Thứ sáu, 29/03/2024 14:48 (GMT+7)

Đốt vàng mã: Người Hà Nội 'đốt' 400 tỷ đồng mỗi năm (1)

MTĐT -  Thứ tư, 28/02/2018 10:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dù đề nghị loại bỏ việc đốt vàng mã mới được Giáo hội Phật giáo Việt Nam đưa ra bằng văn bản cách đây ít ngày, song đến thời điểm hiện tại, hiện tượng đốt vàng mã tại các đền chùa đã giảm mạnh.

Dù chưa đến ngày rằm tháng Giêng nhưng lượng du khách đi lễ, tham quan, vãn cảnh chùa Hà - ngôi chùa nổi tiếng về cầu duyên nằm trên địa bàn quận Cầu Giấy, TP Hà Nội chiều 26-2 đã khá đông đúc. Tuy vậy, ở khu vực đốt vàng mã trong chùa, số người hóa vàng rất thưa thớt với lượng vàng mã không đáng kể. 

Bà Đỗ Thị Vân (67 tuổi), ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, người đi lễ tại chùa chia sẻ, nếu như trước đây, khu vực hóa vàng thường xuyên trong cảnh khói bụi mù mịt, lửa cháy đùng đùng do hầu như ai vào chùa cũng mang theo cả xấp dày vàng mã thì nay người dân chỉ mua hương hoa dâng lễ. Dù nhà chùa không cấm đốt vàng mã nhưng mỗi người dân đã tự ý thức được rằng, việc làm này không chỉ gây tốn kém về tiền bạc mà còn làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến cảnh quan nơi cửa Phật, làm tăng nguy cơ xảy ra hỏa hoạn. 

“Tôi được biết từ năm trước, trụ trì ngôi chùa này đã khuyến khích người dân thay vì mua vàng mã nên công đức số tiền đó vào chùa để hỗ trợ những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn và thực tế đã giúp được không ít người. Do đó, tôi hoàn toàn đồng tình với việc loại bỏ việc đốt vàng mã từ nhà ra đến đền chùa”, bà Đỗ Thị Vân bày tỏ quan điểm.

Nơi hóa vàng tại chùa Hà và chùa Láng (Hà Nội) khá vắng vẻ.

Đã giảm, nhưng vẫn còn

Do nhu cầu về vàng mã của khách đi chùa giảm mạnh nên tại khu vực bán đồ lễ bên ngoài cổng chùa Hà, mặt hàng này khá ế ẩm. Chị Nguyễn Thị T. - chủ một quầy bán đồ lễ tại đây thông tin, số lượng vàng mã bán ra những ngày gần đây giảm mạnh, người dân đi lễ hầu như chỉ mua hương hoa. Do đó, các hộ kinh doanh cũng hạn chế nhập vàng mã, chuyển sang các mặt hàng khác. “Không thể phủ nhận đề nghị loại bỏ việc đốt vàng mã đã ảnh hưởng đến thu nhập của các hộ sản xuất và kinh doanh vàng mã. Tuy vậy, xét về lâu dài, điều này là cần thiết bởi nó gây lãng phí không nhỏ. Đành rằng, quan niệm “trần sao âm vậy” cũng như việc đốt vàng mã đã tồn tại quá lâu và ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người nên để thay đổi không phải chuyện dễ dàng. Song nếu đốt vàng mã quá nhiều, chi phí cho việc này ngày một tăng theo kiểu “phú quý sinh lễ nghĩa” thì sẽ làm mất ý nghĩa của các ngày lễ”, chị Nguyễn Thị T. nói.

Rời chùa Hà, chúng tôi đến chùa Láng - một trong những ngôi chùa cổ nhất của Hà Nội. Dù lượng khách đến lễ tại đây không tấp nập như chùa Hà song hiện tượng khách dâng lễ, đốt vàng mã hầu như không còn. Nơi hóa vàng nằm phía sau chùa gần như nguội lạnh, rất ít người lai vãng. 

Cách chùa Láng không xa là Tổ đình Phúc Khánh (quận Đống Đa, TP Hà Nội). Do lượng khách vào lễ hàng ngày khá đông nên để tránh xảy ra hỏa hoạn, sau khi khách dâng lễ, toàn bộ số vàng mã sẽ được tập hợp lại và tổ đình sẽ cử người hóa sau. Khi được hỏi về lượng vàng mã người dân đi lễ tại đây những ngày qua, bà Lê Thị Thanh - người thường xuyên có mặt tại Tổ đình Phúc Khánh để hỗ trợ nhận tiền công đức từ du khách thập phương cho biết, một số người vào lễ đã không mang theo vàng mã, số còn lại có mang nhưng lượng giảm mạnh. Do vậy, số vàng mã phải hóa sau mỗi ngày cũng không nhiều. Hiện tượng này cho thấy trong tư tưởng người dân đã có chuyển biến đáng kể, thay vì mua vàng mã, họ công đức để nhà chùa tiến hành các hoạt động thiện nguyện, vừa ý nghĩa, vừa bảo vệ môi trường.

Quầy bán vàng mã tại cửa một số cửa chùa trên địa bàn Hà Nội rơi vào tình trạng ế ẩm.

Còn “cầu” nên vẫn có “cung”

Theo khảo sát của phóng viên Báo An ninh Thủ đô, dù đề nghị loại bỏ việc đốt vàng mã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam đưa ra bằng văn bản, tại một số địa phương có nghề sản xuất vàng mã truyền thống lâu đời như Phúc Am, Duyên Trường (huyện Thường Tín, TP Hà Nội), việc sản xuất mặt hàng này vẫn diễn ra khá sôi động để chuẩn bị hàng cho dịp rằm tháng Giêng sắp tới. Theo một số hộ sản xuất, ngoài sản phẩm làm theo đơn đặt hàng (hầu hết là những mô hình vàng mã lớn như ngựa, voi, hình người... cỡ lớn xuất đi các địa bàn lân cận, phục vụ các đền, phủ, miếu), họ còn sản xuất thêm để phục vụ nhu cầu của khách lẻ song số lượng giảm đi so với cùng kỳ năm trước. Dù người dân đã hạn chế mua, đốt vàng mã nhưng do mặt hàng này không phải là hàng cấm nên vẫn được sử dụng ở mức độ nhất định. Vì vậy, đến thời điểm hiện tại, điều này không ảnh hưởng quá lớn đến công việc cũng như thu nhập của người dân làng nghề vàng mã. Song về lâu dài, các hộ sản xuất vàng mã sẽ phải tính toán để dần chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác phù hợp với nhu cầu của người dân.

Theo con số thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm người dân Việt Nam đốt gần 50.000 tấn vàng mã. Chỉ tính riêng ở Hà Nội, số tiền thật đốt cho vàng mã lên tới trên 400 tỷ đồng/năm. Trung bình vào mỗi dịp lễ, Tết, mỗi gia đình phải bỏ ra từ 30.000-50.000 đồng mua tiền giấy, thậm chí có gia đình tiêu tốn đến hàng chục triệu đồng để mua vàng mã. 

Để việc đốt vàng mã dần giảm bớt và tiến tới loại bỏ triệt để trong đời sống người dân, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền về những việc nên, không nên, ý nghĩa của việc làm này, các cơ quan chức năng cần kiểm tra, nắm chắc số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng mã để có biện pháp quản lý, hỗ trợ kịp thời đối với những hộ có nhu cầu chuyển hướng kinh doanh. Bên cạnh đó, các nhà chùa, nơi thờ cúng cũng cần có khuyến cáo đối với người dân không nên mang theo vàng mã khi đi lễ. Có như vậy, hy vọng về việc thay đổi thói quen đốt vàng mã của người dân vốn có từ lâu đời mới có thể đạt hiệu quả như mong muốn.

Theo con số thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm người dân Việt Nam đốt gần 50.000 tấn vàng mã. Chỉ tính riêng ở Hà Nội, số tiền thật đốt cho vàng mã lên tới trên 400 tỷ đồng/năm. Trung bình vào mỗi dịp lễ, Tết, mỗi gia đình phải bỏ ra từ 30.000-50.000 đồng mua tiền giấy, thậm chí có gia đình tiêu tốn đến hàng chục triệu đồng để mua vàng mã.

Theo An ninh Thủ đô

Bạn đang đọc bài viết Đốt vàng mã: Người Hà Nội 'đốt' 400 tỷ đồng mỗi năm (1). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới

Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.