Thứ bảy, 20/04/2024 11:44 (GMT+7)

'Khúc tình ca của gió' của tác giả Trần Phương Thảo (Kỳ cuối)

MTĐT -  Thứ năm, 02/05/2019 08:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bà ôm khẽ đứa cháu vào lòng, ghì chặt nó. Lúc ấy, bà nhận ra rằng trong ngôi nhà này và thằng bé không thuộc về bà, và ngay cả khi ở cạnh nó, nó chưa bao giờ thuộc về bà cả

CHƯƠNG 4
Bà đã muốn quên đi tất cả những kí ức đau buồn, và bà thực sự nghĩ là mình đã quên nhưng chỉ vừa đến cánh cổng sắt lớn nhìn lên bức tường dày, kiên cố như thành lũy của ngôi biệt thự trước đây bà đã từng sống như con chim bị nhốt trong lồng son thì kí ức lại như một dòng chảy tràn về. Bảy năm chưa về lại ngôi biệt thự mà thật kì lạ, mọi thứ vẫn giống như chỉ mới như hôm qua mới ra đi thôi vậy. Được xây dựng từ gần hai mươi năm trước, ngôi biệt thự này vốn đã được biết đến như một biểu tượng của sự giàu có và thịnh vượng ở cái thế giới thượng lưu tại thành phố Nam Hải.

Một phòng đại sảnh phô trương những nội thất đắt tiền nổi bật thường được sử dụng làm phòng tiệc có thể phục vụ cho hàng trăm thực khách hay cũng có thể chuyển đổi thành nơi biễu diễn hòa nhạc của cậu quý tử với hàng trăm thính giả vào mỗi bữa sinh nhật. Sàn gỗ sáng bóng, và thảm len lông cừu đệm bước chân đi, trần nhà được phát sáng bằng hàng chục những ngọn đèn pha lê. Rộng không kém, phòng khách chỉ dành tiếp đón người thân quen là sự kết hợp giữa màu trắng, và xám, nâu tạo nên sự thân mật riêng có. Phòng bếp nằm kế bên, trang nhã với đầy đủ bát đĩa quý hiếm được đặt trong chạn gỗ vàng nhạt cùng với các dụng cụ nấu nướng hiện đại nhất. Phòng ăn tiếp theo được bố trí với gam màu sáng tối khá chuẩn mực, sang trọng hơn dưới ánh đèn cùng một chiếc bàn gỗ dài sáng bóng được nghệ nhân nhất nhì trong nước thời đó sáng tạo nên. Vô số phòng ngủ với giấy dán tường đồng màu đèn chùm, rèm cửa trắng, giường lớn mang hơi hướng là lạ, nhiều bí ẩn khi màu đen là gam màu chủ đạo. Phòng tắm trong mỗi phòng ngủ được lát đá cẩm thạch, sơn tường màu hồng sẫm rất khác biệt. Mỗi căn phòng đều có một mảng tường đen, tạo nên sự phá cách trong thiết kế. Ở trên cùng, tầng áp mái bằng kính được sử dụng làm thư phòng với hàng trăm loại sách chuyên biệt khác nhau.
Xung quanh tòa biệt thự là diện tích hai trăm mét vuông còn lại.
Một khu vườn lớn phía sau bao quanh hồ bơi xanh trong với rất nhiều những loại cây nhiệt đới, và các loại cây hoa quý. Một con đường đi dạo rợp bóng cây, cùng đài phun nước với đèn treo hiu hắt dẫn đến khu nhà hai tầng dành cho khách dưới gam màu trắng và mái ngói đỏ tươi tạo sự hài hòa, đẹp mắt. Sau đó, là một khoảng đất dành cho ga-ra ô tô, và chỗ ở của người giúp việc. Còn một nửa không gian còn trống nơi mà cây cối đã trở nên rậm rạp thì ông chủ nhà đã dự định xây thêm một khu ăn uống ngoài trời mà sẽ làm hài lòng các vị khách khó tính nhất, và một sân te-nít bằng đất nện. Nhưng sau đó, thì ông chủ hiện tại đã thay đổi ý định, mua khoảng đất để xây một biệt thự mới phù hợp với cái danh vọng anh ta đang đuổi theo mà cũng để tránh đi những tin đồn về việc mình có rất nhiều vợ lẽ trong nhà.
