Thứ bảy, 20/04/2024 19:03 (GMT+7)

Đền thờ Hai Bà Trưng (Mê Linh, Hà Nội) - vẻ đẹp của kinh đô xưa!

Khánh An - Triệu Trang -  Thứ sáu, 08/02/2019 08:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hằng năm, cứ vào mồng 6 tháng Giêng âm lịch, Lễ hội Đền Hai Bà Trưng lại diễn ra. Nó gợi lên âm hưởng quá khứ, như một sự giáo dục truyền thống, biểu thị lòng sùng kính của quê hương đối với Hai Bà.

Trong số 103 nơi thờ Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh ở 9 tỉnh và thành phố, Đền thờ Hai Bà Trưng ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội có ý nghĩa quan trọng nhất bởi đây là nơi lưu lại dấu tích của Hai Bà Trưng thời thơ ấu, trưởng thành, phất cờ khởi nghĩa giành thắng lợi, xưng Vương và định đô.

Đền Hai Bà Trưng hay còn có tên gọi là đền Hạ Lôi. Ngôi đền linh thiêng này gắn liền với sự tích Hai Bà Trưng, 2 vị liệt nữ anh hùng của dân tộc đó là Trưng Trắc và Trưng Nhị - những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đánh đổ ách thống trị nhà Đông Hán vào những năm 40-43 sau công nguyên, và giành lại nền độc lập tự chủ của đất nước.

Lời thề của Hai Bà Trưng trên bia đá được dựng phía trước Đền.

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là một cuộc tổng khởi nghĩa vũ trang giành thắng lợi đầu tiên của nhân dân ta cách đây gần 20 thế kỷ. Cuộc khởi nghĩa này đã lật đổ hoàn toàn ách thống trị kéo dài trong suốt 219 năm của phong kiến phương Bắc trên vùng đất Văn Lang, Âu Lạc thời xưa.

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà đã lấy lại sự tự do cho dân tộc, làm rạng rỡ non sông Việt Nam, làm vẻ vang hình ảnh người phụ nữ Việt Nam và đem lại lòng tự hào cho vùng đất Mê Linh, Hà Nội, vùng đất sinh ra 2 người nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc và một thời tuy không dài là đất đế đô. Đó là Kinh đô Mê Linh thời Trưng Nữ Vương.

Lễ hội Đền Hai Bà Trưng được tổ chức từ ngày mồng 4 đến ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch, mồng 6 là ngày chính hội.

Hàng năm, khu di tích đền Hai Bà Trưng ở Mê Linh mở hội chính từ ngày mồng 4 đến ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch, cũng là ngày Hai Bà Trưng tế cờ khởi nghĩa. Ngày mồng 6 là chính hội. Lễ hội được tổ chức theo nghi thức nhà nước và truyền thống địa phương gồm: Dâng hương, mít tinh kỷ niệm ngày Hai Bà Trưng tế cờ khởi nghĩa và tế lễ theo nghi thức truyền thống cổ truyền. Nhân dân còn ghi nhớ câu ca:

“Có về thăm hội Hạ Lôi

Tháng Giêng mồng sáu cho tôi đi cùng”

Đền thờ Hai Bà toạ trên một khu đất cao thoáng đãng, nhìn ra đê sông Hồng, với diện tích 129.824 m2. Theo thuyết phong thuỷ, Đền toạ lạc trên thế đất "Trán con voi trắng" trong hình cao “Bạch tượng uyên hồ” (voi trắng uống nước trong hồ), đến tận bây giờ vẫn còn vết tích của những nơi như ao Mắt Voi, vòi voi và hồ Ao bàng; chạy vòng phía trước Đền là đường kéo quân của Hai Bà Trưng xưa kia. Sau đền là khu vực thành cổ gồm 2 lớp: trong là thành, ngoài là quách, dân gian gọi là Thành Ống.

Nhà bia lưu niệm Hộp thư bí mật của đồng chí Trường Chinh nằm phía sau Đền.

