Thứ ba, 16/04/2024 11:09 (GMT+7)

Bạn trẻ TP.HCM chia sẻ tình yêu gia đình từ trang sách

MTĐT -  Chủ nhật, 26/08/2018 20:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhân mùa Vu Lan 2018, Sống – Thương hiệu sách tác giả Việt của Alphabook đã tổ chức trà đàm: “Bạn đã bao giờ hôn bố mẹ chưa?” song song tại hai đầu cầu Hà Nội và TP.HCM với sự dẫn dắt của các nhà sư.

Buổi trà đàm thu hút nhiều bạn trẻ đến tham dự, cùng chia sẻ về những cảm xúc về công ơn cha mẹ, tấm lòng hiếu nghĩa của con cái trong những ngày Vu Lan…

Tại sự kiện TP.HCM, các bạn trẻ giao lưu với nhà văn Võ Thu Hương – tác giả của cuốn sách “Bạn đã bao giờ hôn bố mẹ chưa?”. Nội dung cuốn sách cũng xoay quanh chủ đề của đêm trà đàm. Chia sẻ tại sự kiện này, nhà văn Võ Thu Hương cho rằng: “Đây là một hoạt động rất có ý nghĩa vì trong cuộc sống bộn bề này, rất cần những giây phút lắng đọng để chúng ta lắng nghe lại chính mình, để thấu hiểu những công ơn cha mẹ và học cách yêu thương cha mẹ mình nhiều hơn nữa. Đặc biệt hơn, trong lễ Vu Lan, được xem là đại lễ báo hiếu của người Việt, thì hoạt động này sẽ giúp nhiều bạn trẻ hiểu hơn về sự quan trọng của gia đình, hiếu kính với mẹ cha”.

Buổi trà đàm "Bạn đã bao giờ hôn bố mẹ chưa?".

Đại Đức Thích Hạnh Tuệ chia sẻ: Cuốn sách Bạn đã bao giờ hôn bố mẹ chưa? của Võ Thu Hương viết về những điều bình dị nhưng chạm vào cảm xúc vì đó là những câu chuyện về tình cảm thiêng liêng, yêu mến giữa bố, mẹ, con cái. Sách cũng giúp các bạn độc giả trẻ có dịp ngẫm lại mình, về cách mình phải làm thế nào để gần gũi hơn, sẻ chia nhiều hơn cùng cha mẹ.

Theo Võ Thu Hương, tình yêu là một hành trình dài vô tận. Cha mẹ yêu thương ta, con người sống trong tình yêu thương rồi sẽ biết yêu thương người khác. Cứ thế nối dài vô tận từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đâu chỉ có người lớn dạy con trẻ biết yêu thương, đôi khi người lớn cũng được những bài học thương yêu ngọt ngào từ lũ nhóc và cũng mong chờ tình yêu thương của lũ nhóc.

Tại buổi tọa đàm, nhiều người cũng giãi bày băn khoăn, làm sao để thể hiện tình yêu với cha mẹ, làm sao để bớt khoảng cách thế hệ, làm sao để thấu hiểu tâm lý người lớn tuổi... Một số bạn trẻ đã đặt câu hỏi, con cái yêu thương, hiếu thảo với bố mẹ nhưng yêu cầu của cuộc sống, tình yêu thương liệu chăng cần phải có tiền bạc, có sự thành công... Có ý kiến thẳng thắn đặt ra phải chăng mình học giỏi, kiếm được nhiều tiền, mình thành công trong sự nghiệp cũng là một cách yêu thương, cũng là một cách báo hiếu.

Chị Mai Chi xúc động trong đêm trà đàm: Vẫn nhớ y nguyên cái cảm giác ngày phát hiện Mẹ bị bệnh nan y. Lúc đó mình vẫn còn tuổi teen, cảm xúc của một đứa trẻ lờ mờ suy nghĩ một ngày nào đó không xa mình sẽ mất mẹ thật rối bời,hoang mang. Mẹ phải ăn kiêng, ngủ riêng và tránh tiếp xúc với đàn con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Ngày này qua tháng khác, rồi thời gian tính đến 5 năm, 10 năm.... cả nhà cùng mẹ chống chọi với bệnh tật, còn mình...... rất rất nhiều lần đấu tranh nội tâm để làm duy nhất một việc..... được ôm mẹ vào lòng như một đứa trẻ, mình biết mẹ rất cần và mình cũng rất cần, nhưng không thể làm nổi, bởi đơn giản, mình và mẹ không học làm việc đó khi cùng có mặt ở trên đời..... Hơn 20 năm ở cạnh chăm sóc mẹ, số lần ôm mẹ như vậy chưa đủ 10 đầu ngón tay. Chỉ những lúc nào mẹ đã rất mệt, cân kề ngưỡng tử, mình nhào vào ôm mẹ để giữ mãi bên mình với đôi dòng nước mắt, khi bản năng kết nối trỗi dậy, mình mới có thể làm việc này một cách tự nhiên nhất.

Cuốn sách: Bạn đã bao giờ hôn bố mẹ chưa?

Mẹ đã dạy mình rất "nghiêm khắc" từ lời ăn, tiếng nói, bước đi, cách đối nhân xử thế.... nhưng Mẹ không dạy mình về những cái ôm. Những cái ôm không ở trong văn hóa Việt nhưng nó rất cần, đặc biệt với các cú sốc tâm lý. Chính vì vậy, ngay khi bắt đầu có con, mình đã có ý thức thay đổi văn hóa trong gia đình nhỏ của chính mình, có lẽ từ nỗi khát khao từ bên trong đối với Mẹ.