Bà ngắm nhìn căn nhà kĩ hơn, và dần nhận ra sự khác biệt duy nhất, đó là rất nhiều ánh sáng từ những ngọn đèn pha lê mà ngày trước không có và góp phần làm giảm dần sự u tối trong tòa biệt thự, nhưng thay vào đó là sự u tối của những con người nơi đây. Đứa cháu của bà bảo rằng năm người vợ hờ và sáu đứa con rơi cùng cả những người hầu trong biệt thự bị giam lỏng từ tháng tư, bà cảm thấy tội cho họ hơn dù trước đây bà cũng chỉ là vợ lẽ, và các con bà cũng chỉ là những đứa con rơi nhưng vẫn được thừa nhận sự tồn tại còn với họ thì không bởi danh tiếng của một chủ tịch thành phố trẻ tuổi. Họ chỉ là “những người khách trọ vô thời hạn” không mang danh phận chính thức nào chỉ trừ một đứa con đẻ sau Phong tên Giang, con của ông chủ và người tình đầu và để nó có được sự thừa nhận về quyền thừa kế mà tất cả hồ sơ của đứa cháu này ngay từ khi sinh ra được làm giả như con trai của cô vợ đầu nhưng nó chưa bao giờ xuất hiện trước công chúng với lí do từ nhỏ đã bị bệnh nặng dù thực sự nó chẳng ốm đau gì cả.
Vừa đặt hành lí xuống nhà, thì những hình ảnh kinh hoàng bỗng từ đâu hiện lên trong tâm trí bà, âm thanh kẽo kẹt, đáng sợ trong cơn ác mộng của quá khứ chiếm trọn lấy bà khiến toàn thân run rẩy. Tiếng nổ động trời, một người đã chết, một người là hung thủ với tâm trí điên loạn, chúng còn cả ở trong tâm trí bà. Trong bà chỉ còn một mong muốn, và lòng quyết tâm sẽ đưa thằng bé đi đến một nơi thật xa, xa bố mẹ nó, xa căn biệt thự, xa tất cả những hình ảnh mà bà cho rằng chúng báo trước tương lai.
Bà cầm tay thằng bé như kiểu đang cầu xin nó.
“Đi với bà, bà sẽ chăm sóc con. Rời xa căn nhà này, xa những con người nơi đây.”
Thằng bé ngẫm nghĩ một hồi, sau đó nó hỏi. “Có phải vì bố mẹ không yêu con không ạ?”
“Không! Không phải. Chúng… Ôi! Đứa cháu tội nghiệp của bà, đó là sai lầm của bà, bà hại con rồi nhưng chẳng thể làm gì được cho con… Nhưng giờ thì bà sẽ đưa con tránh xa họ! Hai bà cháu mình sẽ đi!”
Bà ôm khẽ đứa cháu vào lòng, ghì chặt nó. Lúc ấy, bà nhận ra rằng trong ngôi nhà này và thằng bé không thuộc về bà, và ngay cả khi ở cạnh nó, nó chưa bao giờ thuộc về bà cả. Đưa nó đi khỏi đây là điều không thể, bà tự nhủ với chính mình. Con trai bà đã coi thằng bé là tương lai của nó, lấy thằng bé đi là lấy cả tương lai đã dựng sẵn là điều mà bà sẽ phải trả giá nhưng bà đã sẵn sàng trả giá cho hành động của mình. Bà buông nó ra và nhìn nó cương quyết nhưng bà không biết rằng cháu bà còn cương quyết hơn khi nó trả lời bà.
“Con không đi đâu, bà… Con muốn gần họ, muốn bên họ mỗi ngày, muốn biết thêm nhiều hơn về họ… và muốn biết tại sao. Tại sao họ không ôm con vào lòng? Tại sao họ không đỡ con khi con ngã? Tại sao họ lại không đưa con đi chơi công viên, sở thú? Con muốn tìm hiểu tất cả. Con sẽ không đi chừng nào họ yêu quý con.”
Bà thốt lên không kịp suy nghĩ.
“Có một vài điều bất di bất dịch mà con sẽ không thể thay đổi được.”
Nó rời quyển sách, và giọng hạ thấp. “Bà không tin họ sẽ yêu quý con sao ạ?”
“Không, bà tin. Bà chỉ lo lắng thôi. ”
Bà nói dối, như bao lần trước đây thì tiếng gọi “Anh hai!” đột ngột vang lên.
Chính là nó, Phong nói với bà.
Thằng bé tên Giang lại bất ngờ xuất hiện từ phía nào đó và luôn gọi Phong bằng tiếng “anh Hai” mà mọi người không ai dám gọi, và như cháu bà miêu tả thì đúng là thằng bé này khác hẳn với mọi người trong biệt thự, nó mang cặp kính hình vuông kì dị, to đến mức gần che hết cả nửa khuôn mặt, thô như cái kính lúp vậy. Cổ nó dài, mái tóc xoăn tít, và khuôn mặt nhỏ với thân hình còm nhom. Nó trắng bệch, da nó nhờn nhụa, mũi dài và nhọn, răng thô kệch, sắc mặt nhợt nhạt, chẳng có chút thần khí và thường mặc chiếc áo trắng dài đến tận đầu gối, dính nhiều vết bẩn, bốc mùi dầu mà không biết nó tha lôi ở đâu về. Thằng bé cũng không thích đến trường học vì thế mà thành tích học tập kém cỏi, luôn trốn về nhà lúc nửa buổi và đi lượm những món đồ lỉnh kỉnh ở bãi phế thải công nghiệp và quẩn quanh trong nhà kho không người. Dù có mang danh cậu chủ chính thức đi chăng nữa thì thằng bé yếu ớt vẫn thường xuyên bị những nhỏ tuổi hơn mình bắt nạt. Mẹ thằng bé này mắc chứng thần kinh điên loạn, nên đã được chuyển tới bệnh viện tâm thần, nó kể với bà nhưng có một chi tiết mà đứa cháu của bà hoàn toàn không biết đó là mẹ nó chính là hung thủ đã giết chồng bà.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thằng này lại gần bà hơn, rồi trỏ tay vào. “Bà ta là ai vậy anh?”
“Bà nội tao!” Phong trả lời.
“Vậy cũng là bà nội của em nữa.”
“Không phải bà nội mày.” Phong chen vào trước khi bà kịp lên tiếng. “Bà nội của tao!”
“Em cũng không cần bà nội.” Thằng Giang đáp, và chạy bình bịch ra cửa.
Bà hỏi: “Thằng bé vừa rồi là con của cô ta sao? Trông nó không giống chút nào cả.”
“Vâng, là con của dì hai ạ.” Một, hai giây sau nữa, nó mới đáp. “Nhưng bố nhận nó mà không phải những đứa còn lại.”
“Ngày trước, bố con và mẹ nó là bạn nhưng bà ta bị thần kinh sau khi đẻ nó, và… Mà thôi, con không nên biết nhiều chuyện quá khứ làm gì.” Bà ngẫm nghĩ một hồi, và hỏi. “Con thường đọc sách ở trong phòng sao?”
“Phòng con có mỗi một cửa sổ nên con ra vườn hoa hoặc lên phòng áp mái.”
“Vậy những đứa em, con có chơi với đứa nào không?”
“Không ạ. Mỗi khi chúng nhìn thấy con, là chúng im bặt, rồi bỏ chạy ạ.”
Nó trả lời, rồi lịch kịch chạy lên cầu thang.
