Thứ sáu, 29/03/2024 21:28 (GMT+7)

Bắc Giang –Vùng đất địa linh nhân kiệt

MTĐT -  Thứ ba, 05/12/2017 17:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nằm ở khu vực phía Đông Bắc của tổ quốc, Bắc Giang là vùng đất cổ có gắn bó mật thiết với các vùng miền xuôi ngược trong cả nước.

Với vị trí địa lý tiếp giáp khu vực cửa ngõ thủ đô, nơi có con đường thiên lý (Quốc lộc 1A) nối Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội với miền biên ải Lạng Sơn. Đồng thời, trong khu vực này có những dải núi cao chót vót cùng nhiều sông ngòi bao quanh, phong cảnh đẹp của một vùng thượng du Bắc Giang đã khiến cho mạch đất tốt tụ vào

đấy để có nhiều dấu tích linh thiêng; nên trong sự nghiệp “dựng nước và giữ nước” hàng nghìn năm qua của dân tộc ta, vùng đất Bắc Giang địa linh đã sinh thành nhiều nhân kiệt, cống hiến trọn đời trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trên mọi lĩnh vực như: kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục, ngoại giao, quân sự …

Khu di tích Khởi nghĩa Yên Thế, nơi đây là một trong những đại bản doanh của nghĩa quân Yên Thế dưới sự lãnh đạo của người hùng áo vải Hoàng Hoa Thám. Ảnh TL.

Cùng với những nhân tài ấy, người dân Bắc Giang đã cùng nhau tạo dựng một hệ thống các di sản văn hóa phong phú đa dạng, thể hiện trong những di tích cổ kính nổi tiếng mang nhiều giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật như: Chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, đình Lỗ Hạnh, đình Phù Lão, đình, chùa Thổ Hà, đền Y Sơn, hệ thống di tích liên quan tới cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế… Gắn liền với những di tích ấy là những lễ hội dân gian truyền thống đặc sắc như: hội chùa Vĩnh Nghiêm, hội chùa Bổ Đà, hội Xương Giang, hội Yên Thế, hội đền Suối Mỡ, hội đình Vồng ... cùng các phong tục đẹp, các nàn điệu dân ca say đắm lòng người. Tất cả đã tạo dựng nên bản sắc văn hóa, non sông gấm vóc và cuộc sống yên bình, thịnh vượng cho quê hương, đất nước Việt Nam.

Ngay từ thuở bình minh lịch sử, thời Hùng Vương, vùng đất Bắc Giang địa linh đã sinh ra nhiều nhân kiệt là vị tướng tài có công dẹp giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước. Theo nội dung tấm bia “Thánh tích bi ký” dựng tại thôn Tiên Lát (xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên) dựng năm Tự Đức thứ 8 (1855) thì mở đầu trang sử chống xâm lăng của nhân dân Bắc Giang là chiến công của Thạch tướng quân ở thời Hùng TạoVương (Hùng Vương thứ 16). Lúc ấy, giặc Man do Lục Đinh cầm đầu kéo vào tán phá nhà nước Văn Lang, Hùng Tạo Vương phải xuống chiếu cầu người hiền tài cầm quân cứu nước. Tin ấy truyền đến trang Tiên Lát bên bờ sông Cầu và chàng trai Thạch Linh đã hăm hở lên đường đánh giặc. Khi Lục Đinh và sĩ tốt bị đánh tan, chàng về Tiên Lát phóng voi lên núi Phượng rồi hóa. Hùng Tạo Vương vô cùng thương xót, cho lập đền thờ, đổi trang Tiên Lát thành hương Trung Nghĩa. Ngày nay, tại địa phương Tiên Lát vẫn còn bảo lưu khu di tích Ao Miếu là nơi tôn thờ tưởng nhớ đến Thạch Linh Thần tướng, khu di tích đã được đưa vào danh mục xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt nằm trong Khu di tích chùa Bổ Đà năm 2016.

