Thứ năm, 28/03/2024 17:30 (GMT+7)

Trước giờ G: Người Việt đang phải chịu quá nhiều thuế và phí?

Thùy Dung -  Chủ nhật, 30/12/2018 19:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 1/1/2019 phí khí thải chính thức có hiệu lực, người dân đưa ra câu hỏi: Nếu đã đánh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu vì lý do gây ô nhiễm rồi thì tại sao phải đóng thêm phí khí thải?

Câu chuyện thuế, phí chồng nhau cũng đã diễn ra từ trước đó, đã có nhiều ý kiến trái chiều sau những quyết định đưa ra. Vì sao lại xảy ra tình trạng đó?

Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng: “1 lít xăng phải chịu đến thời điểm hiện tại là 62% giá thành. Nếu như thêm 1 loại phí khí thải nữa thì và tôi cho như vậy là quá cao. Và người dân đang phải chịu quá nhiều loại thuế.”

PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII

 Trước đó, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi 6 Bộ là Xây dựng, Công Thương, Giao thông Vận tải, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường đề nghị xây dựng đề án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.

Văn bản trên đề nghị 6 bộ trên sẽ đề xuất đối tượng chịu phí, mức thu phí, cách thức tính phí, cơ chế thu nộp phí, quản lý và sử dụng phí... sau đó, gửi về Bộ Tài chính để nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định thu phí theo thẩm quyền. Hạn chót được Bộ Tài chính đề nghị các Bộ kể trên đưa ra phương án thu phí là cuối tháng 12/2018.

Thuế xăng dầu và phí không khí có đang là 1?

 Theo như dự tính vào ngày 1/1/2019 phí khí thải sẽ chính thức được áp dụng, Trong các lập luận thu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, Bộ Tài chính thường đưa ra nhiều lý do, trong đó có lý do hạn chế ô nhiễm môi trường.

Thế nhưng trước những lập luận liên quan đến thuế môi trường của Bộ Tài chính nhiều người dân tỏ ra bức xúc: “Nếu đã đánh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu vì lý do gây ô nhiễm rồi thì tại sao phải đặt ra loại phí bảo vệ môi trường đối với khí thải?”

Để giải thích rõ hơn PGS.TS Bùi Thị An đã đưa ra ví dụ: “Phí là gì? Phí là khi anh (Doanh nghiệp – PV) tạo ra 1 dịch vụ gì đấy để phục vụ lại, thì ở đây tôi không hiểu là các anh đưa ra 1 cái dịch vụ nào để có thể là tính phí khí thải? Ví dụ phí phục vụ ô tô hay xe máy, hay phí phục vụ cho các nhà máy họ xả thải,.. Thì nộp phí là hoàn toàn chính xác.

Thế nhưng trong trường hợp này nó (phí khí thải – PV) chưa cụ thể và tôi đề nghị chính phủ có nghiên cứu kỹ và Quốc hội cũng chưa nên thông qua chuyện này. Bởi vì hiện giờ cuộc sống của nhân dân Việt Nam còn nhiều khó khăn.”

 Việt Nam là một nước đang phát triển rất nhanh, thế nhưng nhìn vào thực tế có thể thấy mức sống của người dân chưa thật sự cao. Cũng chính bởi vậy, việc sử dụng ô tô, xe máy của Việt Nam khác một số nước ở trên thế giới.

Có nhiều quốc gia trên thế giới họ đi làm chủ yếu là tàu hỏa, tàu điện ngầm, bằng các phương tiện công cộng. Nhưng ở nước ta, phương tiện công cộng chưa đáp ứng được hết nhu cầu của người dân, vậy nên việc sử dụng ô tô và xe máy ở nước ta chủ yếu là để đi làm.

Nhìn vào thực tế của người dân, PGS.TS Bùi Thị An đã đưa ra 1 loạt câu hỏi: “Giả sử có thu thì nên cụ thể hóa thu như thế nào? Dịch vụ gì phục vụ cho việc đấy? Và cân đong đo đếm thế nào là khí phát thải ra? Có những ô tô thải ra rất ít khí thải, còn nhiều xe khác lại thải ra nhiều hơn, vậy tính như thế nào cho hợp lý? Đồng thời cần phải nghiên cứu kỹ xem nó có tác động thế nào đến xã hội của mình?”.

Có nhiều xe thải ra rất nhiều khí, nhưng có những xe chỉ xả ra rất ít. Vậy phí khí thải sẽ được tính như nào cho hợp lý?

 Tính đến thời điểm hiện tại 1 lít xăng người dân đã phải chịu 4 loại thuế gồm: Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT và thuế bảo vệ môi trường. Không phủ nhận rằng, nếu thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải thì sẽ khuyến khích người dân lựa chọn các phương tiện có công nghệ đáp ứng việc phát thải thấp.

Tuy nhiên, điều đó chỉ thực sự có ý nghĩa khi không để xảy ra tình trạng thuế chồng thuế, phí chồng phí và người phải gồng gánh nhiều nhất đó chính là nhân dân. Đồng thời, số tiền thu được phải phục vụ cho hoạt động bảo vệ môi trường.

PGS.TS Bùi Thị An một lần nữa nhấn mạnh: “Cần nhìn vào đến điều kiện sống của dân như nào thì hẵng nên đưa ra quyết định và đưa ra thì dứt khoát phải khả thi để cho tất cả mọi người thấy hợp lý và thi hành.

Chứ không sẽ gặp phải vấn đề như người dân sẽ mang tâm lý nhờn luật, nhất là đối với một đất nước đang phát triển như nước ta mà nhờn luật thì rất khó để kiểm soát.”

Bạn đang đọc bài viết Trước giờ G: Người Việt đang phải chịu quá nhiều thuế và phí?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.