Thứ sáu, 29/03/2024 19:57 (GMT+7)

Danh nhân Đào Duy Từ và những câu ca dao bất hủ

Phùng Hiệu -  Thứ hai, 25/12/2017 12:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đào Duy Từ (1572-1634) quê Thanh Hóa là người học cao, hiểu rộng, là nhà chính trị quân sự tài ba, nhà thơ, nhà văn hóa có chí khí yêu nước

Trong kho tàng ca dao Việt Nam, ai cũng biết bài ca dao viết theo thể loại song thất lục bát dạng đối đáp: “Trèo lên cây bưởi hái hoa…”. Đó là những câu thơ đối đáp qua lại của Đào Duy Từ và Chúa Trịnh vào đầu thế kỷ 17, gắn liền với nhiều giai thoại, được lưu truyền trong dân gian cho đến ngày nay.

Từ chăn trâu trở thành quân sư
Đào Duy Từ (1572-1634) quê Thanh Hóa là người học cao, hiểu rộng, là nhà chính trị quân sự tài ba, nhà thơ, nhà văn hóa có chí khí yêu nước. Chỉ vì cha làm nghề hát xướng nên Đào Duy Từ không được chính quyền phong kiến của vua Lê chúa Trịnh cho ứng thí để đem tài năng giúp nước. Cũng trong thời gian này, đất nước bị chia cắt thành hai Đàng: Đàng trong thuộc chúa Nguyễn, Đàng ngoài chúa Trịnh. Tuy trên danh nghĩa hai Đàng đều phò vua Lê, nhưng thực chất hai bên đều ngấm ngầm thôn tính lẫn nhau, gây ra cuộc chiến tranh kéo dài gần thế kỷ.

Đền thờ Đào Duy Từ tại Hoài Nhơn Bình Định

Giai thoại kể rằng, cha Duy Từ làm nghề hát xướng. Khi Duy Từ lên 5 tuổi thì mất cha, được mẹ nuôi nấng cho ăn học. Ông thông minh, sáng dạ, học giỏi, nhưng không được thi Hương do luật lệ của chúa Trịnh thời bấy giờ cấm con của kép hát đi thi. Để được ra ứng thí, Duy Từ phải đổi sang họ Vũ của mẹ. Khoa thi Hương năm Quý Tỵ, Duy Từ thi đậu Á Nguyên. Năm sau, lúc Duy Từ đang ở Hội văn trên Thăng Long dự thi thì chuyện đổi họ bị lộ.Quan thái phó Nguyễn Hữu Liêu đang phân vân chấm Duy Từ vì một số bài bàn về cải cách chính trị có hơi trái ý chúa Trịnh Tùng thì Bộ Lễ truyền lệnh xóa tên Vũ Duy Từ, đánh tuột Á Nguyên, lột mũ áo. Nghe tin này, bà Kim Chi,mẹ Từ cắt cổ tự vẫn. Duy Từ vừa hỏng thi vừa mất mẹ nên đau buồn lâm bệnh, nằm lại tại nhà trọ.

Đoan quận công Nguyễn Hoàng bấy giờ đang trấn Thuận Hóa, được vua Lê Thế Tông triệu về Đông Đô bàn việc. Nhân dịp ông đến thăm Duy Từ và có ý mời Từ vào Nam giúp mình nên nhìn bức tranh anh em Lưu Bị đến Long Trung cầu Gia Cát treo trên tường, Nguyễn Hoàng liền ngâm: “Vó ngựa sườn non đá chập chùng/Cầu hiền lặn lội biết bao công". Duy Từ tiếp thơ:"Đem câu phò Hán ra dò ý/Lấy nghĩa tôn Lưu để ướm lòng". Nguyễn Hoàng tiếp:"Lãnh thổ đoán chia ba xứ sở/ Biên thùy vạch sẵn một dòng sông". Duy Từ đóng: “Ví chăng không có lời Nguyên Trực/Thì biết đâu mà đón Ngọa Long".
Bằng những câu thơ trên, Nguyễn Hoàng và Duy Từ rất hiểu ý nhau,nhưng Nguyễn Hoàng không dám đón Duy Từ ngay vì sợ lộ cơ mưu, ông nói với Duy Từ: “Lão phu về trước, xin đắp đàn bái tướng chờ đợi tiên sinh. Năm nay lão phu đã 70 tuổi, nếu có thất lộc cũng xin di ngôn cho con cháu phải đón tiên sinh về dạy bảo”.
Bất mãn với chính quyền của tập đoàn phong kiến Lê-Trịnh Đàng ngoài, Đào Duy Từ bỏ vào Đàng trong, đến tận vùng đất Bình Định xin vào chăn trâu cho một phú hộ giàu có và rất yêu văn chương trọng người tài.