Thời Bắc thuộc, nhà Hán xâm lược nước ta thiết lập chế độ thống trị, áp bức, bóc lột tàn bạo, thậm chí còn muốn “đồng hoá” dân tộc ta. Không chịu nổi ách thống trị của chúng, từ vùng núi Mê Linh, Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa tiến đánh Thái thú Tô Định ở trị sở thành Luy Lâu. Hưởng ứng cuộc khởi nghĩa, hàng loạt các danh tướng người Bắc Giang đã chiêu mộ quân sĩ, tập kết lương thảo, chuẩn bị vũ khí và đã hội quân với Hai Bà Trưng đánh tan quân xâm lược giải phóng non sông khỏi ách áp bức bóc lột. Đó là vị Thánh Thiên Công chúa ở làng Ngọc Lâm (Tân Mỹ, thành phố Bắc Giang). Bà vốn dòng Lạc tướng đã sớm tập hợp trai tráng, xây dựng kho tàng, chiến lũy gia nhập vào phong trào. Tiếp đến là Ba anh Diên Hồng Linh Giang, Linh Quang quê ở Hương Lâm (Đông Lâm, Hiệp Hòa) cũng đem lực lượng của mình tiến đánh Tây Vu. Trên đất Lạng Giang, hai tướng Đô Thiên, Minh Quang nổi lên trên đất Hương Sơn.

Ở Tân Yên, nổi lên nữ tướng Dương Thị Giã (Nàng Giã Đại Thần) đã chiêu tập dân binh cùng với Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa. Chỉ trong một thời khắc ngắn ngủi, cuộc khởi nghĩa Mê Linh đã giành được thắng lợi vang dội, khiến cho Tô Định không kịp trở tay, vội vã cạo đầu và cải trang thành dân thường chạy về Trung Quốc. Thánh Thiên, Linh Giang, Linh Quang, Đô Thiên, Minh Quang, Nàng Giã Đại Thần đã cùng với đại quân Trưng Trắc-Trưng Nhị giải phóng Luy Lâu và 65 thành trì, thu lại giang sơn đất nước tạo nên chiến tích một thời. Bản anh hùng ca về những tấm gương anh dũng vô song của các danh tướng Bắc Giang ngàn năm còn ngời sáng.

Công viên Hoàng Hoa Thám, TP Bắc Giang nhìn từ trên cao. Ảnh: TL.

Trải ngàn năm Bắc thuộc, sau bao thế hệ vùng dậy đấu tranh, từ cuối thế kỷ X đất nước Đại Việt hồ hởi bước vào kỷ nguyên độc lập dài lâu. Dưới thời Lý, vùng đất Bắc Giang trở thành phên dậu cho khu vực đồng bằng-trung du Đại Việt, do các tù trưởng cai quản. Trong đó, nổi lên Phò mã Thân Thiệu Thái- chồng công chúa Bình Dương và Thân Cảnh Nguyên-chồng công chúa Thiên Thành được vua Lý Thánh Tông giao nhiệm vụ giữ gìn biên cương. Nhận được trọng trách, Thân Thiệu Thái đã đem lực lượng của mình trừng trị lũ giặc gây rối ở biên thùy phía Bắc đem lại cuộc sống yên bình cho nhân dân.

Đối với sự quấy rối của giặc Chiêm Thành, nhân dân Bắc Giang cũng có đóng góp to lớn, tiêu biểu có Đại tướng quân Lều Văn Minh ở khu vực Thọ Xương (tục gọi làng Thương), nay thuộc thành phố Bắc Giang. Ông đã có công kết tập nhân dân dẹp giặc Chiêm Thành đem lại thái bình thịnh trị cho đất nước. Sau khi thắng lợi, Lều Văn Minh được phong làm Đô Thống Đại tướng quân.

