Thứ sáu, 19/04/2024 09:48 (GMT+7)

Chuyện về những công nhân làm nghề thu gom rác

MTĐT -  Thứ tư, 01/05/2019 14:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

"Mình gõ kẻng rồi kéo xe rác đi qua các nhà dân. Nhiều người không kịp mang rác ra cửa, họ xách rác đuổi theo xe rồi gọi giật giọng: “Rác ơi”.

"Mình gõ kẻng rồi kéo xe rác đi qua các nhà dân. Nhiều người không kịp mang rác ra cửa, họ xách rác đuổi theo xe rồi gọi giật giọng: “Rác ơi”. Sau đó, vèo một cái, họ ném túi rác bay thẳng về phía mình". Đó là những lời tâm sự của những người làm công việc đặc biệt mà chúng tôi đề cập trong bài viết này - Nghề thu gom rác.

"Nghề gom rác là nghèo hèn, nhưng với tôi, đó cả là một niềm hạnh phúc"

Mỗi năm có 4 mùa, từ những cái nóng nực của mùa hè đến cái rét buốt của mùa đông, và cả những cơn mưa xối xả hay cả khi các ngày lễ, tết, tất cả chúng ta được nghỉ, thì khắp hang cùng, ngõ hẻm, vào cuối mỗi buổi chiều, khi đường phố đã lên đèn, chúng ta thường bắt gặp hình ảnh những người công nhân oằn mình đẩy những chiếc xe chất đầy rác đến nơi tập kết để chuyển lên chiếc xe ô tô đưa về bãi rác.

Cứ như vậy, mỗi ngày, mỗi đêm, những người đó lại xuất hiện trên mọi ngả đường. Hành trình gom rác của họ dường như không dừng chân, không ngơi nghỉ tay vì phải quét dọn, lượm lặt tất cả các loại rác, để trước khi bình minh lên, đường phố đã sạch sẽ, tinh tươm.

Chị Hà, quê Đan Phượng - công nhân dọn dẹp ở phố Kiều Mai, Bắc Từ Liêm, mở đầu câu chuyện bằng câu: "Nghề này vất vả lắm em ơi, lương thấp, làm việc trong môi trường lúc nào cũng hôi, thối, ngày lễ, tết vẫn phải đi làm, không được nghỉ...".

Chị tâm sự: Vào nghề đã hơn 6 năm và trong thời gian đó, cứ khoảng 4 giờ chiều, chị cùng đồng nghiệp của mình đẩy xe, cầm chổi, kẻng đi vào những con ngõ mà mình được phân công để thu gom rác. Nó không chỉ là lá cây, túi ni lông, mà còn là cơm thừa canh cặn, rác sinh hoạt gia đình và đủ thứ trên đời các gia đình vứt bỏ... Tất cả được chất hết lên chiếc xe rác.

Dù vất vả, tiền lương chưa đảm bảo cho cuộc sống, nhưng những làm nghề gom rác vẫn đêm đêm oằn mình đẩy xe chất đầy rác, làm sạch phố phường. Ảnh: BA.

Dáng người nhỏ nhắn, nhưng mỗi ngày chị Hà phải đẩy 4 xe rác chất cao như núi đến điểm tập kết và đợi đến 10 giờ đêm, khi rác được dọn sạch sẽ mới được về nhà.

"Nhưng không phải lúc nào cũng 10 giờ đêm là được nghỉ đâu em, có hôm còn phải đến 1 giờ sáng mới về nhà vì xe rác đến muộn. Những hôm trời nắng, rác bốc mùi, bịt mấy lớp khẩu trang vẫn vô cùng khó chịu. Còn trời mưa, đường trơn, xe rác bị đổ tung tóe, mấy chị em lại lúi húi quét dọn mãi mới xong để vận chuyển đi.

Nhiều người thấy xe rác đổ thì giúp đỡ, nhưng có những người, họ còn quay ra chửi chúng tôi, làm đổ xe rác nên mới cản trở giao thông, nghĩ thấy tủi thân lắm. Mình làm đẹp cho đường phố, giữ vệ sinh cho gia đình họ, vậy mà vẫn bị chửi”, chị Hà chia sẻ.

Công việc dọn vệ sinh tưởng chừng như đơn giản, nhưng ẩn chứa trong đó là sự nhọc nhằn, vất vả trăm bề và những nguy hiểm luôn cận kề. Họ đến với nghề này là do cái duyên và do ý thức của họ với cộng đồng, nên họ hết lòng tận tụy trong công việc, không quản ngại khó khăn. Họ luôn tâm niệm công việc của mình là quét hết rác chứ không phải làm hết giờ.

Tuy mệt, “ấy mà vui lắm em à, làm nhiều năm rồi thấy quen, không làm thấy nhớ việc. Niềm vui lớn nhất của mình là mỗi ngày làm sạch đẹp những con đường. Ai chê việc quét rác là nghèo hèn, nhưng với chị, đó là cả một niềm hạnh phúc”, chị Hà nói.

"Nghỉ một buổi, rác sẽ tràn ngập đường phố"

Với nghề của mình, thời điểm mà những người công nhân thu gom rác cảm thấy tủi thân nhất đó chính là những ngày nghỉ lễ, ngày Tết. Khi mọi gia đình nhộn nhịp chuẩn bị sắm sửa lễ Tết, lên kế hoạch du lịch cùng gia đình, thì họ vẫn còn phải dọn dẹp, thậm chí có những lúc trong dịp giao thừa, thì đón giao thừa ngoài đường bên cạnh người bạn là chiếc xe chở rác...

Chị Thúy, gom rác trên đường Văn Tiến Dũng, Bắc Từ Liêm, cho biết, công việc thường ngày thì chị làm đến khoảng 1-2 giờ sáng là xong, nhưng những ngày lễ phải làm tới 4-5 giờ sáng.

"Chỉ cách nhà 10km thôi, nhưng 10 năm trong nghề là chừng ấy năm chị không được ăn Tết, hay nghỉ lễ cũng gia đình. Đặc biệt, những ngày cuối năm, nhìn những gia đình ấm cúng quây quần bên nhau, nhiều lúc chị cũng buồn, cũng thấy tội cho chồng và cho con, bởi không giao thừa nào chị có mặt ở nhà", chị Thúy bùi ngùi chia sẻ.

Càng vào những dịp lễ, tết thì công việc của những người gom rác lại càng thêm bề bộn, vất vả, họ vẫn phải miệt mài trên từng góc phố, mà không được nghỉ ngơi, vui chơi. Bởi, những ngày như vậy lượng rác thải sinh hoạt càng lớn.

"Mỗi nghề có những vất vả riêng, nghề thu gom rác những ngày nắng, mưa luôn là ám ảnh với chúng tôi. Làm công nhân quét và gom rác như chúng tôi, ngày bình thường thì hầu như đã không có ngày nghỉ rồi, chứ đừng nói chuyện ngày lễ, tết, chỉ cần nghỉ một buổi, rác sẽ tràn ngập đường phố”, chị Thúy trầm tư.

Giữa những bộn bề cuộc sống, bất kể là đêm hay ngày, lúc mưa gió hay khi trời đổ nắng chang chang, giữa sự ồn ào, tấp nập, bụi bặm của đường phố hay sự im lặng đáng sợ về đêm, khi mọi người chìm sâu trong giấc ngủ dài, thì ở đâu đó, trên các nẻo đường, những người gom rác vẫn lặng lẽ kéo xe dọn rác tản đi khắp nơi. Họ âm thầm dọn sạch đường phố, tỉ mẩn nhặt từng cọng rác dính bết vào vỉa hè, lòng đường, để khi bình minh lên là những góc phố tinh tươm, thoáng sạch.

Cần lắm sự đồng cảm của cộng đồng

Chị Hà nói: "Tuy là vậy, nhưng chúng tôi cũng có nhiều thứ phải trăn trở như: thu nhập thấp, nên chúng tôi cũng phải đi làm thêm nhiều việc nữa, nhưng đáng buồn nhất vẫn là ý thức của một bộ phận người dân chưa cao. Trên nhiều tuyến phố, dù đã đặt các thùng rác, nhưng người dân vẫn thản nhiên chất đống dưới chân thùng. Hoặc, bỏ ven vệ đường trông rất mất mỹ quan.

Khi gõ kẻng, nhiều người không mang rác ra bỏ ngay, đến khi xe đi qua thì những bịch nilon rác lại xuất hiện giữa lối đi. Thậm chí, có công nhân còn bị người đứng từ xa, trên cao quẳng rác, hắt nước vào người, bị hành hung khi nhắc nhở giữ vệ sinh chung".

"Mình gõ kẻng rồi kéo xe rác đi qua các nhà dân. Nhiều người không kịp mang rác ra cửa, họ xách rác đuổi theo xe rồi gọi giật giọng: “Rác ơi”. Sau đó, vèo một cái, họ ném túi rác bay thẳng về phía mình. Người nào ném chuẩn thì túi rác nằm gọn trong xe, còn không, túi tác vỡ tứ tung hoặc đập vào người mình mà bắn ra”, chị Thúy nhớ lại.

Điều mà chúng tôi băn khoăn là, không phải lúc nào, ở đâu, người dân cũng có ý thức bảo vệ môi trường chung, không vứt rác bừa bãi xuống lòng đường, hè phố. Nếu trong cuộc sống hàng ngày, mọi người đều tự giác giữ gìn môi trường sạch, đẹp thì sẽ góp phần giảm đi bao nhiêu nhọc nhằn, vất vả cho những công nhân, cho họ được thêm chút thời gian nghỉ ngơi trong công việc không kém phần độc hại này.

Chia tay các chị mà hình ảnh các chị mải miết trên những con phố vào ban khuya thật giống với hình tượng “chị lao công” thân thuộc trong bài thơ “Tiếng chổi tre” của nhà thơ Tố Hữu:

“Những đêm hè / Khi ve ve / Đã ngủ / Tôi lắng nghe / Trên đường Trần Phú / Tiếng chổi tre / Xao xác hàng me / Tiếng chổi tre / Đêm hè / Quét rác...

Những đêm đông / Khi cơn dông / Vừa tắt / Tôi đứng trông / Trên đường lặng ngắt / Chị lao công / Như sắt / Như đồng / Chị lao công / Đêm đông / Quét rác"...

Theo Thanh tra

Bạn đang đọc bài viết Chuyện về những công nhân làm nghề thu gom rác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Phòng: Bí thư Thành ủy thăm, tặng quà người có công
Chiều 17/4, Ông Lê Tiến Châu- Bí thư Thành ủy Hải Phòng đi thăm, tặng quà thân nhân liệt sĩ, Chiến sĩ Điện Biên, Thanh niên xung phong, Dân công hỏa tuyến tại quận Hải An. Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 07/5/2024).

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?