Thứ sáu, 19/04/2024 17:59 (GMT+7)

Trợ giúp pháp lý - không thể thiếu vai trò của luật sư

Tùng Anh -  Thứ hai, 14/05/2018 16:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng ngày 14/5, tại Hà Nội tổ chức "Hội nghị tập huấn, trao đổi kinh nghiệm với các luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý cho công dân tại Trụ sở tiếp dân Trung ương".

Hội nghị do Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư Pháp và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức

Tham dự hội nghị có ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; TS.LS Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam ;ông Nguyễn Hồng Điệp,Trưởng Ban tiếp dân Trung ương cùng gần 200 luật sư tham gia trợ giúp pháp lý đến từ 7 Đoàn luật sư trên cả nước.

Thực hiện Chương trình phối hợp số 01 ngày 11/11/2014 giữa Ban Thường trực Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam về giám sát nâng cao hiệu quả giải quyết, khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; theo đề nghị của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã phối hợp với Thanh tra Chính phủ tổ chức triển khai công tác luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương.

Kể từ ngày thành lập đến nay,Liên đoàn Luật sư Việt Nam với đội ngũ luật sư đông về số lượng, chắc về luật pháp, giàu kinh nghiệm trên mọi lĩnh vực, với nghĩa vụ, tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt huyết.

Trong 3 năm qua, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã phối hợp với Thanh tra Chính phủ thực hiện 727 lượt luật sư trợ giúp pháp lý miễn phí cho 3.837 lượt công dân tại trụ sở tiếp công dân Trung ương ở cả 2 địa điểm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Riêng trong năm 2017 có 166 lượt luật sư trợ giúp pháp lý miễn phí cho 1.500 lượt công dân.

TS.LS Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, trong năm 2017, đã có hơn 1.500 lượt công dân đến tư vấn ở nhiều lĩnh vực khác nhau như thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường tái định cư, chính sách đãi ngộ với người có công và nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có khoảng hơn 70% vụ việc liên quan tới các quan hệ pháp luật đất đai. Các vụ việc đan xen nhau như: quan hệ pháp luật hành chính,tố tụng,thi hành án dân sự...

Theo đó, phần lớn người dân sau khi được trợ giúp pháp lý đều cám ơn sự giúp đỡ của luật sư, một số người dân đã hiểu quyền, nghĩa vụ của họ và không tiếp tục khiếu kiện.

Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban tiếp dân Trung ương cho rằng, sự tham gia tư vấn pháp lý của luật sư trong thời gian đã hoạt động tích cực, làm cho tình trạng khiếu kiện đông người giảm thiểu một cách đáng kể. Một số công dân muốn tiếp tục khiếu nại hoặc khiếu nại ở những nội dung khác đã có sự cân nhắc. Việc này có ý nghĩa nhân văn cao hơn rất nhiều so với việc tư vấn miễn phí tại các văn phòng của các luật sư.

Theo ông Điệp, trước mỗi kỳ Quốc hội, Trụ sở tiếp dân Trung ương lại đông hơn rất nhiều, chính vì vậy sự tham gia trợ giúp pháp lý của các luật sư sẽ làm cho bà con ấm lòng hơn. “Người dân không biết kêu ở đâu thì họ mới tìm đến Trụ sở tiếp dân Trung ương”.

--

Các luật sư khi tham gia việc này đều có những trải nghiệm trong quá trình tư vấn cho người dân cho nên nhiều luật sư đăng ký tham gia nhiều lần. Do đó, năm 2017 tất các tiêu chí về số đoàn đông người, số đơn thư, số vụ việc đều giảm so với năm 2016.

Tuy nhiên, ông Điệp cũng lưu ý các luật sư khi tham gia trợ giúp pháp lý cần tư vấn cho người dân thấu đáo, phân tích cho người dân các Thông tư, Nghị định, căn cứ pháp lý liên quan đến những vụ việc người dân khiếu kiện để từ đó người dân hiểu mức độ vụ việc và chọn phương án khiếu kiện cho phù hợp.

Tại hội nghị, nhiều luật sư cũng chia sẻ kinh nghiệm tư vấn pháp lý thông qua các vụ việc cụ thể nhằm tháo gỡ một phần khó khăn cho luật sư trực tiếp tham gia tư vấn pháp lý cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân tới tư vấn.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nhấn mạnh, với vai trò thực thi nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, xây dựng đảng, xây dựng chính quyền, thời gian qua, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam đã triển khai hiệu quả các chương trình giám sát, phản biện xã hội. Cùng với đó, việc thực hiện Chương trình phối hợp số 01 cũng góp phần hoàn thiện mục tiêu an dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân.

"Luật sư tham gia tại Trụ sở tiếp dân là việc thực hiện nhiệm vụ chính trị - pháp lý với tư cách là thành viên của Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam. Thực hiện công tác này, luật sư vừa thực hiện tư vấn pháp luật, giải thích, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho công dân nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, đồng thời cũng giúp công dân thực hiện đúng nghĩa vụ theo quy định, bảo vệ tính nghiêm minh của luật pháp".

“Khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua đã được quan tâm giải quyết, đặc biệt với sự tham gia hỗ trợ pháp lý của các luật sư, người dân khiếu kiện đã có điều kiện được tiếp cận tư vấn pháp luật của luật sư, một số người dân tự nguyện về địa phương không tiếp tục khiếu kiện ở Trụ sở tiếp dân Trung ương nữa”, ông Thực nói.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cũng đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn luật sư các tỉnh, thành phố cùng phối hợp với Ủy ban MTTQ các cấp trong việc tham gia hỗ trợ pháp lý cho người dân, từ đó đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người dân và phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong việc giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo ở từng cấp được phát huy hiệu quả hơn./.

Bạn đang đọc bài viết Trợ giúp pháp lý - không thể thiếu vai trò của luật sư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...