Thứ năm, 18/04/2024 21:30 (GMT+7)

“Thu Vọng Nguyệt”– dấu ấn đặc sắc mùa Trung thu

PHAN NGÂN -  Chủ nhật, 01/10/2017 15:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Không gian văn hóa nghệ thuật dân gian đặc sắc giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, cũ và mới đã được tái hiện sống động tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám qua sự kiện Thu Vọng Nguyệt

Không gian giao thoa của văn hóa Việt

Những ngày cận kề tết Trung thu tại Hà Nội, đâu đâu cũng ngập tràn các thức quà của tuổi thơ như đèn ông sao, đèn lồng, mặt nạ, bánh nướng, bánh dẻo... Thế nhưng để có một không gian Trung thu mang đậm nét văn hóa truyền thống đặc sắc dành cho du khách trong và ngoài nước thì không phải nơi nào cũng có.

Và thật đặc biệt cho Tết Trung thu 2017 năm nay, du khách sẽ được thưởng thức một không gian trung thu truyền thống trọn vẹn tại sự kiện văn hóa Thu Vọng Nguyệt diễn ra trong khuôn viên Văn Miếu - Quốc Tử Giám. 

Văn Miếu - Quốc Tử Giám được trang trí đẹp mặt mang đậm màu sắc văn hóa truyền thống dân gian

Nhận được sự ủng hộ của UBND Thành Phố Hà Nội, Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội, thương hiệu Quán Ăn Ngon Hà Nội và Ban Quản lý Văn Miếu, chương trình Trung thu đặc biệt được tổ chức với quy mô và hoành tráng mang đến nhiều cảm xúc lắng đọng cho khán giả.

Với không gian bài trí ấn tượng và những màn nghệ thuật đắc sắc trong suốt ba đêm, Thu Vọng Nguyệt chắc chắn sẽ tạo được ký ức khó quên với người dân thủ đô và du khách quốc tế.

Du khách có thể lựa chọn nội dung của từng đêm để tham dự hoặc có thể trải nghiệm cả 3 đêm hội để tận hưởng trọn vẹn các nét văn hóa nghệ thuật độc đáo:

Đêm thứ nhất mang tên “Thu tinh hoa”:  Đêm hội tụ của những tinh hoa văn hóa – nghệ thuật truyền thống, kết hợp tinh tế giữa sắc màu của ánh sáng cổ điển, âm nhạc dân gian và những món ăn từ ngàn xưa

Đêm thứ hai mang tên “Thu tương ngộ”:  đêm của những trải nghiệm mới lạ và bất ngờ khi chiêm ngưỡng những màn biểu diễn tài hoa và khéo léo của nghệ thuật đương đại trên nền chất liệu dân gian.

Và đêm cuối cùng mang tên “Thu tuổi thơ”: Đây sẽ là chuyến xe đưa khán giả lội ngược dòng thời gian trở về với lễ hội Trung thu truyền thống từ ngàn xưa.

Trong khuôn viên của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, rất nhiều những “hàng quán” được dựng lên để trưng bày và giới thiệu các mâm cỗ Trung thu, các trò chơi dân gian quen thuộc của trẻ em như nu na nu nống, ô ăn quan, bắn bi, rồng rắn lên mây, nhảy dây... Bên cạnh đó còn có vô số các hoạt động văn hóa dân gian thú ví cùng các nghệ nhân như: chơi đèn kéo quân, làm mặt nạ giấy bồi, nặn tò he, làm giỏ thiên nga bông, làm đèn ông sao,... 

Những chiếc đèn ông sao truyền thống làm đầy màu sắc gắn liền với tuổi thơ của bao người

Đêm Trung thu xưa đã được tái hiện thực sự trau chuốt và thấm đẫm chất liệu dân gian, giúp các em nhỏ có thêm long tư hào và tinh thần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt.

Không gian trung thu xưa được tái hiện chân thực và sống động

Sự kiện là nơi quy tụ của lực lượng văn nghệ sỹ, nghệ nhân dân gian, nhà nghiên cứu văn hoá, lịch sử... lên tới gần 500 người. Trong đó có thể kể đến những tên tuổi như Tổng đạo diễn Phạm Hoàng Nam, Họa sỹ Lê Thiết Cương (giám đốc mỹ thuật), Nhạc sỹ Quốc Trung (giám đốc âm nhạc), Nghệ sỹ Xuân Bắc – Tự Long, diễn viên Chiều Xuân, nghệ sỹ Trí Minh, ca sỹ Thùy Chi, ca sỹ Đông Hùng, NSND Thúy Hường, NSƯT Xuân Diệu, NTK Đức Hùng, NTK Hà Linh Thư, NTK Anh Thư… cùng nhiều nghệ nhân ẩm thực – làng nghề từ khắp ba miền Bắc Trung Nam.

