Thứ bảy, 20/04/2024 07:39 (GMT+7)

Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 22/1/2020

MTĐT -  Thứ tư, 22/01/2020 09:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức 24h nóng nhất, mới nhất hôm nay 22/1/2020 tin tức thời sự, tin tức pháp luật, tin tức tai nạn giao thông, thế giới, giải trí showbiz, thể thao…

Quan hệ Đối tác Chiến lược Tăng cường Việt Nam - Thái Lan phát triển mạnh mẽ, thực chất

Ngày 20/1 tại Hà Nội đã diễn ra Tham khảo Chính trị thường niên cấp Thứ trưởng Ngoại giao lần thứ 7.

Thực hiện thỏa thuận giữa hai Bộ Ngoại giao Việt Nam và Thái Lan, Tham khảo Chính trị thường niên cấp Thứ trưởng Ngoại giao lần thứ 7 giữa hai nước đã được tổ chức dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng và Bí thư Thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Busaya Mathelin.

Hai bên đánh giá quan hệ hữu nghị và Đối tác Chiến lược Tăng cường Việt Nam – Thái Lan có những bước phát triển mạnh mẽ, thực chất. Trong năm 2019, Lãnh đạo hai nước tiếp tục trao đổi chuyến thăm cấp cao, trong đó có chuyến thăm chính thức Thái Lan và tham dự Hội nghị AIPA 40 của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (8/2019); thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt là bên lề các Hội nghị Cấp cao ASEAN do Thái Lan đăng cai trong trong năm Chủ tịch ASEAN 2019.

Các cơ chế hợp tác tiếp tục phát huy hiệu quả; hai bên đã tổ chức thành công Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác song phương Việt Nam – Thái Lan lần thứ 3 (01/2019), Cuộc họp Nhóm công tác chung Việt Nam – Thái Lan về Hợp tác Chính trị - An ninh lần thứ 11 (8/2019) và Đối thoại Chính sách Quốc phòng cấp Thứ trưởng lần thứ 3 (9/2019).

Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam – Thái Lan là điểm sáng ấn tượng trong quan hệ song phương. Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN trong khi Việt Nam là đối tác xuất khẩu lớn thứ nhất của Thái Lan trong ASEAN. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2019 đạt 17 tỷ USD, hướng tới mục tiêu 20 tỷ USD.

Thái Lan là nhà đầu tư lớn thứ 9 với 558 dự án và gần 11 tỷ USD vốn đăng ký. Hợp tác trong các lĩnh vực khác như kết nối, du lịch, khoa học – công nghệ, lao động, văn hóa, giáo dục… đạt được nhiều kết quả khả quan; đáng lưu ý, lượng khách du lịch hai nước năm 2019 đạt gần 1,5 triệu, tăng khoảng 8% so với năm 2018; tình trạng ngư dân đánh bắt cá trái phép giảm đáng kể; hai bên đang xúc tiến ký mới Thỏa thuận tuyển dụng lao động để kịp triển khai trong năm 2020.

Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp trong thời gian tới; phối hợp chuẩn bị tốt cho Kỳ họp lần thứ 4 Nội các chung Việt Nam – Thái Lan do Thủ tướng Chính phủ hai nước đồng chủ trì tại Việt Nam trong năm 2020; tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư, kết nối, giao thông vận tải, du lịch, lao động…; tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai Bộ Ngoại giao trên cơ sở Thỏa thuận hợp tác giữa hai Bộ (năm 2015), qua đó đóng góp tích cực cho quan hệ hai nước.

Bí thư Thường trực Busaya Mathelin chia sẻ nhận định tình hình khu vực và quốc tế đang diễn biến phức tạp, khó lường; các nước lớn ngày càng tăng cường cạnh tranh ảnh hưởng tại khu vực; châu Á-Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng vẫn phát triển năng động, tuy nhiên cũng đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi các nỗ lực chung để cùng nhau giải quyết. Bí thư Thường trực đánh giá cao thành công của Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vừa qua tại Nha Trang và vai trò của nước chủ nhà Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh trong tình hình hiện nay, ASEAN cần tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh thực hiện thành công Cộng đồng ASEAN, khẳng định vị thế và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực. Bên cạnh đó, là các thành viên của các cơ chế tiểu vùng Mê Công, Việt Nam và Thái Lan cần tăng cường phối hợp, trao đổi kinh nghiệm với các nước thành viên khác và các đối tác liên quan để thúc đẩy thực chất hợp tác tại tiểu vùng.

Thứ trưởng chúc mừng Thái Lan đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2019; chia sẻ các ưu tiên và sáng kiến của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 và nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc 2020-2021; đề nghị Thái Lan tích cực ủng hộ Việt Nam hoàn thành tốt các cương vị này; phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong các vấn đề an ninh chung của khu vực, trong đó có Biển Đông, sử dụng và quản lý nguồn nước sông Mê Công.