Một người làm chạy vào, bàn tay vồ vập như sẵn sàng với tới bà. Đến gần hơn, người hầu gái khoanh tay lại, kính cẩn nói: “Thưa cụ chủ, có ông Tam đến!”
“Chị Hoa! Chị lại câu nệ phép tắc nữa rồi.” Bà cầm tay chị, nhẹ nhàng nói.
“Vâng, con xin lỗi. Thưa cụ.” Rồi trước khi đi ra, chị hầu nói trong khi vẫn kín đáo giữ niềm vui. “Tất cả mọi người trong nhà đều rất mong cụ trở về. Bảy năm rồi!”
Bà mỉm cười, không muốn làm niềm vui chớm nở của họ sớm bị dập tắt.
“Cháu chào bác!” Tam xuất hiện với nụ cười thân thiện
“Anh Tam! Cám ơn anh đã đến!”
Đứa cháu của bà kể lại rằng chú Tam là bạn thân nhất của bố nó, thường xuyên tới nhà nó và rất quan tâm đến nó. Thi thoảng, chú dẫn thằng Tuấn - con chú đến chơi với nó hay có dịp nào rảnh rỗi, chú lại dẫn nó đi theo, lúc thì đến sở thú lúc thì công viên, lúc thì sân te-nít. Chú hay dắt tay nó, và cũng quan tâm đến nó không kém gì thằng Tuấn, nhưng nó không khỏi liếc nhìn những cặp cha con khác và nó ước sao bố nó có tính cách của chú. Thật ra, một đàn ông có trách nhiệm, yêu vợ thương con, tốt bụng khác hẳn với ấn tượng lần đầu tiên bà gặp Tam gần hai chục năm về trước. Anh ta hồi đó là một thanh niên rất táo tợn, háo danh lợi, cách sống phóng túng, đặc biệt xa cách với bà giống như đứa con trai cả vậy. Nhưng sau khi bà bắt đầu chuyến hành trình của mình, và không gặp anh ta trong một quãng thời gian thì anh ta bỗng trở nên thân thiện với bà, gần gũi hơn với bà, và thường xuyên gọi điện hỏi thăm bà. Con người có thể thay đổi, bà biết, nhưng không chỉ thế, anh ta lại quá sức trầm mặc, mang cái gì đó bí hiểm hơn vẻ ngoài của mình như hiện nay. Khuôn mặt anh ta kiểu như rằng đã trải qua một biến cố rất lớn, và không thể bình tâm lại cho tới khi lìa đời. Và lí do của sự thay đổi rõ ràng ấy làm bà cũng không khỏi tò mò về người tên Tam của bây giờ.
Sau khi hỏi thăm chuyện gia đình và sức khỏe, bà mới vào đi vào chủ đề chính.
“Anh đã tìm mua hộ tôi căn hộ ở đây chưa?”
“Bác tìm gấp vậy thì cháu cũng chỉ tìm được vài căn, nhưng chẳng đẹp đẽ gì so với địa vị của bác… nên… chưa quyết được.” Tam trả lời, rồi hỏi. “Bác định sống luôn ở đó ạ?”
“Tôi vẫn sẽ ở Vĩnh Bản, cho đến khi nào tôi chết cho nên anh không cần lo về chuyện nhà cửa thế nào. Sẽ không có ai ở đó đâu, tôi chắc thằng bé thì càng không nên căn nhà sinh hoạt cũng chỉ cần đủ cho người làm vườn quanh năm suốt tháng trông coi, chăm bón là được rồi. Nhưng khoảng đất trống xung quanh phải thật rộng rãi có thể xây nên một cái vườn thật lớn, và đó phải là loại đất phù hợp nhất cho việc trồng hoa hồng. Và cũng phải gần đây chút, để thằng bé tiện bề đi lại, thăm nom vườn.”
“Vậy thì có đến cả nghìn cái,” Tam nhận lấy tách trà từ bà, rồi thở phào nhẹ nhõm.
