Thứ sáu, 29/03/2024 20:08 (GMT+7)

Người gánh duyên nợ nhân gian

Hồng Thủy Tiên -  Thứ năm, 16/08/2018 16:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Từ Lãnh là nghệ danh khi anh gắn bó với duyên nghiệp cầm ca. Anh tên thật là Nguyễn Tường Lãnh – người nghệ sĩ chọn thăng hoa cùng những ca khúc nhạc Trịnh.

Nếu ai một lần đã từng ghé nhạc quán Diễm Xưa – một không gian nhạc cổ điển, lãng mạn, đậm chất nghệ sĩ ở thành phố lạnh Đà Lạt, không thể nào không nhớ tới một nam ca sĩ tóc dài, dáng vẻ bùi bụi cùng chất giọng trầm ấm mà say đắm lòng người.

Cái chất giọng mộc có nét quyến rũ mê hoặc mà mỗi âm thanh, mỗi ca từ như được chưng cất với bao tâm sự , nỗi niềm... Và từ giọng ca rất đời ấy, những ưu tư , trăn trở cứ lặng lẽ gói ghém như bức tường thành , làm tôi có cái ước muốn được giải mã một phần cái “ mật ngữ” ẩn ức trong anh – ca sĩ Từ Lãnh.

Từ Lãnh là nghệ danh khi anh gắn bó với duyên nghiệp cầm ca. Anh tên thật là Nguyễn Tường Lãnh – người nghệ sĩ chọn thăng hoa cùng những ca khúc nhạc Trịnh.

Trong một đêm nhạc nơi hội quán , anh đã dẫn lời Trịnh : “ Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào để nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời.

Âm nhạc chứa trong nó một cõi nhân sinh bề bộn, âm nhạc cũng là sợi dây kết nối con người lại gần nhau. Nguyễn Tường Lãnh, chính anh, cũng từng loay hoay, trăn trở tìm cách nuôi dưỡng tình yêu, để phần nào đó, cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời mình…

Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa biết mình tuổi con gì, sinh năm bao nhiêu. Bởi tôi là sản phẩm của một cuộc tình đầy toan tính của người lớn. Tất cả ngày tháng năm sinh cùng tên họ tôi đều được người mẹ nuôi ban cho. Qua lời mẹ nuôi kể lại, tôi được sinh ra ở tỉnh Lộc Ninh thuộc Bình Phước bây giờ. Trước khi đến với mẹ tôi, cha tôi đã có vợ. Khi sự thật phơi bày, vì không muốn chịu cảnh chồng chung, vì thế khi sinh tôi ra được vài tháng bà đã vứt tôi đi...”

Những lời bộc bạch đầy chua xót ấy mở đầu cuộc trò chuyện giữa anh và tôi, vào một buổi trưa vắng, trong dịp anh trở về Việt Nam giải quyết một số công việc riêng. Và có lẽ, sự thân tình từ lòng trân quý riêng tôi với người nghệ sĩ mang giọng ca đẹp là chất xúc tác khiến anh cởi mở hơn khi chia sẻ nỗi niềm.

Kí ức tôi bắt đầu phát triển và lưu lại những hình ảnh đầu tiên đó là một thằng bé con chạy quanh chiếc đi văng cố tìm bàn tay của người mẹ đang bệnh tìm sự chở che khỏi đòn roi của người cha nuôi, và tôi đã sống trong sự hằn học của ông cho đến ngày thoát li khỏi gia đình..”

Và cũng chính sự “ hằn học” đó, cha nuôi đã tuyên bố anh không phải là người của dòng họ Nguyễn Tường... Anh buồn và muốn thể hiện sự nghe lời nên anh lấy chữ Từ, nhưng thủ tục thay đổi họ tên phức tạp nên thôi..  nghệ danh Từ Lãnh ra đời.

Tôi đã xin lỗi anh, khi đã đặt những câu hỏi mà câu trả lời chạm vào những tổn thương niên thiếu anh đã từng trải qua. Anh bảo : “ Em không chạm thì điều này cũng theo anh suốt cả cuộc đời mà...”

Câu chuyện tiếp diễn, kéo tôi vào miền kí ức của anh, nơi đó, cuộc sống khốn khó của những người dân làm đồn điền cao su bắt đầu dấn thân vào nghiệp buôn bán. Anh – thằng bé mặc bộ đồ pyjama đội thau bánh cam lê la khắp hang cùng ngõ hẻm trong thành phố Nha Trang. Những biến cố của lịch sử , vào ngày 30/4/1975 cũng là bước ngoặc đẩy anh ra khỏi gia đình mẹ nuôi, việc học chấm dứt, không gia đình, không giấy tờ tùy thân... Đến ngày 12/12/1978 anh gia nhập Thanh niên xung phong.

Anh kể : Chính những ngày tháng trong núi rừng làm anh quay trở lại với cây đàn và tiếng hát. Anh là người duy nhất trong đơn vị được phép sống không theo nội quy, được phép ôm đàn hát nghêu ngao trong đêm khuya, và khiến bao người rơi nước mắt...

Vào quân đội, anh lọt vào tầm ngắm của đoàn ca múa nhạc quần chúng ( hồi đó gọi là đoàn văn công ), được tập huấn và biểu diễn ở Đà Nẵng. Anh bắt đầu đi hát ở những quán cà phê nhạc sống “ chui” ở nơi này, hát để thỏa mãn đam mê chứ không vì tiền...

Tháng Chạp năm 1982, anh cùng đơn vị chuyển ra biên giới Trung – Việt với sự nghiệp ca hát phục vụ quân đội. Năm 1986, anh giã từ binh nghiệp, thành “ phó thường dân”.

Anh vào Sài Gòn, ban ngày đạp xích lô, buổi tối hoặc giờ rảnh theo bạn bè học kiến trúc và thiết kế xây dựng.

Câu chuyện cứ nối dài về những thăng trầm của đời sống, câu chuyện buồn, nhưng anh không bi lụy , anh quan niệm, đó là những mảnh ghép cuộc đời.

Nhưng tận sâu thẳm trong tâm tư, anh muốn gột bỏ, muốn trút đi cái gánh mặc cảm “ con hoang” sau bao nhiêu năm mang nặng trong hồn. Điều đó luôn khắc khoải, tha thiết khôn nguôi...

Và Nguyễn Tường Lãnh, đã mượn những cung bậc cảm xúc trong âm nhạc để nói hộ lòng mình , chia sẻ cùng mọi người nỗi buồn thân phận. Đó cũng là lí do tại sao, tiếng hát của anh lại lay động lòng người , ưu tư đầy thổn thức...

Người lữ khách Tường Lãnh lang thang, phiêu bạt trong dòng đời, và anh đặt chân lên Đà Lạt. Những năm 2004 – 2005, Đà Lạt chưa có nhiều những phòng trà như bây giờ , và khách đi nghe nhạc cũng không nhiều.

Dạo đó, anh bị người ta gọi là “ khùng” vì đi hát mà không nhận thù lao dù có phòng trà mời hợp tác nhưng anh thích thì hát, không thích thì thôi...

Tôi nói đùa : “ Vậy anh giống nhiếp ảnh gia Phước Khùng của Đà Lạt rồi, chụp ảnh nhưng người ta hỏi mua không bán...”

Anh cười, và nói : “ Vì ngoại hình cũng khá giống anh Phước, nên anh thích nhất khi có một vài người ở Đà Lạt cũng như khách du lịch gặp anh, hỏi : anh Phước cũng đi hát nữa hả hoặc người nào tinh ý một chút thì hỏi anh là anh hay là em của anh Phước Khùng ...”

Lăn lộn khá sớm, va chạm khá sớm với đời sống, những tủi buồn của thân phận mồ côi , những khát khao tình thân dồn nén đầy chua xót ngậm ngùi. Vậy mà những điều đó không kết tinh để anh nuôi lòng thù hận, mà ngược lại, từ những hạt đời số phận, hơn năm mươi năm sau, sự thương cảm cùng lòng nhân hậu, anh đã nhận nuôi một cặp bé gái song sinh khi các bé mới ba ngày tuổi, vào ngày 14/3/2012. Và từ ngày ấy, anh tự nhận , đó là “ duyên nợ” của nhân gian.