Đền Hai Bà Trưng gồm các hạng mục: Cổng đền, nhà khách, nghi môn ngoại, nghi môn nội, gác trống, gác chuông, nhà tả - hữu mạc, đền thờ Hai Bà Trưng, đền thờ thân phụ - thân mẫu Hai Bà, đền thờ thân phụ, thân mẫu ông Thi Sách, đền thờ các nữ tướng triều Hai Bà Trưng, đền thờ các nam tướng triều Hai Bà Trưng, nhà bia lưu niệm Hộp thư bí mật của đồng chí Trường Chinh, hồ bán nguyệt, hồ mắt voi, suối vòi voi, hồ tắm voi, thành cổ Mê Linh…

Đền Hai Bà Trưng còn là nơi lưu giữ nhiều di vật quý, đa dạng, phong phú về cả chủng loại và chất liệu.

Đền Hai Bà Trưng còn là nơi lưu giữ nhiều di vật quý, đa dạng, phong phú về cả chủng loại và chất liệu như: gỗ, đá, đồng, sứ, giấy,… trong đó di vật gỗ chiếm đa số. Các di vật có niên đại tập trung vào triều Nguyễn như hoành phi, hương án, đại tự, câu đối, khám, kiệu, tượng thờ…được chạm khắc công phu, tinh xảo, với các đề tài trang trí: rồng mây, hoa lá, văn triện, hổ phù… Đây là những tác phẩm nghệ thuật thể hiện bàn tay tài hoa, khéo léo và tinh tế của ông cha ta trong nghệ thuật tạo tác, phản ánh nhiều mặt của đời sống xã hội và những ước vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn.

Lễ hội đền Hai Bà Trưng Mê Linh vốn có sức sống mãnh liệt, đã gợi lên âm hưởng của quá khứ, làm nên phong cách con người nơi đây, như một sự giáo dục truyền thống, biểu thị lòng tôn kính của quê hương đối với Hai Bà. Cứ năm năm một lần, nhân dân trong làng lại tổ chức rước kiệu Hai Bà Trưng, kiệu Thành hoàng làng Hạ Lôi.

Lễ hội đền Hai Bà Trưng Mê Linh vốn có sức sống mãnh liệt, đã gợi lên âm hưởng của quá khứ, làm nên phong cách con người nơi đây.

Di tích Hai Bà Trưng chứa đựng những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, kiến trúc... Đây là nơi gắn bó mật thiết với đời sống cộng đồng trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tự hào dân tộc, sự cố kết cộng đồng… của cư dân Hạ Lôi. Di tích đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2013.

Du khách về với Mê Linh là về với quê Hương Hai Bà Trưng – một vùng quê huyền thoại của kinh đô xưa.

Du khách về với Mê Linh là về với quê Hương Hai Bà Trưng – một vùng quê huyền thoại của kinh đô xưa, mang đậm nét truyền thống lịch sử văn hoá với những người dân cần cù, sáng tạo hăng say trên những cánh đồng hoa khởi sắc muôn màu. Tạo nên một vùng hoa Mê Linh nổi tiếng cung cấp hoa tới các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chi Minh và các tỉnh, thành trong cả nước.

Ở đây còn lưu giữ được những di tích đặc sắc về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Có biết bao chứng tích đầy sức thuyết phục như: Những đoạn tường thành kinh đô xưa, bãi Huyện, đường Kéo Quân, hồ Tắm Voi, đền thờ, lễ hội…mà ở đó, mỗi bậc thềm, then cửa, tiếng cựa mình của cây lá đều là những thông điệp nhắn gửi tới muôn đời sau.

Bạn đang đọc bài viết Đền thờ Hai Bà Trưng (Mê Linh, Hà Nội) - vẻ đẹp của kinh đô xưa!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chân dung được vẽ bằng lụa vụn.
Dự án "Những bức chân dung từ lụa vụn" đã khởi động, mục tiêu là hỗ trợ các nghệ nhân đằng sau các tác phẩm tranh lụa của Vụn Art.
Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất