Thứ sáu, 26/04/2024 05:33 (GMT+7)

Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 25/6/2020

MTĐT -  Thứ năm, 25/06/2020 06:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức 24h nóng nhất, mới nhất hôm nay 25/6/2020 tin tức thời sự, tin tức pháp luật, tin tức tai nạn giao thông, thế giới, giải trí showbiz, thể thao...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học 2020 phải tuyệt đối trung thực

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2020.

Chỉ thị nêu rõ, để Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2020 được triển khai nghiêm túc, trung thực, công bằng, an toàn, thiết thực, hiệu quả, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh trong điều kiện còn nguy cơ của dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (UBND cấp tỉnh) tập trung thực hiện những công việc trọng tâm.

Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm chung về Kỳ thi; ban hành các văn bản chỉ đạo, quy chế, hướng dẫn và triển khai kế hoạch tổ chức Kỳ thi và tuyển sinh; chủ động xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh; ra đề thi đáp ứng yêu cầu của Kỳ thi; cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời các quy định, thông tin cần thiết về Kỳ thi và công tác tuyển sinh; giải đáp kịp thời những băn khoăn, thắc mắc của thí sinh và người dân về những nội dung liên quan đến Kỳ thi và tuyển sinh.

Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống phần mềm dùng chung bảo đảm thống nhất, thuận lợi trong quá trình tổ chức thi ở các địa phương; xây dựng các giải pháp kỹ thuật nhằm bảo đảm an toàn, trung thực, khách quan của Kỳ thi; đặc biệt là phần mềm và quy trình chấm thi trắc nghiệm bằng máy tính, bảo đảm tuyệt đối an toàn.

Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo giáo viên thực hiện công tác tuyển sinh theo tinh thần tự chủ và trách nhiệm giải trình; phân tích dữ liệu quốc gia về kết quả thi và kết quả học tập của học sinh toàn quốc; tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu của Kỳ thi để bảo đảm an toàn, nghiêm túc, trung thực, khách quan; ngăn chặn gian lận, tiêu cực, vi phạm quy chế.

Đưa 343 công dân Việt Nam từ Đài Loan về nước

Ngày 24/6/2020, các cơ quan chức năng Việt Nam, Văn phòng Kinh tế - Văn hoá Việt Nam tại Đài Bắc, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam và các cơ quan chức năng Đài Loan (Trung Quốc) đã phối hợp thực hiện chuyến bay chở 343 công dân Việt Nam từ Đài Loan về nước.

Hành khách trên chuyến bay bao gồm những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như người cao tuổi, học sinh dưới 18 tuổi, lao động hết hạn hợp đồng, phụ nữ mang thai, người bị bệnh nền, sinh viên đã kết thúc chương trình học, người đi du lịch, thăm thân bị mắc kẹt do đại dịch COVID-19. Văn phòng Kinh tế - Văn hoá Việt Nam tại Đài Bắc đã tích cực, chủ động hỗ trợ, hướng dẫn công dân hoàn thành các thủ tục và cử cán bộ trực tiếp phối hợp với hãng hàng không quốc gia Việt Nam hỗ trợ công dân tại sân bay.

Với mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho công dân, ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, hãng hàng không quốc gia Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp về an ninh, an toàn và vệ sinh dịch tễ trong suốt chuyến bay. Ngay sau khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, những người tham gia chuyến bay đã được giám sát y tế và cách ly tập trung theo đúng quy định.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian tới, trên cơ sở diễn biến dịch bệnh trong nước và quốc tế, nguyện vọng về nước của công dân và năng lực cách ly tại các địa phương, các cơ quan chức năng Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các hãng hàng không trong nước sẽ tiếp tục thực hiện các chuyến bay đưa công dân bị mắc kẹt do đại dịch ở nước ngoài về nước.

Máy bay Pakistan rơi làm 97 người chết do phi công mải nói chuyện

Theo South China Morning Post, nhà chức trách Pakistan hôm 24-6 đã công bố báo cáo điều tra ban đầu vụ tai nạn máy bay Airbus A320 của hãng hàng không Pakistan International khiến 97 người thiệt mạng hôm 22-5.

Bộ trưởng Hàng không Pakistan Ghulam Sarwar Khan cho biết các thủ tục vận hành bay tiêu chuẩn đã không được các phi công cũng như nhân viên kiểm soát không lưu tuân thủ.

"Phi công cũng như kiểm soát không lưu đã không tuân thủ luật lệ tiêu chuẩn. Rất đáng tiếc là phi công đã quá tự tin (khi hạ cánh)", Bộ trưởng Khan phát biểu trước Quốc hội.

Ông Khan cho biết các phi công đã trò chuyện về đại dịch Covid-19 khi cố gắng hạ cánh chiếc máy bay và không kiểm soát hệ thống lái tự động. Khi chuyển sang giai đoạn hạ cánh, chiếc máy bay ở độ cao gấp đôi so với tiêu chuẩn, Bộ trưởng Khan cho biết thêm.

Nói về chiếc Airbus A320, ông Khan khẳng định chiếc máy bay ở trạng thái "100% phù hợp cho chuyến bay, không tồn tại lỗi kỹ thuật".

