Thứ bảy, 20/04/2024 16:40 (GMT+7)

'Khúc tình ca của gió' của tác giả Trần Phương Thảo (Kỳ 3)

MTĐT -  Thứ sáu, 26/04/2019 13:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nét hiền hậu, vầng trán cao cộng với vẻ dáng người cân đối đã tạo nên một vẻ đẹp hài hòa cho Thư. Cô bé toát lên mang vẻ thông minh, gương mặt lại nhác nhác giống mẹ.

CHƯƠNG 3
Bố cậu lại say, và không chỉ một lần mà người đàn ông cáu gắt với cuộc đời hay với chính mình này lại chìm trong men rượu. Đây sẽ là lần thứ hai, ông ta đánh cậu. Nhìn vào cái bóng qua ngọn đèn hui hắt, ông ta giống quỷ dữ kèm theo những móng vuốt sắc nhọn. Người đàn ông say xỉn đứng trên ghế, một tay cầm chắc một chai đã gần hết một nửa, tay kia vung vẩy sợi thắt lưng hăm doạ. Ông ta ngửa mặt lên, đổ ồng ộc rượu vào miệng rồi lảo đảo lắc lư với đôi mắt đỏ ngầu, vẩn đục. Dường như, ông ta đang chửi rủa cậu, đang trách than với tiếng thét giận giữ và cuồng điên. Cậu ngước lên, trên bàn là vài chai rượu trắng cạn kiệt ngang dọc, còn dưới đất khắp nơi là những mảnh thủy tinh vung vãi, và cậu lại nhìn từng cái thắt lưng giáng xuống người mình, cậu âm thầm chịu đựng những đòn roi. Khi ấy, cậu vẫn luôn cố gắng tìm sự thoả mãn trong đôi mắt ông ta, nhưng cậu chỉ thấy được nỗi đau hằn sâu.
Bỗng ông ta cười vang như thể đang chứng kiến một màn kịch hay.
Haha…Haha...! Haa…
Cậu cởi trần nằm yên trên mặt sàn, trên lưng hằn những vết lằn thâm và cả vết máu. Cậu không thấy đau đớn, dù chỉ là một chút khi chỉ nhớ lại những gì mà Vi đã kể về những ngày Tết, là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của nó. Năm nào cũng vậy, tất cả các đồ vật của ngôi nhà mái ngói nhà nó được trang hoàng bằng rải ruy băng nhiều sắc màu vắt chéo lên nhau thật lộng lẫy, cây quất to nặng trũi quả lung linh nhấp nháy bên chiếc bàn trải khăn lụa xanh đặt bộ ấm chén mà ít khi dùng tới. Tiếng nhạc phát ra từ chiếc băng đài rất cổ trên mặt tủ, bố mẹ nó nắm tay nhau nhảy theo bản nhạc mà ngày xưa họ đến với nhau, còn hai chị em thì đứa bên nọ, đứa bên kia, nhảy múa loạn xạ không vần không điệu theo hai người. Cả nhà lại cùng nhau ngồi quây quần trên bàn ăn sau khi bố nó cúng giao thừa xong, Vi lại được nếm những miếng giò lụa cắt tỉa đẹp mắt cùng với đĩa xôi gấc nghi ngút khói, và ăn hai cái đùi của con gà luộc chín vàng ươm, lại vừa ngửi thấy mùi thơm nồng của bát thịt nấu đông. Cả ba mẹ con lại chạy ra bên ngoài sân, xem bố nó nổ pháo với âm thanh rền vang, xác pháo trước thềm nhà theo làn gió xuân bay ra ngoài ngõ.
Cậu luôn ước ao có một cái Tết như thế lại một lần nữa.
Đám đông vây kín, tiếng nhộn nhạo xung quanh của những người hàng xóm mới tăng dần. Tất cả những người có mặt ở đó đều ra sức cản trở giữa ông ta với cậu nhưng cậu vẫn nằm yên không hề động đậy. Vi bỗng xuất hiện trong đám đông, run lẩy bẩy, gương mặt hoảng sợ và tái nhợt khi chứng kiến cậu trong trạng thái thảm thương thì cậu định chống tay gượng dậy nhưng toàn thân cậu bây giờ mới thấy đau xót, nặng trũi và không có cảm giác gì để mà gượng dậy nổi. Dường như đã quên tất cả, Vi dữ dội lao vào đứng trước người đàn ông, dôi mắt trợn tròn, ánh nhìn thù hằn đáp lại ánh mắt đỏ ngầu của ông ta dành cho nó. Nó ôm lưng Long mỗi lúc một chặt mà không biết chính nó đang khiến cậu đau hơn nữa.
