Thứ năm, 25/04/2024 05:10 (GMT+7)

Lễ hội Đống Đa – Tây Sơn nét văn hóa đặc sắc miền đất võ

A LỰC -  Thứ sáu, 31/01/2020 07:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mùng 5 Tết âm lịch hằng năm, người dân Bình Định và du khách cả nước lại háo hức du xuân Lễ hội Đống Đa – Tây Sơn tại Bảo tàng Quang Trung (Bình Định).

Lễ hội Đống Đa – Tây Sơn là một trong những Lễ hội lớn của cả nước, được diễn ra vào ngày mùng 4 và mùng 5 tháng giêng âm lịch, tại thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn (Bình Định) để tưởng nhớ tới chiến tích lẫy lừng các thủ lĩnh của phong trào Tây Sơn, đặc biệt là người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ và kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, đánh thắng 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Chiều mùng 4 các đại biểu của tỉnh Bình Định, người dân đã đến dâng hương tại Đài Kính Thiên và Đền thờ thân phụ, thân mẫu Tây Sơn tam kiệt tại Di tích Gò Lăng.

Lễ hội được tổ chức trọng thể, từ ngày mùng 4 đến ngày mùng 5 tháng giêng âm lịch hằng năm. Ngoài nghi lễ truyền thống, Lễ hội còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian như biểu diễn võ thuật Tây Sơn, trống trận Tây Sơn, đua thuyền, trò chơi dân gian, hát tuồng... diễn lại trận đánh lịch sử với những y phục, voi trận như ngày xưa vua Quang Trung ra trận... thu hút đông đảo khách trong và ngoài nước.

Chương trình tế Lễ Đống Đa diễn ra từ chiều mùng 4 với nhiều nghi lễ cổ truyền đặc sắc được tổ chức tại điện Tây Sơn. Lễ tế được tổ chức tôn nghiêm, cả khu vực rộng lớn, cờ lọng, nghi trượng rợp trời, chiêng trống rền vang...

Một trong những nghi thức để bắt đầu phần hội vào sáng mùng 5.

Chương trình hội ngày mùng 5 nhằm ôn lại lịch sử Tây Sơn với cuộc đại phá quân Thanh, biểu diễn võ thuật, trống trận Tây Sơn và thao diễn trận pháp. Tiết mục võ thuật Tây Sơn được các võ sư, võ sĩ, nghệ nhân tên tuổi hàng đầu tỉnh Bình Định biểu diễn các bài quyền truyền thống nổi tiếng của nhà Tây Sơn như: Lão mai độc thọ, Ngọc trản quyền...; các bài võ sử dụng binh khí như: Lôi long đao, Song phượng kiếm, Tuyết hoa song kiếm...

Đông đảo người dân và du khách đến tham gia Lễ hội Đống Đa – Tây Sơn vào sáng mùng 5.

 Tiết mục nhạc võ Tây Sơn là môn nghệ thuật độc đáo của tỉnh Bình Định, người biểu diễn vừa phải có tâm hồn nghệ sĩ, vừa giỏi võ với đôi tay thần diệu để đánh lên lòng trống, vành trống và thân trống bằng cả hai bàn tay, cổ tay, khuỷu tay, cánh tay, tiếp xúc vào một bộ trống gồm 12 chiếc lớn nhỏ khác nhau gọi là “Song thủ đả thập nhị cổ”, tạo nên những âm thanh hùng tráng khác lạ khiến người xem như bị lôi cuốn, thúc giục.

Tiết mục biểu diễn chiến trận Đống Đa lại càng hào hứng và hấp dẫn hơn nữa, khi được tổ chức trên địa thế quy mô, dàn dựng, tập dượt công phu, với sự tham gia của hàng trăm diễn viên quần chúng thao diễn với cờ xí, chiêng trống, sắc phục, đồn lũy... y như thật.

Nhạc võ Tây Sơn được biểu diễn tại Lễ hội.

Làm cho người xem dễ dàng cảm nhận những tiếng gươm khua, tiếng binh khí, tiếng hò reo của quân sĩ, tiếng súng nổ, tiếng voi gầm, ngựa hí hoà lẫn vào tiếng trống.

Lễ hội Đống Đa là niềm tự hào đối với người dân miền đất võ nói riêng và của người dân cả nước nói chung, đã trở thành niềm tự hào và cũng là một nhu cầu tinh thần không thể thiếu được trong những ngày đầu xuân.

Bạn đang đọc bài viết Lễ hội Đống Đa – Tây Sơn nét văn hóa đặc sắc miền đất võ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành