Thứ sáu, 29/03/2024 21:12 (GMT+7)

VAECO HAN: Đánh thức giấc mơ thoát nghèo...

Tiêu Diệp -  Thứ tư, 02/10/2019 10:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

“Đây là công trình vệ sinh đầu tiên cũng là nhà vệ sinh đàng hoàng nhất chúng tôi có được từ khi thành lập 7 điểm trường đến nay”, Thầy Hoàng Văn Liêm – Phó hiệu trưởng trường tiểu học Lương Thông nói

7/7 điểm trường không có nhà vệ sinh

Gắn bó với nghề giáo hơn 25 năm, trong đó có 14 năm làm công tác quản lý, đồng hành cùng hàng trăm lứa học trò vùng cao, thầy Hoàng Văn Liêm – Phó hiệu trưởng trường tiểu học Lương Thông, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng không giấu nổi xúc động khi đoàn thiện nguyện VAECO HAN vượt đèo, băng dốc, quyết tâm xây dựng công trình vệ sinh thiện nguyện cho điểm trường tiểu học Phục Quốc.

Điểm trường Phục Quốc được thành lập từ năm 2002, là một trong 7 điểm trường thuộc trường Tiểu học Lương Thông. Do địa hình núi đá hiểm trở, nằm chênh vênh trên dốc núi, lại cách đường lớn khoảng 5km đi bộ nên việc đến trường của các em học sinh vô cùng khó khăn. 

Công trình vệ sinh thiện nguyện do VAECO HAN tài trợ chính thức đưa vào sử dụng ngày 28/9/2019

Năm 2015 điểm trường mới được nhà nước đầu tư xây dựng bê tông kiên cố với tổng số 5 lớp học. Năm 2018 con đường lởm chởm đá tai mèo mới chính thức thông tuyến. Đến nay, 7 điểm trường có tổng số 305 học sinh, tính riêng Phục Quốc có 56 em.

Song, bất cập ở chỗ 7/7 điểm trường thuộc trường Tiểu học Lương Thông đều không có công trình vệ sinh khép kín. Theo chương trình kiên cố hóa nhà nước chỉ xây dựng cho lớp học, còn nhà vệ sinh thì các điểm trường buộc phải tự túc về kinh phí. 

Bằng việc làm thiết thực, hiệu quả VAECO HAN nuôi dưỡng và đánh thức giấc mơ thoát nghèo thầy trò điểm trường Phục Quốc

 “Từ năm 2002 đến nay, bất kể mùa nắng hay mưa, cả thầy cả trò đi vệ sinh ngoài bãi ngô hết. Thậm chí chúng tôi phải “đào hố” đi tạm, sau này đỡ hơn mới “quây bạt” xung quanh để làm nhà vệ sinh dùng chung. Mùa mưa có nước để dùng nhưng cứ đến mùa khô chúng tôi phải gánh nước cách vài km mang về. Mong muốn duy nhất là có một nhà vệ sinh để cho thầy trò đỡ khổ”, thầy Hoàng Văn Liêm cho hay.

Người đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi Đông Bắc quen với cảnh sinh sống tự do nên vấn đề vệ sinh không mấy ai quan tâm và ít được nhắc đến. Hiện ở các thôn bản của đồng bào dân tộc thiểu số đa phần không xây dựng nhà tiêu, hoặc có xây dựng nhưng không hợp vệ sinh nên việc ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Chính thói quen phóng uế bừa bãi, thiếu kiến thức dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường hô hấp… Đặc biệt là trẻ em thường bị trướng bụng, còi cọc, trường hợp nguy hiểm có thể dẫn đển tử vong.

“Đây là công trình vệ sinh đầu tiên và cũng là nhà vệ sinh đàng hoàng nhất chúng tôi có được từ khi thành lập 7 điểm trường đến nay. Giờ thì không phải nơm nớp lo nắng mưa, hôi thối nữa rồi”, Thầy Hoàng Văn Liêm – Phó hiệu trưởng trường tiểu học Lương Thông xúc động nói.

