Thứ sáu, 29/03/2024 17:15 (GMT+7)

Độc đáo Tết của người Mông

MTĐT -  Thứ sáu, 16/02/2018 21:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việt Nam có 54 dân tộc anh em, trong đó đa phần là các dân tộc thiểu số sinh sống ở các tỉnh trung du miền núi, mỗi dân tộc lại có những phong tục Tết mang đặc trưng riêng.

Dân tộc Mông gồm nhiều nhóm như: Mông Trắng, Mông Hoa, Mông Đỏ, Mông Đen và Nam Mèo, cư trú tập trung ở miền núi vùng cao thuộc các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái… có nhiều nét thú vị khi đón Tết.

Người dân làm bánh dầy chuẩn bị đón Tết

Người ăn Tết, gia súc cũng được ăn ngon

Theo phong tục, Tết năm mới của người Mông diễn ra trước Tết Nguyên đán khoảng một tháng. Từ những ngày đầu tháng Chạp, người Mông bắt đầu nghỉ ngơi để đón Tết, không khí đã rộn rã khắp trong bản, ngoài đường. Lúc này, ngoài việc vỗ béo lợn gà, dọn dẹp sửa sang nhà cửa, các chàng trai còn tập trung vào việc kiếm củi để dùng trong những ngày Tết. Phụ nữ cũng chuẩn bị cho mình những bộ váy áo rực rỡ sắc màu cùng những vòng tay, vòng cổ đẹp nhất để diện cho những ngày Tết.

Ngày Tết, ngoài thịt lợn, thịt gà, bánh dày thì nhà nào trong bản cũng có rượu ngô. Trước Tết một tháng, người Mông lên rừng chọn cây tre thật già chặt về phục vụ cho việc nấu rượu. Rượu ngô được trưng cất từ một loại ngô của địa phương, men dùng để nấu rượu được làm từ các loại lá cây do người già lấy từ rừng về. Đối với dân tộc Mông, rượu không chỉ để dùng cho việc nhà, làm quà cho anh em mà rượu còn làm hàng hóa.

Người Mông cho rằng gia súc quanh năm “vất vả” thì cũng được ăn Tết như người. Vì vậy từ tối tất niên, các gia đình đều nấu cháo để sáng mùng một cho trâu, bò, lợn, gà ăn. Ngoài ra, người Mông còn tôn vinh cả vật dụng trong sản xuất nông nghiệp, vì vậy trước Tết gia đình nào cũng làm lễ cất dụng cụ làm nông nghiệp.

Các dụng cụ sẽ được rửa sạch sẽ rồi đem vào để cạnh bàn thờ tổ tiên. Họ quan niệm, các dụng cụ này cũng như con người cần phải được nghỉ ngơi trong những ngày Tết để chuẩn bị cho một năm lao động, sản xuất mới.

Ngày Tết, trong nhà người Mông thường không trang trí cầu kỳ, nhưng từ trước Tết gia đình nào cũng chọn mua những tờ giấy bạc, đến chiều 30 Tết người chủ gia đình tự tay cắt thành những đồng tiền bạc, sau đó dùng vỏ cây nhớt được lấy từ trong rừng về để dán những đồng tiền bạc lên cột, cửa nhà, các vật dụng hàng ngày và cả nơi chăn nuôi. Người Mông quan niệm đó là vàng là bạc, là tiền cầu phúc cho gia đình một năm mới với mùa màng bội thu, sung túc và phồn thịnh.

Mỗi độ xuân về, người Mông thường thắp hương lên bàn thờ với mong ước tổ tiên phù hộ cho gia đình mạnh khỏe làm ăn phát tài. Ban thờ của người Mông được để chính giữa hướng đường và trang trí đơn giản.

Đặc biệt, bàn thờ các gia đình kiêng không được lau bằng giẻ, không được rửa bằng nước cũng không được quét dọn bằng chổi lông hay bất cứ vật dụng gì mà chỉ được quét bằng cây chổi tre ba ngọn từ ngọn một đỉnh núi hướng Đông do người già chặt về. Đặc biệt, người Mông luôn giữ cho hương cháy trong suốt ba ngày Tết để thần bếp giúp họ luôn giữ ngọn lửa xua đuổi tà ma và thú dữ.