Tham khảo Chính trị thường niên cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam – Thái Lan lần thứ 7 đã thành công tốt đẹp, góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược Tăng cường Việt Nam – Thái Lan nói chung và Bộ Ngoại giao hai nước nói riêng. Hai bên nhất trí tổ chức Tham khảo Chính trị lần thứ 8 vào năm 2021 tại Thái Lan.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương làm rõ nguyên nhân vụ cháy khiến 5 mẹ con tử vong

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chia buồn sâu sắc tới các nạn nhân, thân nhân người bị nạn.

Thủ tướng đồng thời yêu cầu, UBND TP HCM chỉ đạo tổ chức thăm hỏi, động viên, có biện pháp hỗ trợ kịp thời gia đình người bị nạn; tập trung khắc phục hậu quả vụ cháy.

Bộ Công an, UBND TP HCM chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy. "Nếu có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", Thủ tướng nêu rõ.

Các cơ quan chức năng phải tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, rà soát các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn, đặc biệt là các khu vực tập trung đông dân cư sinh sống, khu công nghiệp, chợ, cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí để kịp thời có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy nổ.

Phía trước căn nhà bị hỏa hoạn. Ảnh: VietNamNet

Trước đó, khoảng 4h ngày 21/1, người dân phát hiện lửa bốc lên từ căn nhà cấp 4 của bà Lê Thị Huệ (SN 1950) ở khu phố 6, quận 9, TP HCM.

Hậu quả, 5 người trong gia đình bị mắc kẹt trong đám cháy và tử nạn. Các nạn nhân gồm bà Lê Thị Huệ và 4 người con của bà là Lê Thị Tuyết Mai (SN 1976), Lê Hoàng Thanh (SN 1980), Lê Hoàng Tâm (SN 1983), Trần Mỹ Tuyền (SN 1990, vợ anh Thanh).

Người dân địa phương cho biết, hộ bà Huệ được xếp vào diện cận nghèo của phường Phước Long B. Hằng ngày, bà Huệ sang đình Bình Thái gần nhà quét dọn, làm công quả. Những người con của bà Huệ làm nghề sơn nước, thợ hồ và trông giữ trẻ.

Theo một số nguồn tin, trước thời điểm xảy ra hỏa hoạn, có tiếng xe máy rú ga lao với tốc độ cao từ hiện trường vụ cháy ra ngoài đường. Trước đó khoảng nửa tháng, căn nhà này bị các đối tượng ném sơn do có nợ nần.

Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã phối hợp với VKSND cùng cấp lấy lời khai nhân chứng, hoàn tất công tác khám nghiệm hiện trường vụ cháy.

Người lao động dẫn lời ông Trang Viết Thanh, Trưởng Công an quận 9, cho biết, nghi vấn gia đình nạn nhân vay tiền tín dụng đen bị các chủ nợ đe dọa đốt nhà mới là tin đồn nên các cơ quan chức năng đang tìm hiểu.

“Ký sinh trùng” thắng lớn tại lễ trao giải SAG Awards 2020

Ngày 20/1, lễ trao giải SAG Awards (Screen Actors Guild Awards) lần thứ 26 đã được diễn ra tại Los Angeles (Mỹ). Đặc biệt, bộ phim được chú ý nhiều nhất tại đây chính là Ký sinh trùng (Parasite) - tác phẩm điện ảnh Hàn Quốc của đạo diễn Bong Joon-ho - đã bất ngờ được vinh danh ở hạng mục cao quý nhất Dàn diễn viên xuất sắc. Đây được coi là giải thưởng quan trọng nhất trong năm do Liên đoàn diễn viên Mỹ bình chọn.

Cùng với chiến thắng này, Ký sinh trùng đã chính thức làm nên lịch sử khi trở thành bộ phim nói tiếng nước ngoài đầu tiên được vinh tại lễ trao giải SAG Awards từ trước đến nay. Chiến thắng của Ký sinh trùng không chỉ là bước ngoặt đối với đạo diễn Bong Joon-ho mà còn được coi là dấu mốc mở đường cho điện ảnh Hàn nói riêng cũng như điện ảnh nước ngoài nói chung có chỗ đứng hơn tại thị trường Mỹ.

Dàn diễn viên "Ký sinh trùng" lên nhận giải thưởng tại lễ trao giải SAG Awards 2020 (Ảnh: Hollywood Reporter)

Tất nhiên, việc giành giải tại SAG không thể chắc chắn giải Oscar cho Ký sinh trùng nhưng cũng là bước đệm hoàn hảo để bộ phim đến gần hơn với lễ trao giải danh giá này. Trong năm nay, với hàng loạt tác phẩm xuất sắc, rất khó để có thể dự đoán bộ phim nào sẽ lên ngôi Oscar. Tuy nhiên, nhiều khán giả vẫn hi vọng Ký sinh trùng sẽ làm nên điều kì diệu tại lễ trao giải này.