Người đàn ông độc thân ngoại ngũ tuần nhận nuôi hai đứa trẻ từ khi còn đỏ hỏn, và với tình yêu thương vô bờ bến, sự săn sóc tậm tâm, hai bé gái lớn lên cùng năm tháng, đáng yêu, thánh thiện như hai thiên thần.

Và , có lẽ, đời sống sẽ không phụ bạc ai, nếu biết chấp nhận quy luật và sống hết mình với nó. Thêm một nhân duyên nữa đến với anh, khi chị Loan Anh – một nữ Việt Kiều từ Mỹ, là khán giả nghe nhạc anh hát, đồng cảm đã yêu thương và rồi cùng anh nên duyên chồng vợ.

Anh và hai con gái đã đến Mỹ, theo diện đoàn tụ gia đình. Hiện tại, gia đình nhỏ của anh định cư tại tiểu bang Texas ( Hoa Kỳ ).

Mỗi giai đoạn của cuộc đời, người ta có nhiều sự lựa chọn và đánh đổi. Nguyễn Tường Lãnh đã gói ghém lại cái đam mê ca hát, gói ghém sự thương quý và trân trọng của những người từng biết anh để hòa nhập,vượt qua sự lạc lõng , cô đơn nơi xứ người. Với công việc bên bộ phận sản xuất những trụ điện cao thế của Mỹ đầy vất vả, bận rộn . Khi đối diện với những thời khắc cô đơn nghệ sĩ, anh vẫn có một góc riêng, tự đàn và hát. Anh “ live stream” trực tiếp trên face book những bài hát Trịnh xưa, cho đỡ nhớ nghề, và cũng là cách kết nối với những khán giả yêu giọng hát anh. Và thi thoảng. những dịp nghỉ cuối tuần, tôi lại thấy anh hát trong một dịp gặp gỡ nào đó, do bạn bè quay lại và phát trên internet.

Nghe anh tâm sự về nghiệp, về đời, về những thăng trầm đã vượt qua, tôi chợt nhớ đến cuốn tiểu thuyết “ Tiếng chim hót trong bụi mận gai” của nữ văn sĩ Colleen McCullough với những lời đề từ : “ Có một truyền thuyết về con chim chỉ hót một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hát bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất . Vượt lên trên nỗi đau khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi, và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả họa mi và sơn ca phải ghen tị. Bài ca duy nhất có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được. Nhưng cả thế gian lặng đi lắng nghe, và chính thượng đế trên Thiên đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại...Ít ra là truyền thuyết nói như vậy.”

Và riêng tôi, sau khi được nghe anh trải lòng,  tôi cũng mong cầu những điều tốt đẹp nhất, sẽ đến với anh...Biết đâu đó, những cơ hội sẽ đến, và anh sẽ trở lại sân khấu sống với niềm đam mê ca hát của riêng mình. Phải, tôi thực tâm hi vọng điều đó…

Bạn đang đọc bài viết Người gánh duyên nợ nhân gian. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.
Bài thơ: Khúc giao mùa tháng Ba
Mộc miên thắp lửa đỏ trời///Lúa chiêm trong nắng xanh ngời chân mây///Giấc mơ lả cánh cò bay///Cố hương ơi! Những mê say cuối chiều.
Bài thơ: Khúc giao mùa
Mùa như gọi nỗi niềm về gõ cửa///Bất chợt thương, bất chợt nhớ một thời///Khi hoa Xuân dịu sắc trắng chơi vơi///Quyện hương bưởi, hương chanh bay lặng lẽ.
Bài thơ: Gái quê...
Không còn chân lấm tay bùn///Gái quê giờ cũng "ai phôn" cả rồi///Tự phong "Hoa hậu", "Hoa khôi"///Quần đen, nón lá... em tôi chẳng cần

Tin mới