Máy bay dân dụng số hiệu 8303 của hãng hàng không Pakistan International chở 99 người đã gặp nạn và lao xuống một khu dân cư gần sân bay Jinnah ở thành phố cảng Karachi của Pakistan hôm 22-5. Chỉ 2 trong tổng số 99 người có mặt trên chuyến bay sống sót trong vụ tai nạn.

Dữ liệu thu thập được cho thấy phi công đã tìm cách hạ cánh nhưng không thành công, và phải bay vòng vòng trên không trung để tìm cách tiếp đất thêm lần nữa. Máy bay đã lao xuống mặt đất trong lần hạ cánh thứ hai.

Tai nạn hàng không lớn gần đây nhất ở Pakistan là vụ máy bay trực thăng của quân đội rơi ở một thung lũng phía bắc vào năm 2015, làm chết 8 người. Vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng nhất nước này cho đến nay xảy ra vào năm 2010 khi một chiếc Airbus 321 rơi ở vùng ngoại vi thủ đô Islamabad khiến 152 người thiệt mạng.

Khẩn trương điều tra, xử lý vụ trồng cần sa lớn nhất từ trước đến nay tại Đắk Lắk

Ngày 24/6, Công an huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk phối hợp với cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, xử lý một vụ trồng cây cần sa có số lượng lớn nhất từ trước đến nay ở huyện này.

Trước đó, qua tin báo của quần chúng nhân dân, khoảng 11 giờ ngày 23/6, tại địa bàn giáp ranh giữa huyện Krông Búk và huyện Cư M’gar, Công an huyện Krông Búk phối hợp với Công an huyện Cư M’gar tiến hành kiểm tra rẫy cà phê của Bùi Trung Kiên (sinh năm 1976, ở buôn Cư Juôt, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk) và phát hiện có trồng cây cần sa trái phép. Tại đây có khoảng 539 cây cần sa, cao từ 40cm đến gần 3m, được trồng trong khoảng 1,1 ha.

Bước đầu, Bùi Trung Kiên khai nhận, vào cuối năm 2019, người làm thuê cho Kiên (không rõ danh tính, nhân thân) từ Quảng Ngãi vào, cho một số hạt giống để trồng với mục đích phục vụ chăn nuôi cho gà, vịt ăn để phòng bệnh. Số hạt giống này là cần sa, được trồng từ khoảng tháng 4/2020.

Cơ quan Công an huyện Krông Búk đã tiến hành nhổ bỏ toàn bộ số cần sa trên và tiếp tục điều tra mở rộng.

Chưa tìm được nguồn lây ổ dịch bạch hầu

Trao đổi với Vnexpress, đại diện Sở Y tế tỉnh Đăk Nông cho biết đến nay không xác định được nguồn lây bệnh bạch hầu trên địa bàn, dù đã ghi nhận 12 ca trong đó một người tử vong.

"Đến nay không tìm được nguồn lây ban đầu F0, nguyên nhân gây bạch hầu vẫn đang tồn tại trong cộng đồng. Chúng tôi chỉ biết là ở ba ổ dịch đã được ghi nhận thì dân cư có tỷ lệ tiêm chủng thấp, chỉ 52-65%", ông Hà Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đăk Nông ngày 24/6 cho biết.

Ổ dịch thứ ba là cụm dân cư 12 thuộc xã Đăk R'măng, được ghi nhận ngày 23/6 với ba ca nhiễm mới nhờ xét nghiệm sàng lọc hơn 300 người dân, hôm nay không phát sinh thêm bệnh nhân. Em Giàng A Phủ, 13 tuổi, cư ngụ xã này, đang nguy kịch. Hai bệnh nhân khác sức khỏe ổn định. Cụm 12 xã Đăk R'măng cách trung tâm xã hơn 70 km, đường vào chỉ có thể đi bộ hoặc xe máy nên việc tiêm chủng gặp nhiều khó khăn, theo ông Hùng. Sau khi xuất hiện dịch, người dân mới chấp hành tiêm vaccine phòng bạch hầu.

Hiện Đăk Nông còn 6 bệnh nhân bạch hầu điều trị tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên và Bệnh viện đa khoa Đăk Nông, sức khỏe ổn định. Bốn người tuổi 9-15 tại xã Đăk Sôr, huyện Krông Nô, đã khỏi bệnh, xuất viện. Một tử vong, là bé gái 9 tuổi ở xã Quảng Hòa, huyện Đăk Glong.

Theo ông Hùng, đến chiều nay, dịch bạch hầu cơ bản đã được khoanh vùng, khống chế. Nhà chức trách đang mở rộng khám sàng lọc chủ động đến 5-6 khu dân cư của người H'mông sống rải rác trên địa bàn huyện Đăk Glong. Toàn bộ người dân ở khu vực này được lấy mẫu xét nghiệm bạch hầu, nhằm phát hiện sớm để điều trị, lập danh sách tiêm chủng.

Nhà chức trách đang cách ly 355 người ở xã Quảng Hòa và 307 người tại xã Đăk R’măng. Hơn 1.200 người được điều trị dự phòng.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 25/6/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.