luôn công việc xúc rác từ điểm tập kết lên container để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Thương mẹ, biết hoàn cảnh gia đình, ngay từ năm lớp 4 anh Đức đã đi phụ mẹ xúc rác. Trung bình mỗi ngày hai mẹ con anh xúc được 6 – 7 xe rác, bởi vậy từ nhỏ chiếc chổi tre, chiếc kẻng, chiếc xe đẩy và mùi hôi của rác đã trở nên quen thuộc với Đức.

“Mình đi gom rác từ ngày mới là cậu nhóc 10 tuổi, cho đến khi học cấp III tại trường THPT Nguyễn Trãi. Ngày đó trường xây lại nên chuyển về trường bổ túc số 3 trên đường Văn Minh đúng điểm mình đi làm rác cùng dì. Lúc đó, mỗi khi vào tiết cuối cùng buổi học mình cũng thu gọn sách vở vào sẵn sàng trong cặp chỉ chờ trống hết giờ là phi về nhà cất cặp.

Sau đó là ra đẩy xe rác đi làm cùng dì. Các bạn đi qua mình bịt khẩu trang kín mít vì chỗ làm ngay cạnh cổng trường. Mãi đến sau này khi hết lớp 12 cô giáo chủ nhiệm mới biết, về sau các bạn cũng biết nhưng mình không ngại.

Ngay lúc đó tôi đã nghĩ, không có gì xấu hổ khi mình lao động chân chính cả”, anh Đức nhớ lại. Những năm đi làm cùng dì, vì chưa đủ tuổi để xin vào công ty anh Đức nhặt đồng nát bán lấy tiền rồi thỉnh thoảng dì trả cho anh 50.000 – 100.000 đồng. Năm 2002, anh Đức thi đại học nhưng trượt dù đỗ trường Trung cấp điện nhưng anh quyết định đi làm công nhân rác để phụ giúp kinh tế gia đình.

“Nghề làm dâu trăm họ”

“Nghề của anh là nghề làm dâu trăm họ, không tránh được những câu người ta nói xúc phạm mình, đúng sai thế nào mình vẫn phải làm hết trách nhiệm của mình. Có người xúc phạm, có người còn nhảy vào đánh nữa”, anh Đức bộc bạch về nỗi niềm người làm công nhân môi trường. Theo anh Đức, vụ việc chị Lê Thị Hà (SN 1977) – công nhân môi trường bị xe điên tông tử vong vào tháng 4 vừa qua chợt nổi cộm lên thì mọi người mới chú ý nhiều hơn đến nghề này.

Còn trên thực tế với 17 năm làm trong ngành môi trường, 2 năm làm quản lý anh Đức đã chứng kiến không ít vụ tai nạn thương tâm như vậy. Với những vụ việc như vậy họ đều coi đó là tai nạn nghề nghiệp. Và khi họ chấp nhận trở thành một công nhân môi trường thì tất cả đều đã lường trước những rủi ro như vậy.

Bản thân anh Đức cũng đã từng gặp trường hợp bị người dân hành hung: “Năm ngoái là cao điểm phá bục bệ ở trước cửa nhà dân. Hôm đó bọn anh được cử đi phá tại số nhà 195 Khâm Thiên, khi làm việc thì dân người ta cáu gắt. Khi đó, anh cũng nhắc nhở anh em hết sức kiềm chế, nhưng không may khi xúc đất đá lên xe rơi vãi ra ngoài bắn vào nhà người ta.

Chỉ có thế người ta mượn cớ xông vào đánh công nhân của anh. Anh vào can thì bị đấm chảy máu mũi, sau đó cũng chỉ xin lỗi cái là xong. Đấy! cái nghề của bọn anh là thế, nó bức xúc như thế, gặp những trường hợp như thế thì mình không thể năm ăn năm thua với người ta được”, anh Đức giãi bày.

Còn những chuyện va chạm với người dân, họ có những lời mắng nhiếc, khinh bỉ, coi thường công nhân thu gom rác là chuyện hết sức bình thường. Mỗi công nhân môi trường họ phải dần làm quen với điều đó và đều học cách nhẫn nhịn tránh xô xát với người dân.

“Nhiều lúc cảm thấy buồn, bất mãn với công việc bởi công sức, sức khỏe của mình bỏ ra mà người ta không tôn trọng, cho là nghề thấp hèn. Hầu hết trước đây anh em vào làm công nhân môi trường đều bởi hoàn cảnh gia đình nghèo khó, không tìm được một công việc tốt hơn. Nhưng vào nghề rồi mới thấy yêu nghề.

