Thứ sáu, 29/03/2024 04:40 (GMT+7)

Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 7/4/2020

MTĐT -  Thứ ba, 07/04/2020 10:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức 24h nóng nhất, mới nhất hôm nay 7/4/2020 tin tức thời sự, tin tức pháp luật, tin tức tai nạn giao thông, thế giới, giải trí showbiz, thể thao…

Trung Quốc lần đầu tiên không có ca tử vong do COVID-19 trong ngày

Ngày 7/4, Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) Trung Quốc thông báo hiện Trung Quốc đại lục chưa ghi nhận thêm ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 nào trong nước.

Theo NHC, tính đến ngày 6/4, Trung Quốc đại lục xác nhận thêm 32 ca mắc COVID-19 nhưng toàn bộ là những trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, và không có ca tử vong nào trong ngày.

Như vậy đây là lần đầu tiên kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc hồi tháng 1/2020, nước này không ghi nhận ca tử vong nào trong vòng 24 giờ.

Bộ Công Thương đề xuất cho xuất khẩu 400 nghìn tấn gạo trong tháng 4

Ngày 6/4, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh có văn bản số 2412 gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn với đề xuất cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng phải kiểm soát chặt số lượng theo từng tháng với số lượng xuất khẩu trong tháng 4 là 400.000 tấn. Cùng đó, trong nước tăng dự trữ gạo trong nước từ 300 nghìn tấn lên 700 nghìn tấn.

Theo báo cáo Bộ trưởng Công Thương, xuất khẩu gạo những tháng đầu năm cho thấy nhu cầu lương thực, thực phẩm tăng khá mạnh trên thế giới. Xuất khẩu gạo hai tháng đầu năm đã tăng 31,7% về lượng và là mức cao nhất trong 3 năm gần đây. Xuất khẩu gạo tăng khiến giá gạo trong nước tăng từ 20%-25%. Với nhu cầu và tốc độ xuất khẩu gạo trong quý I, dự báo quý II xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể đạt 2 triệu tấn. Tổng cộng 6 tháng đầu năm có thể xuất khẩu trên 3,7 triệu tấn, lớn hơn nhiều so với số lượng gạo hàng hóa mà Việt Nam có thể xuất khẩu.

Theo Bộ Công Thương, qua làm việc với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn, tính đến 27/3, tổng lượng hợp đồng đã ký nhưng chưa giao của các đơn vị là 1,574 triệu tấn gạo. Trong đó, phải giao ngay từ nay đến 31/5 là 1,38 triệu tấn. Lượng gạo hiện có trong kho của 60/92 doanh nghiệp thuộc VFA là 1,65 triệu tấn.

Như vậy chỉ tính riêng các doanh nghiệp thuộc VFA, nếu tuân thủ nghiêm túc chỉ đạo không ký hợp đồng mới của Thủ tướng, lượng gạo dư vào thời điểm 31/5 vào khoảng 266 nghìn tấn.  Còn tính cả lượng gạo của các doanh nghiệp ngoài VFA, lượng gạo trong kho hiện có 1,7 triệu tấn gạo và 144 nghìn tấn thóc (tương đương 75 nghìn tấn gạo).

“Các doanh nghiệp kiến nghị phương án xuất khẩu gạo có kiểm soát trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng vẫn đảm bảo duy trì sản xuất và tăng trưởng kinh tế. Đoàn liên ngành cũng đề xuất lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 và 5 vào khoảng 800 nghìn tấn, giảm 40% so với cùng kỳ được phép xuất khẩu của năm 2019. Trước mắt trong tháng 4 cho xuất khẩu 400 nghìn tấn. Vào tuần cuối cùng của tháng 4, căn cứ vào diễn biến dịch bệnh và báo cáo của các bộ ngành, Thủ tướng sẽ xem xét, quyết định phương hướng điều hành xuất khẩu gạo cho tháng 5”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề xuất trong văn bản.