Trong những ngày đầu năm mới, người Mông kiêng không quét nhà, nếu có quét thì chỉ quét vào trong và không hót đổ đi, làm như vậy là sang năm mới sẽ mất của. Không chỉ có vậy, trong dịp Tết, chuyện ăn, chuyện dùng lửa của người Mông cũng còn mang nhiều điều kiêng kỵ đầy thú vị. Ngày Tết người Mông chỉ được nhóm lửa chứ không được thổi lửa, làm như vậy cả năm sẽ gặp gió bão.

Những ngày đầu năm mới, người Mông đến các nhà trong bản để chúc Tết, uống với nhau bát rượu, ăn với nhau miếng bánh dày, chúc nhau những điều tốt lành trong năm mới.

Trong lúc người già co ro vì ngày Tết khắc nghiệt ở vùng cao, quây quần bên bếp lửa để chúc tụng, để nói với nhau những ước nguyện về dòng tộc, về gia đình, về một năm mới với nhiều kỳ vọng thì cũng là lúc các chàng trai, cô gái bắt đầu tổ chức các trò chơi dân gian như: Ném pao, đánh cầu lông gà, chơi quay hay thổi khèn…

Hiện nay, tuy cuộc sống của đồng bào Mông tại các tỉnh miền núi Bắc đã có sự thay đổi, các nam thanh nữ tú người Mông đã quen dần với các phương tiện hiện đại nhưng người Mông vẫn không rời bỏ tập tục đẹp của tổ tiên bởi đây chính là phần hồn của người Mông.

Tết cổ truyền trong cuộc sống hiện đại


Trong vài năm trở lại đây, thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước, nhiều địa phương đã vận động người Mông ăn Tết cùng với Tết cổ truyền của cả nước, trong đó nổi bật nhất là tại tỉnh Yên Bái. Theo đó, cuộc vận động đồng bào dân tộc Mông “ăn chung một Tết” Nguyên đán của dân tộc được tỉnh Yên Bái thực hiện từ năm 2013 đã được nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông hưởng ứng tích cực. Sau 4 năm thực hiện, 100% đồng bào Mông ở các thôn, bản của tỉnh đều tổ chức “ăn chung một Tết” Nguyên đán cùng các dân tộc khác.

Theo ông Giàng A Câu - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái, trước kia đồng bào dân tộc Mông trong tỉnh đều ăn cả hai Tết gồm Tết của người Mông và Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, trong đó Tết của người Mông kéo dài tới cả tháng.

Từ khi thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Yên Bái về “ăn chung một Tết” thì người dân đã ủng hộ. Một phần do Tết của đồng bào dân tộc Mông trùng với thời điểm sản xuất vụ Đông Xuân, một phần do con đi học xa, nếu ăn Tết sẽ không có đầy đủ gia đình và bỏ bê sản xuất. “Ăn chung một Tết” không phá vỡ bản sắc văn hóa mà còn phù hợp với điều kiện sản xuất, sinh hoạt, tiết kiệm, chống lãng phí cho đồng bào dân tộc Mông. Những năm trước phải đi vận động người dân nhưng đến năm nay đồng bào đã ý thức được ý nghĩa của việc “ăn chung một Tết”.

Thực tế cho thấy, việc thay đổi “ăn chung một Tết” của đồng bào dân tộc Mông ở Yên Bái đã được đồng bào tự nguyện thực hiện, coi đây như Tết cổ tuyền của chính dân tộc mình. Trong những ngày Tết họ cũng thực hiện đầy đủ các thủ tục truyền thống như Tết của người Mông bởi họ đã nhận ra được cái hay, cái tốt, lợi ích thiết thực của ăn Tết chung.

Hơn nữa, đồng bào có thời gian sản xuất vụ Đông Xuân, con em không phải nghỉ học dài ngày; có điều kiện tham gia, thưởng thức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cùng các dân tộc khác và quảng bá được tinh hoa văn hóa của dân tộc mình, tiết kiệm được cả thời gian, vật chất mà không ảnh hưởng đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Để có được kết quả trên trước hết là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ tỉnh tới cơ sở đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đồng thời biết lắng nghe tâm tư tình cảm, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Thêm vào đó, vai trò của già làng, trưởng thôn, bản và người có uy tín, trưởng dòng họ cùng với sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức là người dân tộc Mông ở các xã được phát huy trong việc tự giác chấp hành tốt chủ trương của tỉnh Yên Bái về cuộc vận động này.

Theo Tạp chí giao thông

Bạn đang đọc bài viết Độc đáo Tết của người Mông. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.