Chuyện kể rằng; Một hôm, khi lùa trâu về nhà, thấy có một số nho sĩ ngồi nói chuyện thơ văn Nho giáo không đâu, ông bèn đến ngồi vắt vẻo bên bàn đá vừa nghe vừa cười ngạo khiến chủ nhân phải quở trách. Rồi một cuộc vấn đáp đầy bất ngờ diễn ra khiến ai nấy đều bàng hoàng, kinh ngạc:
- Phận tôi tớ, chăn trâu sao dám đứng nghe lời cao luận của các nho sĩ, danh gia?- một nho sĩ quát.
- Bẩm, có chăn trâu hèn hạ, có chăn trâu anh hùng. Nhà nho, ngoài nho tiểu nhân còn bậc nho quân tử.- Từ trả lời bằng một cách khẳng khái, không hề run sợ trước đám nho sĩ.
- Thế nào nho quân tử? Sao gọi nho tiểu nhân?- một nho sĩ khác hỏi.
- Bẩm, nho quân tử là kẻ học rộng đức dày, tài kinh bang tế thế: Ngoài có thể khiến dân giàu nước mạnh cương thổ mở mang, trong đủ trí tuệ tham mưu giúp minh quân an dân, giữ nước: Ví như Hưng Đạo Vương nhà Trần, Khương Thượng Tử Nha nhà Châu, Khổng Minh thời hậu Hán...Còn tiểu nhân nho là những kẻ học từ chương làm mồi câu danh lợi. Thời thanh bình, vểnh râu tôm tự đắc, ăn trước ngồi trên, gặp vận nước nhiễu nhương thụt đầu rùa, nhu nhược than dài thở ngắn: Ví như bọn Vương Diễn đời Tấn, An Thạch thời Tống đem thơ văn mị thời, lỡm thế.
Nghe Duy Từ nói thế mọi người đều kinh ngạc.
- Còn thế nào là chăn trâu anh hùng khác chăn trâu hèn hạ?
- Bẩm, chăn trâu anh hùng như Đinh Bộ Lĩnh, tài dẹp loạn an dân, như Ninh Thích giúp Hoàn Công thịnh vượng được nước Tề, như Hứa Do đứng bên khe nước chảy, bàn hết lẽ thịnh suy ngoài cuộc thế…

Từ câu chuyện vấn đáp kia, cuộc đời Đào Duy Từ đổi khác. Qua tâu trình lên chúa Nguyễn của quan Khám lý Trần Đức Hoà trong lần về Huế 1627, bài "Ngoạ long cương" của Duy Từ được chính thức biết đến. Anh hùng tương ngộ được anh hùng. Chúa hiền, tôi giỏi gặp nhau để bắt đầu chuyển dịch một cơ đồ...

Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên không ngần ngại khi phong tước Hầu, chức Nội Tán quân cơ cho một kẻ chăn trâu, xuất thân từ giai cấp nô tỳ hèn hạ. Với chức vị ấy, Đào Duy Từ nghiễm nhiên trở thành quân sư, người cố vấn tối cao cho chúa Nguyễn.

Bằng tài năng mưu lược hiếm có, Đào Duy Từ phò chúa Nguyễn bình định Đàng trong, mở mang bờ cõi về phía Nam đến tận Phú Yên, Khánh Hòa. Về quan hệ với Đàng ngoài, ông tham mưu cho chúa Nguyễn dùng chính sách khéo léo, hòa hoãn với chúa Trịnh để không xảy ra chiến tranh. Tuy nhiên, để phòng chúa Trịnh tấn công, ông cùng chúa Nguyễn lập phương án và kế hoạch phòng thủ lâu dài, dựng nên triều đại cai trịở phương Nam, xây dựng chiến lũy chạy dài từ sông Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu mà dân gian gọi là Lũy Thầy thuộc tỉnh Quảng Bình ngày nay.

