Thứ sáu, 26/04/2024 06:41 (GMT+7)

Đà Nẵng: Hỗ trợ chủ hộ 20 triệu để cưỡng chế sai phạm ở Mường Thanh

An Nhiên -  Thứ năm, 09/01/2020 08:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chủ hộ tại chung cư thuộc tổ hợp Khách sạn Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà (Đà Nẵng) sẽ được hỗ trợ tiền thuê nhà trong 4 tháng với tổng chi phí là 20 triệu đồng.

Ngày 8/1, UBND quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) đã ban hành thông cáo liên quan đến việc triển khai thực hiện các nội dung xử lý vi phạm xây dựng đối với dự án thuộc Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà (phường Mỹ An, quận Sơn Trà).

Theo đó, UBND quận Ngũ Hành Sơn đã tiến hành niêm yết các văn bản có liên quan tại chung cư thuộc Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và Căn hộ cao cấp Sơn Trà. Hiện, quận này đang triển khai thủ tục lựa chọn nhà thầu phá dỡ theo quy định của pháp luật.

Việc tiến hành cưỡng chế tháo dỡ các sai phạm của Mường Thanh sẽ được triển khai vào cuối tháng 2/2020, sau khi hoàn thành thủ tục lựa chọn nhà thầu tháo dỡ theo quy định.

Theo phương án tháo dỡ đã được UBND thành phố phê duyệt, đối với các trường hợp là chủ hộ tại các khu vực có sai phạm của Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên tại khối chung cư thuộc Tổ hợp Khách sạn Mường Thanh và Căn hộ cao cấp Sơn Trà sẽ được hỗ trợ tiền thuê nhà trong 4 tháng với chi phí là 5.000.000đ/tháng (Năm triệu đồng/tháng).

Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà.

Bên cạnh đó, UBND quận Ngũ Hành Sơn cũng đã ban hành thông báo yêu cầu di chuyển ra khỏi phạm vi khu vực cưỡng chế tháo dỡ các sai phạm của Doanh nghiệp gửi các chủ hộ và niêm yết theo quy định. Hiện nay, Tổ trợ giúp pháp lý của UBND thành phố vẫn đang tiếp tục làm việc tại UBND phường Mỹ An vào sáng thứ bảy hàng tuần để hỗ trợ về mặt pháp lý cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu.

Ông Nguyễn Đức Việt - Phó chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết, để triển khai phương án tháo dỡ, UBND quận sẽ phối hợp các đơn vị có liên quan tiến hành cắt điện, cắt nước tại các tầng có vi phạm về trật tự xây dựng trước khi tiến hành tháo dỡ.

Như Môi trường và Đô thị Việt Nam đã liên tục phản ánh, dự án tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà, do Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên làm chủ đầu tư và được Sở Xây dựng cấp phép vào năm 2016 với quy mô 42 tầng và 2 tầng hầm.

Trong đó, từ tầng 2 đến tầng 5, công trình được cấp phép xây dựng làm bãi đỗ xe, nhà trẻ, hồ bơi… Tuy nhiên, trong quá trình thi công, chủ đầu tư đã tự ý thay đổi công năng, tầng 2 đến tầng 5 được ngăn thành 104 căn hộ để bán.

Ngoài ra, qua kiểm tra thực tế tại Dự án Tổ hợp Mường Thanh Đà Nẵng, UBND quận Ngũ Hành Sơn phối hợp với Thanh tra Sở Xây dựng, đã phát hiện và lập biên bản việc chủ đầu tư xây dựng một số hạng mục công trình trong khối chung cư, không đúng với giấy phép xây dựng (GPXD) số 235/GP-XD do Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cấp.

Cụ thể, tại tầng 25 vị trí trụ A – B giao với trục 1 – 10, theo nội dung GPXD đã được cấp thì vị trí này được bố trí 5 phòng, nhưng chủ đầu tư bố trí 01 phòng và 02 cửa ra vào.

Tầng 35 theo GPXD thì tại trục D – H giao với trục 2 - 8 là phòng lánh nạn, nhưng thực tế chủ đầu tư đã xây dựng 8 phòng ở đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Đối với tầng 41, 42 theo GPXD thì diện tích xây dựng là 313m2, nhưng trên thực tế chủ đầu tư đã mở rộng toàn bộ khu vực này với diện tích xây dựng lên 4.393m2 và bố trí 26 phòng, đưa vào sử dụng.

Bạn đang đọc bài viết Đà Nẵng: Hỗ trợ chủ hộ 20 triệu để cưỡng chế sai phạm ở Mường Thanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.