“Không được đánh anh Long!” Vi hét lên.
Tiếng cười ghê rợn vẫn được phát ra, nghe được cả những hơi thở gấp gáp.
Bàn tay nhỏ bé này càng chặt hơn mỗi khi cậu gỡ tay con bé ra. Cậu cũng có cảm giác như vậy khi mẹ đã che chở cho đứa con trai đang sốt cao khỏi những đòn roi của ông bố và cậu đã làm gì cho mẹ. Cậu đã ốm, và rồi ngất đi trong vòng tay của mẹ sao? Cơ thể của cậu bình thường khỏe mạnh là vậy, nhưng cậu chưa từng có thể bảo vệ cho những người cậu yêu thương vào lúc họ cần cả.
Nhanh như cắt, Long đứng lên và đỡ một cú giáng mạnh xuống con bé.
“Ông thực sự đáng thương!”
Long nói, rồi kéo con bé thoát ra khỏi đám đông và cả người cha mang nhiều tội lỗi. Được một lúc, cậu dừng lại, vịn tay vào tường khi thấy trái tim như muốn bùng nổ ra ngay lúc ấy. Vi thở dốc, lau những giọt mồ hôi vương đầy trên trán, lầm bẩm với những tiếng thì thầm rất nhỏ. Thấy Long nhăn mặt, xuýt xoa vì cơn gió thổi qua cái lưng trần đầy vết thương, nó lại bước đến hỏi với cái nhăn mặt:
“Anh…lưng anh, ông ấy đã làm anh đau?”
“Anh không đau ở đó, tim anh đau nhiều hơn!
“Sao anh không trốn đi anh?”
“Anh chờ em tới cứu anh.” Long nói.
Nó không thèm giấu sự vui mừng, tít mắt cười.
Thì ra đã có lúc, cậu cũng đã thơ ngây như thế này sao? Và liệu cậu có thực sự vui vẻ, thực sự hạnh phúc như cô bé này hay chưa? Đôi mắt buồn bã lại trùng xuống, cậu mỉm cười nhưng vẫn không thoát khỏi cảm giác bi thương. Cậu muốn kể với ai đó tất cả những câu chuyện của cậu, để họ có thể xoa dịu đi nỗi đau trong cậu dù cậu biết điều ấy sẽ chẳng thay đổi gì ở thời hiện tại. Long ngồi xuống và thở đều, im lặng.
Nó ngồi cạnh cậu và cũng im lặng.
Không khí vây quanh cả hai giờ đây quá yên tĩnh đến nỗi khác thường. Từ khi cậu tới, có lẽ, một phần cũng vì gương mặt ông ta bị che khuất bởi một mớ tóc bù xù, quăn tít, râu ria xồm xoàm, và dáng người giống như mãnh thú từ trong rừng chui ra khi ông dương mày cạu cọ, mắt gườm gườm, gầm gừ, chửi rủa, đay nghiến với bất kì kẻ nào dám bén mảng đến gần nhà mình nên họ thường để mắt tới ông ta và cậu, mối quan hệ giữa hai bố con cậu. Từ những chi tiết nhỏ nhặt thu thập được, câu chuyện “giết người, chặt đầu, chôn sau sân nhà” được sản sinh và thêu dệt sinh động, hấp dẫn như một cuốn tiểu thuyết kinh dị nhưng thiếu hoàn toàn những chi tiết hợp lí, nghe còn khá nực cười và nay, họ lại tự tạo cho mình cái cớ nghe ngóng rồi dò xét, bàn tán, và rồi bịa đặt về những chuyện liên quan đến cậu và ông bố cậu hôm nay. Cậu tinh ý nhận ra rằng không chỉ ba người đang ngồi quán nước chè thường liếc nhìn về phía cậu, quay phải quay trái và tưởng tượng tất cả đang núp ở đâu đó trong mỗi luồng cây, trong mỗi căn nhà gần đây đều như đang bàn tới chuyện nhà cậu vậy.
Cậu cúi xuống, thầm thì như thể sợ họ có thể nghe thấy tiếng cậu.
“Chúng ta về đi, bé con. Nếu không mẹ em sẽ lo lắng đấy!”
Vi giãy nảy lên, và ngồi xổm xuống để cậu không lôi được nó về.
“Mẹ dặn em không được tò mò. Em không thích về bây giờ đâu.”