Khi tầm chiều đi đường thấy mấp mô rác rồi nhưng khi đêm hôm ấy về đường đã sạch bóng. Những lúc như vậy trong lòng mình thích lắm, nhất là sáng hôm mùng 1 tết… nhìn đường phố sạch sẽ đón một năm mới lòng mình nó vui lạ kỳ!”, anh Đức mỉm cười nói.

Niềm an ủi của những người công nhân thu gom rác không chỉ bởi được nhìn được phố sạch đẹp mà còn nhờ vào những con người, những tấm lòng biết trân trọng sức lao động của họ. Anh Đức nhớ, hồi anh còn nhỏ, mới vào nghề quét rác, có một bà cụ ở hồ Đống Đa mỗi khi thấy đẩy xe rác đi làm quanh hồ thì lúc nào cũng chờ anh để cho 1 ít kẹo.

Rồi mùa đông bà ấy mua một cái áo khoác, bọc ni lông kín chờ anh ở đó rồi cho anh. Hay như đến tận giờ, mẹ của một chị làm cùng công ty cứ đến giờ cơm là bà gọi anh vào ăn cơm cùng. Chỉ có những hành động nhỏ như vậy của người dân nhưng khiến cho anh và đồng nghiệp thêm yêu và gắn bó với nghề.

Nỗi niềm “tiếng chổi tre”

Anh Đức chia sẻ, một ngày làm việc của công nhân môi trường được chia làm ba ca chính: Ca thứ nhất từ 6h – 14h; ca thứ hai từ 14h – 22h; ca thứ 3 là từ 22h cho đến khoảng 2 – 3h sáng. Tuy nhiên, nhiều lúc chẳng căn cứ vào thời gian, bởi đối với người công nhân quét rác, hết rác mới là hết giờ. Bởi đặc thù công việc như vậy nên hơn ai hết anh Đức hiểu ý thức về môi trường của người dân đang ở mức nào và cần thay đổi những gì?

“Ý thức về môi trường của người dân mình là chưa cao, điển hình như rác đổ tung tóe, đi đằng trước vứt đằng sau đấy là bình thường. Việc phân loại rác hầu hết người dân chưa ai làm được. Người dân thường vứt chung rác sinh hoạt gồm có rau củ quả, rác thải rắn như giường, tủ, đất, đá phá ra không có khi lẫn cả rác thải y tế kim tiêm của nhiều nhà spa…

Làm việc trên đường phố nên nghề công nhân môi trường luôn tiềm ẩn những rủiro đáng tiếc.

Việc làm này của người dân khiến công việc thu gom rác trở nên khó khăn hơn”. Bởi khi người dân vứt lẫn các loại rác thải vào với nhau thì công nhân môi trường dễ gặp tai nạn trong lúc làm việc, nếu để Cảnh sát môi trường kiểm tra được cũng sẽ bị phạt….

Mỗi loại rác sẽ có một đội ngũ thu gom riêng và có thể mất nhiều tiền hơn nên người dân họ đều ái ngại trong việc phân loại rác. Ngay cả việc đổ rác đúng nơi quy định cũng không có nhiều người dân làm được. Nếu công nhân môi trường nhắc nhở thì có nhiều người còn quay ra chửi bới, lăng mạ mình.

Anh Đức bộc bạch:“Tôi chỉ mong sao người dân có ý thức hơn, vứt đúng loại rác và gom lại vào túi lớn rồi để gọn một chỗ, không vứt bừa bãi khắp nơi. Nếu thấy có thùng rác gần đó hoặc khi thấy xe rác đi ngang, mong mọi người hãy tự giác bỏ vào đó. Chỉ cần được như vậy là những người quét rác như chúng tôi đã cảm thấy vui lắm rồi”.

Công việc nặng nhọc, áp lực là thế nhưng đồng lương và đãi ngộ vẫn chưa thực sự đủ sức níu chân người lao động gắn bó với nghề. Hiện nay, tổ công nhân của anh Đức trung bình mỗi ngày phải thu gom khoảng 20 tấn rác. Đặc thù công việc vệ sinh môi trường là làm việc ngoài trời, nắng mưa thất thường, thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với khói bụi và vô số rác thải độc hại.

Thậm chí, đang đêm ngủ, xảy ra sự cố rác thải trên đoạn đường mình chịu trách nhiệm quản lý vẫn phải đến thực hiện ngay để tránh ùn tắc giao thông. Nhưng hiện nay mức lương đồng lương lại ít ỏi không đủ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày lại khiến công việc ngày thêm áp lực, vất vả hơn.

Anh Đức chia sẻ, mức lương trung bình của một công nhân môi trường hiện nay là 7 triệu đồng/ tháng đã trừ tiền bảo hiểm. Những ngày lễ Tết như 30/4 - 1/5 thì mỗi người được thưởng thêm 150.000 đồng. Trong khi đó, ngày lễ Tết cường độ công việc của công nhân môi trường tăng gấp đôi, gấp 3. Ví như dịp Tết dương lịch thì mỗi người tăng cường thêm 2-3 tiếng. Tết âm lịch, họ phải tăng cường làm cả những ngày 28, 29, 30.

