Thứ tư, 17/04/2024 05:37 (GMT+7)

Vụ cháy gara ô tô: Doanh nghiệp cố ý chiếm dụng, không di dời

Đức Vũ -  Thứ tư, 19/12/2018 14:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

UBND quận Nam Từ Liêm đã thông tin về vụ cháy gara ô tô số 3 Lê Quang Đạo. Đặc biệt, nguyên nhân sâu xa dẫn đến vụ cháy là do chủ doanh nghiệp bất chấp lệnh cưỡng chế vẫn hoạt động.

Cháy do doanh nghiệp không chịu chấp hành lệnh di rời

Vào ngày 13/12 vừa qua, tại số 3 Lê Quang Đạo (phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm) đã xảy ra sự cố cháy nổ lớn.

Theo báo cáo nhanh của UBND quận Nam Từ Liêm, đây là xưởng sửa chữa xe ô tô Quang Minh do ông Nguyễn Ngọc Ánh sinh năm 1982 làm chủ, tại địa chỉ ngõ 3 Lê Quang Đạo (phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm).

Báo cáo nhanh của UBND quận Nam Từ Liêm.

Khu vực xảy ra vụ cháy là một phần của ô đất 1C2, trước đây Khu Liên hợp thể thao quốc gia cho doanh nghiệp, cá nhân thuê làm gara ô tô, hiện nay đã hết hạn hợp đồng, diện tích nhà xưởng khoảng 450m2, kết cấu tường cột xây gạch mái tôn, 1 tầng.

Khu đất dịch vụ thể thao ký hiệu 1C2 có diện tích khoảng 6.700 m2 thuộc Khu Liên hợp thể thao quốc gia. Hiện nay đang bị các chủ doanh nghiệp chiếm dụng, Khu Liên hợp thể thao quốc gia đang phối hợp cùng UBND quận Nam Từ Liêm tiến hành giải tỏa phục vụ mặt bằng cho đường đua F1 của Thành Phố.

Nhiều điểm yếu trong hệ thống PCCC của các gara ô tô.

Vụ cháy đã xảy ra từ ngày 13/12, nhưng dư âm thì vẫn còn. Sự cố trên là tiếng chuông cảnh báo đến tình trạng các gara ô tô được mở tràn lan, có nhiều dấu hiệu của sự hoạt động trái phép với hệ thống PCCC không đảm bảo an toàn.

Từ báo cáo nhanh của UBND quận Nam Từ Liêm có thể nhận thấy rằng, sự cố này có thể đã không diễn ra nếu như trước đó các cơ quan chức năng có sự quyết liệt với hành vi cố tình chiếm dụng mặt bằng, bất chấp không di rời để kinh doanh của các doanh nghiệp.

Gần nửa tháng trước, vào ngày 26/11, một vụ cháy gara ô tô ở  đối diện trường THCS Nam Trung Yên (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) xảy ra đã khiến nhiều xe ô tô chưa kịp di tản bị cháy rụi. Toàn bộ kho đồ nội thất cũng bị lửa thiêu. Phần khung, mái che của khu xưởng đổ sập…

Trước đó, tối ngày 26/11 một vụ cháy gara ô tô đối diện trường THCS Nam Trung Yên.

Đặc điểm chung của những gara này có thể dễ ràng nhận thấy, chúng cùng nằm trêm những lô đất thuộc các dự án bỏ không. Chính vì lý do đó, nên các xưởng gara ô tô chỉ được xây dựng tạm bợ quây, lợp mái bằng tôn và dùng những cột sắt chống đỡ. Ngay từ khi bắt đầu, nhiều điểm yếu về PCCC đã được bộc lộ.

Quay lại với vụ cháy xưởng gara ô tô Quang Minh trước đó, đã từ lâu Khu Liên hợp thể thao đã có nhiều lệnh ban hành cưỡng chế, yêu cầu phá dỡ và di rời, tuy nhiên đến nay nhiều gara ô to vẫn cố chấp bám trụ.

Xưởng gara ô tô Quang Minh chỉ là một trong rất nhiều gara thuộc diện bị thu hồi, sự cố cháy nổ tại xưởng này đã rấy lên hồi chuông cảnh báo lớn về độ an toàn của các doanh nghiệp bất chấp lệnh cưỡng chế vẫn cố tình hoạt động.

Được biết, ngày 29/11/2018, Khu Liên hợp thể thao quốc gia đã có thông báo số 1430/TB-KLHTTQG ngày 29/11/2018 yêu cầu các đơn vị đang thuê chiếm dụng mặt bằng tiến hành tháo dỡ, di dời nhà xưởng trước ngày 20/12/2018. Sau ngày 20/12/2018, Khu Liên hợp thể thao quốc gia sẽ phối hợp với UBND quận Nam Từ Liêm, UBND phường Mỹ Đình 1, UBND phường Phú Đô tiến hành các biện pháp cưỡng chế theo quy định.

Vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản.

Tuy nhiên theo ghi nhận của PV, ngày 18/12 tức còn 3 ngày trước khi các gara ô tô nằm trong Lô đất của Khu Liên hợp sẽ bị cưỡng chế phá dỡ, trong dãy số 3 Lê Quang Đạo có chừng 5 đến 6 xưởng sửa chữa ô tô hoạt động. Hiện tại vẫn chưa thấy dấu hiệu nào của sự di chuyển, tháo dỡ trả lại mặt bằng cho dự án.

Gara ô tô Quang Minh sau khi bị cháy đang trong tình trạng đóng cửa, các xưởng ô tô khác vẫn hạt động bình thường. Hiện tại UBND quận vẫn đang trong thời gian chờ báo cáo kết quả nguyên nhân cụ thể dẫn đến vụ cháy của nhà xưởng Quang Minh từ phía công an.

Những vụ cháy các gara ô tô thời gian qua cho thấy sự lỏng lẻo về quản lý đất đai của các cấp chính quyền, không quyết liệt trong việc chấp hành nghiêm các điều luật đã được ban hành. Nếu như tất cả được thục hiện tốt và đúng quy định của pháp luật thì những sự cố trên đã có thể sẽ không xảy ra gây nguy hiểm cho những người dân xung quanh. Rất may các đám cháy chỉ gây ra thiệt hại về tài sản, không có thương tích về người.

Yêu cầu thu hồi từ đầu năm, hết năm vẫn chưa xong

Liên quan đến việc cho thuê đất tràn lan và chậm trễ thu hồi khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) ra văn bản yêu cầu thu hồi từ ngày 23/3/2018 nhưng đến nay Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình vẫn “cố đấm ăn xôi”, chây ỳ trong việc thu hồi phần mặt bằng sử dụng sai mục đích.

Trước đó, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã đăng tải 2 bài viết: “Khu Liên hợp Thể thao quốc gia tiếp tục chậm trễ thu hồi mặt bằng ” và bài: “Sớm thu hồi mặt bằng Khu Liên hợp TT Quốc gia để phục vụ Seagame 31” phản ánh việc mặc dù Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã nhiều lần gửi công văn yêu cầu Khu Liên hợp thể thao Quốc gia tiến hành thu hồi lại mặt bằng đất chờ dự án, tuy nhiên, hoạt động kinh doanh tại đây vẫn diễn ra bình thường

Nhiều đơn vị kinh doanh vẫn đang hoạt động bình thường.

Cụ thể, Bộ VHTTDL đã ban hành công văn số 1132 ngày 23/3/2018; Công văn số 2957 ngày 6/7/2018 và Công văn số 3428 ngày 1/8/2018 về việc thu hồi mặt bằng khu đất chờ dự án tại Khu Liên hợp thể thao quốc gia.

Nội dung chính của cả 3 công văn đều là yêu cầu Khu Liên hợp Thể thao quốc gia chấm dứt các hợp đồng cho thuê, khẩn trương giải tỏa, thu hồi lại mặt bằng và có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện về Bộ.

Công văn số 3428 ngày 1/8/2018 nêu rõ, trong trường hợp Khu Liên hợp Thể thao quốc gia tiếp tục chậm trễ trong việc thu hồi lại mặt bằng, thủ trưởng đơn vị sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Bộ.

Thông báo về việc thu hồi mặt bằng.

Ngày 21/11/2018, Khu Liên hợp thể thao quốc gia đã ra thông báo số 1391 do Phó giám đốc Trần Văn Chiên ký về việc thu hồi mặt bằng, theo đó sẽ tiến hành rào toàn bộ cổng và quản lý người, phương tiện ra vào.

Đối với các kho xưởng đã di dời tài sản yêu cầu khẩn trương tháo dỡ nhà xưởng hạn cuối vào ngày 25/11 tức là chỉ còn 3 ngày nữa, nếu đến hạn chưa thực hiện xong sẽ tổ chức cưỡng chế.

Một số đơn vị đã có thông báo di dời địa điểm.

Liệu khoảng thời gian 3 ngày có đủ để những nhà xưởng đang hoạt động bình thường kịp thời tháo dỡ đúng tiến độ? Hay gần cả năm trời vẫn lý do cũ: Chưa tìm được địa điểm nên các đơn vị này chưa di dời, trong khoảng thời gian này, hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra, đó coi như là một phần hỗ trợ các đơn vị chi phí để di dời?

Trong khoảng thời gian Bộ VHTTDL ra công văn đầu tiên yêu cầu chấm dứt hợp đồng từ tháng 3, đến nay các nhà xưởng vẫn hoạt động có phải đóng tiền thuê đất? Được biết mỗi xưởng trên 100m2 mỗi tháng ít nhất phải đóng vài chục triệu đồng tiền thuê?!

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Bạn đang đọc bài viết Vụ cháy gara ô tô: Doanh nghiệp cố ý chiếm dụng, không di dời. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.