Thời Lý - Trần, ở khu vực Giáp Động, tức vùng núi sông bao quanh dòng sông Lục Nam đã là một trung tâm kinh tế, chính trị thể hiện sức sống mãnh liệt của Đại Việt trước mưu đồ thống trị trở lại của nhà Đại Tống. Các Phò mã họ Giáp, họ Thân thông qua sự ràng buộc ky mi - đồng minh hôn nhân là những nhân vật kiên cường trước các đạo quân xâm lược cũng như trở thành những vị thủ lĩnh có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế, văn hóa và giáo dục ở địa phương. Tiêu biểu có phò mã Thân Cảnh Phúc cũng đã lập được rất nhiều kỳ công. Ông đã cùng các tù trưởng Sùng Khánh Tân, Nùng Thuận Linh, Hoàng Kim Mãn, Vi Thủ An đem, quân binh tập kích vào hậu cứ địch, khiến chúng bị tiêu hao sinh lực, đêm ngày nơm nớp lo sợ. Nhiều sử sách của nhà Tống phải thừa nhận đây là những đội quân gan dạ, chiến đấu linh hoạt. Chính vì thế, trên vùng đất ven bờ sông Lục (Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Dũng ngày nay) có nhiều dấu tích các ngôi chùa cổ từ thời Lý như: chùa Cao; chùa Nhạn Tháp, chùa Tòng Lệnh (Lục Nam), chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng).

Đặc biệt hơn, dưới triều Trần, nhất là khi đức vua Trần Nhân Tông rời bỏ ngai vàng lên núi Yên Tử tu hành và sáng lập ra Phật phái Trúc Lâm Yên Tử thì cả miền đất ven đôi bờ sông Lục Nam và các làng xã heo hút dưới sườn Tây Yên Tử (địa phận Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động ngày nay) trở thành vệ tinh của kinh đô Phật giáo Yên Tử. Chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Hang Tràm, chùa Sơn Tháp, chùa Mã Yên, chùa Am Vãi, chùa Hồ Bấc, chùa Khám Lạng… đã trở thành nơi hành đạo thuyết pháp cho các vị cao tăng trong đương thời. Họ chính là những người thầy đảm nhận việc dạy chữ Hán kết hợp với việc truyền bá giáo lý kinh điển nhà Phật và tư tưởng Nho giáo cho sĩ tử đương thời. Và có lẽ vì thế, các vị nho sinh, sĩ tử trên quê hương Bắc Giang đã được rèn luyện, trau dồi tri thức để từ đó vùng đất Bắc Giang đã trở nên nổi tiếng với truyền thống khoa bảng. Tiêu biểu có Nguyễn Viết Chất- người đầu tiên khai khoa cho nền khoa cử Bắc Giang. Ông là người xã Phượng Nhỡn, huyện Phượng Sơn (nay thuộc xã Trí Yên, huyện Yên Dũng), thi đỗ Đệ nhất giáp khoa thị Mậu Thân (1088). Tiếp đến có Quách Nhẫn đỗ Thám hoa khoa thi Ất Hợi, niên hiệu Bảo Phù (1275); Đào Toàn Mân, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ khoa thi Thái học sinh năm Nhâm Thìn, niên hiệu Thiệu Phong (1352). Đào Sư Tích-con trai Đào Toàn Mân người Song Khê, TP Bắc Giang, đỗ Trạng nguyên khoa thi Giáp Dần niên hiệu Long Khánh (1374) ) làm quan đến chức Nhập nội hành khiển và làng Trâu Lỗ (Hiệp Hòa) với Đoàn Xuân Lôi, đỗ Trạng nguyên khoa Giáp Tý, niên hiệu Xương Phù 8 (1384) đời Trần Phế Đế, làm quan đến chức Trung thư hoàng môn thị lang kiêm Thông phán Ái Châu.

