Thứ năm, 28/03/2024 19:49 (GMT+7)

Dịch Covid-19: Những nghĩa cử cao đẹp và bài học văn hoá ứng xử!

MTĐT -  Thứ ba, 31/03/2020 16:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bên cạnh những cá nhân ích kỷ, thì vẫn còn đó là những nghĩa cử cao đẹp những người cao tuổi, mẹ Việt Nam anh hùng, hay những em nhỏ khiến chúng ta học được bài học về văn hoá ứng xử.

Khi cả nước đang nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, thì đâu đó vẫn còn có một số cá nhân vì sự ích kỷ của bản thân trốn khỏi khu cách ly, không khai báo y tế trung thức khiến Nhà nước và cộng đồng xã hội lo lắng, bất an. Nhưng còn đó là những nghĩa cử cao đẹp những người cao tuổi, mẹ Việt Nam anh hùng, hay những em nhỏ khiến chúng ta học được bài học về văn hoá ứng xử.

Sự ích kỷ cá nhân

Thông tin Vũ Thu Hà (ở quận Long Biên, là du học sinh Anh về nước) đang bị cách ly tại nhà trốn cách ly để ra sân bay định đi nước ngoài mới đây khiến cộng đồng bức xúc. Nếu cơ quan chức năng không phát hiện kịp thời và có biện pháp mạnh mẽ, Hà có lẽ đã bay tới xứ người thỏa được ước muốn cá nhân nhưng có thể gây hại cho cộng đồng. Hà đã phải trả giá cho hành động dại dột, nông nổi của mình với mức xử phạt hành chính 10 triệu đồng theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Trước đó, một nữ doanh nhân tại Khánh Hoà, sau khi nhiễm Covid 19, bệnh nhân có dấu hiệu khai báo không đầy đủ, thiếu trung thực khiến nhiều người trong cộng đồng không được cách ly kịp thời, dẫn tới việc lây nhiễm trong cộng đồng, cả xã hội cảm thấy bất an. Thời điểm này, cộng đồng mạng phẫn nộ, đòi phải xử lý nghiêm hành vi gian dối, không trung thực trong khai báo y tế, thậm chí có nhiều người còn đòi xử lý hình sự.

Cũng liên quan đến việc cách ly, một câu chuyện buồn thu hút sự quan tâm của dư luận trong mùa dịch, khi một lãnh đạo doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Trị, đi cùng chuyến bay với người bị nhiễm SARS-CoV-2 đã cho nhân viên thế mình đi cách ly. Để rồi sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, ông ta đã phải về cách ly tại Bệnh viện chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Trị.

Hoặc gần đây, một đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội, ghi lại hình ảnh một nhóm hành khách người Việt về Hà Nội trên chuyến bay từ Qatar, hạ cánh xuống Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài gây náo loạn ở sân bay. Tổ quốc không bỏ ai lại phía sau trong cuộc chiến COVID-19 này, thế nhưng nhóm người trở về Việt Nam ấy đã liên tục có những lời lẽ không hay, không hợp tác với lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh. Rất nhiều người dân phẫn nộ trước thái độ của họ, bởi sự chủ quan và thiếu hợp tác với cơ quan chức năng ở sân bay dễ để lọt những người có nguy cơ nhiễm bệnh, thậm chí là người đã mắc COVID-19.

Gần đây nhất, ngày 29-3, anh Nguyễn Thành Nam, sinh 25-12-1992, ngụ tại thôn Bồng Mạc, xã Liên Mạc, huyện Mê Linh (Hà Nội), đã trốn khỏi khu cách ly tập trung tại xã Thành Long, huyện Châu Thành. Cũng liên quan đến hành vi trên, rạng sáng 29-3, anh Lê Văn Vũ, sinh 8-1-1991, ngụ tại ấp Nhà Thờ, xã Trung Bình, huyện Trần Đề (Sóc Trăng), đã trốn khỏi khu cách ly tập trung tại xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.

