Thứ ba, 16/04/2024 22:25 (GMT+7)

Ngô Tùng Văn - Người nhạc sĩ biết lắng nghe và sáng tác

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên -  Thứ năm, 06/02/2020 10:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Là người con của quê hương Bến Cát, Bình Dương, ngay từ thời thơ ấu Ngô Tùng Văn đã yêu thích những câu hò, điệu lý Nam bộ, nhất là vọng cổ.

Trong những cuộc liên hoan, gặp gỡ bạn bè thế nào anh cũng phải tình nguyện hát một câu vọng cổ Tình anh bán chiếu! Và điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến không gian âm nhạc của anh.

Nhạc sỹ Ngô Tùng Văn

Ngay từ khi còn học dưới mái trường, anh sinh viên đã tập tành sáng tác ca khúc và đã tham gia hoạt động trong CLB Sáng tác Trẻ Thành Đoàn. Chính thời gian này anh đã viết nhiều tác phẩm được nhiều người yêu thích như Chiều ngoại thành… Tốt nghiệp khoa Văn – Nhạc, anh được giữ lại công tác tại Trường Cao đẳng Sư phạm TPHCM. Năm 1984, anh được nhà trường cử đi hoc Đại học Sư phạm, Khoa Ngữ văn. Từ năm 1989, anh chuyển sang làm việc ở Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM. Hiện anh là Biên tập viên âm nhạc và là MC của một số chương trình văn nghệ phát trên sóng FM và AM của đài như chương trình ca khúc truyền thống cách mạng Còn mãi những bài ca, ca khúc theo yêu cầu Khúc hát tôi yêu và chương trình Tình khúc Việt Nam, Tình khúc Vượt thời gian, Khúc tình quê… Đây là những chương trình ca nhạc nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn nghe đài không riêng gì ở TP.HCM mà cả khu vực miền Nam. Thính giả nghe đài khó quên giọng Nam bộ trầm ấm của anh khi giới thiệu các chương trình.

Hiện nay, rất nhiều đài có những chương trình ca nhạc tương tự như thế, bởi vậy, theo anh, để hấp dẫn được thính giả, là một người biên tập anh luôn tạo ra sự mới mẻ trong các chương trình của mình. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bài hát nào thính giả yêu cầu chương trình cũng phải đáp ứng. Việc lựa chọn bài hát để phát sóng theo anh cũng phải có những yêu cầu nhất định, phải phù hợp với thị hiếu nhiều người, không quá dễ dãi, ủy mị và cũng không quá thị trường…

“Làm nghề này đòi hỏi mình phải “đọc kỹ, nhớ lâu”, anh tâm sự, phải có những vốn liếng, kiến thức nhất định về các tác phẩm, tác giả. Nói chung là, nhắc tới bài hát nào, của ai, ai hát … mình cũng cần phải biết. Ngoài ra, còn phải nghe thật nhiều và phải tìm hiểu cả sở thích, thị hiếu của người nghe...

Anh là một nhạc sĩ có phong cách viết đa dạng, từ nhạc thiếu nhi đến nhạc trẻ, nhạc trữ tình anh đều thử qua và có tác phẩm được nhiều người yêu thích như: Chiều ngoại thành, Nụ xuân hồng, Ơi nụ tầm xuân, Rồi tình cũng phôi pha, Cô bé mộng mơ, Mắt nhung buồn, Biển tình xanh, Cô tư ù … Về nhạc thiếu nhi có các bài: Nối kết, Tùm nụm tùm nị, Bé với mèo và chó, Ếch nằm đáy giếng… Nhiều tác phẩm của anh đã đoạt các giải thưởng của Thành Đoàn TP.HCM, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Liên đoàn Lao động TP.HCM, Hội Âm nhạc TP.HCM, Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM…

Nhạc sĩ Ngô Tùng Văn tên thật là Ngô Văn Tùng, sinh năm 1960, là hội viên của Hội Âm nhạc TPHCM và Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Vừa là nhạc sĩ sáng tác ca khúc vừa là biên tập viên của Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM, chính những chương trình này giúp anh có điều kiện gần gũi với âm nhạc nhiều hơn. “Cái thú vị là mình nghe được nhiều bài hát, có cơ hội tiếp xúc với nhiều thị hiếu, từ đó mình có thể nắm bắt được thị hiếu của người nghe để có thể sáng tác những ca khúc gần gũi với mọi người”- Anh tâm sự.

Anh kể: Tôi theo gia đình về TP.HCM sinh sống từ năm 7 tuổi. Dù sống ở TP.HCM đã lâu, nhưng Bình Dương vẫn chiếm một vị trí nhất định trong tâm hồn tôi. Hầu như năm nào tôi cũng về thăm quê hương. Bình Dương bây giờ rất đẹp, đổi mới khang trang hơn ngày xưa rất nhiều. Công nghiệp phát triển giúp Bình Dương trở thành một trong những tỉnh thành phát triển đứng đầu cả nước, đời sống người dân cũng được nâng cao. Đó là một điều đáng mừng và mình luôn tự hào rằng mình là người Bình Dương. Ở góc độ một người làm âm nhạc, mình sẽ cố gắng có nhiều tác phẩm tốt hơn viết về Bình Dương, nhằm ca ngợi và khuyến khích mọi người cùng chung tay xây dựng quê hương ngày một giàu mạnh.

Chính vì thế anh đã viết nhiều ca khúc về quê hương mình như: Đất Thủ tình tôi, Bình Dương đất nặng ân tình, Bến cát quê nhà tôi, Đây quê tôi Bình Dương…trong đó có bài đã phát sóng trên đài Bình Dương và đài TP.HCM. Ca khúc chính là những kỷ niệm tuổi thơ của anh sống giữa vùng giải phóng mà không bao giờ quên: Quê hương là tuổi thơ. Sao quên được người ơi. Xin dâng lên người. Quê mẹ Bình Dương. Câu ca khát vọng tươi đẹp mùa xuân... Còn nhớ tuổi thơ xưa. Cha tôi về giữa đêm mưa. Giặc đốt cả quê hương. Anh tôi cầm súng giữ quê hương

Nhạc sĩ Ngô Tùng Văn rất quan tâm đến âm nhạc dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Trong hội thảo Âm nhạc thiếu nhi trong đời sống âm nhạc TPHCM do Hội Âm nhạc TPHCM và Nhà Thiếu nhi TPHCM tổ chức vào đầu tháng 10 vừa qua, anh đã bức xúc: Thực trạng đầu tiên có thể ai cũng thấy đó là có khá nhiều chương trình thi ca hát dành cho thiếu nhi, trong đó phải kể đến các chương trình như Giọng hát Việt nhí, Thần tượng âm nhạc nhí… Các chương trình tưởng chừng như mang tính giải trí này đã thu hút sự quan tâm và không ít phản ứng của cộng đồng. Vì bên cạnh mục đích tìm ra những tài năng nhí để phát huy, tôn vinh, đào tạo… thì khán giả đã phải chứng kiến các em thiếu nhi đứng trên sân khấu chương trình Giọng hát Việt nhí, Thần tượng âm nhạc nhí… thể hiện ca khúc của người lớn về tình yêu, tình đời với cách hát đau đớn đến quằn quại những bài hát mang tâm trạng thất tình, đau khổ… Ấy vậy mà trớ trêu thay, sau khi nghe các em nhỏ hát xong, những nghệ sĩ trong Ban Giám khảo, Ban huấn luyện từng được khan giả mến mộ lại tung hô, khen ngợi các em đến muốn “cạn lời”, các em cảm thấy mình như lên tận mây xanh với những lời có cánh đó.

Trong công việc của anh, nhiều khi cũng gặp phải những “tai nạn” nghề nghiệp đáng nhớ. Đó là, bài hát của ca sĩ này hát nhưng lại giới thiệu ca sĩ khác hát, rồi giới thiệu bài hát này nhưng bộ phận kỹ thuật lại bấm nhầm bài kia… Những lúc như thế, người nghe đài họ gọi điện thoại đến phản ánh ngay. Nghề “làm dâu trăm họ” mà, cái gì hay thì người ta khen, cái gì dở thì người ta chê, đó là điều khó tránh khỏi. Nói như thế để thấy rằng, nhạc sĩ Ngô Tùng Văn là người vừa có tâm vừa có tầm, luôn luôn thẳng thắn.

Mong anh tiếp tục cho ra đời nhiều ca khúc hay và hoàn thành công tác biên tập của mình ở VOH – Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM.

Bạn đang đọc bài viết Ngô Tùng Văn - Người nhạc sĩ biết lắng nghe và sáng tác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.