Diện mạo đô thị Bắc Giang đổi thay từng ngày. Ảnh: TL.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi - Nguyễn Trãi, tại Bắc Giang, đã diễn ra nhiều trận đánh của quân và dân ta với quân Minh, trong đó có cuộc đụng đầu lịch sử 20 ngày đêm (từ 15/10 đến 3-11- 1427) quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn 9 vạn viện binh địch ở Cần Trạm, Hố Cát, Xương Giang. Thắng lợi đó là chiến công rực rỡ nhất trong cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta đầu thế kỷ XV, góp phần cùng quân dân cả nước chấm dứt 20 năm đô hộ tàn bạo của nhà Minh, mở ra những trang sử mới trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Sang đến thời Lê sơ (thế kỷ XV), truyền thống khoa bảng của Bắc Giang bắt đầu nở rộ với rất nhiều các danh nhân Hán học quanh lưu vực sông Thương, sông Cầu, trong đó tập trung ở các huyện như: Yên Dũng, Việt Yên, Hiệp Hòa. Tiêu biểu nhất phải kể đến Thân Nhân Trung người làng Yên Ninh đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu (1469) là danh sĩ nổi tiếng được vua Lê Thánh Tông đánh giá cao về tài đức và được người đương thời tôn vinh là bậc “Danh nho trùm đời”, làm quan dưới triều Lê Thánh Tông đến chức Đông các đại học sĩ kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu, Lại bộ thượng thư, Nhập nội phụ chính, là Phó nguyên soái Hội Tao Đàn (vua Lê Thánh Tông là nguyên soái). Thân Nhân Trung là người đề cao tư tưởng “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mẽ, nguyên khí suy thì thế nước yếu kém”, câu này được khắc trên tấm bia thứ nhất khoa thi Tiến sĩ năm Nhâm Tuất (1442) dựng năm 1484, tại Văn Miếu (Hà Nội).

Đến thời Mạc có trạng nguyên Giáp Hải (1507-1586) người Dĩnh Kế (trước đây thuộc Lạng Giang nay thuộc thành phố Bắc Giang), đỗ Trạng nguyên năm 1538, làm quan đến lúc Lại bộ thượng thư, tước Sách quận công. Khi làm quan, Giáp Hải là một vị quan chính trực, thanh liêm, được nhà vua sủng ái tin dùng, các bạn đồng triều kính phục. Thời gian làm quan của ông trước sau 5 lần giữ chức Thượng thư, ba lần giữ chức đài ấn, được phong tước Thái bảo Sách quận công. Ông về nghỉ hưu không được bao lâu thì mất tại quê hương làng Dĩnh Kế, thọ 70 tuổi. Mộ ông được đặt tại núi Kế, dân quen gọi là núi ông Trạng.Các dấu vết về giếng ông Trạng, chân ông Trạng, miếu ông Trạng vẫn còn mãi đến sau này.

Thời Lê Trung Hưng có Trần Đăng Tuyển (1614-1673), người làng Hoàng Mai (Việt Yên) đỗ tiến sĩ khoa Canh Thìn (1640), làm đến tể tướng. Ngoài những danh sĩ nổi tiếng trên đây, Bắc Giang còn có 3 người đỗ Thám hoa, nhiều Thượng thư, nhiều người được cử đi sứ đều đem lại vị thế cho đất nước.

Đến thời Nguyễn, bên cạnh truyền thống khoa cử, ở Bắc Giang cũng xuất hiện nhiều vị tướng tài, chiêu tập binh lính chống lại sự xâm lược của kẻ thù, tiêu biểu có các vị như Giáp Văn Trận, Giáp Văn Tường (Tân Yên) nổi lên chống lại bọn quan lại cường quyền hại dân hại nước. Trong thời ấy vùng Yên Thế trở thành mảnh đất dụng võ của những ông Đề, ông Đốc, ông Lành, ông Cai là những anh kiệt của các làng xã trong vùng đứng lên dấy nghĩa chống lại thực dân Pháp xâm lược và bẽ lũ tay sai. Trong số các ông Đề, ông Đốc… ấy, tiêu biểu nhất là người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám (tức Đề Thám với tinh thần khởi nghĩa đời đời bất diệt. Hình ảnh người anh hùng Hoàng Hoa Thám đem cả cuộc đời vì nước vì dân của đã được ghi chép trong những trang sử vẻ vang, chói lọi.

