Thứ năm, 18/04/2024 15:03 (GMT+7)

Tết cổ truyền - Xưa và nay

Huyền Tâm -  Thứ sáu, 24/01/2020 07:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tết cổ truyền hay còn gọi là Tết Nguyên Đán lớn nhất ở người Việt. Dù là thời xưa hay thời nay, chúng ta vẫn lưu giữ được nét đẹp về phong tục cũng như tín ngưỡng sâu sắc,độc đáo mang đậm nét văn hóa.

Tết cổ truyền hay còn gọi là Tết Nguyên Đán, Tết ta, tết âm lịch,là dịp lễ đầu năm âm lịch quan trọng và có ý nghĩa ở Việt Nam, cùng với văn hóa Tết Âm lịch của các nước Đông Á.Trước ngày Tết, người Việt có các phong tục như "cúng Táo Quân" (23 tháng chạp âm lịch) và "cúng Tất Niên" (29 hoặc 30 tháng chạp âm lịch).

Bên cạnh những nét đẹp lưu giữ phong tục xưa, người Việt lại có thêm những cách đón mừng năm mới theo thời đại công nghệ 4.0, chúng ta cùng xem sự khác nhau giữa tết xưa và nay trong lòng người Việt.

Tết xưa!

"Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh - Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”.

Đó là câu ca dao quen thuộc mà ông cha ta từ bao đời truyền lại, những phong tục, tập quán, những món ăn không thể thiếu trong ngày tết của người Việt. Cây nêu dựng trước sân, câu đối đỏ treo trước hiên hoặc dán đối trên tường nhà hay những tràng pháo chuột, pháo tống, cùng nhau sum vầy đốt lửa, chơi những trò chơi thú vị, hái hoa dân chủ để chờ cho thời khắc giao thừa.

Chắc hẳn, trong mắt trẻ thơ ở những thời của thế hệ 8x, 9x quay trở lại, chắc ai cũng đã trải qua một thời với tuổi thơ “dữ dội”, mong ngóng chờ đợi tết, cùng gia đình chuẩn bị cho ngày tết, sau khi chờ bố mẹ gói xong những chiếc bánh chưng, số gạo và nhân còn dư sẽ được gói những chiếc bánh chưng nhỏ xinh cho riêng mình, hay cùng mẹ đi chợ mua quần áo mới, trang hoàng ngôi nhà để đón ngày Tết.

Cứ Tết đến, dăm ba nhà chung nhau ngả một con lợn để chia nhau ăn Tết, tục đó gọi là “ăn đụng”. Số dư còn lại sẽ nấu chín cùng nhau ăn uống như bữa tất niên trong gia đình. Trẻ thơ cũng thấy sự đông vui, đoàn kết tình làng nghĩa xóm, như một ngày hội ngộ mà phần nào thêm vui.

Sự vui tươi hồn nhiên háo hức chờ đợi tết đến xuân về, được mặc áo mới đi chúc tết ông bà và nhận lì xì chúc tết với ý nghĩa bình an, may mắn. Chính vì vậy nhạc sỹ Hoàng Vân cũng đã có những lời ca thể hiện sự mộc mạc chân thật về niềm vui chờ đón tết của trẻ thơ như: “Sắp đến tết rồi về nhà rất vui - Mẹ đang may áo mới nhé - Ai cũng vui mừng ghê - Mùa xuân này em đã lớn - Biết đi thăm ông bà”.

Mỗi khi hoa đào nở, là báo hiệu năm cũ qua đi, đón chào năm mới, nhà nhà sẽ mua 1 cành đào trưng diện cho 3 ngày Tết.

Hay xưa, mỗi dịp Tết đến, ông đồ thường được nhiều người thuê viết chữ, câu đối để trang trí trong nhà. Nhưng từ khi chế độ thi cử phong kiến bị bãi bỏ, chữ nho không còn được trọng, ngày Tết không mấy ai sắm câu đối hoặc chơi chữ, ông đồ trở nên thất thế và bị gạt ra lề cuộc đời: "Năm nay đào lại nở - Không thấy ông đồ xưa - Những người muôn năm cũ - Hồn ở đâu bây giờ?". Thời nay, còn được mấy người dùng câu đối, cho thấy sự khác nhau xa vời giữa cái tết xưa và nay.