“ Tôi có đề nghị này. Tôi không muốn ai biết đến nơi này, tôi không muốn bị làm phiền bởi hàng xóm, họ tọc mạch và luôn tò mò. Tôi không muốn những đóa hồng mà thằng bé gieo trồng lại bị những người như bố nó làm vấy bẩn hết cả, chỉ là một nơi của hai bà cháu tôi, tách biệt với cuộc sống một chút nên anh giúp tôi giữ bí mật với bạn anh. Giá cả tăng hơn một chút cũng không sao!”
“Cháu nghĩ nên hạ giá chút nữa, chứ giá thế thì bảo bọn dân lao động chuyển đi khỏi căn nhà vừa hoàn thành trong chiều nay, chúng cũng nghe.” Tam đáp.
Bà mỉm cười trước ví dụ sinh động, nhưng trán thì vẫn nhăn lại.
“Những người dân làm việc bằng chân tay có những phẩm chất, và những nét đẹp mà những người khá giả từ trong nôi như chúng ta chẳng bao giờ có được.”
“Trong nghệ thuật, không có sự phân biệt đẳng cấp.”
“Ít nhất trong nghệ thuật của tôi. Dường như thằng bé cũng thích thứ mà những người như bố nó dùng cả đời này cũng không thể hiểu được,” bà vui vẻ đáp lời. “Nếu không vì việc của thằng nhỏ, có lẽ tôi không bao giờ đặt chân tới đây nữa.”
“Tốt nhất cả hai đừng trở về đây nữa,” Tam thẫn thờ đáp lại, rồi ánh mắt của người đối diện trở nên long lanh, ẩn chứa những giọt nước mắt bên trong. “Cháu cầu xin bác, hãy… đưa nó đi thật xa, thế thì mới có thể tránh được những tổn thương… và một tương lai..”
Đôi mắt quyết tâm trong người đàn ông ấy đã trở thành một động lực, một sức mạnh để phát ra một điều gì đó, một cách hết sức khó khăn. Bà ngạc nhiên một hồi, nhưng rồi cố gắng trấn tĩnh để cố lắng nghe những lời chắc chắn không thành tiếng. Bỗng một bóng đen chen vào cả hai, chống tay vào giữa bàn. Vẻ tức giận hiện lên rất rõ trong ánh mắt người này, mặc dù lời nói khá nhẹ nhàng.
“Nghe nói phó bí thư tỉnh trốn việc hạ cố đến đây chơi?”
Tam khẽ đưa mắt lên, không chút rùng mình, không hề nao núng đáp lại:
“Ra là chủ tịch thành phố cũng về nhà vào giờ này!”
Cả hai ôm lấy nhau thể hiện sự thân thiết, rồi nở nụ cười quen thuộc. Con trai bà ngồi nhẹ xuống cạnh mẹ mình trong khi người hầu đang rót chèn trà.
“Nghe nói mẹ đang gieo vào đầu thằng nhỏ thứ cả đời này con trai mẹ không thể hiểu.”
“Anh thấy phiền lòng sao?”
“Con trai không dám động đến cái thứ vị nghệ thuật cao cả đó, cám ơn mẹ còn không hết. Biết nhiều thì càng tốt cho công việc điều hành sau này, mẹ không biết sao? Nhưng mẹ đừng hi vọng nó sẽ thay đổi, nó sẽ không thay đổi đâu. Ai bảo nó giống con trai mẹ làm gì, mẹ nhỉ?”
“Anh chả hề khác xưa gì mà càng ngày tôi lại thấy anh giống bố anh.”
Đôi mắt con trai bà xao động, tóe những tia lửa xé ngang người bà, nhưng rồi lại nói với giọng điệu bỡn cợt.
“Kẻ chỉ biết núp váy đàn bà và kẻ ngự trị được đàn bà hoàn toàn khác nhau thưa mẹ.”
“Năm cô vợ lẽ chỉ để anh chơi một trò chơi sinh động gọi là “ngự trị” sao?”