Như vậy trải qua ngàn năm văn hiến, Bắc Giang một vùng đất “địa linh nhân kiệt” đã sinh ra những danh nhân nổi tiếng từng là “rường cột” của các triều đại, của quốc gia và đã làm rạng danh những trang sử vàng của quê hương, đất nước. Ngoài những danh nhân trên, Bắc Giang còn có rất nhiều người đỗ Trạng nguyên, Thám hoa, Bảng nhãn, nhiều người được cử đi sứ đều đem lại vị thế cho đất nước như: Vũ Cẩn, Hoàng Công Phụ, Thân Công Tài, Thân Toàn, Thân Hành… . Đặc biệt, ở Bắc Giang đã có nhiều làng quê được vinh danh là “Văn vật danh hương”, “Văn vật sở đô” như làng tiến sỹ Yên Ninh (huyện Việt Yên), làng Song Khê (thành phố Bắc Giang), làng Quận công Đông Lỗ, làng Quận công - Tiến sỹ Thái Thọ (huyện Hiệp Hòa)… Phát huy truyền thống khoa bảng của ông cha, ngày nay Bắc Giang có hàng chục giáo sư, hàng trăm tiến sĩ, hàng vạn người có trình độ đại học và trên đại học có nhiều cống hiến cho sự nghiệp văn hóa, giáo dục, khoa học của đất nước đã làm rạng rỡ, tô thắm thêm truyền thống văn hiến của quê hương miền thượng xứ Kinh Bắc.

 Trong suốt chiều dài lịch sử, người dân Bắc Giang luôn thể hiện sự tài hoa, cần cù vượt muôn ngàn gian khó xây dựng cuộc sống ổn định, phát triển.Vì vậy, bên cạnh những bậc danh nhân khoa bảng, công thần tài cao đức trọng, còn là những người nông dân ở các làng xã mà vốn hiền lành, chất phát, chịu thương, chịu khó và tài hoa. Từ lâu đời, ngoài nghề nông trồng lúa nước, người dân còn làm thêm nhiều nghề phụ và đã có những làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng như: Gốm Thổ Hà, mây tre đan Tăng Tiến, rượu làng Vân, rèn sắt Đức Thắng, bún Đa Mai, bánh đa Kế, mỳ Chũ…. Nổi tiếng hơn vẫn là làng nghề Mây tre đan Phúc Tằng, Tăng Tiến và Gốm Thổ Hà với những sản phẩm không những mang giá trị thực dụng cao, mà còn mang tính nghệ thuật độc đáo, mang đậm hồn dân tộc, được mọi miền ưa chuộng và có thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Truyền thống văn hóa của nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, là kết quả giao lưu và hội tụ với văn hóa của nhiều dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Truyền thống văn hóa của nhân dân Bắc Giang không ngừng phát huy, phát triển, kết tinh sâu đậm trong tâm hồn, khí phách của mỗi người dân Bắc Giang.

Tự hào về truyền thống văn hóa, truyền thống khoa bảng nổi tiếng của quê hương, đất nước, những người con ưu tú, những nhân tài của vùng đất Bắc Giang đã và đang ra sức quyết tâm xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc tiếp tục viết lên những trang sử chói ngời trong diễn trình xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam sánh ngàn với bạn bè quốc tế./.

Nguyễn Sĩ Cầm

Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Giang

Nguồn: Kỷ Yếu Hội thảo khoa học “Truyền thống khoa bảng tỉnh Bắc Giang.

Bạn đang đọc bài viết Bắc Giang –Vùng đất địa linh nhân kiệt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.
Bài thơ: Khúc giao mùa tháng Ba
Mộc miên thắp lửa đỏ trời///Lúa chiêm trong nắng xanh ngời chân mây///Giấc mơ lả cánh cò bay///Cố hương ơi! Những mê say cuối chiều.
Bài thơ: Khúc giao mùa
Mùa như gọi nỗi niềm về gõ cửa///Bất chợt thương, bất chợt nhớ một thời///Khi hoa Xuân dịu sắc trắng chơi vơi///Quyện hương bưởi, hương chanh bay lặng lẽ.
Bài thơ: Gái quê...
Không còn chân lấm tay bùn///Gái quê giờ cũng "ai phôn" cả rồi///Tự phong "Hoa hậu", "Hoa khôi"///Quần đen, nón lá... em tôi chẳng cần

Tin mới