Thứ bảy, 20/04/2024 06:16 (GMT+7)

Có dân sẽ có tất cả

MTĐT -  Thứ sáu, 28/06/2019 14:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hội nghị cấp cao APEC 2017 được tổ chức thành công tốt đẹp nói lên rất nhiều điều về vị thế và uy tín của Việt Nam đang trên đường đổi mới và hội nhập quốc tế.

“Ý thức được đường còn dài, gian nan còn thử sức để lấy lại củng cố lòng tin của nhân dân, Đảng ta đã thể hiện quyết tâm chưa từng có, tập trung công sức trị bệnh cho chính mình, xây dựng và chỉnh đốn cho Đảng trong sạch vững mạnh, xứng đáng với dân tộc anh hùng. Chống tham nhũng, chống suy thoái là hai mũi tiến công cùng một lúc. Cả hai tồn tại này là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng” (Báo Nhân dân số Tết)

Cha ông ta từ xa xưa đã có những đúc kết chí lí: Có dân là có tất cả; An dân bền vững thì cơ đồ sự nghiệp muôn thuở thái bình; Việc cương thường muôn thuở là ở lòng dân. Có dân, có niềm tin của dân là
có sức mạnh dời non lấp bể. Ấy cũng là bởi, tiền nhân nhận thức sâu sắc rằng “trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân” và “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”

Những nỗ lực của Việt Nam đã được cộng đồng thế giới (WB) công bố đã xếp Việt Nam tăng hạng 14 bậc về chỉ số môi trường quốc doanh, thể hiện sự đánh giá khách quan của cộng đồng quốc tế về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng chuyển biến rõ rệt.

Hội nghị cấp cao APEC 2017 được tổ chức thành công tốt đẹp nói lên rất nhiều điều về vị thế và uy tín của Việt Nam đang trên đường đổi mới và hội nhập quốc tế. Thành công ấy không tách rời những thành tựu chung của đất nước chúng ta.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nói: “Bài học lấy dân làm gốc vẫn là bài học đúng của mọi thời kỳ lịch sử. Có dân, Đảng mới đi sâu được vào quần chúng, dễ dàng tập hợp được quần chúng tham gia vào sự nghiệp cách mạng, tạo ra sức mạnh và thực lực để làm nên những chiến thắng vĩ đại trong công cuộc dựng nước và giữ nước”.

Người dân Việt Nam có ý chí dấn tộc rất lớn, đấy là tiềm năng lớn để đất nước phát triển. Tuy nhiên cũng phải thẳng thắn nhìn nhận những nguy cơ thách thức, nhất là nguy cơ tụt hậu về kinh tế, tình hình tham nhũng chưa được đẩy lùi. Do đó, nếu chúng ta không biết tận dụng thời cơ sức mạnh dân tộc để khắc phục những hạn chế, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội thì tụt hậu hoàn toàn có thể xảy ra.

Dân chung lòng sẽ tạo ra sức mạnh

Một bài học quan trọng, có giá trị lớn lao nữa mà khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, giành độc lập mùng 2/9 để lại làm sao phát huy được sức mạnh đại đoàn kết dấn tộc. Muốn làm được điều này thì đòi hỏi mọi cấp ngành phải biết dựa vào dân, lắng nghe ý kiến nhân dân. Khi Bác Hồ về nước 1941, Bác có nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp rằng “dân trước súng sau, có dân thì sẽ có súng, có dân thì sẽ có tất cả”. Mọi việc Đảng làm đều phải dựa vào dân, đặt lợi ích của dân lên cao nhất. Phải thực sự lấy dân làm gốc.

Bây giờ vấn đề này càng phải được coi trọng hơn. Bởi thực tế, những năm qua, do sự suy thoái về đạo đức, tư tưởng rồi tình trạng tham nhũng, tiêu cực, “quan cách”, cửa quyền… đã khiến cho phần nào người dân mất niềm tin và một bộ phận đội ngũ cán bộ, ảnh hưởng uy tín của Đảng. Do đó, bây giờ phải củng cố, lấy lại niềm tin trong nhân dân bằng cách xử lý nghiêm minh những vi phạm, tiêu cực của đội ngũ cán bộ. Có xử lý, đẩy lùi được tình trạng này thì mới tạo ra niềm tin cho người dân. Dân có chung lòng thì mới tạo ra được sức mạnh, niềm tin để đất nước vượt qua khó khăn, thách thức.

Những người cộng sản tiền bối do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã làm cách mạng không chỉ để giải phóng dân tộc, mà còn để mang lại tự do, dân chủ cho nhân dân.

 Mô hình thể chế dân chủ chính vì vậy đã được lựa chọn. Đã là thể chế dân chủ thì nhà nước là “của dân, do dân và vì dân”. Nhà nước “của dân” thì phải “do dân” và chỉ có “do dân” thì mới thật sự “vì dân”. Để đảm bảo nguyên tắc “do dân”, ngay sau khi vừa giành được chính quyền vào cuối năm 1945, thì đầu năm 1946, Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã tổ chức Tổng tuyển cử để thành lập Chính phủ mới và xây dựng Nhà nước dân chủ đầu tiên ở nước ta. “Nhà nước của dân, do dân và vì dân” còn được thể hiện thông qua một loạt các hình thức khác. Trước hết, đó là việc xác lập chế độ trách nhiệm trước cửa tri. Các vị đại biểu Quốc hội đều phải tiếp xúc cử tri để báo cáo và giải trình về các quyết sách của mình. Về nguyên tắc, cử tri có thể bãi nhiệm một vị đại biểu Quốc hội, khi vị này không còn được cử tri tín nhiệm. Trình tự, thủ tục để cử tri bãi nhiệm được Luật Tổ chức Quốc hội giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.

Cùng với đó, các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đều phải tham vấn ý kiến của nhân dân. Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì thời hạn để tham vấn ý kiến nhân dân tối thiểu phải là hai tháng. Thứ ba là, xây dựng hệ thống khuyến khích phục vụ bằng việc đo đếm sự hài lòng của nhân dân. Đây là hình thức có tác động hết sức mạnh mẽ đến sự “vì dân” đang được áp dụng ngày một nhiều hơn ở tất cả các cấp chính quyền.

“Dân biết” là đòi hỏi trước tiên

“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là một phương châm hành động của “Nhà nước của dân, dân do và vì dân”. Đây thực chất là sự thể hiện trên thực tế tính minh bạch của quy trình quản trị quốc gia.

Trong đó “dân biết” là đòi hỏi trước tiên. Để dân biết, thì chính quyền phải có trách nhiệm thông tin cho dân và quyền tiếp cận thông tin của dân phải được bảo đảm. Luật Tiếp cận thông tin quy định rất rõ trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong công việc này. Còn “dân bàn” chính là đòi hỏi phải tham vấn ý kiến nhân dân. Với “dân làm” thì tất nhiên rồi. Mọi chuyện đều phải do dân làm thôi.

Trong khi đó, “dân kiểm tra” thì có thể thông qua các đại biểu của mình (đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND) hoặc trực tiếp để dân có thể kiểm tra thì quan trọng nhất là dân phải tiếp cận được thông tin, đồng thời phải có hình thức để bảo đảm trách nhiệm giải trình trước nhân dân.

Cũng phải nói thêm rằng chúng ta đã có Luật Trưng cầu ý dân, trong đó đã quy định rất rõ trường hợp nào thì thực hiện trưng cầu dân ý. Đó là toàn văn Hiến pháp, một số nội dung quan trọng của Hiến pháp, các vấn đề đặc biệt quang trọng về chủ quyền, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; các vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, các vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.

Tuy nhiên, quyền đề nghị trưng cầu dân ý lại thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội trở lên. Như vậy, nội dung nào là quan trọng của Hiến pháp, vấn đề nào là đặc biệt quan trọng của quốc gia thì sẽ do các cơ quan nói trên quyết định. Luật Trưng cầu ý dân chỉ mới chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2016.

Cán bộ là yếu tố then chốt

Để đất nước phát triển, việc quan trọng lúc này là phải chấn chỉnh lại công tác cán bộ. Vừa qua, Đảng đã xử lý rất nghiêm tình trạng này nhưng tới đây cần phải tiếp tục làm mạnh nữa. Phải làm sao lựa chọn được đội ngũ cán bộ cấp chiến lược vừa có đức, có tài, luôn đặt lại lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quan điểm tại phiên họp Chính phủ 4/2016 :"Có dân là có tất cả, không có dân là không thành công" - Ảnh: VGP

Thực tế, trước và sau Cách mạng Tháng Tám, đội ngũ cán bộ được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn bị công phu. Đội ngũ cán bộ lúc đó tập hợp xung quanh Bác là những con người có trí tuệ, nhân cách, luôn đặt Tổ Quốc, Quốc gia, Dân tộc lên trên tất cả. Có thể kể đến như đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng… Có những cán bộ đó mới phất được ngọn cờ tập hợp được quần chúng nổi dậy đứng lên giành chính quyền.

Giờ đây, sau 74 năm, dù kinh tế - xã hội của đất nước đã có nhiều sự phát triển vượt bậc, nhưng vẫn còn đó những hạn chế, yếu kém.

Công tác cán bộ còn nhiều bất cập, nhất là tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, “lợi ích nhóm”. Hội nghị Trung ương 7 vừa qua cũng đề cập rất sâu về việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược. Nếu xây dựng được đội ngũ cán bộ cấp chiến lược giỏi, có năng lực, đức độ, nhân cách thì đất nước sẽ phát triển. Ngược lại cấp chiến lược mà có chuyện này, chuyện khác, tham ô, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền thì dễ dẫn đến thất bại, trì trệ, đất nước không phát triển được.

Muốn làm được việc đó, thì lựa chọn cán bộ phải từ thực tiễn, trong đó đặc biệt chú trọng lắng nghe ý kiến từ quần chúng nhân dân. Trong đội ngũ hiện nay nhất là giới trẻ, rất nhiều người có năng lực, hoài bão, tận tâm cống hiến, phụng sự Tổ quốc. Cái chính là cần phải có cơ chế khách quan, minh bạch, dựa vào dân để lựa chọn cán bộ đúng và trúng. Dân mới là người sống gần cán bộ, hiểu cán bộ nên phải lắng nghe, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân về đội ngũ cán bộ.

Theo nhà báo Nhị Lê – Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản: “Trong việc kiểm tra, giám sát, nếu bí mật thông tin về cán bộ là ngả đường dẫn tới các ngõ cụt không lối ra, trong việc kiến tạo đội ngũ cán bộ các cấp xứng tầm trọng trách lịch sử mà Hội nghị Trung ương 7 vừa xác quyết. Nói gọn lại, ở đây, chỉ cần bốn chữ thôi: Công khai, Dân chủ”.

“Những nước văn minh mà tôi đã biết, thì không nước nào úp mở chuyện này cả. Đức, Pháp, Anh, Bồ Đào Nha, Singapore và nhiều nước khác nữa. Họ công khai nhân thân, con cái học hành, thu nhập, tài sản.v.v… Thậm chí kinh phí công vụ hàng năm dành cho Tổng thống họ cũng công khai. Hễ vượt quá, mà Tổng thống muốn đi phải tự bỏ tiền túi”.

Đã đến lúc chín muồi để Đảng minh bạch thêm nhiều điều, cho các cơ quan có trách nhiệm và nhân dân đủ cơ sở kiểm tra, giám sát; Cũng để cán bộ phải giữ mình, sửa mình và tự bảo vệ mình trước mọi sự vu cáo, bôi nhọ hoặc tin đồn thất thiệt.

Chỉ có kiểm tra, giám sát tốt mới chọn được đúng người, đúng cán bộ cần chọn. Đó cũng là phần việc to lớn, nặng nề của các cơ quan và cán bộ làm công tác tổ chức.

Bác Hồ nói: Đảng là đứa con nòi của nhân dân lao động. Về mặt đạo lý, như Bác Hồ nói, con không để cha mẹ biết rõ về mình, thì có còn xứng đáng là đứa con nòi không? Vì sao nhân dân lại không thể được biết mọi điều cần biết về Đảng? Dân sinh ra Đảng, Dân nuôi và bảo vệ Đảng! Vì sao nhân dân lại không có quyền đòi hỏi quyền làm cha, làm mẹ của mình chứ! Cha mẹ có quyền đòi hỏi đứa con của mình về bổn phẩn chứ! Đảng phải kính dân, trọng dân, hiếu với dân, chứ không phải ngược lại. Chúng ta vừa nhìn lại Kết luận số 120 của Bộ Chính trị khóa XI và tổng kết 20 năm thực thi quy chế Dân chủ ở cơ sở, càng thấm thía điều mệnh hệ sinh tử và máu thịt này, đòi hỏi phải càng làm tốt về phương diện pháp lý.

Việc đột phá vào cơ chế, phải bắt đầu từ cách đột phá vào đội ngũ những người làm công tác tổ chức – cán bộ. Nếu lắng nghe thực chất, công tác cán bộ không có những yếu kếm như vừa qua. Nếu có cơ chế giám sát và tổ chức chặt chẽ, lắng nghe từ mọi phía, thì tiêu cực đã không ở mức độ như hiện nay.

Quy định 76/QĐ-TW của Bộ Chính trị về việc nhận xét Đảng viên 2 chiều lâu nay thường bị thực hiện theo cách rất hời hợt, hình thức và chiếu lệ. “Ở chỗ tôi sinh hoạt, có trường hợp Bộ trưởng cần lấy ý kiến tín nhiệm của dân phố. Cả phố đều không đồng ý giới thiệu vị ấy ứng cử. Cuối cùng, vị ấy nhờ cấp trên thuyết phục dân phố. Tiên trị gia, hậu trị quốc. Công dân không hoàn thiện thì sao có thể làm cán bộ, lại làm cán bộ lãnh đạo tốt được”? (Theo nhà báo Nhị Lê).

Lâu nay, sau bộ khung Điều lệ đảng, đã có hàng loạt quy định cụ thể. Tuy nhiên, việc thực thi nửa vời dẫn đến thực trạng không ít cán bồ sai phạm.

Điều ai cũng thấy là hành động hiệu quả có giá trị hơn hàng tá cương lĩnh. Sự chuyển động trong công tác cán bộ, đặc biệt là việc xử lý cán bộ quyết không thể có vùng cấm, có đặc quyền đặc lợi. Vừa qua, một số Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, ai có sai phạm nghiêm trọng cũng đều bị xử lý bằng pháp luật một cách công minh chính đại. Điều đó đáng để dân tin.

Không chống được tham nhũng thì lòng dân xao xuyến, thể chế có nguy cơ ngả nghiêng. Không chỉ chống tham nhũng về vật chất, mà quan trọng hơn nữa, là phải chống tham nhũng quyền lực. Nhưng điều đáng lo ngại nhất, lại chính là tham nhũng lòng tin. Nhân dân phải có điều xứng đáng để tin, để noi theo mà hành động cho đúng.

Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, người chủ trì cuộc chiến chống tham nhũng gian khổ này, đã thẳng thắn: “Ai không làm được thì dẹp sang bên cho người khác làm”, vì những cản lực vô cùng lớn đang cản trở cuộc chiến đấu này, làm xâm hại lòng tin của nhân dân. Đó cũng là chí nguyện của nhân dân. Cũng cần nói thêm là, sự liên minh của lợi ích nhóm đã tạo thành các liên minh ma quỷ, nguy cơ nhen nhóm tệ nạn “sứ quân” chuyên quyền. Năm 2018, cuộc chiến chống tham nhũng đã tiến được những bước rất dài, nhưng vẫn chưa thỏa được lòng mong mỏi của nhân dân.

Bước vào năm 2019, trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp vào năm 2020. Đảng ta càng phải xử lý mạnh mẽ hơn nữa các băng nhóm tham nhũng đủ loại. Nếu không có tầm nhìn, không có những giải pháp mạnh mẽ, trên nền tảng Dân chủ và Pháp trị một cách nghiêm khắc, minh bạch và công khai, thì rất khó thành công. Cũng cần nói thểm, cuộc chiến chống tham nhũng quyền lực chưa bao giờ khó như bây giờ. Nạn lợi ích nhóm đã tung tác, tệ cát cứ đã nảy nòi. Để đất nước ổn đinh và phát triển, để bảo toàn danh dự và nâng cao sức mạnh của Đảng, của Chính phủ, các quyết nghị của Hội nghị Trung ương 6, 7 khóa XII vừa qua đã tạo bộ máy, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược và đội ngũ cán bộ các cấp. Tình hình bây giờ nằm trong 6 chữ thôi: Thế Nước – Lòng Dân – Vận Đảng!

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển

Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Có dân sẽ có tất cả. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...