Thứ sáu, 19/04/2024 06:55 (GMT+7)

Nét đẹp trong từng phong tục đón Tết của các dân tộc Việt Nam

MTĐT -  Thứ bảy, 25/01/2020 07:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nước Việt là một cộng đồng các dân tộc anh em. Mỗi dân tộc có một kiểu ăn Tết riêng và mỗi kiểu ăn Tết đó đã tạo nên những bản sắc văn hóa phong phú trong bức tranh toàn cảnh trên dải đất chữ S.

Dọc khắp đất nước hình chữ S có đến 54 dân tộc cùng đón Tết cổ truyền nhưng mỗi dân tộc lại có phong tục bản sắc riêng chẳng giống nhau. 

Tết của người Kinh - Linh hồn tết của nước Nam

Dân tộc Kinh chiếm đến 87% dân số cả nước, người Kinh sống rải rác khắp nơi từ Bắc đến Nam, từ duyên hải đến núi cao, từ đồng bằng đến những hòn đảo xa xôi giữa biển khơi. Và cái Tết của người Kinh như hiện lên nét văn hóa đặc trưng của cả dân tộc Việt. Nhẹ nhàng, thấm đượm tình thương yêu, chan chứa nhiều cung bậc cảm xúc cho khoảnh khắc giao thời.

Những ngày cuối tháng 12 âm lịch, nhà nhà, người người đều nôn nao một xúc cảm khó tả, bởi trên khắp nẻo đường, cánh hoa xuân đã bắt đầu nở rộ. Ai cũng rủ nhau xuống phố hoa để “thưởng” hương vị ngọt dịu đó. Chợ hoa trở thành món quà không thể thiếu khi Tết về. Những người con tha hương đều mong tết đến xuân về, là dịp sum vầy đoàn viên, cùng nhau quây quần đầm ấm bên gia đình, cầu một năm mới bình an, vạn sự như ý.

Tết của người Mông - Nét đẹp ở vùng Tây Bắc

Dân tộc Mông gồm nhiều nhóm như: Mông Trắng, Mông Hoa, Mông Đỏ, Mông Đen và Nam Mèo, cư trú tập trung ở miền núi vùng cao thuộc các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái… có nhiều nét thú vị khi đón Tết.

Tết Nguyên đán của người Mông gọi là Naox-Cha. Trong dịp này, ngoài một con lợn béo được chuẩn bị sẵn ra, người ta còn làm bánh bằng bột nếp, bánh chưng ít khi dùng...

Tết của người Mông thường tổ chức giữa mùa đông giá rét, trước hay sau Tết dương lịch chỉ có mấy ngày. Đêm giao thừa các gia đình thường cử con trai đi "mở nước", tức là đi lấy nước ngoài sông suối đem về nhà cúng tổ tiên.

Với họ, ba món không thể thiếu là thịt và rượu và bánh ngô. Trong ngày Tết, nhất thiết mỗi nhà phải có một mâm bánh dầy được làm từ những hạt gạo nếp nương do chính tay người Mông làm ra. Vào những ngày Tết, tuỳ thuộc vào mỗi xóm, bản, người Mông lại tổ chức thi giã bánh dầy. Nhà nào làm được bánh dầy vừa dẻo, vừa thơm, lại đẹp thì sẽ được thưởng. Phần thưởng có khi chỉ là những tiếng vỗ tay, hoặc chính mâm bánh dầy đó. Nhưng quý nhất vẫn là phần thưởng được mọi người bình bầu là gia đình khéo tay.

Người Mông không đón giao thừa. Đối với họ, tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mùng Một mới là cái mốc đánh dấu một năm mới bắt đầu. Tối hoặc nửa đêm 30, người ta cúng ma nhà (tổ tiên) bằng một con lợn sống, một con gà còn sống (và phải là gà trống, mà tốt nhất là gà trống tơ). Sau đó mới mang lợn và gà ấy đi giết thịt (nhà nào giàu có thì thịt một con lợn từ 28, 29 để ăn trước). Thịt xong đem cúng một mâm thịt chín, rồi ăn cơm uống rượu đến khi nghe thấy tiếng gà gáy đầu tiên.

Tết của người Thái - Độc đáo tục gọi hồn

Ở Việt Nam, người Thái có khoảng hơn 1 triệu người, phân bố chủ yếu ở Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An. Nhắc đến phong tục ngày Tết của người Thái, không thể không nhắc đến phong tục gọi hồn. Diễn ra vào tối ngày 29 và 30, mỗi gia đình thịt 2 con gà, một để cúng tổ tiên, một là để gọi hồn cho mọi người trong nhà.

Vào đêm ngày 30, sau lễ cúng giao thừa bằng thịt, bánh, các đồ thổ cẩm, bạc...gia đình nào có chiêng hay cồng thì mang ra gõ tại nhà. Sáng ngày mồng 1, người Thái dạy sớm đem xôi ra giữa gian cúng ma nhà. Sau đó, dọn ra hai hoặc ba mâm cúng, mâm đặt trên cao để cúng tổ tiên nhà chồng, mâm thấp hơn thì cúng tổ tiên nhà vợ. Đặc biệt vào ngày mồng 1 Tết, phụ nữ trong nhà được ăn trước đàn ông (thông thường phụ nữ ăn cùng hoặc ăn sau đàn ông).

Tết của người Mường - Rộn ràng tiếng cồng chiêng chào năm mới

Với người Mường, Tết Nguyên Đán cũng là cái Tết quan trọng nhất, to nhất trong năm. Bắt đầu từ ngày 27 – 28 tháng Chạp, mỗi nhà đều tổ chức mâm cơm thịnh soạn để dâng gia tiên và các vị thần. 

Người Mường ăn Tết cổ truyền kéo dài 7 ngày, bắt đầu từ ngày 30 tháng chạp của năm cũ đến hết ngày mồng 7 tháng giêng của năm mới. Người Mường gọi là: Thết Năm mởi - dịch sang tiếng phổ thông là: Tết Năm mới, người Kinh gọi là Tết Nguyên đán.

Đón giao thừa của người Mường rất giản đơn: nhiều nhà đánh chiêng, đánh trống, đốt pháo, con cháu ra vó nước lấy nước về đặt trên bàn thờ tổ tiên, nước này ở vùng Kim Bôi gọi là nước Tiên, ở vùng Lạc Sơn gọi là nước Thặng Thiên. Ở vùng Mường Bi còn có tục gội đầu giao thừa, thậm chí có người còn tắm trong đêm giao thừa. Ý là gột rửa mình sạch sẽ để sang năm mới cho mọi điều tốt lành, đẹp đẽ và may mắn hơn. Trong các nhà lang, nhà giàu còn có tục xuống sướng, xuống chuồng đếm trâu, bò, lợn...Cầu mong trong năm mới chúng sinh sôi nhiều hơn. 

Còn rất nhiều phong tục, tập quán đón mừng năm mới riêng biệt ở mỗi vùng, mỗi dân tộc trên dải đất hình chữ S này. Vẻ đẹp đó sẽ là nét đẹp riêng, lưu giữ tinh hoa văn hóa truyền thống của muôn dân nước Nam.

Huyền Tâm

Bạn đang đọc bài viết Nét đẹp trong từng phong tục đón Tết của các dân tộc Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.