“Vậy nếu mẹ giận, không cho chơi với anh nữa thì sao?”
Cậu chỉ mới vừa dứt lời thì Vi bật dậy ngay, rồi hai anh em lại nắm tay nhau, cùng trở về nhà. Trên đường, cậu đã gợi ý về sinh nhật sắp tới gần của Vi nhưng nó lại tỏ ra chẳng mấy thích thú. Cậu vừa rồi cố làm mình với cả nó vui bằng cách lên kế hoạch tổ chức sinh nhật cho cô bé cho rất nhiều năm sau nữa nhưng nó cứ lặng lẽ đi, chẳng buồn nói lấy một lời. Nó chắc vẫn còn nhớ như in thằng Quang, bạn nó đã tặng con chuồn chuồn thay vì tấm thiệp chúc mừng như thằng đó đã hứa, nên nhất định không mời thằng đó đến dự sinh nhật mình nữa nhưng nó, chỉ vài ngày trước còn rất thích thú vậy mà bây giờ còn tỏ ý không thích chính ngày sinh nhật của mình nữa. Chỉ vừa đến hai hàng tường vi thẳng tắp ngoài ngõ dẫn vào trong sân, cậu hỏi
“Em có thích sinh nhật không?”
“Dạ, thích,” con bé hờ hững trả lời
.“Anh sẽ mua một chiếc bánh ga tô thật to nhé! Em có vui không?”
“Dạ, vui ạ!” Vi vẫn không hề biểu lộ sự vui thích nào.
Sau đó, con bé chạy bắn đi, nhanh đến mức mà tự mình lao vào cây chuối, đổ uỳnh người ngợm ra sân trơn trượt. Long vội vã đỡ cô bé ngồi thẳng dậy, một việc tự nhiên như hàng ngày cậu vẫn làm. Cậu hỏi, gương mặt nhăn nhó như thể chính mình bị ngã và thế là nó sẽ mỉm cười với cậu, và nói “Em không sao!” để cậu vẫn còn là người duy nhất bênh vực cho cái tính mải chơi của nó.
“Đau lắm không em?”
Cắn răng như chịu đựng, rồi Vi chạy đi trước khi cậu kịp vòng tay đón lấy nó. Long bước đi trong nỗi boăn khoăn khi nhận ra rằng con bé đã có đôi điều khác biệt so với lúc ban đầu cậu gặp nó, nhưng đúng lúc đó, mẹ Vi bê bên hông một rổ rơm vàng ươm, tơi tới cậu mời vào.
“Long à! Ăn cơm với các em. Cá chép mới bắt ở ao của ông Cao... ngon lắm!”
Mỗi lần tới với căn nhà này, họ thường mỉm cười với cậu bằng cả tấm lòng, quan tâm tới cậu nhiều hơn là săm soi vào những lời đồn đại quanh cậu có thật hay không, và có lẽ cậu muốn tất cả mọi người họ đều được hạnh phúc, để cậu có thể đáp lại họ với một nụ cười rất đỗi hạnh phúc này.
“Vậy thì để cháu làm cá.”

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bà Lan thường đồng ý cho tất cả những điều mà cậu thỉnh cầu, quan tâm và chăm sóc nhiệt tình đối với cậu. Đáp lại lòng tốt của bà thì cứ có việc gì cần là cậu chạy sang giúp đỡ một tay. Khi thì thay cái bóng đèn cháy, khi thì sửa van nước bị hỏng rồi thỉnh thoảng rỗi lại sang xách nước khi mà tay bà mẹ hai nách con ít khi được nghỉ ngơi. Cậu hứa sẽ cùng bà thay những cái mái ngói vỡ vì trận bão vừa qua. Cậu cũng luôn nghe lời bà răn dạy, luôn làm theo ý bà chỉ trừ việc giảm bớt sự cưng chiều với cô bé Vi mà thôi.
Thư quát đứa em đang lượn qua lượn lại trong nhà.
“Em ở trong nhà làm gì đấy? Học bài đi.”
Long căn ngăn, mà không biết từ khi nào nó lại trở thành một thói quen của cậu.
“Hôm nay mới là thứ bảy mà em.”
Thư chỉ mỉm cười, rồi vẫy gọi cậu từ cạnh bể nước mưa.