Số ca nhiễm Covid-19 ở Nga tăng kỷ lục

Ngày 6/5, theo thông tin từ Trung tâm phản ứng nhanh chống Covid-19 của Nga, trong vòng 24 giờ qua, số ca nhiễm Covid-19 ở nước này đã tăng vọt, với 954 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 được ghi nhận.

Như vậy, tính đến nay, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn nước Nga đã đạt con số 6.343 người, trong đó có 47 ca tử vong. Thủ đô Moscow là nơi có số bệnh nhân Covid-19 cao nhất với 4.484 người, tương đương hai phần ba tổng số ca trên toàn Nga.

Tuy nhiên, một điều đáng lo ngại là dịch Covid-19 ở Nga đang có dấu hiệu lây lan trên quy mô rộng khi các ca nhiễm hiện đã được ghi nhận ở 80 trên tổng số 85 đơn vị hành chính. Trong ngày 6-5, ca tử vong do Covid-19 lần đầu tiên đã được ghi nhận ở Siberia, là một bệnh nhân nam 62 tuổi sống ở Irkutsk. Trong khi đó, nhà chức trách cũng đã phát hiện 31 ca dương tính với virus corona mới tại nước CH Komi ở miền bắc nước Nga và tám ca ở nước CH Buryatia.

Trước tình hình dịch Covid-19 trở nên căng thẳng, Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin đánh giá thủ đô nước Nga là nơi "có nguy cơ cao nhất" bởi đây là nơi có số lượng lớn khách quốc tế qua lại. Ông khẳng định việc số ca bệnh Covid-19 nhập viện gia tăng buộc ông phải áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Ba khu vực Irkutsk, Tomsk và Krasnoyarsk hiện cũng đã ra lệnh tất cả những người tới từ Moscow và Saint Petersburg phải tự cách ly. Trong khi đó, chính quyền Chechnya thậm chí còn ra lệnh đóng cửa hoàn toàn nước cộng hòa này.

TP.HCM thiếu máu nghiêm trọng

Ngày 6/4, BSCKII Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM, cho biết kho dự trữ máu của TP.HCM đang giảm dần.

Bệnh viện dự kiến trong vòng 7 ngày nữa sẽ giảm đến ngưỡng báo động và thành phố sẽ rơi vào tình trạng khan hiếm máu.

Cụ thể, theo bác sĩ Dũng, từ 23/3 đến 28/3, số lượng máu hàng ngày các điểm hiến máu tiếp nhận chỉ đạt 50% lượng máu phát ra.

Kể từ 29/3 đến nay, số lượng máu tiếp nhận chỉ đạt 10% lượng máu phát ra. Hầu hết lịch hiến máu lưu động trong tháng 4 đã được đăng ký từ trước đều đã gửi thông báo ngừng tổ chức.

TP.HCM hiện nay chỉ có 2 điểm hiến máu cố định tại Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM (118 Hồng Bàng, phường 12, quận 5) và tại Trung tâm Hiến máu nhân đạo (106 Thiên Phước, quận Tân Bình) mở cửa suốt tuần để đón tiếp người hiến máu tình nguyện.

Song, số lượng chỉ dao động từ 10-50 lượt/1 điểm hiến/ngày. Do đó, sẽ dẫn đến tình trạng cung không đủ cầu trong thời gian ngắn sắp tới.

Bệnh viện đã chủ động tham mưu cho Sở Y tế TP.HCM về việc yêu cầu các đơn vị trong ngành tăng cường vận động nhân viên y tế, thân nhân người bệnh tích cực tham gia hiến máu.

Đồng thời, khuyến cáo các bệnh viện chỉ sử dụng máu khi thật cần thiết, ưu tiên cho các trường hợp cấp cứu đe dọa tính mạng, cho người già, trẻ sơ sinh, người mắc các bệnh lý tim, phổi.

Chính phủ có quyết định mới về giá điện mặt trời

Ngày 6/4, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 13/2020 cơ chế giá cho điện mặt trời, thay thế Quyết định 11/2017 hết hiệu lực từ 30-6-2019.

Theo quyết định mới, giá mua điện mặt trời mặt đất là 7,09 cent/kWh (tương đương 1.644 đồng), giảm hơn 440 đồng/kWh so với quy định trước đây. Còn giá điện mặt trời nổi là 7,69 cent (tương đương 1.783 đồng), điện mặt trời mái nhà là 8,38 cent/kWh, khoảng 1.943 đồng.

Các mức giá này chưa gồm thuế VAT, được điều chỉnh theo biến động tỷ giá VND/USD và áp dụng trong 20 năm từ ngày dự án vận hành thương mại.

Điều kiện dự án điện mặt trời mặt đất được hưởng mức giá 7,09 cent là có quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23-11-2019, vận hành thương mại trước 31-12-2020. Các dự án khác được xác định giá mua điện thông qua cơ chế đấu thầu cạnh tranh.

Riêng các dự án tại tỉnh Ninh Thuận nằm trong quy hoạch, vận hành thương mại trước 1-1-2021 được hưởng mức giá 9,35 cent/kWh (tương đương 2.086 đồng). Giá mua này cũng chưa gồm thuế VAT và kéo dài trong 20 năm.

Với các dự án điện mặt trời mái nhà, để được hưởng mức giá 8,38 cent/kWh, dự án phải vận hành phát điện, xác nhận chỉ số công tơ 1-7-2019 đến 31-12-2020.

Trốn cách ly đi bắt cá, nam thanh niên bị phạt 2 triệu đồng

Ngày 6/4, UBND xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, Quảng Nam, xử phạt hành chính 2 triệu đồng đối với Lương Văn Hùng (26 tuổi, người địa phương) về hành vi vi phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh theo Nghị định 176 của Chính phủ.

Hôm 25/3, Hùng từ TP.HCM về quê và cam kết với chính quyền địa phương sẽ cách ly lại nhà để phòng chống Covid-19.

Tuy nhiên, thanh niên này không chấp hành. Chiều 5/4, Hùng cùng 4 thanh niên đi bắt cá bằng xung điện thì bị lực lượng chức năng phát hiện.

Thanh niên này bị cơ quan chức năng địa phương xử phạt hành chính 2 triệu đồng về hành vi tụ tập đông người, không chấp hành quy định cách ly đối với người trở về địa phương từ các vùng dịch.

Cánh diều Vàng: Cuộc chiến giữa "Mắt biếc" và "Hai Phượng"

Hai bộ phim đình đám của nền điện ảnh Việt Nam trong năm qua là "Mắt biếc" và "Hai Phượng" cùng tham gia cuộc đua giành giải thưởng danh giá nhất tại Cánh diều Vàng lần này, dự kiến sẽ diễn ra tại Hà Nội, trong tháng 4 này.

Thông tin từ Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết, lần này có tổng số 113 tác phẩm điện ảnh - truyền hình và công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh từ các đơn vị trên cả nước gửi về dự giải. Trong danh sách 16 tác phẩm phim truyện điện ảnh dự giải gồm: "Bắc kim thang", "Hợp đồng bán mình", "Truyền thuyết về Quán Tiên"...; "Hai Phượng" và "Mắt biếc" được dự đoán là hai đối thủ nặng ký và là hai ứng viên sáng giá nhất. Hạng mục Phim truyện truyền hình có 13 tác phẩm tham dự, trong đó có bộ phim đình đám "Về nhà đi con", "Hoa hồng trên ngực trái", "Nàng dâu order"...

Theo kế hoạch ban đầu, lễ trao giải lần này sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hội Điện ảnh Việt Nam quyết định lùi sang trung tuần tháng 4. Tùy theo diễn biến dịch bệnh, BTC sẽ có những hình thức trao giải khác nhau.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 7/4/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.