Phía bên kia núi là giấc mơ thoát nghèo

Qua công tác tìm hiểu, tiền trạm kỹ càng, nhóm thiện nguyện VAECO HAN (thuộc Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay Việt Nam) đã nhanh chóng kêu gọi, lên ý tưởng bán hàng ăn sáng, vận động toàn thể tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên trong công ty quyên góp ủng hộ bà con.

Những món quà thiết thực như sách vở, cặp lồng, quần áo... được VAECO HAN trao tận tay đến thầy cô và các em học sinh tại điểm trường Phục Quốc. Ảnh: Ngọc Anh - Phúc Trần

 Được biết, để xây lắp công trình vệ sinh khép kín bao gồm: 01 nhà tắm, 02 phòng vệ sinh riêng, 01 phòng vệ sinh chung sạch sẽ như hiện tại cũng có sự góp sức tích cực từ bà con nhân dân trong bản từ khâu vận chuyển vật liệu xây dựng đến khâu xây lắp hoàn thiện.

“Chứng kiến tận mắt nhà vệ sinh quây bạt tạm bợ của thầy và trò tại điểm trường Phục Quốc, VAECO HAN càng có động lực kêu gọi tập thể cán bộ, CNV trong công ty quyết tâm xây cho các em học sinh một Nhà vệ sinh tử tế”, anh Trần Ngọc Anh – trưởng nhóm thiện nguyện VAECO HAN nói.

Ngày 28-29/09, VAECO HAN chính thức khởi hành đến điểm trường Phục Quốc. Mất gần 8 tiếng di chuyển, vượt qua hơn 300 km đoàn mới có mặt tại thôn Cằn Thông, xã Lương Thông. Song để vận chuyển đồ đạc lên đến Phục Quốc buộc đoàn phải gỡ hàng chất lên xe máy hoặc đi bộ men theo con đường độc địa bám vào vách núi.

Nói là rải nhựa, nhưng để vượt qua con đường này giống như việc người điều khiển xe phải lắp thêm 2 quả tim. Đường sâu hun hút, chiều rộng của đường vừa đủ một xe máy di chuyển, có đoạn chênh chao giữa vực, có đoạn lên cao nhìn xuống lớp đá tai mèo nhọn hoắt, đoạn đá dăm cắm vào bánh xe nghe răng rắc, chưa kể nhiều khúc cua dựng ngược thách thức cả những tay lái bản địa.

Có đi mới thấy, có trải mới hay được nỗi cơ cực của bà con vùng núi Đông Bắc. Vào sát biên giới hẻo lánh này chúng tôi mới thấy hành trình đi tìm con chữ, cõng chữ về bản của bà con dân tộc sao mơ hồ, mong manh quá đỗi! 

Không thể di chuyển bằng oto đoàn bốc gỡ, vận chuyển toàn bộ đồ đạc quyên góp bằng xe máy băng qua con đường độc đạo dài 5km để đến với điểm trường Phục Quốc. Ảnh: Ngọc Anh - Phúc Trần

 Gặp Phong, người chở tôi vào điểm trường Phục Quốc, em hồ hởi kể về chuyện nhà nước xây đường, những lần xuống Hà Nội đi làm bưng bê, kể về những tuyến phố em băng qua mà không thể nào đọc đúng tên đường và 6 đứa em đang tuổi ăn tuổi lớn.

Em kể về cái thời đi học lấm lem, hành trang đi học của em cũng giống như bọn trẻ ở Phục Quốc bây giờ là những túi cơm được đựng bằng lá chuối hoặc túi nilon cũ. Hôm nào đi học mà túi bục hay lá rách thì nhịn đói là chuyện bình thường. Chẳng có thịt rau như người Kinh, quanh năm thức ăn chỉ cần có “mèn mén” (ngô trộn cơm nhão) là ấm bụng.

Phong im lặng hồi lâu, tay chỉ về phía ruộng bậc thang vàng óng lấp lánh phía xa, giọng em trùng xuống hỏi: “Bên này là núi sâu, bên này là ruộng bậc thang xa tít, người Kinh các chị thấy ruộng bậc thang rất đẹp đúng không?Còn em, chẳng biết đến khi nào mới thoát khỏi quả núi bên kia, chị nhỉ?

Còn nhớ đến câu chuyện của Khang A Tủa chàng trai người Mông đầu tiên tại Mù Căng Chải (Yên Bái) đỗ Đại học Bách Khoa và hành trình lạ lùng đến với Đại học Fulbright. Tủa từng nói rằng, dù Đông Bắc nổi tiếng là xứ sở của những khoảng ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới, nơi viếng thăm của hàng triệu du khách, thì bao đời người Mông vẫn không thể thoát nghèo.

Tủa bảo: Người Kinh các chị thấy ruộng bậc thang rất đẹp đúng không?Nhưng với những đứa trẻ vùng cao tụi em, đó là nỗi ám ảnh. Để đến trường, ngày ngày em phải đi qua những thửa ruộng bậc thang mà đường bờ be chỉ rộng hơn một gang tay người lớn. Những ngày mưa, bờ ruộng trơn, em ngã lăn lông lốc xuống những thửa ruộng phía dưới, đau điếng người, quần áo lấm lem bùn, vừa khóc vừa ôm cặp đến lớp. Em lại về ăn vạ bố. Lại đòi bỏ học”...

Tôi lặng người. Thì ra, Khang A Tủa, Phong hay bất kỳ đứa trẻ vùng cao người Dao, người Mông mà chúng tôi gặp hôm nay nếu không vượt thoát khỏi cánh rừng, cửa núi với bao la ruộng bậc thang thì đến bao giờ cái nghèo, cái đói mới thôi bám riết lấy số phận họ?

Có thể những vật phẩm như sách vở, cặp lồng, quần áo, bánh kẹo... hay công trình vệ sinh trị giá 60 triệu đồng được VAECO HAN hỗ trợ ngày hôm nay chỉ giống như muối bỏ biển. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng sự tử tế xuất phát từ tình yêu thương chân thành của nhóm thiện nguyện VAECO HAN sẽ tiếp thêm sức mạnh đến trường, nhắc nhở các em phía bên kia núi là giấc mơ thoát nghèo.

Để ngày mai, các em sẽ là một thế hệ thanh niên mới, dám ước mơ, dám khát vọng và dám thực hiện ước mơ đổi đời. Cùng mở núi, băng rừng làm giàu cho quê hương, để ruộng bậc thang không còn là nỗi ám ảnh mà chính các em sẽ thầm cảm ơn vì được sinh ra, lớn lên trên mảnh đất gai góc và vô cùng thiêng liêng ấy.

Một số hình ảnh khác:

Niềm phấn khởi, hân hoan của thầy trò và bà con dân bản khi nhận được quần áo, đồ dùng từ VAECO. Ảnh: Ngọc Anh - Phúc Trần

Dù giảng dậy trong điều kiện vô cùng thiếu thốn nhưng các thầy cô vùng cao luôn lạc quan, yêu nghề. Ảnh: Ngọc Anh - Phúc Trần

  

100% học sinh học tập tại trường Tiểu học Lương Thông đều là người dân tộc Dao. Ảnh: Ngọc Anh - Phúc Trần

"Yêu thương là hành động" được coi là tôn chỉ hoạt động của nhóm thiện nguyện VAECO HAN. Ảnh: Ngọc Anh - Phúc Trần

Theo phong tục trước đây, trẻ em và phụ nữ Lương Thông thường cạo trọc đầu, tuy nhiên khi các em đi học được thầy cô vận động nên quan niệm tóc dài cũng trở nên cởi mở hơn. Ảnh: Ngọc Anh - Phúc Trần

Hi vọng các em cùng mở núi, băng rừng làm giàu cho quê hương, để ruộng bậc thang không còn là nỗi ám ảnh mà chính các em sẽ thầm cảm ơn vì được sinh ra, lớn lên trên mảnh đất gai góc và vô cùng thiêng liêng ấy. Ảnh: Ngọc Anh - Phúc Trần

  

Bạn đang đọc bài viết VAECO HAN: Đánh thức giấc mơ thoát nghèo.... Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới