Thứ sáu, 29/03/2024 05:39 (GMT+7)

Nguồn gốc và ý nghĩa của tục xin chữ đầu năm

MTĐT -  Thứ năm, 07/02/2019 15:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Xin chữ đầu năm từ lâu đã trở thành nét đẹp trong văn hóa của người Việt. Cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về người ta lại nô nức đi xin chữ với mong muốn xin may mắn, tài lộc trong năm mới.

Nguồn gốc tục xin chữ

Từ đời xưa, khi muốn xin chữ, người ta chuẩn bị một lễ nhỏ (cau trầu, chè thuốc) đến nhà thầy đồ (học vị Tú tài được vua ban, hoặc nho sĩ hay chữ trong vùng được kính trọng). Người xin chữ được thầy đồ xem xét tâm tư nguyện vọng mà cho chữ thích hợp. Mỗi chữ viết ra bằng cả Trí-Thần-Lực của thầy đồ nên ngoài ý nghĩa, còn là tác phẩm nghệ thuật thư pháp. Gia chủ xin được chữ như xin được may mắn, phúc, lộc cho năm mới. Có lời đồn là ai không đi xin chữ, nhưng được thầy đồ gọi vào cho chữ mới thật là có "lộc chữ", cả năm sẽ đạt được nhiều điều tốt lành, như ý.

Ngày nay khi văn hóa thư pháp đã trở nên phổ biến hơn, người xin chữ không cần phải đến nhà thầy đồ, chỉ cần đến phố ông đồ, chọn một trong số các ki ốt trong “phố ông đồ” để xin chữ. Bên cạnh các ông đồ già uyên thâm giàu kinh nghiệm, giờ đây còn có những ông đồ trẻ với những con chữ sáng tạo bay bổng, hiện đại. Không chỉ cho được chữ Hán, các ông đồ có thể cho chữ quốc ngữ (chữ viết theo lối thư pháp)…

Cùng với việc cho chữ, ông đồ cũng giảng giải ý nghĩa của từng nét cho người xin chữ để họ có thể hiểu được hết những ý nghĩa sâu sắc của từng chữ, qua đó thấu hiểu thêm về một nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Ý nghĩ của tục xin chữ

Theo nhà thư pháp Cung Khắc Lược, xin chữ đầu năm chính là mong muốn của người xin chữ cho cả một năm mới mang đến những điều may mắn, bình an và phúc thọ tràn đầy.

Mỗi bức thư pháp khi hoàn thành bao giờ cũng có hai con người đồng cảm, đó là bộ óc, trí tuệ của người cho chữ gặp trái tim, tâm hồn người xin chữ.

Những ước vọng tốt đẹp cho một năm mới hạnh phúc, bình an được lồng trong những nét mực uyển chuyển.

Ngoài cầu may mắn, người ta còn muốn xin cái đức độ, tài năng của ông đồ và lấy chữ để răn mình. Đó cũng là một minh chứng về truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa của dân tộc Việt Nam.

Chữ Nho có thể viết theo nhiều cách, nên người cho chữ tùy tâm trạng, tùy hoa tay có thể tạo ra những hình tượng lạ mắt.

Mỗi chữ hiện ra dưới tay các thầy đồ không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật thư pháp mà còn bộc lộ tấm lòng, tính cách, tâm hồn và cả sự sáng tạo của mỗi cá nhân.

Chữ xin cũng tùy theo nguyện vọng của người xin chữ, nhưng đầu xuân năm mới mọi gia đình thường mong một cuộc sống bình an, từ đó người dân thường hay xin chữ “An”, chữ “Phúc” cho toàn thể gia đình, con cháu; người kinh doanh, buôn bán thì hay xin chữ “Hưng”, chữ “Thịnh”, chữ “Phát”, chữ “Lộc”, chữ “Tín”; người đi học thường xin chữ “Tài”, “Đăng khoa”, người cầu sức khỏe sống lâu xin chữ “Thọ”…, có người muốn rèn khả năng chịu đựng thường xin chữ “Nhẫn” vì có nhẫn có nhịn thì mới chuyển nguy thành yên, bại thành thắng, dữ thành lành...

Chữ thường được viết trên nền giấy đỏ, bởi màu đỏ vốn là màu rực rỡ nhất và theo quan niệm của người phương Đông còn duy trì tới ngày nay, màu đỏ là màu của sự sống và sự tái sinh, là biểu tượng của sự may mắn, nên trong ngày Tết mọi thứ đều có màu đỏ: hoa đào, câu đối, phong bao mừng tuổi... đều có màu đỏ.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Nguồn gốc và ý nghĩa của tục xin chữ đầu năm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Hoa xương rồng
Đau chẳng khóc, nhoẻn cười trong sắc lạnh.///Thấu lòng người giữa danh lợi phù hoa///Những cứ tưởng trưởng thành chung bối cảnh ///Trân trọng hơn khi gặp giữa ta bà.
Bài thơ: Khi xa nhau
Khi xa càng nhớ nhau hơn///Ai chăm em lúc dỗi hờn… không anh///Buồn như vết thương chưa lành///Cô đơn đau nhói tim mình vì em.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.