AFC chính thức lên tiếng về quả penalty tranh cãi sau khi LĐBĐ Thái Lan khiếu nại

Tối 18/1, U23 Thái Lan nhận trận thua 0-1 trước Saudi Arabia và phải dừng bước tại tứ kết giải U23 châu Á. Bàn thua của đội chủ nhà đến từ quyết định gây tranh cãi của trọng tài, sau khi VAR can thiệp. Trọng tài Ahmed Al-Kaf đầu tiên trao cho Saudi Arabia quả phạt trực tiếp, nhưng sau khi tham khảo VAR ông đã chuyển thành quả penalty. Với bàn thắng từ quả 11m này, Saudi Arabia đánh bại Thái Lan và lọt vào bán kết.

AFC chính thức lên tiếng về quả penalty tranh cãi sau khi LĐBĐ Thái Lan khiếu nại

Cầu thủ Thái Lan phản đối quyết định của trọng tài trong trận đấu.

Sau trận đấu, nhiều cổ động viên Thái Lan phẫn nộ với vị vua áo đen người Oman và chia sẻ trang cá nhân của ông trên các diễn đàn bóng đá. Rất đông người hâm mộ quá khích đã vào trang cá nhân của trọng tài Ahmed Al-Kaf để công kích.

Không dừng lại tại đó, vào ngày 19/1 LĐBĐ Thái Lan (FAT) gửi đơn khiếu nại lên LĐBĐ châu Á (AFC) cho rằng đội ngũ trọng tài xử lý thiếu khách quan. Theo đó, FAT đưa ra 3 vấn đề chính trong đơn khiếu nại gửi lên AFC.

1. Một số quyết định của các trọng tài trong nhiều tình huống thiếu khách quan. Đặc biệt là việc rút thẻ vàng cho các cầu thủ U23 Thái Lan, nhưng nhẹ tay với các tình huống tương tự của cầu thủ U23 Saudi Arabia.

Trong trận tứ kết 1 U23 châu Á 2020, trọng tài rút ra 3 thẻ vàng với U23 Thái Lan, trong khi U23 Saudi Arabia chỉ 1 lần bị cảnh cáo. Đáng chú ý, U23 Saudi Arabia phạm lỗi nhiều hơn, lên đến 16 lần. U23 Thái Lan có 14 pha phạm lỗi.

2. Yếu tố khách quan khi lựa chọn các trọng tài cùng khu vực của một trong hai đối thủ.

AFC đã phân công nhóm trọng tài Oman điều khiển trận đấu. Trong đó, trọng tài chính là Ahmed Al-Kaf. FAT có lý do để phản ứng, vì Oman và Saudi Arabia là hai đồng minh tích cực ở vùng Vịnh.

3. Cần làm rõ quá trình xử lý của các trọng tài phụ trách VAR, nhất là liên quan đến tình huống U23 Thái Lan bị thổi phạt 11 mét. Việc áp dụng các quy tắc không phù hợp.

AFC chính thức lên tiếng về quả penalty tranh cãi sau khi LĐBĐ Thái Lan khiếu nại

FAT muốn AFC làm rõ việc chọn trọng tài Oman điều khiển trận tứ kết của đội nhà.

Sau đó 4 ngày, AFC đã chính thức gửi câu trả lời đến LĐBĐ Thái Lan. Trong đó ghi rõ: "Tình huống diễn ra ở phút 73, cầu thủ số 16 Sorawit Panthong bên phía Thái Lan đã kéo áo tiền đạo số 9 Abdullah Al-Hamdan của Saudi Arabia. Trọng tài ban đầu quan sát thấy điểm kéo áo ở ngoài vòng cấm nên thổi phạt và chỉ định một quả phạt trực tiếp.

Nhưng theo tổ trọng tài VAR, hành động kéo áo tiếp diễn đến khi Abdullah Al-Hamdan tiến vào phía trong vòng cấm mới kết thúc. Theo luật, lỗi của Sorawit Panthong đủ căn cứ để trọng tài chuyển thành một quả penalty cho Saudi Arabia.

Trên sân, trọng tài chính có thể chọn "xem" hoặc "không xem" màn hình VAR tùy theo tình huống. Nếu như trọng tài chính thấy tư vấn từ tổ VAR hợp lý, ông có thể nghe theo mà không nhất thiết phải dừng trận đấu để xem lại pha quay chậm.

Ngoài ra, việc lựa chọn trọng tài Ahmed Al-Kaf bắt chính là dựa trên đúng theo các tiêu chí của AFC và đây đã là phương án tốt nhất có thể cho trận đấu Thái Lan vs Saudi Arabia".
Không rõ câu trả lời từ AFC có thể làm hài lòng truyền thông và người hâm mộ Thái Lan. Nhưng trong những ngày qua, trọng tài Ahmed Al-Kaf đang chịu rất nhiều chỉ trích mạnh mẽ trên báo chí và mạng xã hội.

Và AFC sẽ phải cân nhắc rất kỹ lưỡng khi lựa chọn tổ trọng tài làm nhiệm vụ trong các trận đấu còn lại của VCK U23 châu Á 2020, khi mà kết quả ảnh hưởng trực tiếp tới tấm vé Olympic.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 22/1/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...