Ngày 30 Tết âm lịch, 7h sáng ra khỏi nhà, 5h sáng mùng 1 (Tết âm lịch) mới trở về nhà. Bởi vậy, không mấy ai làm công nhân môi trường mà được đón giao thừa ở nhà cùng người thân. Bày tỏ nguyện vọng của công nhân môi trường, anh Đức trăn trở: “Thực tế hiện nay công ty môi trường đang thiếu nhân lực, nhiều khi anh em công nhân không được nghỉ phép, ốm đau thì tự đổi tua cho nhau.

Đồng lương ít ỏi của công nhân môi trường không đủ để trang trải cuộc sống sinh hoạt ở Hà Nội. Hiện nay anh quản lý 22 công nhân, đa phần là dân ngoại tỉnh lại phải thuê nhà, con cái học hành trên này nên với mức lương 7 triệu đồng không đủ để giữ họ lại với nghề”…

Tội tình phu rác...

Về Hà Nội, người mà mình cảm tình là những lao công quét, thu rọn rác. Rác ở thủ đô thì vô cùng kinh khủng. Cơ bản là xú uế, những thứ mà cánh đồng nát chừa lại. Thỉnh thoảng, phu rác nhặt được cả bọc hài nhi đỏ hỏn, rồi cả súng ống, lựu đạn. Phu rác tất tưởi, lam lũ, nhếch nhác.

Người Hà Nội cơ bản thanh lịch, nhưng cũng có nhiều người vô văn hóa. Xe rác leng keng đến, sợ mùi hôi thối chẳng dám đến gần, đứng từ xa quăng bọc rác qua đầu, qua mặt phu rác. Biết phận, phu rác cũng chỉ dám thở dài. Có lần tận mắt chứng kiến một chiếc ô tô đẹp đi trong ngõ, ngang qua xe phu rác đang đẩy.

Xe chậm lại, từ trong xe, một ả hạ kính rồi lẳng ngay chiếc bỉm vàng khè vào xe rác. Bởi xe không dừng hẳn nên cú ném ấy không trúng đích mà trúng đầu phu rác. Uất ức, phu rác chửi. Xe dừng, thằng chồng phi xuống vớ ngay cái xô rác ở gần đó vụt tới tấp vào đầu phu rác.

Phu rác chỉ biết thụp xuống ôm mặt khóc. Đêm qua, một đêm quái quỷ ở Hà Nội, chỗ nào cũng có tai nạn kinh hoàng. Đau đớn nhất là một thằng nốc rượu phê lòi mắt rồi lên ô tô đẹp vít ga. Tai nạn liên hoàn, một phu rác chết tức tưởi khi đang tha thẩn dọn rác.

Nhìn ảnh mà không cầm được nước mắt. Mình có mấy ông anh thân thiết làm lãnh đạo công ty môi trường. Gọi điện hỏi thăm, tất thảy các ông anh đều nghẹn ngào: "Nhà nó khổ quá, trời đúng là không có mắt, nó đơn thân, nuôi hai con nhỏ với một mẹ già. Giờ nó chết thì gia đình ấy sống thế nào, mẹ nó, các con nó biết bấu víu vào ai!".

Phóng viên mình đến nhà thì đúng là cám cảnh thật. Nhà cấp 4 chật chội, bà mẹ già nằm co quắp trên giường, cứ thấy có người hỏi thăm thì lại run lên từng chặp. Bà bị bệnh cao huyết áp nên mọi người chẳng dám cho vào nhà tang lễ để nhìn mặt con lần cuối. Mọi người lo cũng phải,sinh con lành lặn thế mà khi con chết mặt mày lại chẳng vẹn nguyên, phận lá vàng heo hắtsao cầm lòng cho đặng! Hai đứa trẻ thì thất thần, ngơ ngác.

Có lẽ chúng chưa thể tin là mẹ chúng đã vĩnh viễn lìa xa chúng. "Đêm nào học bài xong chúng cháu cũng thức đợi mẹ về, nhưng giờ chúng cháu có thức hết đêm thì mẹ cháu cũng không về với chúng cháu nữa rồi", thằng lớn nói với phóng viên - Nhà báo Đào Thanh Tuy chia sẻ trên facebook sau vụ tai nạn xảy ra với nữ công nhân môi trường hồi tháng 4/2019.

Theo Pháp luật Plus

Bạn đang đọc bài viết “Gia đình tôi 3 đời làm nghề quét rác”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới