Thứ sáu, 29/03/2024 17:16 (GMT+7)

Xã Hữu Bằng: Gìn giữ những mảnh hồn quê!  

Lê Tuyết -  Thứ hai, 17/06/2019 14:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đình Hữu Bằng bảo lưu nhiều hiện vật điêu khắc gỗ mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII. Đặc biệt, lưu giữ được 27 đạo sắc của các triều vua thời phong kiến, 5 cỗ kiệu sơn son thiếp vàng thế kỷ XIX.

Hữu Bằng vốn đất chật người đông, mật độ dân số cao nhất huyện Thạch Thất. Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 30km, giao thông thuận tiện, cùng với sự kinh doanh nắm bắt được thị trường của người dân. Những năm gần đây, kinh tế Hữu Bằng phát triển vượt bậc, trở thành một trong những xã có mức thu thập bình quân cao nhất huyện.

Dù thay da đổi thịt nhưng Hữu Bằng vẫn giữ cho mình những nét đẹp riêng, từ việc duy trì phong tục tập quán đến những nét văn hóa, nghệ thuật lâu đời mà ông cha để lại, trong đó phải kể đến nét kiến trúc độc đáo của đình Hữu Bằng.

Đình chùa văn chỉ Hữu Bằng được Bộ Văn hóa công nhận di tích lịch sử - văn hóa năm 1989.

Đình Hữu Bằng, còn có tên Nôm là đình Kẻ Nủa, thuộc xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất.  Được Bộ Văn hóa công nhận di tích lịch sử - văn hóa năm 1989. Toạ lạc ở trên khu đất cao, cửa đình trông về hướng Tây, phía trước có hồ sen rộng, mùa thu hoa nở đưa nhuỵ hương thơm ngào ngạt. Nhìn tổng thể khu di tích kiến trúc kiểu chữ đinh, gồm Đại bái và Hậu cung.

Ngôi nhà Đại bái nằm ngang 3 gian 2 dĩ, khoảng cách các gian tương đối rộng. Gian giữa rộng 4,1m, các gian bên rộng 3,45m, chái rộng 3,25m, dĩ rộng 1,6m. Bộ vì đỡ mái làm theo kiểu chồng giường, giá chiêng có 6 hàng chân, khoảng cách từ cột cái đến cột quân là 2m, từ cột quân đến cột hiên là 1,7m.

Đường kính cột cái là 50cm, cột quân là 40cm. Cung thờ là toà nhà dọc nối liền với Đại bái, chia làm bốn gian cách đều 2,3m. Theo văn khắc trên câu đầu thì đình Hữu Bằng được xây dựng vào thời Lê năm Chính Hoà 10 (năm 1689) đến triều Nguyễn năm Minh Mệnh 8 (năm 1827) trùng tu lớn.

Đình Hữu Bằng bảo lưu nhiều hiện vật điêu khắc gỗ mang phong cách nghệ thuật tiêu biểu ở thế kỷ XVII và thế kỷ XIX. Đáng chú ý là những đầu dư chạm đầu rồng và 4 bức cốn nách ở 2 bộ vì gian giữa chạm người đánh trống, uống rượu, đánh đàn, đấu võ, miêu tả cảnh sinh hoạt hôi hè của người dân Hữu Bằng thuở xưa.

Đình Hữu Bằng còn lưu giữ được 27 đạo sắc của các triều vua thời phong kiến cho các vị Thành hoàng và 5 cỗ kiệu sơn son thiếp vàng phong cách điêu khắc nghệ thuật thế kỷ XIX, như bát bửu, xà mâu, cây đèn, quán tẩy… nghệ thuật thời Nguyễn.

Dư chạm đầu rồng và 4 bức cốn nách ở 2 bộ vì gian giữa chạm người đánh trống, uống rượu, đánh đàn, đấu võ, miêu tả cảnh sinh hoạt hôi hè của người dân Hữu Bằng thuở xưa.

Đặc biệt, tín ngưỡng thờ và giỗ Thành hoàng làng vẫn còn được lưu giữ và tổ chức hằng năm. Đây là nét sinh hoạt văn hóa dân gian, thể hiện rất rõ tín ngưỡng của làng quê Việt từ xa xưa…

Theo thần phả và sắc phong thì đình Hữu Bằng thờ ba vị Thành hoàng là: Đệ nhất Nam Hải đại vương, Đệ nhị Nam Hải đại vương, Đệ tam Nam Hải đại vương.

Đó là ba vị tướng tiền kiếp vốn là Thuỷ thần thờ ở miếu làng Hữu Bằng, có công phù giúp nhà Lê. Trang Hữu Bằng xưa là nơi ba ông chọn làm bản doanh đóng quân bảo vệ bờ cõi sơn hà của đất Đại Việt thời nhà Lê.

Hàng năm, vào ngày 7 tháng giêng (ÂL), làng Hữu Bằng mở hội truyền thống tại đình, nhân dân nô nức đi trẩy hội để xem và thưởng thức nhiều lớp diễn xướng dân ca theo nghi thức tế lễ tôn vinh Thành hoàng làng.

Liền kề với đình là một ngôi nhà thờ đức Khổng Tử hợp thành một tổng thể khu dích văn hoá truyền thống. Nơi đây hội họp của tầng lớp nho sỹ trong làng. Hiện vật đáng quý trong văn chỉ là tấm bia đá ghi tên các vị danh khoa ở làng đỗ đạt trong các kỳ thi.

Văn chỉ làm theo kiểu chữ nhị gồm: Đại bái 5 gian và Hậu cung 3 gian xây tường hồi bít đốc, mái chẩy lợp ngói mũi mỏng, kiến trúc các bộ vì kèo cầu quá giang bào trơn đóng bén.

Đại bái 5 gian và Hậu cung 3 gian xây tường hồi bít đốc, mái chẩy lợp ngói mũi mỏng.

Với làn sóng công nghiệp hóa hiện đại hóa nhưng người dân nơi đây vẫn bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống này như một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần.

Di tích Đình Hữu Bằng hay tục thờ Thành Hoàng làng vừa là biểu tượng về văn hóa vừa là di sản thiêng liêng độc đáo riêng biệt gìn giữ những mảnh hồn quê Hữu Bằng. Cuộc sống dù có tấp nập, bộn bề nhưng khi trở về với đình làng, thả mình trong âm thanh tĩnh mịch, tâm hồn mỗi người như được rưới thêm dòng nước mát, tịnh tâm, trong trẻo.

Bạn đang đọc bài viết Xã Hữu Bằng: Gìn giữ những mảnh hồn quê!  . Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.
Bài thơ: Khúc giao mùa tháng Ba
Mộc miên thắp lửa đỏ trời///Lúa chiêm trong nắng xanh ngời chân mây///Giấc mơ lả cánh cò bay///Cố hương ơi! Những mê say cuối chiều.
Bài thơ: Khúc giao mùa
Mùa như gọi nỗi niềm về gõ cửa///Bất chợt thương, bất chợt nhớ một thời///Khi hoa Xuân dịu sắc trắng chơi vơi///Quyện hương bưởi, hương chanh bay lặng lẽ.
Bài thơ: Gái quê...
Không còn chân lấm tay bùn///Gái quê giờ cũng "ai phôn" cả rồi///Tự phong "Hoa hậu", "Hoa khôi"///Quần đen, nón lá... em tôi chẳng cần

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.