Thứ sáu, 19/04/2024 10:21 (GMT+7)

Hội thảo khoa học 'Thơ lục bát với di sản văn hóa dân tộc'

Trung Hiếu -  Thứ tư, 04/09/2019 09:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong khuôn khổ Ngày hội Lục Bát Kỷ Hợi – 2019, Nhà thơ Đặng Vương Hưng, Phó Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam đã cho công bố tập thơ mới mang tên “Phố quê”.

Nhằm góp phần xây dựng Môi trường sống Văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trên tinh thần vì cộng đồng và phi lợi nhuận; lần đầu tiên, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp với Website Lục Bát Việt Nam; Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam… tổ chức Hội thảo khoa học “Thơ Lục Bát với Di sản Văn hóa dân tộc” vào ngày 4/9 tại Khách sạn Thương Mại, số 25 Ngọc Khánh, Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội.

Tới tham dự có: Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; TS. Đồng Xuân Thụ, Tổng biên tập TC Môi trường và Đô thị Việt Nam; Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, Chủ tịch Hội đồng thơ - Hội nhà văn Việt Nam; Các nhà thơ, nhà văn, Nhạc sĩ:Trần Ninh Hồ, Đặng Vương Hưng, Hồ Hữu Thới, Đinh Thường, Ngô Văn Giá, Trương Nam Chi, Đặng Huy Giang ...cùng đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội.

Ngày hội Lục Bát Kỷ Hợi – 2019 có sự tham gia của đại diện gần 30 Câu lạc Thơ Lục Bát đến từ khắp mọi miền đất nước: TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Gia Lai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ, Hòa Bình, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Nguyên.

Ngày hội không chỉ có các nghi thức đặc trưng được duy trì đã 11 năm liên tục: Sắp đặt các Lục Bát quán, Lễ Rước Thơ, Lễ Phát lộc Thơ Lục Bát… mà còn có nhiều nội dung mới, lần đầu xuất hiện, trước sự chứng kiến của báo giới và công chúng yêu thể thơ truyền thống của dân tộc… 

Kí tặng sách tại Hội thảo.

Ngày hội Lục Bát Kỷ Hợi – 2019 có sự tham gia của đại diện gần 30 Câu lạc Thơ Lục Bát đến từ khắp mọi miền đất nước

Hội thảo còn là cuộc hội ngộ giữa các nhà thơ và những nguời yêu thơ.

Trong khuôn khổ Ngày hội Lục Bát Kỷ Hợi - 2019, Nhà thơ Đặng Vương Hưng – Người sáng lập Cộng đồng mạng Lục Bát Việt Nam và trực tiếp tổ chức Ngày Hội Lục Bát nhiều năm qua - đã cho công bố tập thơ Lục Bát mới mang tên “Phố quê” gồm hơn 200 bài, được sáng tác trong khoảng 12 năm (2006 – 2017).

Từ đáy lòng mình, tác giả tâm sự rằng sau 18 năm (2001–2019) kể từ khi tập thơ Lục Bát và Lời bình “Học quên để nhớ” (HQĐN) của mình được ấn hành, tác gỉa thật sự bất ngờ hạnh phúc khi HQĐN đã được bạn yêu thơ gần xa đón nhận hào hứng, hàng vạn lá thư yêu cầu và hồi âm từ khắp mọi miền đất nước được gửi về.

"Sau HQĐN, cũng đã 18 năm qua, nghĩa là thời gian đủ để một thế hệ bạn đọc mới sinh
ra và trưởng thành, tôi chưa in thêm tập thơ nào. Mấy năm nay, nhờ Facebook và Zalo tạo cảm hứng sáng tác, lưu giữ giúp hàng ngàn bài Lục Bát mới làm; lại nhờ một số bạn bè và đồng nghiệp động viên, tôi quyết định chọn một số bài được sáng tác trong khoảng 12 năm (2006 – 2017) in thành tập “Phố Quê” để vui mừng thông báo với các Bạn Thơ rằng: Đặng Vương Hưng vẫn viết. Và cũng là để là tri ân những Người Yêu Thơ mình…

Tôi vẫn chung thủy với quan niệm: Đã là Thơ Lục Bát thì phải chuẩn vần, câu chữ tự nhiên, giản dị, dễ hiểu, nhưng đa nghĩa, như lời ăn tiếng nói của người Việt, dù ở đâu trên trái đất này, như hồn quê trong ca dao và dân ca từ ngàn đời vẫn vậy. Bởi vậy, tôi chỉ mong trong tập thơ hàng trăm bài này, ai đó tình cờ đọc được sẽ đồng cảm được một bài; trong bài đó sẽ thích và nhớ được một câu Sáu Tám… Như thế cũng đủ cho tác giả hạnh phúc lắm rồi” - Nhà thơ Đặng Vương Hưng chia sẻ.

Đánh giá về tập “Phố Quê”, Nhà thơ Trần Ninh Hồ (nguyên Chủ tịch Hội đồng Thơ – Hội Nhà văn Việt Nam) đã viết: “Với hơn 200 bài thơ Lục Bát mới trình làng, sau gần hai chục năm tưởng chừng Đặng Vương Hưng đã “gác kiếm ở ẩn” thì nay lại “tái xuất giang hồ”.

Không biết bao nhiêu việc đời, sự đời trên đường đời này đã hiện ra mà Y không hề tránh né. Nó cứ tuôn chảy như dòng thơ Lục Bát từ nhiều trăm năm qua, khiến Y yêu lục bát đến mức, nếu nối hơn 200 bài thơ lục bát này lại có thể đến hàng ngàn câu mà Y rất ít bị vấp, bị gò. Đấy là chưa kể đến việc Y còn có nhiều đóng góp trong việc cách nhịp, gieo vần,… Lục Bát đã giúp Y sự hồn hậu, hóm hỉnh, ngỡ như rất đơn giản mà thấm thía nhiều lẽ đời. Cái lẽ đời ấy phải chăng cũng là chất “trí tuệ” mà các nhà phê bình lý luận thường luận bàn. Nó rất giống cái từ ghép trong dân gian là “Thấm Thía”. Đã “Thấm” rồi còn “Thía”. Chữ “Thía” như một nét khắc nào đó trong nghệ thuật chạm trổ tinh xảo, đã thấm sâu vào hồn quê từ ngàn đời. Để ngày nay, “chàng thợ cày trên cánh đồng chữ nghĩa” Đặng Vương Hưng may mắn được kế thừa và phát huy”…

Tập thơ Lục Bát “Phố Quê” dày 240 trang, sẽ được phát hành bằng cách: Người yêu thơ cung cấp họ tên, địa chỉ, điện thoại… Tác giả sẽ trực tiếp tặng chữ ký và gửi sách đến nhà cho bạn đọc theo đường bưu điện. 

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Bạn đang đọc bài viết Hội thảo khoa học 'Thơ lục bát với di sản văn hóa dân tộc'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?
Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?