Thư, cô chị gái của Vi kém cậu ba tuổi là một cô bé chín chắn, đã gánh vác phần việc chăm sóc em, và chuyện nhà cửa từ khi còn rất nhỏ. Cô bé chăm chỉ học hành, bảo mình cần phải cố gắng hơn trong việc học tập và luôn đạt thành tích cao trong trường cấp hai của huyện. Cô bé rất yêu thương em gái, luôn lo lắng cho em mọi lúc mọi chỗ, dành phần lớn thời gian cho việc dạy dỗ em nhưng có lẽ, đối với cô em thì tình yêu thương của chị nó chẳng nhiều nhặn gì cả bởi chị nó luôn cau có rồi bắt ép nó học hành và luôn giữ gương mặt nghiêm nghị khi bảo nó không được đi chơi nhiều.
Nhân tiện khi hai anh em trò chuyện, cậu hỏi luôn những điều mà cậu còn thắc mắc về gia đình cô bé. Thư vui vẻ kể với cậu, tất cả những gì đã diễn ra từ khi cha mẹ mình cưới nhau. Họ trước đây đều là dân thành thị, yêu nhau khi cùng làm việc tại nhà máy dệt may Vĩnh Bản. Do tuổi tác không hợp nên gia đình hai bên kịch liệt phản đối nhưng cả hai vẫn quyết tâm lấy nhau. Sau khi cưới, không có sự trợ giúp từ gia đình, họ chuyển về đây ở vì giá nhà thành phố quá cao so với khả năng tài chính của họ. Bố chúng thì đã nghỉ ở nhà máy năm đó, đi học lái máy xúc, và từ đó ông đi khắp các miền hẻo lánh làm đường giao thông, năm thăm nhà một hay hai lần còn mẹ bọn trẻ thì vẫn làm theo ca ở nhà máy. Gia đình họ thuộc dạng trung lưu và ngôi nhà của họ cũng mái ngói cửa gỗ nho nhỏ, chỉ có vườn cây mà không có ruộng đồng. Bố chúng vẫn hứa rằng sẽ chuyển lên thành phố, cho mẹ chúng không còn phải ngày nào cũng đạp xe mười cây số để đi làm, cho hai chị em học hành ở một nơi tốt nhất có thể nhưng Thư kể với cậu, cái dự định ấy đã là chuyện của bao nhiêu năm trước rồi.
“Ngảy nhỏ chúng em ở với ông bà nhưng sau thì về hẳn đây.” Thư nói thêm. “Mỗi lần đến thăm, ông bà lại giục mẹ em mua nhà, cứ bảo bọn em ở đó ông bà chăm nhưng mà ở đó giờ đã có tám chín người rồi, nên mẹ bảo thôi.”
“Họ không giận nữa à?”
Thư lắc đầu rồi mỉm cười. “Nếu vẫn còn giận thì cậu em đã không lấy được mợ em bây giờ. Họ cũng đâu có hợp tuổi.”
“Thế mà giờ anh mới biết đấy.” Cậu chà chà lên vài tiếng, rồi tiếp. “Thảo nào tư tưởng của mẹ em quá khác so với những người phụ nữ trong làng. Họ nói con gái họ học hết cấp hai là đủ, và đi lấy chồng đi thì mẹ em bảo em cần phải học cao, chỉ được lấy chồng khi đã tốt nghiệp đại học.”
“Thì mẹ em thế mà.”
Nét hiền hậu, vầng trán cao cộng với vẻ dáng người cân đối đã tạo nên một vẻ đẹp hài hòa cho Thư. Cô bé toát lên mang vẻ thông minh, gương mặt lại nhác nhác giống mẹ và tính cách họ cũng có nhiều nét tương tự như nhau.
“Em cũng giống mẹ em lắm.”
Thư mỉm cười, để lộ niềm tự hào của mình rất rõ.