Những người ý thức kém và chỉ nghĩ cho bản thân mình sẽ gây thêm khó khăn, áp lực cho các cơ quan chức năng ở cửa ngõ kiểm soát dịch bệnh. Không những vậy, còn có nguy cơm tiềm tàng mang mầm bệnh vào cộng đồng. Những hành vi này cần được lên án mạnh mẽ, đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 đang diễn biến phức tạp.

Những nghĩa cử cao đẹp

Trái ngược với những hành vi "vị kỷ cá nhân" của một số người đang bị cộng đồng, xã hộ lên án, thì trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội cũng đã lan toả những hành động cao đẹp, đầy nghĩa cử.

Cụ Niệm vui vẻ chia sẻ về hành động ủng hộ phòng chống dịch của mình. Ảnh: Phúc Ngư.

Điển hình, Cụ Lê Thị Niệm (78 tuổi, ngụ tại thôn Côn Sơn, xã Trung Thành, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) bất chấp tuổi cao, một mình đạp xe lên UBND xã Trung Thành để ủng hộ số tiền 1 triệu đồng mà cụ đã tiết kiệm bấy lâu nay. Cùng với tiền mặt, cụ Niệm còn gửi lại một lá thư cho người đứng đầu xã Trung Thành, bức thư có nội dung: “Tôi là Lê Thị Niệm, sinh năm 1942, tại xã Trung Thành, Côn Sơn, có nghe lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “Chống dịch như chống giặc”. Trong chiến tranh, gia đình tôi đã hy sinh chồng + con + chị. Trong hòa bình năm 1983, 1984, Nhà nước khó khăn về kinh tế, gia đình tôi cũng hy sinh bán thóc mua công trái. Ngày nay dịch lại đến, tôi tuy đã già rồi không làm được gì, nay con cháu biếu quà, tôi lại cống hiến cho Nhà nước số tiền là 1.000.000 đồng (một triệu đồng). Tuy chưa nhiều nhưng tấm lòng của tôi, mong được Ban Lãnh đạo các cấp nhận cho tôi”.

Được biết, nhiều năm nay cuộc sống của cụ Niệm phụ thuộc vào hơn 1 triệu đồng/tháng tiền thờ cúng liệt sĩ (chồng của cụ Niệm là liệt sĩ). Số tiền cụ mang đi hỗ trợ phòng, chống dịch là tiền tích cóp, và tiền con cháu biếu mỗi dịp con cháu đến thăm. Cụ bà Lê Thị Niệm là cựu thanh niên xung phong. Hiện bà đang sống một mình trong ngồi nhà cũ rộng chừng 40 m2.

“Con cái tôi đều trưởng thành và có công ăn việc làm ổn định cả. Tôi ở một mình vì đang lo được cho mình, chứ không phải con cái không thương mình. Còn việc ủng hộ tiền phòng dịch, tuy xã chưa phát động, nhưng qua đài báo thấy Thủ tướng Chính phủ kêu gọi toàn dân chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nghĩ mình có chút ít tiền tích góp, tuổi già lại chẳng cần chi tiêu gì nhiều, nên mang đi ủng hộ thôi. Người ta làm được nhiều tiền thì ủng hộ nhiều, mình làm được ít thì ủng hộ ít”, cụ Niệm chia sẻ.

Một nghĩa cử đã lay động trái tim triệu người, đó là Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Chi (91 tuổi, Chồng và con trai cả hy sinh để đất nước có hòa bình) ở Đà Nẵng dành dụm tiền tiêu vặt, tiền mừng tuổi rồi mang gửi tặng đội ngũ y bác sĩ đang ở tuyến đầu để “chống giặc” COVID-19. "Ngày xưa chiến tranh khói lửa, mình nghèo khổ đã có Nhà nước giúp đỡ, chăm lo, nay Nhà nước cần mình thì có cái gì mẹ ủng hộ cái đó" - mẹ Chi tâm sự.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương tiếp nhận số tiền 5 triệu đồng từ mẹ Chi - Ảnh: Ủy ban MTTQ phường Thanh Bình.