Không chỉ mang đến một sân chơi mà Thu Vọng Nguyệt còn là cơ hội để các thành viên nhiều thế hệ ngồi lại với nhau để trò chuyện và sẻ chia.

Ở một không gian mang tính giáo dục như thế này, các em nhỏ sẽ được ngược dòng lịch sử tìm về không khí ngày Tết trung thu xưa qua hồi ức, tư liệu của Nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc, Tiến Sỹ Nguyễn Nhã, Nghệ nhân phục dựng Trịnh Bách.

Hình ảnh Trung thu Việt Nam thuần túy

Trong khuôn viên được coi là biểu trưng của thủ đô, sự kiện Thu Vọng Nguyệt đã tạo ra một không gian giao thoa hoàn hảo giữa quá khứ và hiện tại, cũ và mới, truyền thống và hiện đại. Thu Vọng Nguyệt sẽ đánh thức kí ức của tuổi thơ của những ai yêu Hà Nội, và với du khách nước ngoài thì sự kiện chắc hẳn là dịp để khám phá cũng như trải nghiệm màu sắc văn hóa dân gian của đất nước Việt Nam.

Các hình ảnh nghệ thuật sắp đặt, thiết kế ánh sáng độc đáo mang âm hưởng truyền thống Việt Nam sẽ là chất liệu tốt trong việc quảng bá hình ảnh đất nước.

Những chiếc đèn cù vẫn là trò chơi dân gian quen thuộc của thiếu nhi Việt Nam trong dịp Trung thu

Các du khách thực sự cảm thấy choáng ngợp giữa hàng trăm chiếc đèn lồng, cảm thấy thật ấn tượng với mâm cỗ đêm Rằm và thật lắng đọng bởi những hoạt động nghệ thuật. Rõ ràng đêm trung thu truyền thống đầu tiên này đã là chất xúc tác mạnh mẽ níu chân du khách nước ngoài trước một đất nước Đông Nam Á như Việt Nam.

Mâm cỗ trông giăng truyền thống phải có bánh dẻo, bánh nướng, hồng đỏ, mía, bưởi,...và không thể thiếu đèn ông sao

Người ta đến Ai Cập vì có Kim tự tháp, đến Italia vì có Tháp nghiêng chứ không phải tới Ai Cập rồi mới đi tìm Kim tự tháp hay vì đã đến Ý rồi nên phải xem tháp nghiêng! Vậy nên, khi trong lòng du khách có một ấn tượng đặc biệt về Việt Nam trong ngày rằm tháng 9 thì họ sẽ ghi nhớ và sẽ còn quay lại hàng năm. Đây cũng là sự hi vọng của Ban tổ chức trong việc xây dựng thương hiệu du lịch cho đất nước. Để có một Thu Vọng Nguyệt quy mô hoành tráng tuyệt vời năm nay, không thể bỏ không nhắc tới vai trò của thương hiệu Quán ăn ngon – đơn vị khởi xướng và tổ chức chương trình.

Quán ăn ngon đã và đang quảng bá hình ảnh việt nam bằng ẩm thực hàng ngày, hàng giờ. Tuy nhiên bằng với sự kiện lớn này, Quán ăn ngon đã đạt được một tầm cao mới trong quảng bá du lịch. Không chỉ kỳ vọng tạo nên dấu ấn đặc trưng của Hà Nội, mà những người tổ chức chương trình còn kỳ vọng Thu vọng nguyệt sẽ quảng bá được nền văn hóa dân gian đậm đà bản sắc dân tộc tới tất cả du khách trong nước và quốc tế.

Mâm cỗ trung thu truyền thống

Được biết, sự kiện văn hóa Thu vọng nguyệt sẽ diễn ra từ 17h đến 22h vào các ngày 29/9, 30/9 và 1/10  tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Và đêm nay sẽ là đêm cuối cùng Thu Vọng Nguyệt mang du khách trở về sống trong văn hóa dân gian xưa.

Sự kiện không chỉ là sân chơi Trung thu của những ai yêu Hà Nội mà chắc chắn sẽ là dấu ấn đặc trưng của mảnh đất nghìn năm văn hiến với du khách quốc tế.

Bạn đang đọc bài viết “Thu Vọng Nguyệt”– dấu ấn đặc sắc mùa Trung thu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Phòng: Bí thư Thành ủy thăm, tặng quà người có công
Chiều 17/4, Ông Lê Tiến Châu- Bí thư Thành ủy Hải Phòng đi thăm, tặng quà thân nhân liệt sĩ, Chiến sĩ Điện Biên, Thanh niên xung phong, Dân công hỏa tuyến tại quận Hải An. Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 07/5/2024).
Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.