Trở về nhà với cặp lồng cơm canh bà Lan chuẩn bị cho bố cậu, Long khẽ mở cửa, rồi cẩn thận chuyển động trên sàn nhà tìm công tắc bật điện. Theo thói quen, sau khi say rượu xong, bố cậu sẽ lăn lê trên chiếc ghế gỗ, và ngủ li bì cho tới tận sáng. Dù không còn nhớ những chuyện đã xảy ra nhưng ông ta dường như hối lỗi vì những chuyện có thể xảy ra mà không thể nhớ nổi. Bây giờ chỉ còn là những tàn tích đang chờ cậu thu dọn sau việc dìu ông ta lên giường nhưng sau khi đèn sáng, cậu lại thấy một khung cảnh hòan tòan khác hẳn, và phải xoa mắt mấy lần, cậu mới dám tin cảnh tượng mình nhìn thấy là sự thật. Chiếc thắt lưng thường bị vứt ra sàn nhà đã được giặt sạch sẽ và phơi phóng ở đầu hè. Những mảnh vỡ từ chai thủy tinh cũng được đặt gọn trong thùng rác. Sàn nhà sạch bong, vết máu cũng được xóa sạch. Một phép màu sao? Cậu khẽ để cặp lồng cơm trên bàn, và biết rằng tất cả hoàn toàn không phải là phép màu. Cậu mở cửa, bước vào phòng bố cậu, và nhìn thấy ông ta đang nằm yên bình trên giường, đầu đặt lên chiếc gối, thân người được phủ bằng tấm chăn mỏng. Khi ông trở mình quay ra, giọt nước mắt trào ra từ khóe mắt người đàn ông này mà cậu từng chứng kiến quá nhiều lần. Cậu biết chúng chứa đầy đủ nỗi đau, nỗi ân hận, sự bất lực, gông cùm bản thân mình, và chúng sẽ hằn trên khuôn mặt đó đến suốt những năm còn lại sao?
Trước đây, ông vẫn thường ôm cậu vào lòng, và nói rằng ông thương yêu cậu biết nhường nào. Cậu biết, ông ta yêu quý cậu hơn bất cứ thứ gì trong cuộc đời và tình yêu ấy vẫn kéo dài đến suốt đời ông ta. Cậu cũng đã từng thực sự yêu ông ta nhưng đâu rồi người cha mà cậu kính trọng, thần tượng lớn của cậu? Đâu rồi người cha mà cậu từng yêu quý, người đàn ông hoàn hảo trong lòng cậu? Đâu rồi người chồng thường hôn tạm biệt vợ vào mỗi buổi sáng đi làm hay mỗi buổi chiều tối xuất hiện với vẻ mặt cười cùng với những món quà nho nhỏ? Cậu không biết chuyện gì đã xảy ra giữa bố mẹ cậu lúc đó nhưng người đàn ông ấy đã chết đi trong bảy năm tuổi thơ êm đềm còn người vợ hết mực yêu thương chồng vẫn còn tồn tại trong mẹ cậu cho đến hơi thở cuối cùng.
Cậu quay lại, rồi rời khỏi phòng và bước vào phòng mình. Đến chỗ bàn học, Long ngồi phịch xuống ghế, chậm rãi lôi những tấm ảnh mang hồi ức về mẹ từ trong ngăn kéo. Bức ảnh đen trắng chụp mẹ ôm cậu và Huy vào lòng trong trại trẻ mồ côi là bức ảnh đẹp nhất, và đó là nụ cười đẹp nhất, và hiếm hoi nhất của mẹ.
Cho đến giờ, cậu vẫn khóc mỗi khi nhớ đến mẹ.
Cậu nhớ mẹ, tình yêu của mẹ dành cho cậu. Cậu nhớ cách mẹ gọi tên cậu như đã dõi theo cậu từ lâu. Cậu nhớ nét lo lắng và những cử chỉ quan tâm dịu dàng khi cậu không vui. Cậu nhớ bàn tay mẹ khi cậu bị sốt cao hay khi băng bó những vết thương trong những lần đá bóng ngoài phố. Cậu nhớ những món ăn mà mẹ thường thể hiện cả tình cảm của mình trong đó. Cậu nhớ khuôn mặt hiền hòa của mẹ khi trao cho những đứa trẻ trong viện mồ côi những món quà nhỏ. Cậu nhớ ánh mắt mông lung của mẹ khi dắt tay cậu đi dạo trong khu vườn hoa hồng. Mẹ ít cười, và cũng rất ít nói nhưng tình yêu trong mẹ lại hết sức bỏng cháy. Tình yêu của cậu với mẹ luôn là sự tôn thờ tuyệt đối.
Cậu nhớ cả sự chờ đợi dai dẳng của mẹ.
Bố mẹ cậu không sống chung phòng từ khi cậu lên bảy. Đó là lúc ông ta bỗng nhiên thay đổi, hay dấu hiệu của sự thay đổi đến mà cậu không thể nhận ra, cậu không quan tâm lắm. Cậu chỉ biết đó là lúc sự chờ đợi của mẹ bắt đầu sau khi mẹ đặt cậu lên giường, hôn nhẹ lên trán cậu. Mẹ ngồi một mình trong gian phòng, ngóng trông một người chồng chấp nhận tình yêu thương của trước đây quay trở lại nhưng bố cậu chỉ về trong bóng tối mù mịt, khi mà người vợ hiền đã ngủ thiếp đi, rồi ra khỏi nhà từ sáng sớm tinh mơ, trước khi bà kịp thức dậy. Và dù có một giây phút nào có mặt ở nhà, thì ông cũng thường tỏ ra lạnh lùng, khó chịu khi có sự xuất hiện của mẹ, có những lúc gần như là khinh thường, cự tuyệt mỗi khi mẹ khấp khởi hi vọng được thực hiện nghĩa vụ của một người vợ, chỉ còn mẹ với những giọt nước mắt lặng thầm chảy trong đêm dài.