Trong xã hội nhiều cảm dỗ, nhiều nguy cơ và cái gì cũng dễ dàng này, các dịch vụ tâm lý chưa phát triển, cha mẹ cần dành thời gian và nỗ lực rất nhiều để học lối dạy con "từ nghiêm", học cách ôm là giải pháp để tự chữa lành đứa trẻ bên trong mình”.

Đi tàu từ Nha Trang vào TP.HCM để tham gia trà đàm, cô giáo Nguyễn Thu Thủy rơi nước mắt khi nói: Tôi đọc Bạn đã bao giờ ôm bố mẹ chưa? của Hương và nhớ lại câu chuyện của chính mình. Ngày đó, cha tôi bệnh trọng. Những ngày cuối đời của cha ở bệnh viện. Tôi day dứt vô cùng.gia đình neo người, kinh tế khó khăn và con nhỏ...tôi cứ loay hoay,tất bật.mang cơm lên ngồi ăn cùng bố rồi lại về đi dạy thêm. Lúc đó tôi thấy mình đã cố gắng.lúc đó tôi vẫn nghĩ bố chưa đi.tôi nghĩ mình quán xuyến được mọi việc.

2h sáng bố tôi chìm vào hôn mê. Tôi không ở bên bố vì nhà có cháu nhỏ, chỉ có mẹ và em trai trên bệnh viện. Lòng dạ bồn chồn. 4h30 bố tôi đi, tôi như chết điếng. Khi tôi lên đến nơi,cái giường bố vẫn nằm chỉ còn một màu trắng toát, đôi dép của bố dưới nền nhà, chai nước, cái khăn mặt... tất cả lặng im đến lạnh người.bố tôi đâu? Tôi quỳ xuống khóc đau đớn. Tôi mất bố thật rồi ư? Bố tôi bay lên trời ư? Lúc đó, điều duy nhất tôi hối hận là đã không ôm bố và hôn bố. Giờ bố là thinh không, tôi ôm thế nào? Tôi gọi bố đến bao giờ thì bố hiện diện trước mặt tôi,để tôi ôm tấm lưng gầy của bố? Tôi mất bố thật rồi... bạn ạ! Cuộc đời vô thường, cha mẹ không sống đời cùng bạn, không sống đủ dài để chúng ta ân hận và ôm hôn bố mẹ một lần. Ngay cả chính mình,ta cũng đâu có biết trước ngày mai. Vậy, hãy hôn bố mẹ khi người còn bên ta và ta còn có thể.khi cha mẹ hoá vào thinh không ta sẽ nhẹ nhàng xem như mẹ cha từ cõi tạm, hẹn gặp cha ở một nhân duyên kiếp luân hồi.

Về cuốn sách: Bạn đã bao giờ hôn bố mẹ chưa?

“Như là những hạt mưa xuân li ti lẫn vào mây xám, nhưng làm cho cỏ cây đâm chồi nảy lộc. Như là những ngôi sao li ti trong đêm mây mù mịt, nhưng gợi nhớ về cõi ánh sáng  vẫn thường hằng. Có những yêu thương li ti, nở hoa, rụng xuống, rồi lại nở hoa... bất tận, gọi con người về cội nguồn của lòng mình. Đó chính là tình yêu trong vòng tròn gia đình gắn kết bố mẹ, con cái, ông bà. Tạp văn “Bạn đã bao giờ hôn bố mẹ chưa” của nhà văn Võ Thu Hương chính là những giọt mưa hoa như thế, nhẹ nhàng, tỉ mỉ, nói về những yêu thương thật gần gũi mà cũng thật xa vời. Gần vì vẫn đâu đó ngay bên cạnh ta thôi, và xa vì nhiều khi ta quên đi trong cuộc rượt đuổi những giấc mơ hào nhoáng và phù phiếm giữa cõi đời ngắn ngủi mà bề bộn.

Bằng giọng văn trong sáng, phảng phất nét u hoài, nữ tác giả kể cho ta nghe những tình yêu tin gia đình mà chị đã nhìn thấy, đã nghe thấy, đã cảm thấy, đã cầm trên tay, đã ôm vào tim, đã xao xuyến và rơi lệ”... (Trích lời tựa - Đinh Hoàng Anh)

Bạn đang đọc bài viết Bạn trẻ TP.HCM chia sẻ tình yêu gia đình từ trang sách. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Tháng Tư...
Sao trời nỡ đem mưa về phố vắng//Để tháng Tư ướt đẫm những cung đường//Chân trần bước... đếm ngày trôi thầm lặng//Rẽ lối nào... sẽ gặp lại người thương?! 
Bài thơ: Năm tháng sau
Đừng nặng lòng đắng cay về chuyện cũ///Tha thứ người đã làm em tổn thương//Đôi mắt buồn... thôi nhé - đừng lệ vương///Ru bản thân bằng những điều êm dịu. 

Tin mới

Miền Đông Tây Ban Nha cháy rừng dữ dội
Ngày 15/4, giới chức Tây Ban Nha cho biết trong điều kiện nhiệt độ cao bất thường, một trận cháy rừng đã thiêu trụi 500 ha đất tại miền Đông nước này và buộc 180 người phải sơ tán.
Bài thơ: Tháng Tư...
Sao trời nỡ đem mưa về phố vắng//Để tháng Tư ướt đẫm những cung đường//Chân trần bước... đếm ngày trôi thầm lặng//Rẽ lối nào... sẽ gặp lại người thương?!