Đền thờ Đào Duy Từ tại Hoài Nhơn Bình Định

Ông tổ của nghệ thuật hát tuồng
Thấy được tài năng của Đào Duy Từ, cũng là mối lo cho mình, chúa Trịnh tìm cách chiêu dụ. Thanh Đô Vương Trịnh Tráng bèn bí mật cử người mang lễ vật vào Nam tìm gặp Duy Từ kèm theo phong thư có 4 câu thơ theo thể loại song thất lục bát, bằng lời lẽ xưng hô anh - em đầy ẩn dụ: “Trèo lên cây bưởi hái hoa/ Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân/Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc/Em lấy chồng anh tiếc lắm thay”. Câu cuối ý nói, Đào Duy Từ đã theo phò chúa Nguyễn, chúa Trịnh lấy làm tiếc nuối. Xem thơ xong, Đào Duy Từ “hồi âm” bằng 6 câu thơ có ý ngầm trách sự thờ ơ ngày trước của chúa Trịnh: “Ba đồng một mớ trầu cay/ Sao anh không hỏi những ngày còn không/Bây giờ em đã có chồng/ Như chim vào lồng như cá cắn câu/Cá cắn câu biết đâu mà gỡ/Chim vào lồng biết thuở nào ra…”.
Chúa Trịnh đọc thơ thấy câu cuối có ý chưa dứt khoát, còn bỏ ngõ nên tiếp tục cho người mang thư và lễ vật quý giá hơn vào gặp Duy Từ với mong muốn sẽ lôi kéo được Duy Từ về với mình. Tuy nhiên, lúc này Đào Duy Từ thấy sự qua lại với chúa Trịnh sẽ dễ gây ra sự sinh nghi và hiểu lầm đối với chúa Nguyễn, nên lần này Duy Từ thẳng thừng từ chối bằng hai câu thơ lục bát : “Có lòng xin tạ ơn lòng/ Đừng đi lại nữa kẻo chồng em ghen”.Lần này, thấy Duy Từ không mặn mòi gì với mình, nên chúa Trịnh đành từ bỏ ý định mời Duy Từ.

Sau đó, các khổ thơ này được hợp lại thành bài ca dao bất hủ, được lưu truyền trong dân gian qua nhiều thế kỷ cho đến tận ngày nay.

Riêng về bản thân Đào Duy Từ, sau khi từ chối lời mời của chúa Trịnh, ông đã hết lòng phò tá chúa Nguyễn xây dựng cơ đồ, mở mang bờ cõi phía Nam, đối phó với chúa Trịnh phía Bắc và tiến cử con rể mình là Nguyễn Hữu Tiến về sau là một công thần thần lập nhiều chiến công hiển hách. Ngoài ra, ông còn là một nhà văn hóa lớn, ông sáng tác nhiều tác phẩm văn, thơ, và nhiều ca khúc rất có giá trị, biên đạo một số điệu múa được lưu truyền rộng rãi. Đào Duy Từ cũng là người đầu tiên làm thơ lục bát và là ông tổ của nghệ thuật hát tuồng, nổi tiếng với hai ngâm khúc “Ngọa Long cương vãn” và “Tư Dung vãn”. Ông còn soạn ra bộ sách “Hổ tướng khu cơ” để dạy cho các tướng sĩ và đó cũng là bộ sách nghệ thuật quân sự duy nhất của người Việt Nam còn nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Năm 1634, Đào Duy Từ lâm trọng bệnh rồi mất, thọ 63 tuổi. Chúa Nguyễn vô cùng thương tiếc, cho táng tại Tùng Châu và phong làm "Hiệp đồng mưu đức công thần, đặc tiến Kim tử Vinh Lộc đại phu”. Đến năm thứ 5 đời vua Gia Long thì tùng tự ở Thái Miếu, đến thời vua Minh Mạng truy phong là Hoằng quốc công. Năm 1836, cho sửa sang mộ phần.

Bạn đang đọc bài viết Danh nhân Đào Duy Từ và những câu ca dao bất hủ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.
Bài thơ: Khúc giao mùa tháng Ba
Mộc miên thắp lửa đỏ trời///Lúa chiêm trong nắng xanh ngời chân mây///Giấc mơ lả cánh cò bay///Cố hương ơi! Những mê say cuối chiều.
Bài thơ: Khúc giao mùa
Mùa như gọi nỗi niềm về gõ cửa///Bất chợt thương, bất chợt nhớ một thời///Khi hoa Xuân dịu sắc trắng chơi vơi///Quyện hương bưởi, hương chanh bay lặng lẽ.
Bài thơ: Gái quê...
Không còn chân lấm tay bùn///Gái quê giờ cũng "ai phôn" cả rồi///Tự phong "Hoa hậu", "Hoa khôi"///Quần đen, nón lá... em tôi chẳng cần

Tin mới