Thế giới cổ tích của cậu mất đi như thế!
Cậu lẩn tránh để trở thành một kẻ xa lạ với bố mình dù đôi mắt ông chùng sâu xuống, bất kể điều đó có làm tan nát lòng ông ta. Trong khi mẹ càng đưa ra đủ mọi lí lẽ bảo vệ từng hành động, từng lời nói và cố ôm đồm tất cả những trách nhiệm về mình, cậu càng giữ vững quyết tâm. Và rồi cuộc sống của cậu dần thiếu hụt mất một người cha, không còn một bóng hình. Nhưng đôi khi, cậu cũng thầm mong ngóng rằng ngày mai, ông ta sẽ quay đầu nhìn lại, mỉm cười và thương yêu gia đình nhỏ bé của mình như trước đây và mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp như xưa. Vậy mà năm tháng cứ dần trôi, sự chờ đợi của mẹ cậu vẫn chìm trong vô vọng thì những tổn thương vẫn không thể hàn gắn, nỗi đau cứ kéo dài đến vô tận trong mỗi người, cứ như ngày mai vẫn mãi không phải là một ngày mới.
Không một lời từ biệt, không để lại nụ hôn chia tay, không để lại cho cậu một lời nhắn nhủ. Cậu nhớ cách mà mẹ đã rời khỏi cậu như thế nào.
Ngày tất niên năm đó, trong cái đêm thiêng liêng tuyệt diệu, những giây phút lung linh mong chờ cứ chầm chậm đến gần, thì một bi kịch đã xảy ra như một định mệnh đắng cay không thể chống cự. Cậu vẫn nhớ như in cái đêm đó, ông ta trở về trong tình trạng ngất ngưởng với chai rượu mạnh trên tay. Rồi trong cơn điên cuồng thịnh nộ, ông ta dùng hết sức bình sinh ném cậu từ trên giường bệnh xuống đất, đánh cậu bằng chiếc thắt lưng da. Ông ta khóc, khóc càng lớn thì ông ta càng quất, mạnh hơn và nhanh hơn. Thi thoảng cậu vẫn còn cảm thấy nó, và vòng tay mềm yếu bảo vệ của mẹ ở đâu đó trên cơ thể mình cũng như luôn khắc sâu sự tuyệt vọng, sự bất lực của mình khi nhìn từng cái quất của ông ta giáng xuống người mẹ. Và rất nhiều lần, cậu tự giày vò mình: “Giá như hôm ấy cậu không ốm nặng, giá như cậu không ngất đi!”
Cậu bước đến giường nhưng ngồi sụp xuống sàn nhà lạnh tanh.
Sau buổi tối kinh hoàng hôm đó, mẹ bị tai nạn. Ngay trong đêm, một chuyến tàu đã cướp đi cuộc đời bà cũng như làm vỡ tan niềm hạnh phúc vốn đã rất mong manh. Hàng vạn mũi kim như đâm vào trái tim, cậu đã bỏ nhà đi nhưng ông ta đã tìm được cậu và với không phải là rất nhiều những lời hứa và những giọt nước mắt van xin, thậm chí cả những cái quỳ lạy, níu kéo để mà giữ cậu bên mình. Vì hình ảnh thảm hại của một người mà mình đã từng kính trọng, vì lời khuyên chân thành của người thày trước khi mất, từ người bạn thân nhất trong trại trẻ mồ côi mà cậu đã ở lại. Nhưng cuộc sống với ông ta vốn chỉ vì một mối quan hệ máu mủ không thể tách rời, lòng thương hại từ sâu thẳm chiếm trọn trái tim cậu.
Thu mình trong chiếc chăn, sự hận thù quẩn quanh đâu đó, nó vẫn còn rất mạnh.

(Đón đọc tiếp vào kỳ sau)

Bạn đang đọc bài viết 'Khúc tình ca của gió' của tác giả Trần Phương Thảo (Kỳ 3). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất
WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