Số tiền 5 triệu đồng mẹ ủng hộ là tiền tiêu vặt con cháu cho và tiền mừng tuổi mẹ dịp Tết vừa qua. Ban đầu, mẹ tính dành dụm để sửa sang, xây lại mộ cho chồng và con là hai liệt sĩ Trần Hảo và Trần Văn đang yên nghỉ tại nghĩa trang gia tộc ở quê. Nhưng mẹ Chi cho biết: “Mẹ già rồi, sống được bao lâu nữa đâu, chỉ mong đất nước mãi yên bình, dịch bệnh chóng qua!”.

Hành động nhỏ nhưng đầy ý nghĩa của mẹ Chi và cụ Niệm nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay nhiều điều, không chỉ là ứng xử văn hoá mà còn là vì tổ quốc, vì đồng bào, vì dân tộc.

Xúc động không kém là câu chuyện, sáng 25/3, thị trấn Yên Thế (Lục Yên, Yên Bái) mưa như trút nước, bà Bùi Thị Khuyên, 61 tuổi trùm áo mưa đèo cháu Nguyễn Bình Minh đến nhà trưởng nhóm thiện nguyện, cách nhà 1 km để quyên tiền chống Covid-19. Em Nguyễn Bình Minh, 8 tuổi, đang học lớp 2 ở huyện Lục Yên, Yên Bái. Sau khi thấy một nhóm thiện nguyện đăng thông báo kêu gọi mọi người ủng hộ để mua sắm một số thiết bị bảo hộ y tế cho ngành y trên địa bàn, Nguyễn Bình Minh đã quyết định đập lợn đất tiết kiệm để ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 cho nhóm này. Số tiền Bình Minh ủng hộ chỉ 220.000 đồng nhưng em đã thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ với tuổi thiếu nhi “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”. Hơn nữa, hành động của Bình Minh sẽ khơi gợi bạn bè cùng trang lứa noi theo, tiếp tục lan tỏa những hành động đẹp với cộng đồng cùng chung tay phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Bé Minh mang heo nhựa đến hội thiện nguyện mổ để ủng hộ tiền phòng Covid-19. Ảnh: Hưng Huế.

Trước đó, Bà Trần Thị Bích Thủy, nữ đại gia chân đất, người đã góp 50 tấn gạo để hỗ trợ phòng chống dịch bệnh COVID-19. Trao đổi với báo chí, bà Bích Thủy cho biết, hiện nay có một số thông tin chia sẻ trên mạng xã hội là chưa chính xác. Bởi việc bà ủng hộ 50 tấn gạo là việc làm xuất phát từ lương tâm của bà và bà bỏ tiền túi ra ủng hộ các đơn vị chứ không phải là quyên góp các cá nhân, đơn vị khác để ủng hộ. Bà Bích Thuỷ cho rằng, giúp đỡ mọi người là việc nên làm và điều này phải xuất phát từ tâm của mỗi người.

Bà Thủy cho biết, dịch bệnh dẫn tới khó khăn chung, bà mong muốn đem chút đóng góp nhỏ vào cùng chung tay chống dịch.

Mong sẽ ngày càng nhiều hơn những câu chuyện như mẹ Chi, cụ Niệm, bà Thuỷ, em Bình Minh. Từ đó lan tỏa tinh thần Việt Nam “giặc” đến nhà trẻ già cùng đánh. Và chắc chắn chúng ta sẽ “đánh gọn, thắng nhanh COVID-19”. Những nghĩa cử cao đẹp này cũng chính là lời "răn dạy", là tấm gương soi chiếu cho những ai còn có hành vi ích kỷ, chỉ vì bản thân mà coi thường sự an toàn của cộng đồng, hãy tự thấy xấu hổ với chính mình.

Theo Hòa nhập

Bạn đang đọc bài viết Dịch Covid-19: Những nghĩa cử cao đẹp và bài học văn hoá ứng xử!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.