Anh ta vờ ngạc nhiên, rồi nhìn bà. “Tahưa mẹ, sao chưa từng thấy mẹ xuất sắc đến thế?”
“ Vậy mẹ thằng Phong, anh “ngự trị” được cô ta chứ?”
“Cô ta là ngựa hoang, khác ngựa thường mà mẹ.” Anh ta nói với nụ cười nửa miệng, nhìn người bạn với tia nhìn thoáng giận dữ. “Vậy mẹ tôi là lí do cậu xuất hiện tại đây đó à?”
Tam từ tốn châm lên một điếu xì gà, rồi mới bình thản trả lời.
“À, cũng không có gì to tát. Tôi đang tìm một căn nhà ngoài Bắc. Cậu cũng nghe qua rồi đấy, ông cụ nhà tôi nổi nóng tống cổ thằng em tôi ra ngoài nên cho thằng đó ở càng xa càng tốt, nó sắp làm cơ nghiệp nhà tôi phá sản mất rồi. Trước nghe nói bác cũng có mấy khoảng đất ở đó…”
“Dạo này ở vùng đó giá đất lên vù vù. Nhưng nếu là cậu, thì chắc mẹ tôi cũng chẳng chẳng ngại hạ giá xuống.”Anh ta hài hước đáp lời bạn, rồi ngồi thoải mái tựa vào ghế sa-lông. “Kể thì nói đến chuyện đất cát, tôi cũng đang định bàn với cậu. Tôi đang định xây dựng thêm một căn nhà mới, ha-ha, tôi đang nghĩ đến đời thằng Phong, chắc là sẽ phải đủ tầm sánh ngang với những biệt thự dát vàng của thế giới.”
“Tâm hồn thơ trẻ của thằng nhỏ sớm bị cướp mất bởi những người làm cha như anh. Tôi không hiểu là anh định nuôi dạy một đứa trẻ tám tuổi hay nuôi một bá chủ thế giới?” Anh ta bật cười sằng sặc
Đứa con quay ra nhìn bà, rồi nhếch mép giống như một nụ cười:
“Tâm hồn? Mẹ yêu quý của tôi, trong đầu mẹ từ trước đến giờ vẫn toàn những thứ hoang tưởng ấy thôi sao? Chỉ có hai thứ thực sự tồn tại song song với đứa con trai này của mẹ. Quyền lực và tiền bạc.”
“Bố ở nhà chứ ạ?” Thằng bé vừa nói, vừa tung tăng nhảy xuống bậc cầu thang cuối cùng.
Vẫn giữ những tiếng cười lớn, bố nó nói. “Tuần sau, về.”
Thằng bé cười mỉm nhưng bà biết nó chẳng hề vui.
Trước khi cả hai người bạn cùng nhau rời đi, bà đặt tay mình lên vai Tam sau khi biết chắc chắn con trai bà đã ra bên ngoài.
“Tôi vẫn phải nhờ anh quan tâm, chăm sóc nó giúp tôi.” Bà nói
Tam gật đầu, nhưng ánh mắt phân vân như lời thứ lỗi với bà. Bà lúc ấy hoàn toàn hiểu rằng điều anh ta biết không phải là điều bà biết, bà cần phải biết nhưng không bao giờ được biết nữa. Bà xách hành lí, chuyển đến ở căn nhà mà Tam tìm được ngay chiều hôm đó, và ngày ngày tìm cách để nó có thể nghe lời bà nhưng thành thực mà nói, lòng quyết tâm của một đứa trẻ vẫn cao hơn bà già rất nhiều. Tuần cuối cùng của kì nghỉ hè năm ấy, thằng bé cả ngày lại để trồng hoa hồng cùng bà, chỉ về lại căn biệt thự vào lúc tối muộn. Bà cũng đã dạy nó những thứ căn bản, và thằng bé giờ đã hiểu hơn quy luật của ánh sáng, biết quy luật của bố cục, của thị giác, của cấu tạo máy ảnh cùng các kỹ năng về thao tác của máy ảnh, và việc vận dụng các thủ pháp nhiếp ảnh cơ bản, cũng như tạo ra những hình ảnh có độ nét từ tiền cảnh thật gần đến những cảnh xa, rồi những làn gió đưa đẩy khiến lá cây xao động, mặt nước lao xao để xuất hiện những mờ nhòe có chủ đích. Hôm chia tay đứa cháu tại sân bay, bà trao cho nó chiếc máy ảnh, rồi nhẹ nhàng mỉm cười.
“Con hãy mang theo chiếc máy ảnh này bên mình như mang theo tình yêu của bà.” Bà sau đó mới đưa cho nó bức ảnh đã gây cho bà ấn tượng sâu sắc không thể nào quên. “À, còn cái này nữa, đây là bức ảnh hai anh thanh niên da đen bị treo cổ trước khoảng mười nghìn người vì bị buộc tội cưỡng đoạt một cô gái da trắng. Con hãy tự tìm hiểu ý nghĩa thực sự của bức ảnh này ở đâu nhé?”
Nó cầm tất cả những gì mà đã trao cho, rồi vòng cánh tay nhỏ bé ôm lấy bà.
Bà nhìn đứa cháu với đôi mắt chất chứa biết bao yêu thương.
“Phong này, thực sự thì bà lo cho con lắm. Không, bà lo sợ cho con đó.”
Bà đã cố giải thích cho nó nỗi lo lắng luôn cánh cánh trong lòng bà ngay từ khi nó sinh ra. Bà lo khi mà nó phải gánh lên mình rất nhiều những gánh nặng tâm lí từ mẹ nó, khi mà nó phải chịu quá nhiều áp lực từ bố của nó, khi mà nó phải nhận lấy sự đố kị, ganh ghét từ rất nhiều người, lo sợ khi tương lai của nó cũng giống như bà bị buộc trói trong thế giới không lối thoát này, và mơ được giải thoát từng ngày. Nó là một cậu bé với mong muốn kiếm tìm mọi câu trả lời trên thế gian nhưng vốn rằng giải đáp tất cả các câu hỏi vốn là điều không thể. Nó mong muốn tình yêu thương từ cha mẹ nó nhưng tình yêu thương thì không thể gượng ép và có những người tồn tại trên đời nhưng không bao giờ biết yêu thương. Bà đã cố giải thích cho nó nghe tất cả nhưng thực sự thì cậu bé mới tám tuổi vẫn chưa hiểu được những thứ mà một bà già đã hiểu cho nên nó vẫn không chịu rời khỏi nơi đây mặc kệ điều đó đồng nghĩa với việc không có niềm vui, không được vui chơi, không được ai ủng hộ, bị ép buộc làm rất nhiều thứ mà nó không thích. Bà thì hiểu sự kiên trì là tính cách không thể thay đổi của thằng nhỏ rõ ràng hơn bất kì ai. Ít nhất, thì bà đã thử, rồi một ngày, bà tin thằng bé sẽ hiểu.
Phong nói với ánh nhìn kiên định chất chứa một quyết tâm không thay đổi.
“Lúc nào tìm được câu trả lời, con sẽ đi cùng bà, được không ạ?”
“Bà sẽ đợi.”
Bà đặt một nụ hôn lên trán đứa trẻ, rồi vẫy tay chào tạm biệt nó.

Bạn đang đọc bài viết 'Khúc tình ca của gió' của tác giả Trần Phương Thảo (Kỳ cuối). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ
Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Bài thơ: Phố giao mùa
Phố giao mùa bâng khuâng lối cũ//Lá sấu rụng đầy vướng chân đi///Cố dịu dàng qua thời con gái///Em nào có được gì?
Bài thơ: Tự...
Ta mạnh mẽ không phải ta không khóc///Thực chỉ là nước mắt ngược vào trong///Bởi ta biết giữa biển đời mênh mông///Sông núi rộng - hành trình ta tự bước

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