Tết đến xuân về là thời khắc bao người đều háo hức mong chờ một cái tết đoàn viên, sum vầy bên gia đình, ngồi bên bếp lửa, trông nồi bánh chưng xanh, cùng kể cho nhau nghe những kỷ niệm buồn vui. Đó cũng là mốc đánh dấu kết thúc một năm bận rộn, vất vả, tạm gác lại mọi lo toan muộn phiền và chào đón một năm mới với nhiều may mắn.

Tết nay!

Cách mạng công nghiệp 4.0, đất nước không ngừng phát triển. Chúng ta lại bận rộn lo toan cho cuộc sống thường ngày, đôi chút giật mình bởi tết đến quá vội vàng, có người mong, người hờ hững. Việc chuẩn bị Tết nay cũng không phải cầu kỳ, vất vả như xưa, mọi mặt hàng từ hoa quả, bánh trái, thực phẩm, đồ uống... đều có sẵn, thậm chí không cần ra chợ, chỉ vài click là có người giao tận nhà.

Cũng ít ai giữ được nếp ăn uống thịt mỡ, dưa hành, thay vào đó là làm sao “mâm cao cỗ đầy”, phải thật nhiều món đa dạng. Thời nay, mấy ai còn háo hứng ngồi bên bếp hồng chờ bánh chưng xanh, bởi ngoài chợ bán quanh năm, nhiều gia đình cũng tiện mua dăm ba cái phục vụ cho 3 ngày tết. Nhiều nhà vẫn duy trì gói bánh để tạo lại không khí Tết cổ truyền. 

Những người phụ nữ trong gia đình lại tấp nập lo toan bao nhiêu thứ cho Tết, nào là quà cáp bên nội bên ngoại, quà biếu sếp, biếu cô… khiến họ phải sợ vì có quá nhiều thứ phải chi. Nhiều người lại nghĩ “tích góp cả năm để tiêu 1 lần”, chính vì vậy mà họ mua sắp không nương tay, phấn đấu làm sao cho “bằng bạn bằng bè”, cũng chẳng tiếc gì bỏ ra dăm ba triệu mua cành đào, cây quất hay chậu lan, chỉ để trưng diện chủ yếu 3 ngày tết.

Tết nay!Khái niệm “ăn Tết” dần dà cũng đã được thay thế dần bởi cụm từ “nghỉ Tết, chơi Tết” nên mọi người có nhiều sự lựa chọn phù hợp cho mùa xuân của mình. Có gia đình chỉ sau ngày mùng Một cúng gia tiên xong xuôi là kéo vali đi du lịch để khám phá, xả stress và hào hứng vui chơi. Có người lại chọn cung đường Đông Bắc, Tây Bắc lộng gió để cùng đắm mình thưởng ngoạn giữa vườn hoa xuân tuyệt đẹp và mang chiếc áo ấm nghĩa tình, chút bánh kẹo miền xuôi cho lũ trẻ vùng cao còn nhiều thiếu thốn, xem như những món quà tết đầy ý nghĩa mang tặng những người khó khăn, thể hiện tinh thần nhường cơm sẻ áo, đùm bọc lẫn nhau tốt lành của người Việt, nhất là trong dịp tết đến xuân về.

Dù xưa hay nay thì ngày Tết trong lòng người Việt vẫn luôn lưu giữ lại những nét văn hóa, phong tục truyền thống như: việc đi tảo mộ từ ngày 23 tháng chạp, quét dọn nhà cửa, chưng hoa, đèn, dọn mâm cúng đêm giao thừa mời ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu; chúc mừng thọ ông bà, cha mẹ “sống lâu trăm tuổi” và lì xì mừng tuổi con cháu vào; khai ấn, khai bút, khai trương đầu năm để cầu mong việc học hành tấn tới, việc làm ăn phát tài, phát lộc, thuận buồm xuôi gió, mọi sự hanh thông.

Bạn đang đọc bài viết Tết cổ truyền - Xưa và nay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.